Một đồng nghiệp Đức thân thiết của mình chạy con xe rất ngon nhưng có cái mầu không ưa nhìn chút nào, cái màu rất khó định nghĩa. Xám nhờ nhờ, lờn lợt. Mình hỏi sao không chọn màu gì cho sang, cho đẹp tí thì được trả lời “Ối giời, màu sắc quan trọng gì, tôi ngồi trong xe chứ có ngồi ngoài xe đâu. Miễn là xe chạy tốt, tốn ít xăng là được”.
Một người bạn khác có nhà ở ngoại ô. Nhìn bề ngoài ngôi nhà trông sần sùi, xấu xí. Đến sơn cũng chẳng thèm quét, cứ màu mộc của vữa mà chơi, nhìn thoáng qua ai cũng ngỡ nhà vô chủ. Thế nhưng, vừa bước chân vào trong nhà bất cứ ai cũng phải ngỡ ngàng vì kiến trúc cũng như cách bài trí giản dị, ấm cúng mà vẫn toát lên vẻ sang trọng theo phong cách Bắc Âu. Cách bài trí trong nhà hoàn hảo đến từng chi tiết, thể hiện gu thẩm mĩ tinh tế và rất có văn hóa của chủ nhân. Khách đến chơi nhà không ít người thắc mắc sao bên trong nhà đẹp thế mà lại để bên ngoài xấu xí làm vậy. Chủ nhân cười khà khà bảo “Mình không sống thường xuyên ở đây. Vậy mọi người thử nghĩ xem nếu có trộm thì liệu bọn trộm có thèm dòm ngó vào ngôi nhà nhìn bề ngoài tuềnh toàng như ngôi nhà này không? Chắc chắn là không rồi. Với lại, mình sống ở trong nhà chứ có sống ở ngoài đâu nên quan trọng gì cái hình thức bên ngoài”.
Nghe câu trả lời của hai vị đấy mà giật cả mình. Sực nhớ đến câu nói trong dân gian "Trời cho cái mẽ bề ngoài, để che đậy cái sơ sài bên trong". Cái mẽ bề ngoài ấy nhiều khi Trời chẳng cho thì còn tự tô, tự vẽ. Người Việt mình xưa nay vẫn quen thói “cái tốt phơi ra, xấu xa đậy lại”. Bên trong có nhếch nhác, xấu xí thế nào cũng không sao nhưng cái mẽ bề ngoài lúc nào cũng phải “oách”, thậm chí là hoành tráng, mà nói theo ngôn ngữ của lũ nhóc thời nay là phải “hoành tá tràng”, hi hi... đến mức sĩ diện hão. Con gà tức nhau tiếng gáy. Nhà hàng xóm có xây mới đẹp đến mấy thì nhà mình lại càng phải kiếm cách xây sao cho “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Cũng chỉ vì cái mẽ hão bề ngoài như thế mà không ít gia đình rơi vào cảnh khốn cùng vì món nợ đầm đìa treo trước mặt không biết đến bao giờ mới trả hết. Vay mượn khắp nơi, cắm cả sổ lương vay ngân hàng xây cái nhà oách nhất xóm để ai đi qua cũng phải trầm trồ xuýt xoa, trong khi mặt vợ, mặt chồng chảy ngoẵng như mặt đười ươi, thấy thiên hạ khen nhà to, nhà đẹp mà cười nhăn như mếu. Một gia đình họ hàng với người bạn mình cũng chỉ vì cái thói sĩ diện hão với hàng xóm láng giềng mà đã đẩy thằng con trai duy nhất đến chỗ dở sống dở chết. Cả nhà có nhõn ba mạng người, nghèo rớt mùng tơi ở xứ chó ăn đá gà ăn sỏi (Nghệ An) nhưng vẫn quyết đánh đu với đời bằng cái nhà 3 tầng to đùng. Ờ thì chạy vạy giật néo các nơi để có tiền xây nhà cho có chỗ chui ra chui vào theo cái lối tư duy “an cư” mới “lạc nghiệp” cũng dễ thông cảm. Đằng này nhà to đoành, sơn trát bên ngoài tóe loe màu sắc sặc sỡ xong thì hết xèng nên cái cầu thang để tơ hơ mấy năm liền không lắp nổi chấn song và thanh vịn, báo hại thằng con trai duy nhất (lúc đó học lớp 12) nửa đêm dậy đi vệ sinh luýnh quýnh thế nào rơi uỵch từ tầng 3 xuống. Thuốc thang chữa chạy khắp nơi cũng không giữ nổi kiếp người lành lặn cho thằng bé. Cái giá của sự sĩ diện hão một cách ngu xuẩn của ông bố bà mẹ này đã được đánh đổi bằng thằng con trai tật nguyền giờ suốt ngày nằm sõng trên giường, đầu óc nửa tỉnh nửa mê. Đau còn gì bằng? Ở đời, sai một li đi vạn dặm là thế.
