Gần 15 năm về trước, vào những tháng năm cô độc, ngày lang thang không địa chỉ, đêm đỏ nến khuya khoắt dưới hàng phượng rơi sâu mưa mùa đông bên dòng Hương, nằm đọc Nietzsche trong quán sách nhỏ thưa che mấy mảnh gỗ hoang tàn vĩa hè, tôi nào hay một ngày mùa xuân 15 năm sau mình sẽ cùng du lãng với Nietzche ngay nơi chôn nhau cắt rốn của ông.
Nằm cô quạnh giữa cánh đồng xanh ngát củ cải, bên con lộ từ Halle chảy về trong nắng tháng ba hanh vàng hiu lạnh, làng Rosken như một thiên đường xa vắng còn vương lại chốn trần gian với những mái nhà ngã màu hoàng hôn, những con đường lát đá quanh co mòn chân bao thế hệ. Xa xa ấy, những con đường làng cổ kính này đã đón chào bước chân lưu vong của dòng họ bá tước Nietky có gốc tích từ Balan đến ngụ cư. Và đây, dưới chân tháp chuông cao nhất làng của dòng tộc, Nietzsche yên nghỉ ngàn thu giữa người cha là nhạc sỹ mục sư Karl Ludwig Nietzsche và cô em gái Forester mà sinh thời Nietzsche trìu mến gọi là Lama. Phía bên kia vườn mộ là ngôi nhà nhỏ giản dị - nơi Nietzsche chào đời vào ngày 15/10/1844.
Không chỉ dân làng Rosken mà ngay cả dòng họ Nietky không thể ngờ rằng, từ ngôi nhà nhỏ này, đứa hài nhi bé bỏng kia, bằng những tác phẩm chấn động tâm linh Tây phương đã khởi xướng lên ngọn cuồng phong thổi qua những cánh đồng triết học, cuốn theo tiết điệu đa âm, u trầm nhưng bi tráng về thân phận con người, khát khao tìm kiếm giải đất mới cho triết học nhân loại và cho chính bản thân hiện sinh của đời sống! Đâu đó từ những bức chân dung treo tường, từ những tác phẩm ngay ngắn trên giá sách, từ những dòng thư tay, từ những bản nhạc của Richard Strauss, Mahler, Delius phổ tác phẩm của Nietzsche, người triết gia ấy như đang bước về, ngạc nhiên thầm thì mà mãnh liệt nói lời nhân thế. Người đàn bà quản lý khu lưu niệm rất bỡ ngỡ khi biết tôi là người Việt, bởi theo lời bà, cho đến chiều hôm ấy, tôi là người Việt đầu tiên thăm nơi Nietszche chào đời. Khi tuổi hai mươi cô đơn chỉ biết an ủi với " bậc thầy Schopenhauer, nhạc Schumann và những cuộc đi chơi một mình", Nietszche đã đến đặt vòng hoa tưởng niệm lên mộ Schumann, ông chẳng hề biết hơn trăm năm sau trên mộ mình cũng xanh tươi màu hoa muôn nơi kể cả một bó hoa của một gã Việt xa xôi bên kia bờ biển đông mang đến.
Dưới nấm mồ kia không biết hồn Nietzsche có còn nóng đỏ, tôi chỉ biết mình tôi từng hồi chuông đứt đoạn về một cuộc đời sương gió nhưng bây giờ đã vô ngôn nằm đó. Bất giác tôi rùng mình trước những nhát kiếm phù sinh chém qua thinh không, rằng có gì đâu- cao vọng như Nietzsche cuối cùng chỉ một nắm đất khô huống chi hằng hà tâm thức bé nhỏ quanh tôi lại đòi biến chướng thành tâm tình lớn để rồi đành hứng chịu đổ vỡ của những ảo tưởng do mình dựng lên!
