Vào mùa này, buổi sáng sớm, khi bắt đầu thức giấc lúc trời tờ mờ sáng, căn phòng ngủ còn chìm trong bóng tối, tôi nằm thao thức trong cái không gian se lạnh, cái lạnh của mùa thu len lén trở về trong không khí. Và trong bầu không gian se lạnh ấy, tâm hồn tôi cũng cảm thấy một nỗi buồn se sắt, một niềm bi ai dâng tràn trên mi mắt.
Từ vào thu đến nay
Sương thu bạch
Trăng thu lạnh
Khói thu xây thành
Lá thu rơi rụng đầu ghềnh
Sông thu đưa tiễn bao ngành biệt ly….
Tản Đà
Nhìn lá vàng héo úa tàn tạ dần dần trên các cành cây, để rồi sẽ từ từ, từng cái rơi rụng, cuốn theo chiều gió bay lác đác. Mùa thu mang lại sự tàn tạ của cuộc sống, héo úa, sầu thảm. Và tôi cũng không thể nào không nhìn lại mình. Mùa thu cũng đã lác đác rơi trên khuôn mặt. Nét buồn đọng trên từng khóe mắt. Đôi mắt xa xăm, như mong chờ một điều gì xảy đến. Nhưng hoài vọng vẫn chỉ là lòng hoài vọng… Hai mươi năm, ba mươi năm…
Ta đã làm gì cho đời ta?
Những quẩn quanh và… quanh quẩn. Nhìn lại những thành, bại. Những phiền não rút từ những hoạt động tâm linh hay từ cuộc đời, những quẩn quanh tranh giành của thế gian đến từ các hoạt động trong chùa hay từ cuộc sống. Nhìn lại những tâm hồn chung quanh mình. Những cái được cho là điều hay, tốt, mà tôi thường cố bám lấy, với niềm hãnh diện ngấm ngầm, khi đạt được những quy ước ấy. Hoặc những điều xấu mà mình sợ hãi lánh xa. Để cũng ngấm ngầm cho rằng mình còn khá hơn những người đang trầm luân trong đắm nhiễm khác. Rồi bất chợt cũng nhận chân ra những đắm nhiễm của riêng mình, khởi sinh phút giây sám hối tội lỗi mà mình đã phạm phải, trong lòng sợ hãi và cắn rứt.
Phải rồi, tôi cũng nhận thấy sự tiến triển nơi tâm thức của mình, mỗi ngày một tốt hơn ở trong cái quá trình suy tư và nghiệm lý của đời sống. Nhiều khi, tôi cảm thấy như thực sự hạnh phúc trong ánh sáng của sự tiến bộ tâm linh của mình.
Nhưng sao cái cuộc sống ấy, với một cái con người của tôi nghiêm trang và đứng đắn trong sự hướng thượng thanh cao ấy, dù được nhiều sự thương mến quý trọng, dường như có những lúc, tôi cảm thấy có một điều gì khúc mắc, không ổn thỏa trong tâm. Những lúc ấy, tôi thường thở dài và câu hỏi quay quắt trong tâm trở lại ám ảnh:
Ta đã làm gì cho đời ta?
Một câu hỏi thật là đáng sợ hãi. Không ngăn được cảm giác là hình như mình đã lãng phí cả cuộc đời. Tại sao lại như thế? Tại sao lại lãng phí? Câu hỏi ám ảnh và không có câu đáp ấy lẩn quẩn mãi trong đầu.
Điều lạ là câu hỏi ám ảnh này đặc biệt luôn trở về vào một buổi sáng tinh sương như sáng hôm nay, tôi thức giấc trong cảm giác se lạnh của một mùa thu đã len lén, nhẹ nhàng, trở về, không gây một sự khua động trong tâm thức. Niềm bất chợt của cơn se lạnh ập vào tâm thức, bất ngờ, đổ ập vào lúc thức giấc buổi sáng tinh mơ, trời còn tối mờ, trong căn phòng hoàn toàn im vắng. Tôi nằm yên trong cái lạnh se sắt, tê tái, như tâm hồn tôi đang tê tái. Mặc dù chăn đệm rất là ấm áp, nhưng cái lạnh vẫn tê tái toàn thân. À, mùa thu thực sự hiện diện. Mình đã không còn nhớ thời gian trôi qua như thế nào. Trong những lăn lộn của cuộc sống thì ít mà trong những lăn lộn của niềm chiến đấu hướng thượng thì rất nhiều. Bởi vì thực sự, tôi có một cuộc sống thu hẹp, rút lui ra khỏi những hệ lụy tầm thường của con người với những buổi tiệc thâu đêm. Với những bạn bè khoe nhau niềm hãnh diện của một gia đình hạnh phúc, yêu thương, con cái thành đạt v.v… và v.v…. Tôi không còn bị thu hút lôi cuốn bởi những thứ ấy mà cảm thấy hạnh phúc hơn trong những giây phút trầm tư riêng lẻ.
