Con người từ bao đời nay đã luôn trăn trở về những vấn đề nan giải như nguồn gốc của vũ trụ này là gì, tại sao có sự sống và con người với trí tuệ để có thể ngẫm nghĩ về thế giới và thân phận của mình.
Thuyết vị nhân mạnh cho rằng vũ trụ tạo ra thế này bởi vì con người chính là chủ nhân của nó. Suy nghĩ về lý giải này cũng thật kỳ lạ: nếu trị số các hạt cơ bản và lực hấp dẫn khác đi tí xíu thôi từ lúc Bigbang đã không thể tạo ra các thiên hà, sao và nguyên tố nặng để hội tụ thành hành tinh không thể có sự sống và con người. Mọi thứ kết hợp chính xác để tạo ra chúng ta ngày nay. Xác suất vô cùng nhỏ để con người ngẫu nhiên có mặt như thể "có ai đó"cố tình lập trình ra chúng ta các tôn giáo nhất thần luận bám vào để lớn giọng. Có lẽ vì vậy mà GS thiên văn Trịnh Xuân Thuận đã tin vào God dù ông ta tự nhận mình là người theo Phật giáo.
Riêng tôi thì nghĩ khác, rất có thể có sinh vật có trí tuệ nào đó đang sống ở một xó xỉnh nào đó trong vũ trụ này cũng nghĩ như vậy, có điều hình dáng khác con người, ví dụ giống con chó. Họ nghĩ rằng God đã tạo ra họ theo hình dáng của Ngài God giống như con chó. Còn có những vũ trụ khác rất hoang dã, không có trí tuệ nào để hỏi nay hỏi nọ, có những vũ trụ kỳ lạ với những định luật hoàn toàn khác...
Mặc khác, trả lời cho câu hỏi tại sao vũ trụ là như thế này mà không phải là thế khác: là vì có con người mới có vấn đề đặt câu hỏi và thắc mắc này nọ. Đó là thuyết vị nhân yếu, quan điểm vô thần.
Rõ ràng là nếu không có con người thì không có gì để mà nói. Chúng ta là trung tâm của mọi vấn đề. Ý thức của con người quả là kỳ diệu, nhưng nó quá nhỏ bé khi đứng trước vũ trụ rộng lớn không cùng, chúng ta mong được vĩnh hằng như vũ trụ mà tiếc thay kiếp người quá ngắn ngủi. Tôi là ai, tại sao tôi có mặt ở đây và tôi sẽ thế nào khi chết đi. Ta chưa kịp hiểu điều gì đã phải đối mặt với cái chết. Thật là khiếp sợ khi nghĩ đến cái chết, chúng ta sợ phải biến mất vào cõi hư vô mãi mãi. Sự ước mong được bất tử của con người là điều dễ hiểu.
Tôn giáo đã đáp ứng được nhu cầu tâm lý này, nó ban cho con người được bất tử khi...đã chết. Hoặc là chúng ta sẽ ở với God đời đời hoặc giải thoát để thường hằng trong cõi Niết bàn tịnh lạc.
Dù vậy trong tâm khảm những người theo đạo cũng mong được bất tử ngay trong kiếp này, ít ra là sống càng lâu càng tốt. Tôn giáo đành "bó tay" với cái ý muốn này hoặc cho là nó ngược với giáo lý luân hồi giải thoát... Xã hội tiến bộ ngày càng nhanh đã tạo nhiều thành tựu làm nhen nhóm hy vọng này. Chúng ta đều rõ một điều là con người ngày càng sống lâu hơn trước. Mới cách đây mấy năm (tôi quên năm nào rồi) chúng ta đã giải mã toàn bộ gene người và biết đâu một ngày đẹp trời nào đó sẽ phát hiện những gene chìa khóa dẫn đến lão hóa, kiềm hãm và tiến tới chặn đứng tiến trình này, con người sẽ trẻ mãi không già, trường sinh bất tử, đến lúc phải xét lại luật "sinh lão bệnh tử", "luân hồi"...
Riêng tôi vẫn chưa hài lòng với phương pháp bất tử này (tham lam quá) vì nó chưa làm chúng ta bất tử thật sự. Chẳng hạn nếu ta vô tình bị xe cán hay tai nạn nào đó thì ... Ý tưởng của tôi đã trở thành hiện thực trong...một phim khoa học viễn tưởng (cứ như thằng cha này lấy cắp ý tưởng của tôi vậy). Họ lấy tế bào của người đang sống để nhân bản kiểu như ngày nay để làm phần thân xác, còn phần ý thức (tính cách, suy nghĩ, ký ức...) được mã hóa thành thông tin nhờ IT rất cao cấp đã sao lưu rồi cấy vào não của cơ thể mới.
Tất nhiên là có người cho là không thể được vì thế này thế nọ...còn tôi cho là có thể lắm nhưng chỉ xảy ra ở tương lai rất xa. Những thứ ngày nay rất bình thường với chúng ta như computer, internet, ... nếu trước đây vài trăm năm nói ra có ai tin không, không khéo bị cho là khùng điên. Nhưng vấn đề gây tranh cãi ở đây là liệu người mới "copy" có đúng là người cũ đã chết hay không. Theo tôi thì hoàn toàn đúng, tính đến thời điểm sao lưu. Những thông tin sau lúc này không được lưu lại để đưa vào người mới, do đó phải sao lưu ý thức lúc sắp chết hoặc có nguy cơ chết là đúng nhất. Còn nếu nhân bản lúc ta đang sống thì hiện thực hóa vấn đề phân thân ta sẽ trải qua nhiều tiến trình với các cơ thể khác nhau trong cùng thời điểm...