Người nằm dưới mộ từng kêu lên qua lời Zarathustra "Hỡi bạn, hãy chạy trốn nương náu vào nỗi cô đơn của mình! ta nhìn thấy bạn bị ngây người vì tiếng ồn ào huyên náo của những vĩ nhân và bị châm chích khắp nơi bởi những chiếc vòi của những kẻ hạ nhân đê tiện". Liệu có một kẻ ảo tưởng cuồng ngôn, một kẻ điên tàng giả ngụy, một kẻ hiếu chiến tàn bạo đã sống tâm thức Nietzsche? Với tôi, không có ai cả mà nếu có thì nó cũng đã đào ngũ kể từ ngày "ta đã chán ngán sự khôn ngoan của ta, như con ong đã hút quá nhiều mật, ta cần có những bàn tay von về với ta" như lời Zarathustra trước khi hạ sơn rao giảng về những nỗi khát vọng mênh mông thay cũ đổi mới cho con người, kể cả những con ruồi ở chốn công trờng!
Ngắm nhìn ngôi làng cổ Rosken, tôi băn khoăn tự hỏi, có khí thiêng gì từ phong cảnh dịu dàng kia mà Rosken sản sinh ra một triết gia Nietzsche nhiệt huyết như vậy. Ngay trên đất làng tôi đang đứng, hơn 150 năm về trớc, tiếng chân mồ côi Cha khi mới lên năm của Nietzsche đã trải qua những ngày mênh mang lời thánh nhạc của người cha mục sư; đã rong chơi hồn nhiên với không gian bát ngát đồng xanh củ cải; đã mòn rã bước chân theo Mẹ trên con đường làng cổ xa với bao lần ngẫng lên kiêu hãnh với ngôi nhà thờ của dòng họ quý tộc của mình. Có lẽ, những cảm thức ngỡ rất tính từ trẻ em (Freud) cùng nhau lớn dậy trong thân xác "ba phần tư là đau đớn, phần còn lại là kiệt lực" không ngừng chống lại bệnh tật, không ngừng bị tình yêu hành hạ, khổ đau triền miên với Cosima, Lou Salomé, Malwida... là nguồn cơn làm nên tính cách triết học của Nietszche: Những dòng văn triết lý mà chan chứa thi ảnh mơ màng huyền bí, lý thú như một câu cách ngôn không xa vời hiện thực, ý chí hùng cường với hình ảnh con người siêu nhân chiến thắng trước Thượng đế đã chết để "nói lên ngôn ngữ của tình thương", tư tưởng đa dạng qua 19 tác phẩm nhưng không phân tán mà thống nhất một ý tưởng luôn luôn tôn thờ sự sáng tạo, chối bỏ cũ kỹ và khao khát vươn lên chiến thắng cùng cái mới bằng một tâm hồn siêu thoát.
Con đường sáng tạo triết học của Nietzsche cũng đi qua ba biến thể giống như Zarathustra đã nói như thế (Also sprach Zarathustra), từ 1871 lúc viết Khởi nguyên của bi kịch Hy lạp từ tinh thần âm nhạc cho đến Những suy tưởng phi thời, David Strauss- Kẻ tín ngưỡng và nhà văn (1873), Schopenhauer nhà giáo dục (1874) cho đến Richard Warner ở Bayreuth vào năm 1976 là thời kỳ thẩm mỹ-tâm lý, thời kỳ của con lạc đà bước ra sa mạc khối tri thức truyền thống nặng nề hơi thở quá khứ. Đến năm 1878 là bắt đầu bước vào giai đoạn sư tử muốn rũ bỏ những gì con lạc đà từng gánh nặng để vươn lên chinh phục tự do và làm chủ sa mạc của chính mình được mở đầu bằng tác phẩm: Phàm Phu-quá phàm phu hay còn gọi là Con người, ồ quá đổi là Người (1878), rồi đến Viễn Khách và Bóng hình mình (1880), Bình Minh (1881). Đây là thời kỳ bút chiến dữ dội trên chiến trường tư tưởng chống lại mọi giá trị theo cách nhìn của khoa học duy nghiệm và thái độ tự mãn của các tôn giáo mà Nietzsche "Không thể nào đọc được! Không thể nào viết được! Không giao thiệp với ai! Không thể nào nghe được âm nhạc!" vì cuộc sống bị ràng buộc bởi giáo lý và sự tưởng tượng thần thánh.
