Thấy khó chịu trong người hay bị đam mê cuốn hút, những kẻ đua đòi luôn tìm cách “chơi nổi” bất cứ khi nào có cơ hội! Họ không biết ngượng ngùng hay liêm sỉ là gì. “Thế giới bon chen” có đủ mọi hạng người, nhưng toàn những kẻ không biết lượng sức mình.
Bạn đã từng nghe nói đến Eva, bạn đời của Adam trong sách Sáng thế của Kinh Thánh? Đó là kẻ “đua đòi” đầu tiên trong lịch sử nhân loại! Khi ăn trái cấm, bà muốn thoát ra khỏi hoàn cảnh chán ngắt của mình để biết được sự khác biệt giữa Thiện và Ác và hành động đó chính là sự bon chen. Từ ngữ snob (đua đòi, bon chen) ra đời vào thế kỷ 19, rút gọn của cụm từ La tinh sine nobilitate (không phải quý tộc), chỉ các học sinh không thuộc tầng lớp quý tộc. Frédéric Rouvillois viết trong Lịch sử bon chen xuất bản năm 2008: Snob - Kẻ đua đòi, không phải gốc quý tộc. Đó là kẻ rất say mê giới quý tộc hay yêu thích dáng vẻ bề ngoài và sự hấp dẫn của giới quý tộc, nói chung là say mê một giai cấp cao hơn mình. Một kẻ bắt chước, xâm nhập một cách bất hợp pháp…”.
Kẻ đua đòi rất thích bịa chuyện để phục vụ ý đồ của mình. Trong gia tộc của cựu Tổng thống Pháp Valéry Giscard d’Estaing chưa bao giờ có ai là nhà quý tộc thế nhưng ông bố của Valéry đã thay đổi họ của mình thành “Giscard d’Estaing” (Giscard của dòng ho Estaing) trong thập niên 1920. Cái dấu phẩy sau chữ d là dấu hiệu của giới quý tộc!
Ngày nay, những kẻ đua đòi không mua cho mình những dấu phẩy nữa và cũng không mơ làm quý tộc. Họ bắt chước thần tượng, những ngôi sao ca nhạc, điện ảnh hay thời trang. Người ta gặp họ ở vùng ngoại ô hay giữa trung tâm thành phố, lủng lẳng túi xách và mang kính nhãn hiệu Hermès, Vuitton, bất kể đó là hàng giả hay hàng thật. Điều quan trọng trước tiên là phải “gây ấn tượng”! Frédéric Rouvillois giải thích: Kẻ đua đòi không ngần ngại hy sinh nhân cách, ước muốn và sở thích thực sự của mình để đi theo nhóm người mà hắn mơ ước gia nhập. Ngoài những nét cơ bản của một kẻ đua đòi, mỗi người còn tự tạo cho mình những nét cá tính riêng biệt. Người ta đã phân loại 6 hạng người đua đòi trên thế gian này:
1. Học đòi làm trí thức
Có học vấn và nổi tiếng, những kẻ đua đòi làm trí thức tạo cảm giác họ là người hùng bảo vệ những kẻ yếu thế. Françïois Marie Arouet, bút danh Voltaire, là nhà văn nổi tiếng của Pháp vào thế kỷ 18. Một khía cạnh ít người biết của nhà văn lừng lẫy này là... ông rất ghét thành phần xuất thân của mình: dòng họ Arouet vốn là dòng họ như người thợ thuộc da ở Poitou . Để quên đi nguồn gốc thấp kém của mình, ông đổi họ thành Voltaire cho có vẻ sang trọng hơn. Ông sống chung với những kẻ có quyền thế trong thời đại của mình.
Vua George I của Anh tích cực hỗ trợ ông. Vua Frédéric II của Phổ cấp cho ông mỗi tháng 20.000 đồng tiền vàng. Tại lâu đài Versailles , ông viết những vở nhạc kịch dâng cho vua Louis XV để gây chú ý và được bầu vào Viện hàn lâm Pháp. Giỏi nịnh nọt và lẻo mép, Voltaire đã khai sinh giới “trí thức cánh tả. Hậu bối của Voltaire là nhà văn Bernard Henry - Lévy, nhà vô địch thế giới về “bảo vệ quyền con người”. Ông ta rất thích nói về những chuyện bất công, chẳng hạn như chuyện người Hồi giáo giết nhà báo Daniel Pearl và thích xuất hiện trước ống kính máy ảnh.