Thế sự thăng trầm quân mạc vấn
Yên ba thâm xứ hữu ngư châu…[1]
Thế nên tôi thấy rất sợ hãi những giây phút bất chợt vào thu của thời gian bốn mùa. Mang lại cho tôi đồng thời tâm thức lạnh lẽo cô đơn của tâm hồn. Nhưng hỡi ôi, năm nào cũng thế, cho dù tôi có tìm đủ mọi cách nhận diện mùa thu, thế nào, rồi cũng có một hôm, tôi bị mùa thu len lén chui vào trong tâm tư, mang theo câu hỏi ám ảnh của đời tôi: Ta đã làm gì cho đời ta?...
Và trong những lần bị mùa thu bất chợt, lén chui vào tim ấy, có đôi lần tôi thoáng nghĩ đến câu Yên Chi Tỉnh:
Ôi ! Mây trắng nước xanh xa nhau vời vợi…
Kiếp nhân sinh, cho dù sống đến ngàn tuổi mà không gặp
được người tri kỷ thì cuộc sống quạnh hiu kia cũng bằng thừa…
Sáng hôm nay, tôi cũng rơi vào trong cảm giác ấy, dù tôi không chờ đợi.
Điều khác biệt của sáng nay với cảm giác mang niềm tâm sự tràn đầy nỗi se lạnh của mùa thu đó là có một người bạn rất trẻ, một người sư đệ trong đạo mà tôi rất thương mến, và có thể nói cũng là một bạn đạo tri kỷ, đến mời tôi đi cùng với em về thăm khu vườn Nhật Bản của thành phố.
Trong những ngày ghé qua đây tham dự chương trình pháp thoại của thiền viện, chúng tôi đã hàn huyên và trao đổi nhiều tâm sự trong cuộc đời đi tìm về đạo của đấng Thiên Nhân Sư. Và tôi nghĩ rằng em sẽ rất vui khi tôi chia sẻ cảm giác vào thu này với em.
Chúng tôi đi thăm vườn Nhật Bản trước. Vườn Nhật Bản với hồ cá đầy những con cá chép kiểng Nhật Bản[2] tung tăng bơi lội tranh nhau nhảy lên quẫy nước đớp những hạt đồ ăn của khách thập phương ghé thăm mua và ném xuống làm xao động mặt hồ…Và bên em, tôi nhận thức được niềm an vui khi em thấy đoàn cá nhảy lên đớp mồi như là “Lý Ngư Vượt Vũ Môn Hóa Long” rồi nghe em hoan hỷ thốt lên… “Trời ơi, trời ơi ! coi kìa, coi kìa…”. Niềm vui của em ngự tràn trên tâm thức se lạnh của mùa thu trong tôi… bạn cho tôi một niềm vui vô biên khi thấy người bạn trẻ sung sướng an bình bên hồ cá kiểng...
Nhìn em, người sư đệ trong đạo, tôi nhớ lại đã từ mấy ngày nay, trong chuyến đi thăm thiền viện này, chúng tôi đã thức trắng đêm để bàn thảo tâm sự biết bao câu chuyện về đạo về đời…
Sau khi thăm vườn Nhật Bản, em chở tôi trên chuyến xe về nhà. Tôi lại miên man rơi vào nỗi buồn se lạnh. Em cũng trầm ngâm trên xe. Chúng tôi xoay chuyển câu chuyện về những khổ đau của cuộc đời và đạo Phật. Những khổ đau mà đức Phật đã giảng giải qua giáo lý Tứ diệu đế và tóm gọn trong Bát khổ[3]. Trong đó điều khổ đau hiển nhiên nhất là Ái biệt ly và Oán tắng hội.
Tôi tả lại cho em nghe những cảm giác của tôi vào những lúc chớm thu se lạnh như sáng nay cùng với câu hỏi quay quắt trong tâm thức “Ta đã làm gì cho đời ta?”
Người bạn trẻ mỉm cười nói với tôi: “Anh biết không, có một thời gian em đã sống vô cùng thất chí và đã chọn mật mã để khóa các hồ sơ điện tử của em là là “life sucks[4]”…
Câu nói của em làm tôi càng chìm đắm trong nỗi buồn se sắt[5]…
Chúng tôi im lặng một lúc lâu, không ai nói với nhau một lời nào.