Và cuối cùng con sư tử mãnh liệt và khắc kỷ ấy thoát thai thành đứa hài nhi vô u "hài nhi là hồn nhiên và quên lãng, một khởi đầu mới mẻ và một trò chơi, một bánh xe quay trên chính mình".. Giai đoạn hồi quy vĩnh cữu này là những tuyên ngôn, khẳng định sự sáng tạo giá trị mới được đánh dấu từ 1882 qua tác phẩm Tri thức hân hoan, Zarathustra đã nói như thế (1883-1885), Bên kia thiện ác (1886).....Trường hợp Wagner, Hoàng hôn của những thần tượng, Nietzsche chống Wagner (1888). Và sau đó là 10 năm chìm đắm trong lặng im bước vào đời Nietzsche trong một ngày tháng giêng 1889, khi chứng kiến một ngời phu xe hành hạ con ngựa trên đường phố Turin, Nietszche chạy đến ôm hôn lấy cổ con vật đáng thương rồi gục xuống để chìm sâu trong mê loạn cho đến lúc giả biệt cuộc đời vào ngày 25/8/1900 tại Weimar.
Không biết trên sân vườn vắng vẻ này hay nơi đâu trong ngôi làng xưa này, cậu bé Nietszche đã cả gan nắm chặt hòn than rực đỏ trước lời thách thức của bạn. Mang vết cháy thành sẹo trong lòng bàn tay, Nietszche giả từ làng Rosken chu du khắp Âu châu, lúc đầu là Naumburg sau đến Bonn, Leipzig, Bale, Paris, Roma...mỗi nơi Nietszche ghé qua đều gắn liền với những tên tuổi tác phẩm của ông mà nổi bật nhất là Zarathustra đã nói như thế được viết vào mùa đông 1883 khi Nietzsche mới 39 tuổi. "Engadine là nơi tôi đã cho ra đời Zarathustra. Tôi vừa phác họa được một vài nét chính và một nắm tư tởng thu lợm về cuốn ấy và cuối trang, tôi ghi những dòng này. Khởi thảo vào tháng 8/1881 ở Sils Maria, cách bờ biển chừng 6000 bước trên cao và cao hơn hết thảy những gì gọi là nhân loại tính" (thư gửi Gast). Sau Gast- người đầu tiên được đọc Zarathustra, không biết tôi là người thứ mấy đến với tác phẩm này. Trong tâm thức tôi, dù xa hay gần lúc nào cũng ám ảnh Zarathustra là hiện thân cuộc đời sáng tạo của Nietzsche. Tám mươi đoản khúc thuyết giáo của Zarathustra gần như hội tụ toàn diện ý chí sức mạnh, sự đảo hoán giá trị, cuộc trường chinh vươn lên siêu nhân và trở về vĩnh cữu trong tư tưởng triết học của Nietzsche.
Những đóa hoa tôi mang từ quê hương Van Gogh đặt lên mộ Nietzsche vẫn long lanh sương chiều xuống sớm trên làng Rosken. Là người phương Đông, nơi không thiếu những đóa hoa Ca Diếp ngời sáng nụ cời vô lượng tôi không hề ngạc nhiên về ba biến thể sáng tạo của Nietzsche, với tôi đó cũng là một công án của vị thiền sư.
Dường như sắc màu phương Đông chấm phá đâu đó không gian tư tưởng của Nietzsche, biểu hiện nhất là nhân vật nhà tiên tri Zarathustra. Zarathustra là hình bóng của Zoroastre xứ Ba Tư và theo người em gái Lama, không phải năm 39 tuổi mà ngay từ nhỏ người anh trai thông tuệ có biệt danh là "ông mục sư con" đã ấp ủ hình ảnh chàng trai Zoroastre ba mươi tuổi trở về với đời sống, thiết lập nên một trật tự mới về tư tưởng sau những tháng năm ẩn mình chiêm nghiệm như vào " năm 30 tuổi, Zarathustra rời xứ và hồ lên núi...."- lời đầu tiên của Zarathustra đã nói như thế. Tên sách này được cảm hứng từ lời mở đầu trong những kinh điển của Phật giáo: Như thị ngã văn- Tôi đã nghe như thế.
