Thiền đối với văn minh nhân loại

Ngày nay, nhờ vào những thành tựu của khoa học kỷ thuật, cuộc sống vật chất của chúng ta được nâng cao. Chính vì thế mà con người của thời đại đã xu bồ chạy theo đà phát triển của vật chất, trong khi đó họ lại quên đi sự phát triển nội tâm – hay là sự phát triển của đời sống tâm linh (Mental development), và sự hiểu biết của con người về sự sống và mối quan hệ của chúng ta với vũ trụ thì hầu như là tiến bộ rất ít.

Xét về phương diện chung, khoa học và kỹ thuật chủ yếu là phục vụ cho kinh tế và chiến tranh hơn là phục vụ cho nhân loại. Với sự phát triển ngày càng rầm rộ những phát minh hiện đại như vũ khí hạt nhân, bom nguyên tử, chúng đã vô tình cắt đứt mối quan hệ giữa chúng ta với môi trường thiên nhiên. Chúng ta ngày càng làm cho môi trường sống tự nhiên bị ô nhiễm trầm trọng. Và hơn nữa là chúng ta bị khuất phục trước ham muốn vật chất ngày càng nhiều. Cũng chính vì vậy mà nhiều người đã quan niệm sai lầm về tiến bộ trong cuộc sống. Họ cho rằng sự thoải mái vật chất là sự tiến bộ trong cuộc sống, mà họ quên đi một điều là chính sự tiến bộ vật chất càng làm cho con người càng ham muốn, mà càng ham muốn càng khổ đau, bất hạnh.

Một cuộc sống an lạc, hạnh phúc không chỉ dựa vào một yếu tố “thoải mái về vật chất” mà còn phải dựa vào sự “tiến bộ tâm linh”. Thiền chính là yếu tố tạo cân bằng cho cuộc sống chúng ta trong nền văn minh vật chất xu bồ này. Thiền là phương pháp khoa học. Nó tương đương với phương pháp thư giãn, giải lao” mà người ta thường gọi. Thiền không chống lại khoa học và kỹ thuật. Ngược lại cuôc sống vật chất thái quá tạo ra một sự mất cân bằng của mỗi con người như các chứng trầm cảm, stress .v.v. Duy chỉ có con đường thực hành Thiền nói chung mới có thể tạođược sự quân bình giữa chủ nghĩa vật chất và chủ nghĩa tinh thần, giữa đời sống vật chất và ý thức con người.

Theo nhận định của một số học giả thì khoa học, nếu không được trí tuệ điều khiển, dẫn dắt, và không nhằm vào mục đích phục vụ cho nhân loại, thì nó sẽ có tác dụng ngược lại. Nó sẽ làm cho ý thức và cách sống của chúng ta bị suy đồi, và chúng ta sẽ tự tách rời khỏi cái thế giới tự nhiên trong lành, để sống trong một môi trường đầy hiểm nguy, chết người.

Đối với nền giáo dục hiện đại, nếu chỉ chú trọng đến việc thâu nhận kiến thức ngày càng nhiều, gieo trồng trí nhớ, lý luận và sự hiểu biết phân biệt, thì cá nhân sẽ trở thành một cáimáy suy nghĩ, tính toán và ghi nhận hiểu biết. Xã hội giáo dục chúng ta theo một quy ước phán xét vật tốt vật xấu dựa theo thói quen hơn là kinh nghiệm thực tế. Do không nhận chân được điều ấ, chúng ta hoạt động theo hệ thống xã hội, theo sự tổn hại trí tuệ.

Ngược với lối giáo dục trên, giáo dục của Thiền dựa trên nền tảng của việc thực hành về cơ thể vật lý và tinh thần, tạo cho sự thư giãn toàn bộ các cơ bắp và lấy lại sự thăng bằng cho hoạt động của trí não. Trực giác và sự sáng tạo thể hiện qua việc hành thiền, và chúng ta có thể tìm lại được sinh lực của mình và tận dụng triệt để nguồn năng lượng vô biên tiềm tàng trong mỗi cá nhân. Chúng ta học để biết mình là ai , và hiểu được bản chất của nhân sinh và của vũ trụ. Kết quả là khi đối diện với những tình huống đặc biệt, cảnh trái ngang trong cuộc sống, chúng ta không phải lo âu, sợ hãi, ngược lại chúng ta sáng suốt, tự tin để giải quyết vấn đề một cách tự tại từ sự hợp nhất của thân – tâm và từ  Chân trí tuệ.

Nhờ hành Thiền, nhận thức của con người được nuôi dưỡng và trí tuệ được phát sinh, giảm bớt đi sự căng thẳng, và đây chính là khát vọng sâu xa của nhân loại, khát vọng mà nền văn minh hiện đại không thõa mãn được. Cũng chính nền văn minh hiện đại làm mất đi sự thăng bằng trí não và toàn bộ cơ thể. Nó hủy hoại sinh khí của chúng ta, sinh khí nà không phải chỉ trú ngụ trong trí não, nhưng còn trong hệ thống thần kinh và trong những tế bào của chúng ta. Có phải chăng văn minh thực sự của con người là sống như vậy? Cái văn minh vật chất nó còn cướp đi cuộc sống tinh thần, sinh khí, sức lực của con người và làm cho sự tiến hóa của con người thụt lùi đến kiệt sức.

Nhưng chúng ta không thể phủ nhận hoàn toàn vai trò của văn minh vật chất, chắc chắn là nó cần thiết cho cuộc sống chúng ta, nhưng nhân loại cũng khát khao một nguyên lý nằm ngoài vật chất – phạm trù tinh thần. Hay nói khác đi, cuộc sống của chúng ta không chỉ hướng ngoại mà còn phải hướng nội, hướng về tâm trí, ý thức của chúng ta trong từng hành động, từng việc làm.

Tóm lại, hành thiền không chỉ giới hạn trong lãnh vực tôn giáo, mà nó còn phổ biến khắp trong tất cả các lãnh vực của đời sống cá nhân. Hành thiền nhằm đánh thức con người của thời đại, hãy hướng về nội tâm, hãy xây dựng cho mình một cuộc sống an lạc, hạnh phúc thông qua việc kết hợp hài hòa giữa cá thể với tự nhiên, giữa cuộc sống vật chất với cuộc sống tâm linh. Hành thiền có thể giải quyết các căn bệnh của thời đại, làm thăng bằng vật chất và tinh thần, thăng bằng con người và thiên nhiên. Nói đúng hơn, hành thiền là một giải pháp nhằm làm quân bình cuộc sống của chúng ta.

Thích Quảng Bảo
Theo “Introduction To Zen”
Previous Post
Next Post