“Con người sống dựa vào tự nhiên. Như thế nghĩa là tự nhiên là thân thể con người. Để khỏi chết, con người phải ở trong quá trình giao dịch thường xuyên với thân thể đó. Sinh hoạt vật chất và tinh thần của con người liên hệ khăng khít với tự nhiên. Con người là một bộ phận của tự nhiên"[1]. Nếu phân chia con người và tự nhiên thành hai thực thể tách biệt sẽ dẫn đến sự huỷ hoại cuộc sống còn người.
Con người vừa là sản phẩm của tự nhiên vừa là sản phẩm của xã hội. Quan hệ Thiên - Địa - Nhân khăng khít như là một. Con người sẽ mãi mãi khám phá sự huyền bí của vũ trụ và mãi mãi khám phá chính mình để phục vụ cho chính con người. Nhưng trái đất thì vẫn quay ngược chiều kim đồng hồ, từ trường của trái đất vẫn từ bắc xuống nam, mặt trăng vẫn quay quanh trái đất và tất cả vẫn quay quanh mặt trời. Ở thế kỷ nào cũng vậy, ở vùng nào trên trái đất này cũng thế, con người không những không quay ngược tất cả được, mà tất cả đang tác động đến con người, mà con người đang tồn tại. Tự nhiên đang tồn tại, hai sự sống tuy khác nhau nhưng lại thống nhất thành sự tồn tại lớn lao hơn trong nhịp điệu chung.
Như vậy, không phải con người muốn làm gì thì làm để chống lại tự nhiên và sự vận động của xã hội. Con người chống lại tự nhiên chính là chống lại sự sống của chính mình. "Một tự nhiên hào phóng thì nó dắt tay người ta như dắt tay trẻ con tập đi, nó ngăn cản con người phát triển bằng cách không làm cho sự phát triển của con người trở thành một tất yếu tự nhiên"[l]. Từ ngoại hình của con người, 5 màu da cơ bản của loài người trên trái đất, 7 sắc cầu vồng trên trời, trí tuệ và đời sống của con người tưởng như không thể xoay chuyển được, nhưng may thay "con người nhận thức được quy luật của tự nhiên và có thể sử dụng được quy luật một cách chính xác"[l]
Trí tuệ con người ở thế kỷ tới sẽ phát triển đến mức kinh ngạc, sẽ phá vỡ những quan niệm thông thường, nhận thức thông thường về con người từ trước tới nay. Văn minh vật chất sẽ được đẩy lên rất cao, và như vậy thì chủ nghĩa nhân văn càng có điều kiện bừng sáng, nhưng đồng thời lòng tham không đáy của những con người nào đó có thề cũng phát triển và cái ác có thể sẽ phát triển theo. Cưỡng chế bên ngoài không ngăn nổi nó. Nó sẽ phát triển không giới hạn. Khi con người có sức mạnh trong tay: tiền, vũ khí, quyền lực... thì họ cũng dễ dùng sức mạnh đó làm điều ác đề đạt tham vọng. Quá trình từ tham vọng đến chỗ làm điều ác diễn ra dưới nhiều vẻ khác nhau. Có khi cái ác được khoác áo từ bi, nhung lụa. Cái ác đó sẽ làm mất đi, làm chết khả năng phát triển của con người. Vì "bản thân con người là từ giống vật mà ra, cũng đã bao hàm cái sự thật con người không bao giờ hoàn toàn thoát ly những thuộc tính vốn có của con vật, thành thử vấn để bao giờ cũng chỉ là ở chỗ những thuộc tính đó có nhiều hay ít, trình độ khác nhau thì thú tính và nhân tính có nhiều hay ít mà thôi"[2]
Thật bất hạnh cho một địa phương, một vùng nếu do một sự tranh chấp nào đó, không tự kiềm chế được dẫn tới việc cầm dao tay phải tự chém vào tay trái hoặc ngược lại.
Thật là thảm hoạ cho một vùng, một dân tộc và cá loài người, nếu cái ác cứ phát triển và không có cách nào giải phóng được con người thoát khỏi sự áp bức mới, tai hoạ mới.