Vậy Zarathustra là ai, ngay cả Heidegger hỏi và chưa có câu trả lời. Có lẽ mỗi người sẽ nhìn thấy diện mạo của Zarathustra theo cách riêng của mình bởi tinh thần "như thị ngã văn" là những bức thư phong kín gửi riêng cho từng người trong chúng ta. Với Zarathustra, Nietzsche mong uớc như ngời Ba Tư, lịch sử là sự kế tục của những giai đoạn tiến hóa vĩ đại gắn liền với những dự báo của các nhà tiên tri. Zarathustra của Nietzsche tiên tri về một thời đại mới ra đời mà chủ nhân là những siêu nhân với ý chí cường lực vừa tàn phá sự trì trệ vừa dựng xây giá trị mới. Thời đại ấy có thể chỉ là một giấc mơ qua nhưng Zarathustra, từ những lời tiên tri rất "trữ tình chủ quan" muốn có chiều sâu của sự lâu dài muôn thở (F.Challaye ) đã hiện thực lên một nét mới về chân dung Nietzsche: Nhà thám hiểm nội tâm hay một Don Juan de connaissance (người hiểu biết rộng), thành ngữ mà Stefan Zweig ưa dùng khi nói về Nietzsche.
Từ những lời tiên tri ấy, Nietzsche đã sinh ra hoành tráng nhưng cũng vì nó Nietzsche bị chà đạp không thương tiếc, làm cho người đời xa lánh, cho đó là một trong những nơi hình thành nên tư tưởng phát xít Hitlle. Khi quân đồng minh tiến vào nước Đức cách đây hơn nửa thế kỷ, quả là người ta có nhìn thấy những tập sách nhỏ của Nietzsche nói về ý chí hùng cường và con người siêu nhân trong các trại lính phát xít "Người hùng thì tàn bạo. Anh em ơi, hãy nêu cao tôn chỉ này: ta phải tàn bạo!" nhưng với tôi, Nietzsche đã bị lợi dụng, trên đời này có triết gia nào mà không bị lợi dụng dù ít hay nhiều.
Bởi ngôn ngữ kia là một ẩn ngữ được viết ra trong một bối cảnh: Thúc dục con người phải vượt qua những giáo điều tư tưởng đã đè nặng lên vai châu Âu và Nietzsche suốt 19 thế kỷ. "Bởi vì ta đến từ cõi Âu châu/ Cõi miền đa nghi hơn tất cả những mụ vợ tầm phào luống tuổi...Hỡi phẩm cách đức hạnh, phẩm cách châu  ưu/ Hãy thổi ào, thổi ào qua lần nữa...Ta muốn tìm gặp những người sáng tạo; những con người gặt hái và vui hưởng: ta muốn chỉ cho họ thấy bảy sắc cầu vồng cùng tất cả bậc thang dẫn đến siêu nhân". Để trở thành siêu nhân, con người phải vượt qua chính mình, vượt qua sự hèn hạ và mọi rợ vốn trì trệ tiềm ẩn trong những cám dỗ của bản năng, dẫu có hy sinh cũng không từ nan kể cả khi đối mặt với hư vô" chỉ nơi nào có những mộ phần, nơi đó mới có những sự phục sinh!"
Dĩ nhiên không phải điều gì qua môi bút Nietzsche cũng là chân lý, thậm chí còn qúa cực đoan và mâu thuẫn, nhưng xin hãy trở lại với Zarathustra bằng một ánh mắt vô nhiễm, người sẽ thấy trong sâu xa tâm hồn mình, trái tim Nietzsche muốn khát khao điều gì nhất "Anh em phải luôn trung thành với trái đất, trung thành với tất cả sức mạnh mãnh liệt nhất của nhân đức anh em. Tình yêu và tri thức của anh em phải phụng sự ý nghĩa của trái đất...hãy làm như tôi, hãy đem nhân đức lạc đường trở về với trái đất; phải, hãy đem nhân đức trở về với thân xác và cuộc sống để nhân đức của anh em làm cho trái đất có ý nghĩa-nghĩa nhân bản... Nhờ đó, tất cả mọi sự sẽ có giá trị mới".
