Thói đạo đức giả là điều đáng sợ nhất

Thế nào là đạo đức? Một khái niệm quá xa xưa của loài người từ khi con người biết sống thành xã hội.

Đạo: đường đi, hướng đi, lối làm việc, ăn ở.

Đức: theo Khổng Tử sống đúng luân thường là có Đức. Theo Lão Tử đức là khi tu thân tới mức hiệp nhất với trời đất, an hoà với mọi người là có Đức.

Đạo đức được xem là khái niệm luân thường đạo lý của con người, nó thuộc về vấn đề tốt-xấu, hơn nữa xem như là đúng-sai, được sử dụng trong ba phạm vi: lương tâm con người, hệ thống phép tắc đạo đức và trừng phạt đôi lúc còn được gọi giá trị đạo đức; nó gắn với nền văn hóa, tôn giáo, chủ nghĩa nhân văn, triết học và những luật lệ của một xã hội về cách đối xử từ hệ thống này.

Đạo đức là tập hợp những quan điểm của một xã hội, của một tầng lớp xã hội, của một tập hợp người nhất định về thế giới, về cách sống. Nhờ đó con người điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với lợi ích của cộng đồng xã hội. Người có đạo đức có thể họ chưa thật sự là người tốt nhưng chắc chắn họ lương thiện. Một xã hội có lẽ sẽ là thiên đường, là xã hội vô cùng mà loài người hướng tới là, mọi cá nhân đều có đạo đức và sống lương thiện.

Đạo đức được hình thành trong một quá trình sống, không thể đánh giá một người có đạo đức chỉ dựa trên một hay vài hành động, cử chỉ, lời nói hay phản ứng thậm chí phải xem xét họ trong môi trường sống mà họ có thời gian dài gắn bó. Thông thường, bản chất của một con người là khó che dấu. Con người thường thể hiện rõ nhất bản chất của mình khi họ có trong tay quyền lực, ở một vị trí xã hội cao, có tầm ảnh hưởng tới nhiều người. Thật khó cho một anh công nhân hay một chị nông dân có khả năng tham nhũng tiền công hay một ông bảo vệ gác cổng thu xếp cho con mình đi du học nước ngoài trong các nguồn kinh phí của chương trình. Khi đó, họ có cơ hội nhiều hơn cho tham vọng vì ít hay không có ai có thể kiểm soát được họ. Họ sẽ dùng quyền hành của mình để tạo ra những “luật lệ, quy tắc” sao cho có lợi cho mình hoặc gia đình con cái, thậm chí không công khai những quy tắc đó trước công luận nhằm tư túi, tham nhũng để không ai biết. Đến khi đã hết thời, nghỉ hưu,… chính sự tôn trọng thực sự của những người xung quanh, của cộng sự, của láng giềng dành cho họ mới là thước đo giá trị con người thật của họ.

Nếu họ là một kẻ không có đạo đức, sự che dấu dài hay ngắn tùy vào mức độ khéo léo của bản thân họ cũng như môi trường xung quanh có tạo cho họ những cơ hội thuận lợi hay không. Chính sự che dấu này dẫn tới một khái niệm nữa, đó là đạo đức giả. Thế nào là đạo đức giả? Tức là bắt chước, làm cho giống, ngụy trang với các tiêu chuẩn về đạo đức trong hành vi, lời nói, việc làm…nhằm đánh lừa những người xung quanh, đánh lừa dư luận và xã hội.

Ở xã hội hiện nay, chúng ta không thiếu những kẻ sống đạo đức giả. Bản chất họ có cái tâm không trong sáng nhưng lại rao giảng những bài học về sự trong sáng với người khác, họ tham nhũng tham lam vơ vét tài sản chung nhưng lại oang oang đi nói về cách phòng và chống tham nhũng, hoặc nhẫn tâm với người khác nhưng lại đi nói về lòng từ bi bác ái. Chính hành động giả này đôi khi cũng có tác dụng là đánh lừa được một số người không rõ về họ, không có quan sát tốt khi cho ý kiến khách quan về một sự vật hiện tượng.

Còn thái độ của cộng đồng thì sao?