2. Học đòi làm thần thánh
Muốn thuộc vào nhóm này, phải có một niềm tin vững như núi và đồng thời sống “bạt mạng”, trái ngược với những lời dạy của tôn giáo! Năm 1846, nhà văn Jules Barbey d’AureviIIy, vốn là người vô thần, cải giáo theo Kytô giáo. Sau Cách mạng 1789, đời sống thế tục trở thành mốt những những kẻ có tư tưởng thần bí cố tạo cho mình vẻ bí ẩn. Thời kỳ này đã mở cho ông những cánh cửa để bước vào giới quý tộc. Ở Paris . Ông thành lập Hiệp hội Kytô giáo và tự tạo cho mình bộ dạng quý tộc với áo choàng, khăn đeo ngực, găng tay trắng và bộ ria mép. Jules Barbey phát huy học thuyết “Lãng mạn Kytô giáo”, bằng cách viết những quyển sách pha trộn chuyện dâm ô và quỷ quái.
Ngày nay ca sĩ Madonna chính là “đệ tử chân truyền” của ông. Mỗi ngày thứ 6, cô đều đi cầu kinh tại đền của giáo phái Kabbalah. Cô đổi tên thành Esther, chi 2,4 triệu USD vào năm 2006 để phổ biến học thuyết Kabbalah và viết những quyển sách cho trẻ em. Những kẻ hâm mộ bắt chước cô đeo sợi chỉ đỏ trên cổ tay và đọc quyền sách Zohar viết bằng tiếng Aram (ngôn ngữ của Chúa Jesus).
3. Học đòi mị dân
Elisabeth de Gramont mặc áo quần giống như đầy tớ, hút thuốc lá Gaulois và hét lên: “Liên Xô ở khắp nơi” nhưng không bao giờ chối bỏ nguồn gốc quý tộc của mình. Thuộc dòng dõi vua Henry IV của Pháp, kết hôn với bá tước Clermon-Tonnerre, bà sống trong một khách sạn đặc biệt và giao du với các đại gia của thời đại. Muốn quên đi thành phần xuất thân của mình, chỉ còn cách đeo bám các giá trị của giới cần lao! Năm 1932, bà ca tụng: “Không có ai chết đói ở nước Nga Xô viết, nơi mọi người được đối xử rất tử tế”. Năm 1936, bà gia nhập Mặt trận Bình dân và được tặng danh hiệu “Nữ bá tước đỏ”.
Ngày nay, Carla Bruni đi theo bước chân của bà. Vai đeo cây đàn guitar, cuối năm 2007, bà hát tại quảng trường Zénith của thành phố Paris để tố giác nhà chức trách bắt buộc dân nhập cư lậu “xét nghiệm di truyền”. Người đẹp nổi loạn Carla Bruni còn thành lập các trường nghệ thuật ở những vùng ngoại ô và chống việc bắt giam tội phạm dưới 12 tuổi. Bà chống lại những chính sách của cánh hữu, dù bà đang là phu nhân Tổng thống Nicolas Sarkozy của cánh hữu. Carla Bruni không ngần ngại ca tụng các thành viên của Lữ đoàn đỏ đã từng đe doạ giết chết gia đình bà cùng với “bọn nhà giàu thối tha” ở Turin trong thập niên 1970. Bà không bỏ lỡ cơ hội nào để khiêu khích, như trong album nhạc mới nhất, kêu gọi mọi người cho phép hút ma túy: “Anh là ma tuý của em nguy hiểm còn hơn cả bột trắng của Colombia ”.
4. Học làm sang
Giỏi nói... châm ngôn, hào hoa phong nhã, những kẻ đua đòi quý phái không tìm cách đi theo ai cả mà tự coi mình là cái rốn của vũ trụ. Bá tước Robert de Montesquiou vào cuối thế kỷ 19 đã từng nói: “Chỗ ta ngồi là chỗ vinh dự”. Vốn là con cháu d’Artagnan, ông ta chọn lựa áo quần tùy theo cảm xúc của mình: màu xám cho những ngày vô vị, màu hoa cà cho những ngày hạnh phúc. Tay đeo chiếc nhẫn cẩn viên đá có chứa giọt nước mắt bên trong. Một buổi tối, con người quý phái này mời bạn bè vào một căn phòng tối để uống một loại rượu kỳ lạ.
