Thế giới nói chung đã quen thuộc với các cuộc “khủng hoảng” diễn ra liên miên từ năm này qua năm khác và chưa biết khi nào mới đến điểm dừng.
Khủng hoảng tài chính, khủng hoảng tiền tệ, khủng hoảng nợ công, khủng hoảng ngoại giao, khủng hoảng chính trị…
Có lẽ so với mặt bằng chung thế giới, người Việt Nam đang đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng hơn một chút. Đó không chỉ là các cuộc khủng hoảng kinh tế, mà còn là khủng hoảng giáo dục và khủng hoảng các giá trị tinh thần.
Trao đổi với sinh viên Việt Nam ngày 9-8 vừa qua, TS Giáp Văn Dương (ĐHQG Singapore) cho rằng: “Nếu bắt buộc phải gọi tên một khủng hoảng thế hệ thì có lẽ đó là việc phần lớn người trẻ đã để mặc đời sống vật chất cuốn đi mà không nhận ra đang có khủng hoảng về các giá trị tinh thần. Nói một cách khó nhọc và tù mù kiểu truyền thống thì đó là cuộc khủng hoảng không có khủng hoảng. Tức là anh thờ ơ, vô cảm với các giá trị tinh thần”.
Nói cách khác, hiện tượng có thể dễ nhận thấy ở thế hệ trẻ ngày nay là sự tuyệt đối hóa vai trò của vật chất và bỏ mặc sự thiếu thốn về mặt tinh thần. Trạng trái cực đoan này, đương nhiên không phải lỗi của thế hệ trẻ.
Chúng ta từng có những thế hệ rất phong phú về mặt tinh thần và đời sống tinh thần của họ phần nào lấn át vai trò của cơm ăn, áo mặc cũng như những tiện nghi vật chất thông thường. Đó là những thế hệ sinh ra và lớn lên trong hai cuộc chiến tranh. Họ đứng trong một thời đại đặc biệt, một trạng thái đặc biệt của xã hội. Cơ chế kinh tế thời bấy giờ và sức mạnh của những lời kêu gọi hy sinh đặt họ đứng trong một trạng thái cực đoan khác với giới trẻ ngày nay.
Cho tới khi không thể chịu đựng sự thiếu thốn vật chất được nữa, xã hội chúng ta như một chiếc lò xo bị kìm nén lâu ngày bung mình ra hết mức có thể theo cơ chế kinh tế thị trường và thời đại mở cửa. Sự tăng trưởng của đời sống vật chất đã phá vỡ những thang giá trị tinh thần cũ nhưng bằng một cách phá vỡ vội vàng và vô tội vạ, nó lại chưa kịp bồi đắp, kiến tạo nên những giá trị tinh thần mới. Khoảng trống tinh thần đó giới trẻ ngày nay phải tự bù đắp bằng vật chất, bằng những cơn say mồi mới. Hoặc chỉ đơn giản là sự sùng bái vật chất của toàn xã hội tạo ra một cuộc ganh đua thiếu lành mạnh, trong đó giới trẻ – với vốn liếng vào đời hầu như chỉ là chữ nghĩa và sức mạnh cơ bắp – là những người dễ bị tổn thương tài chính nhất. Trách sao được những người trẻ ngày nay khi họ phải lăn xả vào đời để giành giật miếng cơm và chạy đua theo những món hàng hiệu bởi xã hội không cho họ nhiều những sự lựa chọn khác. Khi người ta đã sùng bái vật chất, mấy ai còn chăm chút cho đời sống tinh thần của mình.
Theo Không Gian trẻ