…..
Tôi thì miên man trong niềm thương cảm người bạn trẻ, đời sống ở Mỹ châu này không phải dễ dàng gì. Và em, cũng như tôi, đã phải lăn lộn trong cuộc đời, mang trên mình đầy những thương tích của đời sống. Em trẻ hơn tôi nhiều mà cũng đã phải chịu những hoàn cảnh khó khăn, để chua xót nhận ra là “life sucks”.
Nhờ vậy mà đều cùng tìm kiếm về an trú trong niềm vui bình thản của đạo.
Sau khi lên thiền viện tham dự pháp thoại, chúng tôi lại ngồi gần nhau trong bữa cơm chiều.
Sau bữa cơm trong im lặng, em hỏi tôi trong sự tế nhị dè dặt: “Em có nói gì làm cho anh buồn không?”
Tôi mỉm cười với em và trả lời: “Đâu có, mà tại sao em hỏi thế?”
“Bởi vì thấy anh trầm ngâm suốt buổi”
“Là vì em nói chuyện xưa của em làm anh nghĩ lại cuộc đời ngày hôm nay. Hai chữ life sucks mà em nói ra sáng nay làm anh nghĩ thêm đến chữ bite the dust[6], để làm thành bài thơ con cóc nhỏ:
Life sucks
Bite the dust”
Em nghe xong cũng phải mỉm cười …
Rồi tôi nói thêm với em về những cảm giác se lạnh của tâm hồn, của mùa thu len lén, của câu hỏi “ta đã làm gì cho đời mình” và sự liên hệ đến câu life sucks, bite the dust….
Có ai trong chúng ta mà không một lần trong đời không cảm nhận được những thất bại và đời khổ đau chán ngán? Ngay cả những người “thành công nhất trong đời” và cả “trong đạo hay trong chùa, được chư vị tôn sư yêu quý”, đến một lúc nào đó cũng sẽ phải một mình đối diện cô đơn với tâm thức để nhận diện sự thất bại và chán ngán...
Để rồi tự hỏi mình: “Tất cả những điều thế gian đó dẫn dắt mình đi về đâu?”
Bài học Khổ đế căn bản nhất của đấng Thế Tôn vẫn chưa nuốt trôi và tiêu hóa đâu nhỉ? Và có lẽ vì vậy mà đấng Thế Tôn đã phải giảng thêm giáo lý về Bát thế phong[7].
Em giải thích thêm là chuyện của em dùng mật mã “life sucks” để khóa các hồ sơ đã xảy ra từ lâu rồi và em đã ra khỏi giai đoạn của thời điểm đó. Bây giờ không còn thấy đời buồn mà em đã cảm nhận được niềm vui của đời sống. Kể từ khi em quay về nương tựa nơi Phật pháp và hành trì thiền định, em đã tìm được sự cân bằng nơi tâm hồn.
Tôi cũng kể lại cho em nghe, có một lần trong khi thiền định, tâm tôi thật an bình và khởi lên lời kinh thật mầu nhiệm của Lăng Già Tâm Ấn:
Thế gian lìa sanh diệt
Như hoa đốm hư không,
Trí chẳng thấy có, không
Mà khởi tâm đại bi.
Tất cả pháp như huyễn
Xa lìa nơi tâm thức,
Trí chẳng thấy có, không
Mà khởi tâm đại bi.
Xa lìa chấp đoạn thường
Thế gian hằng như mộng,
Trí chẳng thấy có, không
Mà khởi tâm đại bi.
Ngồi an bình như thế… tâm khởi lên cảnh giới vô biên lìa xa mọi ý thức. Sau một lúc mà tôi cũng không biết là bao lâu thì tự nhiên thấy xúc động rất nhiều với hai dòng nước mắt chảy trên má. Từ lần đó tôi cảm nhận được sự bình an của tâm hồn, mọi thứ chung quanh và thế giới không còn quan trọng nhiều đối với tôi. Tôi thấy ra ý nghĩa của vô vi và tại sao đức Phật giảng vô nguyện, vô tác, cũng như mọi pháp, tự bản chất của chính nó, đều đã hoàn hảo. Và từ đó tôi có một đời sống thật là bình thản an vui trong sự mầu nhiệm của lý vô thường.