Lịch sử phát triển của xã hội loài người đã chứng minh sức mạnh không ở mãi trong tay một người, văn minh không nằm mãi ở một vùng. Tự nhiên sẽ tiếp tục vận động, xã hội cũng vận động. Người nắm trong tay sức mạnh vật chất, đồng tiền và quyền lực hãy tỉnh táo cố tự ghìm mình. Kẻ ác sẽ phải trả giá cả về vật chất và tinh thần nặng hơn gấp nhiều lần điều ác mà họ gây ra[!] Bình tĩnh một chút, điểm lại lịch sử, chúng ta từng thấy có những người làm điều ác trên thế giới người hiện thực này. Dù một vài dân tộc nào đó đã không chặn được bàn tay của họ nhưng họ cũng đã phải nhận đòn phản lực. Đó chính là quy luật của tự nhiên và xã hội. Điều mong mỏi đầu tiên của con người là: "Người ta phải có khả năng sống đã thì rồi mới có khả năng làm ra lịch sử"... "rồi bắt đầu sinh ra người khác, sinh sôi nảy nở, đó là quan hệ giữa chồng và vợ, cha mẹ và con cái, đó là gia đình…"[l]. Không sống thì chẳng có gì hết, nhưng sống quá điêu đứng như một số người, một số vùng trên trái đất này thì vô cùng đau khổ.
Giả dụ, có những hành động nào đó thể hiện chiến tranh xâm lược chẳng hạn, bao vây kinh tế chẳng hạn nhằm huỷ hoại một cộng đồng người hoặc số người rất đông thì các hoạt động từ thiện, lý thuyết về nhân quyền dù có gấp trăm, ngàn lần cũng không sao bù lại nổi. Vậy nhân đạo của mọi thứ nhân đạo là cứu con người khỏi "áp bức của tự nhiên và xã hội", dân chủ của mọi thứ dân chủ đối với con người là khai thác được tiềm năng của họ, tạo cho con người khả năng phát triển cao nhất trí tuệ của họ. Thế kỷ tới, con người có "vũ khí" mới để tiến ra "thương trường" rộng lớn là điều cần, giúp cho những con người khác nhau biết cách ứng xử nhân đạo với nhau trên "chính trường" khác nhau cũng là điều cần, nhưng điều quan trọng hơn nữa là phải giúp cho con người hiểu được tự nhiên, hiểu mối quan hệ Thiên - Địa - Nhân, dẫu là ít ỏi. Vì như thế, con người sẽ yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống hơn, biết bảo vệ cái gì liên quan đến con người và dần dần hiểu được quy luật hùng vĩ của tự nhiên để giúp cho con người ở trên trái đất này sống và phát triển cùng với thiên nhiên, và thúc đẩy xã hội phát triển tất cả vì con người.
Điều tiếp theo là phải giúp cho con người hiểu chính con người, hiểu chính chính mình, mỗi người chỉ là giọt nước trong biển cả. Chỉ có như thế, con người mới hiểu nhau hơn, vị tha và nhân ái với nhau. "Cái gì mình không muốn đừng bắt người khác gánh chịu[l] giúp người nghèo khổ, dìu dắt những người ngộ nhận sức mạnh vĩnh cửu của mình ra khỏi vầng hào quang ảo tưởng. “Vì mỗi con người đều có cái thiện, cái ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cái phần thiện trong con người họ nảy nở như mùa xuân, đẩy lùi cái ác của họ mất dần đi”[2]
Điều sau nữa là cố giúp con người hiểu chút ít những gì có ở ngoài thế giới hiện hữu, để mở rộng tầm hiểu biết những điều liên quan đến tâm linh con người, dù là bóng không phải hình, nhằm góp phần chế ngự cái ác không giới hạn ở bên trong con người.
Thế kỷ XXI, vì con người và hãy giúp con người.
[1] C.Mác. Bản thảo kinh tế triết học 1844, Nxb Sự thật – Hà Nội, 1962, tr.92.
[2] C.Mác, Tư bản 1867, quyển thứ nhất, tập 2, Nxb Sự thật H, 1960, tr. 267.
[3] F.Ănghen. Biện chứng của tự nhiên, 1875 - 1876 Nxb Sự thật-H, 1971, tr. 267 - 269.
[4] F.Ăngghen, chống Đuy-rinh 1878, Nxb Sự thật H, 1972, tr.173 – 174.
[5] C.Mác và Ăngghen - Hệ tư tưởng Đức, bản mới [Chương đầu] Tạp chí Những vấn đề triết học Liên xô tháng 10/1965, tr. 91 - 94.