Phép tắc đạo đức Việt Nam có câu “đánh người chạy đi không ai đánh người chạy lại”, trong kinh Phật có dạy “sân si tha thứ cho kẻ lầm đường, lạc lối”. Tuy nhiên chúng ta cần phân biệt sự ăn năn hối cải của một người thành tâm muốn phục thiện khác hoàn toàn với một kẻ đạo đức giả. Người thành tâm hối cải, họ dám nhận khuyết điểm của mình, dám nói lên những sai trái mà mình đã làm, còn kẻ đạo đức giả thì không. Chúng ta thử cho một ví dụ, nếu như một kẻ giết người dã man, giết cả những em bé không có ý thưc phản kháng hành động của hành của hắn, có âm mưu tính toán rất chi tiết, giết người trong trạng thái hoàn toàn tỉnh táo như tên Nguyễn Văn Luyện, song nếu hắn giúp đỡ một em bé băng qua đường, chúng ta có thể xem đó là sự phục thiện không? Một kẻ tham nhũng hàng bao nhiêu tỉ đồng như Dương Chí Dũng, vung tiền ra làm từ thiện một số tiền là nhỏ nhoi so với tài sản mà kẻ đó vơ vét, đó có phải là hành động ăn năn hối cải? Lại một lần nữa chúng ta cần phân biệt, một hành động có đạo đức và một người có tư cách đạo đức. Đôi khi, một hành động đạo đức được thực hiện từ một con người vô đạo đức hay đạo đức giả. Cũng có khi, cùng một hành động nhưng hai mục đích khác nhau như cử chỉ cùng cho người ăn mày tiền bố thí, người thì hỏi han tâm sự và hành động xuất phát từ tấm lòng, còn kẻ thì cho tiền người ăn mày với một mục đích muốn nhận những ắnh mắt ngưỡng mộ của người xung quanh.

Người có đạo đức là người luôn hành động xuất phát từ cái tâm, nghĩ và làm giống nhau, họ luôn luôn đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để hiểu người khác, chính thói quen này giúp họ sống có đạo đức. Người đạo đức không bao giờ dùng quyện lực của mình để trù dập, nói xấu, chơi bẩn, hãm hại người khác chỉ vì họ có chuyên môn giỏi hơn họ, có uy tín trong tập thể tốt hơn. Nếu có chăng chỉ là một sự ganh đua, cố gắng phấn đấu để họ giỏi bằng người đó mà thôi. Kẻ đạo đức giả thường đạt được một vị trí quyền lực hay bằng cấp nào đó không phải do bình bầu dân chủ công khai hay tài năng thực sự mà do họ mua bằng tiền hoặc những mưu đồ chính trị mà người ngoài khó biết, thậm chí biết mà không làm gì được.

Một tổ chức chính trị- xã hội có, khi có sự thâm nhập của những kẻ đạo đức giả, đó là một điều tồi tệ, nhất là tổ chức đó đã có uy tín và gây được tiếng vang. Khi mọi người phát hiện ra kẻ đạo đức giả, thường họ sẽ có hai khả năng

Một, đặt ngược lại câu hỏi về cá nhân đó và từ đó suy luận ra uy tín của tổ chức. Tại sao một kẻ như vậy lại tồn tài được trong tổ chức này? Khi đó lòng tin sẽ bị đánh cắp mà rất khó hồi phục, cũng có thể họ chọn thái độ không hợp tác hoặc lên án, cả hai hành động này đều là cho uy tín của tổ chức giảm đi.

Hai, họ sẽ im lặng và…bắt chước sống theo như thế vì có sao đâu, cứ tham lam đi, chuyên quyền đi, độc ác đi, …rồi sau đó chịu khó giả tạo, ngụy trang một chút, lớn tiếng dạy người khác về đạo đức,…thế là họ có “đạo đức”. Rốt cuộc, theo một hiệu ứng Đô- mi- nô, tổ chức đó càng ngày càng xuất hiện nhiều những kẻ đạo đức giả và sự giả dối sẽ leo thang.

Chính đạo đức giả là điều nguy hiểm nhất, nó được ngụy trang dưới lớp vỏ đạo đức đến khi bị phát hiện nó tàn phá nhiều nhất tình người, tàn phá niềm tin.

Một điều nguy hiểm hơn nữa là, những kẻ có trình độ khả năng chuyên môn yếu kém nhưng lại được khoác một bộ “quần áo” to quá khổ của mình về tài năng thì khả năng họ là kẻ đạo đức giả càng cao, bởi vì người có tư cách đạo đức luôn biết liêm sỉ và xấu hổ, họ không bao giờ nhận những gì không phải của mình. Đừng đánh giá một con người thông qua học hàm, học vị, tiền bạc của họ. Có nhiều khi những giá trị đó lại là một tỉ lệ nghịch với giá trị về đạo đức mà họ sở hữu.

Xã hội với cơ chế như hiện nay đang làm gia tăng số lượng các “chuyên gia đạo đức giả” ở mọi nơi, ngay cả những tổ chức phi lợi nhuận, đấu tranh cho một xã hội tốt đẹp hơn hay tổ chức hành động vì mục đích từ thiện.

T.s Vũ Thị Nhuận
Previous Post
Next Post