Thói hư tật xấu của người Việt: giả dối, khao vong nặng nề

Cái gì cũng giả
(Ngô Tất Tố, Báo Thời vụ, năm 1938)

Đọc báo hàng ngày, thỉnh thoảng lại thấy xã hội Vệt Nam sản ra những bọn người giả. Giả mật thám, giả lính đoan, giả làm người của Sở nọ, Sở kia. Hạng người nào cũng có kẻ giả, trừ ra một bọn ăn cướp.

Có lẽ trong các thực đơn của thế giới, không đâu có nhiều món giả bằng nước An Nam. Cũng thì một miếng thịt, người ta bày ra đủ trò: nấu với tiết gọi là giả trâu, nấu với riềng mẻ gọi lả giả cầy, nấu với hành răm gọi là giả chim, nấu với đậu nghệ gọi là giả ba ba, đốt đi rồi bóp với thính đỗ tương thì lại bảo là giả dê.

Đồ ăn là thứ sẽ ăn vào miệng, hễ qua hàm răng thì nó là lợn hay trâu, hay gì gì nữa, cái lưỡi sẽ biết tức thì, thế mà chúng ta cứ làm giả, thì có khác chi xúi giục nhau rằng: trên đời không có cái gì mà không giả được? Cái nạn nhiều hạng người giả từ đấy mà ra.

Những cuộc khao vong nặng nề vô nghĩa
(Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, năm 1915)

Người thi đỗ, người được bổ làm quan, người được phẩm hàm... đều phải khao vọng. Nhà vua cũng đã đặt lệ giản tiện cho người ta dễ theo. Đại để như đỗ tú tài thì khao một con gà, một đĩa xôi và ba quan tiền, đỗ cử nhân thì khao một con lợn, một mâm xôi và năm quan tiền. Nhưng ngặt vì tục dân đã quen, chiếu lệ ra mà làm thì họ cung phải chịu, nhưng tình ý không thỏa hiệp thì họ sinh ra lắm sự ngăn trở. Họ có câu rằng "Phép vua thua lệ làng" thực là một lời nói đáng khinh bỉ.

Lại ngán nỗi cho hạng kỳ mục, động ai có việc gì mới mọc đến ăn uống no say rỗi thì giở ra cách chơi bời, thuốc phiện hút khói um nhà, bài bạc đùa cười rầm rĩ, ấy thế là thỏa thuê, ấy thế là hể hả. Giá đám nào kém thì đã thấy lắm kẻ hậm hà hậm hực, tiếng lọ tiếng kia, làm cho người ta khó chịu.

Than ôi! Ngoài chốn hương thôn không còn biết trời đất là đâu, người sự ăn uống không còn có sự nghiệp gì, như thể thì trách làm sao mà dân chẳng hèn, nước chẳng nhược?

Vương Trí Nhàn
Previous Post
Next Post