Những năm gần đây, báo chí và nghệ thuật nước nhà đã có những bước phát triển cả về nội dung, phương tiện, cách thức phục vụ, hình thức truyền tải, và đã ghi dấu ấn trong đời sống tinh thần của xã hội. Nhưng cùng với các thành tựu đó, phải nhận rằng, một số hoạt động báo chí, nghệ thuật đã không nhận được sự đồng cảm của công chúng, nếu không nói đôi khi còn bị công chúng phê phán gay gắt.
Là một người dân luôn tâm niệm phải sống có trách nhiệm với đất nước, với dân tộc, tôi thường xuyên đọc báo để tìm hiểu, suy nghĩ, từ đó nâng cao nhận thức và cố gắng làm việc hết sức mình.
Vì ham thích đọc sách báo nên tôi thấy rằng, các hình thức báo chí của nước ta hiện nay đã phát triển rất phong phú. Báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử đã hằng ngày, hằng giờ đem tới cho người đọc, người xem, người nghe nhiều thông tin cần thiết, bổ ích và lý thú. Tôi cùng nhiều bạn bè, đồng nghiệp gần như đã "nghiện" đọc báo, xem vô tuyến truyền hình, nghe đài. Chúng tôi thường bảo nhau, nếu một ngày không được tiếp xúc với báo chí, sẽ trở nên lạc hậu trước sự biến chuyển của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, của những vấn đề đang đặt ra, của những sự kiện đang diễn ra trong nước và trên thế giới.
Về vai trò to lớn của báo chí, đã được khẳng định, hầu như người dân nào cũng đã biết và hiểu rất rõ. Ở bài viết nhỏ này, tôi muốn từ tư cách một con người bình thường trong xã hội nhìn rộng ra để trình bày ý kiến. Ðó là hiện nay, hệ thống báo chí của chúng ta cần có sự điều chỉnh, uốn nắn. Qua việc đọc và đánh giá, tôi nghĩ cần phải cảnh giác với một số dấu hiệu cho thấy trong một số trường hợp, báo chí dường như đã đi ra ngoài chức năng, nhiệm vụ của mình.
Hằng ngày trên các sạp báo, nhất là ở vùng đô thị, có bày bán la liệt nhiều loại báo chí khác nhau, trong đó có rất nhiều ấn phẩm là phụ trương, phụ bản của một số tờ báo, trong đó nhan nhản những bài viết, tin tức liên quan tới đời sống pháp luật, mà phần lớn nội dung đều viết về các vụ án mạng rùng rợn, những câu chuyện lừa tình, lừa tiền giật gân, yêu đương nhăng nhít, rồi chuyện "yêu râu xanh", bạo hành chồng đánh vợ, đánh con, vợ sát hại chồng, chuyện tự tử, chuyện cướp - giết - hiếp, chuyện lừa đảo quốc tế, rồi các tai nạn thảm khốc, hoặc thám hiểm động ma hang quỷ,... Có những bài báo dài hai, ba trang chỉ miêu tả việc phóng viên vào các chốn ăn chơi, các hộp đêm, tiếp xúc và mô tả cuộc sống của các cô gái "bán hoa", những người nghiện ma túy, v.v.
Tôi nghĩ, báo chí trong cơ chế thị trường có thể mang yếu tố kinh doanh, cho nên cần có loại sản phẩm hấp dẫn để "câu khách", nhưng không nên tạo hấp dẫn bằng sự ly kỳ, quái dị, thiếu văn hóa... Xu hướng làm báo như vậy, những bài viết như thế, theo quan điểm của tôi và nhiều người tôi quen biết là hoàn toàn bất lợi, phản tác dụng, nếu không nói là phản tuyên truyền. Ðọc các bài báo đó, điều đọng lại trong tâm trí người đọc là cảm giác ghê sợ, hãi hùng, bế tắc... Nếu cứ tin theo các bài báo như vậy, sẽ dễ có suy nghĩ là xã hội đang đầy rẫy những điều xấu xa, tội lỗi; nếu không có bản lĩnh, từ đó sẽ dẫn đến chán nản, giảm lòng tin vào sự tốt đẹp và sự bình yên của xã hội, của chế độ. Chẳng lẽ một số tòa soạn, một số nhà báo lại không muốn mang tới cho người đọc hình ảnh về những con người tử tế, đang sống có lương tâm, trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân, không muốn gây dựng cảm xúc tốt đẹp trong người đọc, mà lại muốn tuyên truyền cho cái xấu, cái ác?