Nhân đức của Nietzsche không phải là kinh Chúa kệ Phật, nhân đức của Nietzsche là hiện thực trần gian của tâm linh và hành động do con người tự sáng tạo nên không ngoài ai khác. Kẻ nào thành tựu kẻ đó chính là siêu nhân! "Thượng đế đã chết rồi, phải giết Thượng đế thì con người siêu nhân mới có cơ xuất hiện.. Ta dạy siêu nhân cho các người. con người là một sinh vật phải được thắng, được vượt qua". Mấy chục năm sau, tinh thần cách mạng ấy như vang vọng qua lời diễn từ nhận giải Nobel văn chương của W Faulkner - tác giả Âm thanh và cuồng nộ "Tôi tin rằng con người không những chịu đựng: nó sẽ chiến thắng nữa. Nó bất tử, không phải vì giữa muôn sinh vật một mình nó có tiếng nói không thể dập tắt được mà bởi vì nó có một linh hồn, một tinh thần có khả năng bác ái và hy sinh và chịu đựng!".
Ngày tôi ra đời, Nietzsche đã ra đi gần 1 thế kỷ, bây giờ giữa người đã khuất và tôi chỉ cách nhau một phiến đá cẩm thạch lặng lẽ một giấc ngủ Zarathustra "trong nỗi lặng yên tịnh mịch cùng niềm bí ẩn của cỏ dại muôn màu". Cỏ dại muôn màu bí ẩn của tiền nhân đã mềm mại bước chân ta bao nhiêu ta càng không quên mất bổn phận khám phá và sáng tạo của mình. "Sáng tạo! đấy là giải thoát vĩ đại khỏi mọi điêu linh thống khổ và làm cho đời sống nhẹ nhàng tươi sáng. Nhưng muốn cho con người sáng tạo khởi sinh, cần phải có nhiều đau khổ và nhiều cuộc hóa thân".
Tôi không phải là kẻ biện minh cho Nietzsche, càng không phải là kẻ yêu vị triết gia này đến nhiệt nồng, ngay cả trong những giây phút bồi hồi tâm tình bên mộ Nietzsche, tôi vẫn chất chứa ý thức khước từ ông. Những động thái cực kỳ thú vị xuất hiện, nó mang đến một cảm giác vừa gần gũi vừa xa vắng như một linh nghiệm bay qua, tái sinh vào máu thịt rồi tan biến giữa thinh không thảo nguyên xanh ngát. Có lẽ trước và sau tôi, bên cạnh chối từ vẫn có không biết bao lời chia sẻ với Nietzsche, không chỉ những người cầm bút mà còn có cả những chức sắc trong giới Ky tô giáo- vốn là vùng đất hứng chịu nhiều búa rìu tư tưởng của Nietzsche nhất.
Linh mục Yves de Montcheuil S.J từng rao giảng "Đối với một tín đồ kytô giáo đã vững tâm không sợ bị lôi cuốn, chúng tôi có thể quyết rằng ít có chi bổ ích cho tinh thần bằng sự suy nghĩ những trang Nietzsche đã viết. Bổ ích vì những trang đó bắt ta suy nghĩ và phản ứng. Nietzsche răn chúng ta đừng theo chước cám dỗ tai hại thường làm chúng ta muốn biện hộ và thần thánh hóa những yếu hèn của chúng ta và những nhu nhược của chúng ta: chúng ta nấp sau mặt nạ những nhân đức để yên thân trong cảnh nhu nhược!"(Mélanges théologiques, Aubier 1951). Nietzsche can đảm không phải ông là người dám bóc gỡ những mặt nạ ngụy tư tưởng, ông can đảm vì dẫu biết mình có thể bị nghi ngờ hoặc bị hủy diệt do chính ngọn lửa triết học mình đốt lên bằng niềm kiêu hãnh từ ngày tuổi thơ nắm chặt hòn than trên tay, ông vẫn viết ra những gì mà ông cho là chân thật nhất như tôn chỉ của " gia tộc bá tước Nietky không bao giờ biết nói dối" và " hãy làm cho anh điều hứa này Lisbeth nhé!..hãy chôn cất anh, như một người ngoại đạo mà không bao giờ biết dối trá..".