Nhà thiết kế thời trang Karl Lagerfeld cũng quái đản như vậy. Bị người ta trêu chọc vì nói giọng Đức như “chó sủa” và nổi danh với những câu nói bí hiểm như: “Phải nghe giọng nói của nó như một Jeanne d’Arc nùi giẻ!”, nhưng Karl Lagerfeld lại tạo ra dược một hình ảnh độc đáo: những bao tay lủng lỗ hở ngón, một cái quạt, những cặp kính và chiếc quần jean đen... Mỗi sáng, ông đều viết thư bằng 4 thứ tiếng, chụp ảnh như ngày xưa người ta vẽ tranh, đọc hàng chục quyển sách mỗi tháng. Khi vẽ kiểu áo quần cho nhà may H&M, ông đã phát minh ra chữ “masstige” (kết hợp từ mass và từ prestige, nghĩa là tuyệt vời đối với đại chúng). Những kẻ yêu chuộng thời trang vơ vét sản phẩm của Karl Lagerfeld và coi ông lão 70 tuổi này là vua thanh lịch!
5. Học đòi làm giàu
Vào thế kỷ 17, Nicolas Fouquet đã đưa ra khẩu hiệu: “Có chỗ nào ta không leo lên được?” để thể hiện tham vọng vô hạn của mình. Năm 1653, ông ta được bổ nhiệm làm đại thần quản lý tài chính của vua Louis XIV và thành công đến mức... chôm chỉa hết tiền. Nhà vua chỉ còn lại một ngân khố trống rỗng trong khi ông ta sống trong cảnh giàu sang. Tại Vaux-le-Vicomte, ông ta quét sạch 3 ngôi làng để xây lâu đài của mình. Toà nhà còn nguy nga hơn cả cung điện Versailles của vua Pháp. Tháng 8.1661, vua Louis XIV được mời cắt băng khánh thành. Đứng trước lâu đài lộng lẫy, nhà vua hiểu ngay đó là tiền ăn cắp của mình. Nhà vua nổi điên, ra lệnh biệt giam Nicolas cho... đến chết.
Ngày nay những kẻ giống như Nicolas Fouquet, chẳng hạn như Lakshmi Mittal, không phải vào tù, nhưng lại bị người đời cười chê đến muôn thuở. Năm 2006, Lakshmi Mittal, con trai một nhà sản xuất thép tại Rajasthan (Ấn Độ), mua lại công ty thép khổng lồ Arcelor của châu Âu. Chàng công tử này học đòi làm đế vương, cưới cô gái của dòng họ Fouquet tại Vaux-le- Vicomte, lễ cưới tốn kém đến 55 triệu euro và còn tặng 20% vốn cho câu lạc bộ bóng đá Queen’s Park Ranger của Anh. Năm 2008, tạp chí Forbes xếp ông ta đứng hàng thứ 4 trong số 20 người giàu nhất thế giới.
6. Học đòi thám hiểm
Những người giàu có sống mãi trong nhung lụa cũng cảm thấy chán ngán. Vì vậy, tài sản của họ được sử dụng cho những cuộc phiêu lưu đến những nơi tận cùng của thế giới. Năm 1892, bá tước Hungary Festetics de Tolna bắt đầu một chuyến phiêu lưu suốt 7 năm qua Thái Bình Dương. Giấc mơ của ông là gặp cho được các bộ tộc… ăn thịt người! Và ông đã không thất vọng. Chiếc du thuyền Tolna đưa ông đến quần đảo Solomon và ông được tham gia một chuyến săn đầu người rùng rợn. Ông khoác lác rằng mình đã tìm thấy dấu vết của lục địa Atlantis (tương truyền đã chìm xuống Đại Tây Dương cách đây mấy thế kỷ) khi phát hiện những xác chết ở Vanuatu (thực ra chỉ là những bức tượng bằng gỗ). Năm 1899, ở phía Bắc quần đảo Maldives , chiếc thuyền của ông bị thổ dân bao vây, ông phải đốt thuyền và may mắn thoát chết nhờ của đi thay người! Quay trở về châu Âu như một người hùng, ông mang theo 1.400 vật phẩm, 400 bức ảnh và một quyển tiểu thuyết mang tên Sống với những kẻ ăn thịt người.
Ngày nay Richard Branson, ông chủ công ty Virgin, không muốn công việc kinh doanh “bắt mất xác”. Bởi thế ông quản lý 200 công ty của mình từ một ngôi nhà trên quần đảo Virgin của Anh. Năm 1987, ông là người đầu tiên trên thế giới vượt Đại Tây Dương bằng khinh khí cầu. Tháng 2.2009, ông mua lại cả tá xe đua Thể thức 1. Ông muốn lái xe đua bạt mạng trên đường phố. Có thể mất mạng như chơi nhưng rất hào hứng. Đúng là rất đua đòi!
Nguồn: trieuthanhweeklymagazine.com