Ðấy là chưa nói, một số tờ báo chỉ cầm lên lật qua vài trang là người dân bình thường cũng không dám mua, không chỉ vì giá đắt, mà còn vì đầy rẫy các xì-căng-đan của văn nghệ sĩ, của giới showbiz,... trong đó chuyện đời tư được "soi" đến tận ngóc ngách, rồi các phát ngôn dễ dãi, tùy tiện, kèm theo là những bức ảnh hở hang; bên cạnh đó là chuyện tình của các "ngôi sao", người thì bỏ vợ, người thì bỏ chồng, người quan hệ ngoài hôn nhân, thậm chí cả chuyện "ngôi sao lộ hàng",... không thể coi đó "là thông tin bổ ích" đối với người đọc. Một số người viết đã dành quá nhiều thời gian để viết về đề tài này mà không quan tâm tới cuộc sống gian nan và vất vả của những anh bộ đội ở nơi biên giới, hải đảo, của những thầy giáo, cô giáo ở vùng sâu, vùng xa, những anh, chị công nhân trên các công trường xây dựng đang đổ mồ hôi, thậm chí cả xương máu, để đất nước ngày càng phát triển...
Là một người đọc, tôi ủng hộ việc báo chí phê phán cái ác, cái xấu trong xã hội, từ đó có tác dụng giáo dục và răn đe. Và cũng là người đọc, tôi muốn được đọc những trang báo bổ ích, có tác dụng thông tin tình hình thời sự chính trị - kinh tế - xã hội trong và ngoài nước với định hướng đúng đắn; được học hỏi các kinh nghiệm hay trong sản xuất và đời sống, trong ứng xử giữa con người với con người; và đặc biệt là những điển hình tiên tiến, nhân tố mới, những tấm gương người tốt việc tốt. Thêm nữa là các tấm gương, các kinh nghiệm hữu ích của các cá nhân, tập thể lao động, các em học sinh hiếu học, gương vượt khó đi lên làm giàu cho bản thân, đóng góp cho xã hội; hình ảnh các chiến sĩ bộ đội, công an đang ngày đêm quên mình vì sự bình yên của đất nước và dân tộc; rồi hình ảnh các nhà khoa học, các bác sĩ, kỹ sư, các công nhân tài năng có tay nghề cao đang ngày đêm miệt mài sáng tạo và cống hiến. Còn nhiều lắm những điều tốt đẹp, bổ ích mà báo chí cần khai thác, phản ảnh để mọi người noi theo. Hãy dành trang báo cho những việc hữu ích, hãy dành thời lượng phát sóng nhiều hơn cho những điều tốt đẹp, đó là mong muốn của tôi cùng nhiều bạn đọc. Tôi nghĩ, muốn làm được điều này, các đồng chí trong ban biên tập, chịu trách nhiệm của mỗi tờ báo cần quán triệt sâu sắc hơn nữa quan điểm báo chí của Ðảng ta. Ðồng thời, các cơ quan chức năng cần thực hiện các biện pháp xử phạt nghiêm túc, nghiêm khắc, cụ thể.
Tôi nghĩ, những ý kiến trên đây có lẽ cũng nên áp dụng cả cho giới sân khấu, ca múa nhạc, điện ảnh ở nước ta hiện nay. Bởi theo dõi các lĩnh vực này, tôi thấy cũng có những diễn biến tương tự như báo chí. Việc định hướng và kiểm soát các hoạt động sân khấu, ca múa nhạc còn nhiều điều bất cập. Báo chí đã phê phán, quần chúng đã phàn nàn khá nhiều về những bất cập, nhưng xem ra tình hình vẫn chưa biến chuyển. Xã hội hóa các hoạt động điện ảnh, sân khấu, ca nhạc là cần thiết để đỡ gánh nặng bao cấp kinh phí của Nhà nước, nhưng xã hội hóa để đưa tới những bộ phim, vở kịch nhạt nhẽo, gây cười dễ dãi, những chương trình ca nhạc nặng về nhảy nhót, gào thét, hoặc ủy mị, diễn viên ăn mặc diêm dúa, hở hang là hết sức không nên, rất phản thẩm mỹ. Xã hội hóa nghệ thuật hướng tới mục tiêu bao trùm là vì một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; tạo điều kiện cho các thành phần xã hội khác tham gia đầu tư để làm nghệ thuật, có thể làm cho đời sống vật chất của giới làm văn nghệ sẽ tăng lên. Tuy nhiên, sự tăng lên đó cần tỷ lệ thuận với sự tăng lên về chất của đời sống tinh thần, mang đến cho công chúng những cảm xúc thẩm mỹ lành mạnh, góp phần tạo nên động lực để phát triển đất nước, góp phần làm cho cuộc sống ngày càng sinh động và hấp dẫn. Nghệ thuật chân chính không thể là mảnh đất kinh doanh thuần túy, không cần quan tâm đến lợi ích tinh thần chân chính của người xem, người nghe.