Không được nói dối, hãy nhìn thẳng vào bản lai diện mục của chính mình để hát bài ca mới là nhiệm vụ lớn lao đầu tiên của con người nhưng mấy ai làm được như Nietzsche nếu không biết rằng "bước trên đau khổ là đi lên cao"- câu châm ngôn của Hyperion, Nietzsche vốn rất yêu lúc còn sống. Dường như lường trước thế giới sẽ bước vào một cuộc chiến tư tưởng vì mình, ngay lời tựa đầu đề Zarathustra đã nói như thế, Nietzsche đã cảnh báo: Tác phẩm dành cho tất cả mọi người và không dành cho một ai!
Đi qua những chặng đường sống giữa lời chê tiếng khen, kẻ cho tư tưởng Nietszche là "những trang triết vô giá trị của một tên điên" như triết gia- viện sỹ viện hàn lâm khoa học chính trị Pháp Alfred Fouillée, người lại tạ ơn vì "chính Nietszche mới đem lại triết học cho nhân loại hấp hối này những khái niệm thế giới sống động, của lịch sử và tâm lý học" như Geneviere Bianquis từng viết. Cuối cùng linh hồn ông đã được thanh thản giữa làng quê của mình "về đây, mi lại được thoải mái tự do như trong chốn ngụ cư của mi; ở đây mi có thể toàn quyền ăn nói và tuôn trào ra bất luận điều gì; ở đây tuyệt chẳng có ai hổ thẹn về những cảm giác táo bạo thầm kín của mình". Những cảm giác táo bạo thầm kín của đứa con hoang ấy đã được trân trọng và làm hao tổn bút mực nghiên cứu cho đến ngày nay, ngay trên quê hơng miền Đông nước Đức từng quên lãng ông.
Sau một chiều bên mộ Nietzsche, tôi đành tìm cách xin tá túc qua đêm với Rosken bởi giá lạnh mưa đêm không thể cho phép đôi bàn chân sưng tấy của tôi cuốc bộ về Waimar và Halle . Từ nhà Nietszche dăm ba bước chân là đến một cái hồ nhỏ hiền hòa viền quanh những rặng liễu vàng, tôi làm quen với một ông già có mái tóc bồng bềnh trắng như một Lã Vọng tái thế. Đêm nồng ấm lò sưởi. Biết tôi đến làng vì căn nhà của Nietszche, ông già mỉm cười chân thành:
- Cho đến hơn 60 tuổi tôi mới biết người nằm dưới tảng đá cẩm thạch giản đơn kia là ai! Tên người làm ra tên làng, tên làng nuôi nấng tên người. Nếu mệt anh hãy ngủ đi, bên lò sưởi này cầu cho anh được gặp gỡ Nietszche ngay trên đất ngài ấy đã sinh ra. Những gì ta thấy trong mơ cũng là không gian và thời gian ta được sống đấy anh bạn trẻ ạ!.
Sáng mai dậy, chia tay người chủ nhà tốt bụng và ngôi làng Rosken, mang theo hình ảnh những nếp nhà xưa hiền hòa bước thấp bước cao tầng mái với không gian và ngôi mộ Nietszche đơn sơ dưới rặng cây trắc bá xanh thắm màu xuân bên tường đá tháp chuông cũ kỷ, tôi bồi hồi trở về Halle. Bất giác, giữa cánh đồng mênh mông gió cuốn bình minh lên chân trời, tôi bỗng nghe Nietszche vọng lên từ phiến đá cẩm thạch: Người ta chết đi để trở thành bất tử. Nietszche bất tử không chỉ vì tác phẩm triết học, ông bất tử bởi mãi mãi ông là một đứa con mộc mạc của làng quê Rosken- nơi ông chôn nhau cắt rốn và vĩnh cửu trở về sau những năm tháng giông bão lưu vong và sáng tạo như " Zarathoustra chết còn ôm trái đất vào lòng''.
Văn Cầm Hải