Dương Tử nói: “Có sống thì phải có chết, lẽ nào mà không chết được?”.
- Thế cầu sống có nên không?
- Lẽ nào sống lâu được? Người ta không phải thích sống mà sống mãi được, yêu thân mà thân còn mãi được. vả chăng, sống lâu để làm gì? Thế tình hay dở, xưa cũng như nay; thân thể an nguy xưa cũng như nay; việc đời vui khổ, xưa cũng như nay; biến đổi trị loạn, xưa cũng như nay; cái gì cũng đã nghe thấy, đã trông thấy, đã từng trải cả rồi, thì sống trong khoảng trăm năm cũng đủ lấy làm chán, huống còn cầu lấy sống lâu để cho khổ làm gì?”.
Mạnh Tôn Dương nói: “Nếu như thế, thì chóng chết còn hơn là sống lâu. Ta nên xông vào gươm giáo, nhảy vào nước lửa để chết ngay đi có thỏa không?”.
Dương Tử nói: “Không phải thế. Đã sinh ra đời thì lúc sống cứ tự nhiên mặc, muốn làm gì thì làm, cho đến lúc chết. Lúc sắp chết, cũng tự nhiên mặc, muốn hóa ra gì thì hóa cho đến lúc cùng. Lúc sống, lúc chết, lúc nào cũng tự nhiên như không, hà tất phải quan tâm sống lâu hay chóng chết làm gì?”.
Dương Tử[1]
Lời bàn: Người ta ở đời, kẻ thì mến đời không muốn chết, hoặc có kẻ lại chán đời không muốn sống. Như thế đều là nhầm cả. Sự sống chết không phải tự cho mình có chủ quyền được, thì mình đem tâm lo nghĩ, cầu khẩn về việc sống, chết, mà có ích gì!
Thà rằng: Từ lúc sống đến lúc chết, việc mình, mình làm, còn ngoại giả phó mặc ở sự tự nhiên cho gọi là số, là mệnh, là tạo hóa cũng không cần. Thói đời, thường tình vẫn tham sống, sợ chết. Nhưng chết, vị tất là khổ hẳn. Mà sống, cũng không ai bảo là toàn sướng được! Như xưa có kẻ sống hơn trăm tuổi, ai chẳng cho sống lâu là quý! Thế mà người ấy thường vẫn ta thán rằng: “Sống làm chi cho nhục!”. Sống lâu cho vô ích mà chỉ trông nhiều cảnh tang thương thì có hay gì.
Theo “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân – NXB Trẻ
[1] Dương Tử: Người thời Chiến Quốc tên là Tử Cư, tôn chỉ học thuyết là: “Mất một cái lông mà lợi thiên hạ cũng không cho, được cả thiên hạ phụng sự một mình cũng không làm, người nào cũng không chịu thiệt, người nào cũng không ham lợi thì thiên hạ tự nhiên thái bình”. Học thuyết ấy rất thịnh hành thời Chiến Quốc và người đời bây giờ cho là học thuyết “Vị ngã”.