Đến đây câu hỏi "tôi là ai" bỗng nhiên nổi lên thôi thúc mạnh mẽ tìm câu trả lời. "Tôi" theo đúng ngữ nghĩa đều hiểu rõ là chỉ có một mà thôi. Tôi thử lấy ví dụ khác: nếu ta copy một file trong cái computer này ra một file nữa ta có 2 file giống...hơn cả đúc. Nếu ta delete cái file cũ và làm việc với cái file copy mới này mà không thấy gì khác cả, vì nghĩ "đây" cũng là "nó" chứ có gì khác đâu, đúng không nào. Nếu chuyển sang con người kiểu này cần phải định nghĩa lại về cái tôi. Quan điểm "bảo thủ" vẫn cho rằng tôi chỉ là một bản thân này, mọi thứ khác thì..."mặc kệ nó". Còn quan điểm "cấp tiến" cho rằng tôi là tổng thể của cái tôi "cũ" và những cái tôi mới "copy" và tất cả những gì liên quan đến tôi luôn.
Trong bộ phim đó có tính triết lý rất hay: nhân vật chính biết được có một vị tiến sĩ đã nhân bản mình thêm một người nữa bèn đi tìm giết bản sao của mình. Nhưng vì tình người khi gặp anh ta không nỡ ra tay rồi kể sự thật cho bản sao của mình biết. Cả hai bèn đến gặp ông tiến sĩ đó để hỏi tội, ông ta mới tiết lộ một sự thật phũ phàng: Nhân vật chính thật ra là bản sao, còn bản sao mới là "người thật", dấu hiệu để phân biệt là một dấu nhỏ trong mí mắt, nếu "copy" lần thứ 2 thì có 2 dấu...nhân vật chính không tin, phải đến soi gương thì vỡ lẽ mình là bản sao, còn bản sao giờ mới biết được mình mới là "người gốc"còn lúc trước cứ tưởng...
Vậy đó, tôi mà không phải là tôi, không phải tôi mới thực sự là tôi. Đây mới là sự thấm thía về tính triết lý của nó. Có lẽ phải phủ nhận cái tôi thì hay hơn không? Như vậy thật là kinh khủng đến mức không chịu nổi: không có tôi thì không có anh, không có chúng ta, không có.... không còn gì cả. Nếu luận theo kiểu hư vô như vậy cũng không ổn, thâm tâm ta phải nghĩ là còn có cái gì đó chứ. Nếu không còn gì thì ta còn gì để suy nghĩ, sự bất tử mà ta hằng ao ước liệu có còn ý nghĩa gì khi nó dành lấy điều thiêng liêng ấy cho ai đây. Nhìn lại cái tôi của mình, chúng ta thấy rõ cả thân xác và ý thức này đều từ "những cái từ bên ngoài" đi vào rồi trở ra liên tục, ta không tìm thấy cái nào thực sự là tôi hay của tôi.
Thôi thì ta đành tạm lấy cái áo khoác cái "ô hợp"trong người mình mà gọi là tôi để mà còn có gì suy tư chứ. Trên con đường đi tìm cội nguồn, chúng ta thật sự điên đầu về vấn đề bản ngã của chính mình.
Tôi cho rằng sự tìm hiểu và khám phá sự thật sau cùng là nền tảng của hết thảy mọi thứ trên đời chính là điều có ý nghĩa nhất, khi đó ta có thể an lòng mà xuôi tay nhắm mắt. Còn hơn là sống đến bất tử mà lầm tưởng. Sự bất tử chỉ có ý nghĩa nếu nó dành cho tôi, nhưng cái tôi nào đây.
Cái tôi kiểu "cổ điển"chỉ là một mớ ô hợp thân xác mà cứ thay đổi xoành xoạch (máu người chỉ vài tháng là thay mới toàn bộ, cũng vậy với cơ xương, các tế bào...) còn ý thức của mình cũng lúc này lúc khác còn nhanh hơn nữa, ngay cả trí nhớ của ta cũng cứ dần dần "đội nón ra đi" tỉ lệ thuận với tuổi tác. Chúng ta không còn thấy cái nào ở trong ta là bất biến, cố định để mà được thốt lên "à, tôi đây rồi!"
Cái tôi "gốc" đã không tìm thấy bản ngã của mình ở đâu thì cũng vậy nếu tìm đến mấy cái tôi "copy", rộng hơn là tôi và chúng ta...
Thật là vô nghĩa khi phải sống với những thứ giả tạm, sự thật ở tận nơi nào. Nhưng nếu ta từ bỏ nó thì ta cũng không còn lại gì cả. Như vậy xem ra mới tệ hơn.
Tôi xin dẫn một câu nói của ai đó nghe hay hay (mà tôi chẳng nhớ nữa) để làm phần kết cho bài viết của tôi:
"Cuộc sống không có ý nghĩa gì cả nhưng không có gì ý nghĩa bằng một cuộc sống."