Vào cuối thế kỷ XIX – đầu XX, lúc mà khoa học kỹ thuật đang vươn tới đỉnh cao để chia lịch sử thành thời đại văn minh phía trước và tiền văn minh sau lưng, cũng như chia thế giới thành những quốc gia phát triển hay kỹ nghệ hóa và quốc gia “đang phát triển”, nghĩa là còn lạc hậu, vâng, ngay vào thời chói sáng ấy của Châu Âu, Dostoievski (1), rồi Berdiaev và Jaspers sau ông, đã tiên báo sự lụi tàn của ánh sáng này.
Tại sao thế? Và đâu là nguyên do?
Vào thời ấy, người ta mới chỉ nói đến Lý tính (rationality) thuần tuý, với hai đứa con sinh đôi của nó là khoa học và kỹ thuật. Nếu sống vào thời nay, ở thế kỷ XXI, ắt họ phải thêm Toàn Cầu Hóa luôn!
Lý tính với khoa học và kỹ thuật
Thật ra, từ nhiều ngàn năm nay, con người đã chế tác công cụ và tìm hiểu thiên nhiên. Nhưng phải đợi sang thế kỷ XVII với Descartes, phương Tây mới lấy lý trí làm ngưỡng cửa duy nhất để bước vào mọi tri thức; kế đó với Locke, Hume và Bacon (Francis), kinh nghiệm được thêm vô, để kinh nghiệm ấy được lý trí soi sáng, tổ chức và hướng dẫn, sẽ giúp hình thành cơ sở triết lý cho khoa học từ đó mọc lên, nở rộ và bước đi bằng sải bước của người khổng lồ.
Đi liền với khoa học là kỹ thuật, bởi lẽ hiểu biết cơ cấu thiên nhiên sẽ mở đường cho người ta đi vào biến đổi thiên nhiên. Vâng, đâu đâu cũng sôi sục một bầu khí chế tác và thống trị một tâm thức kỹ xảo (engineering mentality). Bắt đầu, người ta chỉ mới nghịch chơi với khoáng chất, nhưng rồi ngày nay là sự sống và mai ngày hẳn đến lượt con người. Vâng, nắm được bộ gen (genom), rồi sau đây cả bộ protein (proteom) nữa, con người đã bước một chân vào trong mình, và lắm kẻ bắt đầu nhăm nhe chế tác loài người mới. Mày mò (manipuler) và chế tác con người ư? Con người đang biến thành sự vật (chose), được nhìn như công cụ (outil) và đồ chơi, phương thế, chứ không còn là mục đích nữa. Và thế là từ đỉnh cao lý tính mà con người đưa mình lên, nó đang té xuống tận bùn đen, và tự đào mồ chôn mình.
Trước khi chôn mình như một con người, hiện nó đang diệt mình như một sinh vật. Vâng, chế tác và hưởng thụ quá tự do, chúng ta đang làm ô nhiễm môi trường sống và khiến trái đất nóng dần lên!
Thật ra, con người sẽ thành gì nếu thừa lý trí nhưng lại không tim? Nhất là không cảm thức thiện ác chi hết? Thành một robot “thông minh” mà chẳng thể biết yêu là gì chăng? Hay thành những quái vật kiểu Hitler, khát máu còn hơn là Tần Thuỷ Hoàng? Vâng, hơn hẳn Tần Thuỷ Hoàng cái con người biết giết người cả đống “một cách sạch sẽ” và “có khoa học, kỹ thuật” bằng những lò hơi ngạt năng suất cao! Vâng, vì đây là nước Đức của thời đại Hitler, con chim đầu đàn thời ấy của khoa học, mà khi tan rã đã giúp xây dựng kỹ thuật bom nguyên tử và hỏa tiễn giết người từ xa cho cả bên Đông lẫn bên Tây! Và đây là hậu quả của việc tôn thờ lý tính và tự do cá nhân hiểu theo nghĩa “muốn làm gì thì làm”. Đây cũng là hoàng hôn của nhân văn và đêm tối của nhân đạo như Dostoievski và Berdiaev đã nhìn thấy trước.
Quả thật, vào thời cận đại (moderne) của phương Tây, tôn giáo chính của họ, mà Auguste Comte cho là Nhân tính và Nhân loại (Humanity) ấy, thật ra là Lý tính – cùng với tự do cá nhân – ở nền tảng sâu xa của nó (tức tôn giáo của Loài người). Đúng như Dostoievski nói:
- “Từ một tự do không giới hạn, phải kết thúc bằng một áp chế vô giới hạn thôi!”(2)
Vâng, nếu tự do kia phủ nhận mọi quá khứ và bổn phận! Một tự do thuần tuý, mà không vì một cái gì khác để tồn tại, đó là thứ tự do không ý nghĩa, để với nó không còn gì còn nghĩa nữa, dù đây là con người. Và thế là đi đứt cả tự do cùng với nhân đạo và nhân văn, cùng với cuộc sống đã thành vô vị do vô nghĩa của chúng ta.
Cái lý tính và tự do nói trên xem như rồi sẽ đạt tới sức mạnh tuyệt đối của chúng khi mở về phía Toàn cầu hóa của thế kỷ XX.