Câu chuyện life sucks của em làm chúng tôi bàn luận và suy nghĩ thêm rất nhiều về ý nghĩa của đời sống. Tất cả đều theo thời gian để đi về một sự hủy diệt cuối cùng, một hệ quả sau cùng tất nhiên phải đến. Tất cả mọi niềm vui thế gian đều dẫn về sự chia ly như chuyến đi thăm thiền viện hôm nay rồi cũng dẫn đến ngày ly biệt. Tất cả đều sẽ phải đưa về sự chấm dứt, mọi niềm vui rồi sẽ phải phai tàn.
“Đúng vậy, đâu có gì tốn tại mãi mãi với thời gian đâu. Nhưng em vẫn cảm thấy được là trong cái life sucks đó mình vẫn còn hưởng được những giây phút hạnh phúc, sung sướng của cuộc đời, thì mình cứ tạm vui với niềm vui nho nhỏ đó đi…”
“Để anh trả lời cho em bằng cách kể em nghe một câu chuyện ngụ ngôn Phật giáo mà có lẽ là em đã biết, nhưng cứ kể ra cho vui nhé…”
“Có một người đi trong rừng và bị một con cọp tấn công, rượt bắt ăn thịt.
Ông ta chạy trối chết để thoát thân, đến bìa rừng thì gặp một vực thẳm và vấp vào tảng đá ngã xuống vực, nhưng nhanh tay chụp được vào một sợi dây rễ cây rừng, đánh đu treo tòng teng lơ lửng bên bờ vực thẳm.
Trên bờ ở bìa rừng thì con cọp đang nhe nanh múa vuốt đứng rình chỉ chực vồ ăn thịt.
Ông ta lơ lửng đánh đu, treo trên sợi dây rễ cây leo cạnh vách đá, mạng sống nguy hiểm không biết khi nào tiêu tan. Trên đầu dây thì có hai con chuột một đen một trắng đang gậm nhấm, ăn sợi dây rễ cây leo mà ông ta đánh đu, sợi dây bị gặm mòn chỉ còn mỏng manh có một nửa.
Trong cùng lúc đó ông nhìn lên phía trên đầu mình và thấy một tổ ong, từ đó nhỏ xuống những giọt mật ong rơi lên trên đầu. Ông ta bèn lè lưỡi ra hứng những giọt mật ong và suýt xoa khen ngon ngọt… quên hẳn những nguy hiểm đang rình chực trên sinh mạng của mình.
Em cười phá lên và vui vẻ nói mạng sống của ông ta như chỉ mành treo chuông.
Đúng vậy, con cọp thí dụ cho tử thần chỉ rình chờ để cướp đi mạng sống. Hai con chuột đen trắng thí dụ cho ngày và đêm, đang gậm nhấm thời gian trên mạng sống của ông ta, mỗi lúc lại đến gần hơn với sự chết. Nhưng niềm hạnh phúc phù du của giọt mật, tượng trưng cho khoái lạc của đời sống thì ông ta vẫn không thể nào bỏ qua và khoan khoái hưởng thụ quên cả hiểm nguy đang rình chờ, hít hà khen ngon.”
Em mỉm cười, em có một nụ cười thật là tươi đẹp, có lẽ tâm hồn em bây giờ cũng an bình tươi đẹp như nụ cười của em. Cuộc đời và khổ đau đã làm cho em trưởng thành ngay trong một xã hội có đầy dẫy những vấn đề an sinh và tội phạm.
Rồi em chép miệng than một cách rất bâng quơ: “Vậy thì bây giờ mình tính sao đây, khi mà đời sống đã mãi là khổ đau chán ngán (nghĩa là life always sucks)”.
Tôi cười phá lên và nói: “Thì còn biết làm sao, nỗi buồn thì như là không bao giờ dứt, trong khi niềm vui thì thật phù du ngắn ngủi và mau tàn… Như là lần về tham dự pháp hội này đã qua đi thật nhanh chóng, ngày mai là anh sẽ phải sửa soạn ra phi trường để đi về.”
Em lại cười và nói: “Nhưng anh có thấy những ngày vừa qua chúng ta đã sống thật là đẹp, sống trong tình thương yêu của Pháp hội và pháp thoại thuấm nhuần trong tinh thần từ bi hỷ xả. An bình khởi ra ngay từ trong đời sống thế gian khi mà mình phát nguyện được tình thương vô nguyện, vô cầu, không chút tính toán giữa những con người và con người…”
“Phải rồi em, tất cả những ngày pháp hội trôi qua thật là đẹp, một kỷ niệm đẹp sẽ không phai nhạt trong lòng, cũng như là kỷ niệm của ngày hôm qua đi thăm vườn Nhật Bản thật là đầy thiền vị…”
Thời gian, ôi, thời gian luôn trôi đi không bao giờ ngừng lại và mang theo đi tất cả những kỷ niệm cho dù đẹp nhất.”
