Qua đi…

Qua đi là một thực tại có thật trong cuộc sống con người. Thời gian qua đi. Vật chất qua đi. Quyền lực qua đi. Địa vị qua đi. Nhan sắc qua đi. Đau khổ qua đi. Tình yêu con người, dù là sâu đậm, tưởng chừng cũng có lúc phải qua đi.

Có những người bước vào cuộc đời ta rồi sẽ có lúc họ qua đi. Có nhiều khi tôi và bạn bước vào cuộc đời của một ai đó để rồi một lúc nào đó chúng ta biết rằng mình phải qua đi trong cuộc đời họ. Liệu họ có còn nhớ đến bạn và tôi, chỉ có trái tim họ mới biết… Liệu bạn và tôi có còn nhớ đến những người đã bước qua cuộc đời mình?

Trong cái qua đi có cái vĩnh cửu. Trong cái tưởng chừng như chưa bao giờ tồn tại, lại ẩn hiện cái hằng có. Thế nên có khi “qua đi” là cái cần thiết.

Một người từng trải, tôi thiết nghĩ, là người thấy nhiều thứ qua đi. Qua đi càng nhiều, con người ta sẽ thấy cuộc sống có nhiều vết thương, nhưng cũng trải dài nhiều màu sắc phong phú. Qua đi càng ít, người ta nhìn cuộc sống có lẽ chỉ thấy một màu đơn điệu. Cuộc đời đôi khi dạy tôi không chỉ biết “nắm giữ” mà còn phải học cách “buông tay,” không chỉ biết “ở lại” mà còn nên học cách “ra đi.”

Muốn sống thực sự ý nghĩa, con người có lẽ phải học cách qua đi. Qua đi là rời xa, là tách biệt, là biết chấp nhận cái “đơn lẻ” của mình.

Có qua đi người ta mới biết đâu là cái “bên ngoài” mình, và đâu là cái thực sự “bên trong” mình; đâu là cái “của tôi” thực sự, và đâu là cái “thêm vào” của tôi; đâu là “cái vỏ” của tôi và đâu là “cái cốt lõi” quyết định con người thật của tôi.

Sau những gì qua đi, mình còn lại gì quanh mình. Sau những “cơn lốc bất chợt” của cuộc đời, nhìn lại mới thấy mọi thứ quan trọng và vinh quang với tôi trước đây, nay chỉ còn lại những đống đổ nát…

Có những “qua đi” là đi vào dĩ vãng để lãng quên. Nhưng cũng có những “qua đi” để bước đi vào vĩnh hằng. Sự qua đi của Đức Giê-su trên thập giá là sự qua đi bước vào sự vĩnh hằng. Còn sự qua đi của tiền tài, danh vọng và địa vị là sự qua đi cần thiết đi vào dĩ vãng.

Qua đi đặt con người trong nỗi thất vọng với những gì là ảo mộng, và đặt mình đối diện với cái thực tế “trống rỗng” trong ta. Cái “trống rỗng” ấy có khi là cái tồn tại, đúng không bạn? Bởi lẽ con người ta cho dẫu có làm gì, có được bao nhiêu của cải, bao nhiêu lạc thú, cuộc sống này có hoàn hảo biết mấy, cái “trống rỗng” ấy dường như vẫn tồn tại trong tôi (và trong bạn?).

Tâm hồn con người là một vực sâu không thấy đáy giữa những ngọn núi cao của tham vọng, là một chấm đen sâu đậm giữa một thế giới đầy màu sắc nhưng nhợt nhạt dễ tàn phai.

Khi con người trải nghiệm sự qua đi của mọi thứ và của chính bản thân, đó là cơ hội thoáng thấy quanh cảnh của Thiên Đường ngay sau khi bước qua cánh cửa của Địa Ngục, là cơ hội cho ta đi tìm lại chính mình, không phải nơi cao sang của xã hội, nhưng trong tận đáy sâu thẳm của cuộc đời.

Người ta chưa xuống đáy biển không thể tìm thấy ngọc trai. Xuống càng sâu thì ngọc sẽ càng quý. Tôi nghĩ vậy…

Previous Post
Next Post