Có lần mình vui mồm hỏi đùa vị đồng nghiệp Đức sao là giáo sư danh tiếng mà chạy con xe cùi thế? Vị này thủng thẳng trả lời “Ôi dào, chỉ những con người “nhỏ bé” mới phải cần đến những chiếc xe to”. À ra thế, những người như ông ta thì không cần đến những chiếc xe to và những bộ quần áo bảnh chọe, hào nhoáng, đắt tiền cũng đúng thôi. Quen biết, giao du nhiều nhưng gặp được người thông minh, trác việt như vị này kể cũng hiếm. Với Tây, con xe chỉ được xem như một phương tiện dịch chuyển, còn với Ta nó không chỉ là một gia sản mà với nhiều người nó còn được xem như đẳng cấp của họ trong thiên hạ. Người ta bảo thước đo để đánh giá một xã hội văn minh không phải là số lượng người dân có ô tô mà là số người giàu chuyển từ dùng phương tiện cá nhân sang dùng phương tiện công cộng. Còn ở xứ mình, cứ nhìn những ai bước ra khỏi những chiếc ô tô sang trọng, đắt tiền thì đa phần thấy thò ra cái mặt huênh hoang, vênh váo, ngược ngạo như bố thiên hạ. Đẳng cấp con người được định vị bằng đẳng cấp cái nhà, đẳng cấp con xe. Chỉ từ ngày các đại gia lũ lượt vào tù như đi trảy hội người ta mới giật mình: À, thì ra hầu như là “tiền hơi” cả.
Một lần, thấy đứa cháu họ loay hoay với chiếc Iphone mới tậu, mình ngớ người hỏi “Mày đến lương không đủ sống tiền đâu mà Ai-phôn với Ai phẹo thế hả?”. Đứa cháu ệch mặt ra rồi ngượng nghịu bảo “Rởm đấy Dì ạ, cái loại lương không đủ quét ướt mồm bữa sáng thì móc đâu ra xèng mà mua cái của ấy. Nhưng bạn bè, đồng nghiệp đứa nào cũng điện thoại sờ, vuốt, chúng nó nhìn cháu như người hành tinh lạ nên cháu bí quá mới phải vác em này về để vuốt, sờ cho đỡ tủi”. Phút sau, con bé ngậm ngùi nói tiếp “khi dùng cháu phải đứng xa xa mọi người ra một chút để khỏi bị phát hiện dùng đổ rởm”.
Trời đất, nếu đẳng cấp con người nằm ở cái điện thoại, con xe hay cái quần cái áo thì không biết mình phải tự xếp mình vào cái loại nào cho khớp đây?
Chẳng nhẽ mình đúng là loại “đàn bà rẻ tiền” thật như mình vẫn hay tự gọi mình như thế? Đôi khi mình vẫn đùa bảo chồng “Cậu nuôi tớ có mà rẻ hơn nuôi chó nhá. Ngày ăn có một bữa, trên người toàn thứ rẻ tiền”. Các thứ treo trên thân xác mình thường chỉ có giá từ vài chục đến vài trăm, hiếm khi có thứ gì trị giá đến triệu bạc mà mặt vẫn tươi roi rói, he he.... Còn con điện thoại thì “cùi bắp” hết chỗ nói.