Hôm sau, em chở tôi ra phi trường để tôi bay về nhà. Chúng tôi từ giã nhau, chia tay trong niềm bịn rịn của tình đạo hữu và ánh sáng đạo của những ngày nghe pháp thoại. Trước khi ra về tôi chép tay tặng em bài thơ Vô Thường mà tôi đã làm trong một lần lãng đãng khởi hứng nào đó trong quá khứ.
Vô thường
Này em ơi
Trong đời sống,
Có khi nào mà lại không buồn…
Có khi nào mà lại không vui…
Này em…
Từng ngày qua,
Thời gian và dĩ vãng,
Những kỷ niệm, cho dù đẹp nhất
Rồi cũng mất mát, phai tàn …
(Mà dòng đời vẫn bình thản trôi đi.)
Bèo giạt …
Bến sông
Sầu lãng đãng
Tịch dương …
Hoang vắng
Nắng chiều hôm.
Liêu lang*
Hành dị**
Sầu tiễn biệt
Bồ đào
Hồng tửu
Túy mộng nhân.
Bụi trần
Phất qua
Ngày rất lạ.
Chợt hát
Nhân gian
Thoáng vô thường.
* Phiêu lãng (Gan Lan Shu)
** Tri nan hành dị (thuyết của Tôn Trung Sơn)
Nguồn: hoangphap.info
[1] Thế sự thăng trầm anh đừng hỏi. Ngoài khơi khói sóng chiếc thuyền nan.
[2] Cá chép kiểng Nhật Bản tên gọi là cá Koi. Ngồi bình thản ngắm cá Koi là một sự hành trì đầy thiền vị.
[3] Bát khổ bao gồm: 1. Sinh khổ 2. Lão khổ 3. Bệnh khổ 4. Tử khổ 5. Ái biệt ly khổ (Nỗi khổ phải xa lìa người thương ) 6. Oán tắng hội khổ (nỗi khổ phải gặp gỡ kẻ mình không ưa thích) 7. Cầu bất đắc khổ (khi mong cầu một điều gì đó mà không toại ý) và 8. Ngũ ấm xí thạnh khổ (sắc, thọ, tưởng, hành, thức không hòa hợp trong thân tâm, làm ta phải chịu các loại phiền não và khổ đau).
[4] Tạm dịch life sucks là: đời khổ đau, đáng chán. Ở đây, tác giả xin giải thích thêm là thế hệ trẻ và Phật giáo tại hải ngoại thường bị ảnh hưởng văn hóa của Mỹ châu. Từ ngữ gốc Mỹ sucks bao gồm ý nghĩa là tệ hại, không tốt, giống như một đứa trẻ không bỏ được tật bú ngón tay cái, hoặc khi thổi kèn saxo mà tệ quá thì người Mỹ cũng nói là anh ta không biết thổi kèn mà chỉ ngậm kèn.
[5] Tôi âm thầm nhớ lại câu nói sau của ai đó: Life sucks and happiness eludes us, and what few moments of pleasure we get only show us how empty and meaningless the rest of our existance truly is.
Tạm dịch: Đời sống thật là chán ngán đầy khổ đau và niềm hạnh phúc thì luôn luôn vuột khỏi tầm tay. Cho dù chúng ta có được vài giây phút hạnh phúc phù du thì rút cục cũng chỉ chứng tỏ là sự hiện hữu tồn tại còn lại của chúng ta thực là trống rỗng và vô nghĩa lý.
Đây là điểm khởi đầu của nhận thức về bản chất thực sự của cuộc đời, và sẽ giúp chúng ta hăng hái bắt đầu cuộc hành trình tìm về đạo.
[6] Bite the dust nghĩa đen là nếm bụi đường. Ý nghĩa là thất bại, ngã gục.[7] Bát thế phong là tám ngọn gió thế gian thổi chúng sinh ngả nghiêng trên con đường đạo, bao gồm: 1-Lợi (lợi lộc), 2-Suy (hao tổn), 3-Hủy (bị chê bai chỉ trích), 4-Dự (được khen ngợi), 5-Xưng (được ca tụng), 6-Cơ (bị nói xấu ), 7-Khổ (bị chướng duyên nghịch cảnh, khổ não), 8-Lạc (gặp được duyên tốt, thuận cảnh, vui vẻ).