Viễn ảnh Toàn cầu hóa
Thực ra, Toàn cầu hóa đã manh nha từ mấy thế kỷ nay với sự bành trướng của Tây phương về phía mọi châu lục cùng với sức mạnh quân sự và kinh tế, khoa học và kỹ thuật của họ. Kịp đến khi các đoàn quân viễn chinh phải rút về (do phong trào dân tộc tự quyết nổi lên khắp nơi), thì ảnh hưởng của phương Tây đã ăn sâu và ngày càng lớn thêm. Vâng, đâu đâu người ta cũng mô phỏng cái nền chính trị phương Tây và tổ chức lại giáo dục theo chương trình du nhập từ Tây; người ta cũng gửi con em đi du học ở Cambridge, Sorbonne, Harvard… và những người này sẽ về dạy học cũng như canh tân đất nước. Sính Tây, người ta cũng sính hàng Tây, thích xem phim Mỹ, thích nghe nhạc Mỹ, khoái ăn chơi kiểu Mỹ…
Vào cuối thế kỷ XX, các phương tiện vận chuyển tối tân thu hẹp trái đất, các phương tiện truyền thông khiến cả thế giới nhìn và nghe thấy nhau. Lại còn máy tính và Internet nữa, mà với chỉ một con chuột, người ta như chạm tới được và điều khiển tất cả.
Với sự mở rộng tới thế giới của tôi và sự thu hẹp thế giới vào màn hình trước mắt và ngón tay tôi như thế, xem như đã có thế giới đại đồng, với chỉ duy một tiếng nói: tiếng Anh (Mỹ), với chỉ duy một đồng tiền: US đô, với chỉ duy một cách sống: Mỹ. Và như thế, Toàn cầu hóa tựu chung chỉ là toàn cầu Mỹ hóa!
Tệ một cái là, bắt chước, người ta chỉ lột được cái vỏ, lại là cái vỏ hấp dẫn nhất bởi đáp ứng đúng những ham muốn hạ đẳng, như nhục dục và bạo lực. Bởi Toàn cầu hóa nhắm kinh tế trước tiên, mà kinh tế đã thả dàn thì hưởng thụ cũng “chết thôi” luôn.
Thật ra, Tây phương không phải là không có những cái hay, như truyền thống yêu hành động khiến nảy sinh những tham vọng và chí hướng lớn, những con người khám phá châu lục và chinh phục Bắc, Nam cực cùng với những đỉnh núi cao. Thế rồi, hai ngàn năm Kitô giáo đã đẻ ra những kiến trúc và nghệ thuật tuyệt vời, những đại văn hào như Dostoievski, Lev Tolstoi, Victor Hugo, những tác phẩm nhân đạo bất hủ như Những kẻ khốn khổ của nhà văn này, và các tác phẩm cuối đời của nhà văn trước v.v…
Có điều những nét đẹp ấy không đập vào mắt dễ dàng, lại đang bị phủ lấp dưới cuộc sống vội vã và quá vật chất hôm nay, cũng như bởi cơn sốt khoa học và kỹ thuật.
Cái lo trước mắt của Toàn cầu hóa kinh tế là sự tập hợp các công ty để hạ giá thành và tăng sức cạnh tranh. Mà hạ giá thành thì cả loạt công nhân viên mất việc. Còn tăng sức cạnh tranh thì “cá lớn nuốt cá bé”, cuối cùng chỉ còn những ông chủ tỷ phú, chứ mấy công ty làm ăn cò con thì sao sống nổi. Rồi quyền lực sẽ chuyển dần sang các tài chủ, khi mà, tất cả cho kinh tế và hưởng thụ, thì cái gì lại chẳng mua bằng gái và tiền được.
Nếu Toàn cầu hóa chỉ còn là toàn cầu Mỹ hóa, thì phải chăng đây cũng là một thứ văn hóa mới nó chiếm lĩnh toàn cầu? Thế nhưng một văn hóa chỉ phục vụ ham muốn thì có phản văn hóa chăng? Và một tự do chỉ nằm trong tay các bạo chúa tài chính thì chẳng diệt hết tự do hay sao? Toàn cầu hóa mà kiểu này sẽ đưa chủ thuyết Duy lý tính, Duy khoa học-kỹ thuật, Duy tự do cá nhân và Duy kinh tế-hưởng thụ phổ biến khắp hành tinh và đạt tới quyền lực tuyệt đối, và như thế cũng cáo chung cho cả tình cảm lẫn nhân đạo và nhân văn, như nhiều nhà tư tưởng đã tiên liệu.
Những giải pháp cho Toàn cầu hóa
Giữa trời đất này, để tồn tại thì phải dịch và biến. Nên giải pháp không phải là thọc gậy bánh xe, cản đường đi của một tiến hóa. Giải pháp chỉ có thể là “Nhu đạo”: làm như thuyền buồm, cứ uốn theo gió để đi con đường của mình. Mà hướng đi hay gió của ngày nay là lý tính và tự do, là mở rộng toàn thế giới. Có điều bất cứ gì sinh ra cũng có mặt xấu và mặt tốt, nên đừng vơ đũa cả nắm dù để giữ hay vất đi. Lại bất cứ gì đang có trớn, nó cũng dễ tiến tới cực đoan, và đây mới là điều gây hại. Do đó, đừng cấp tiến đến nỗi nhắm mắt theo phong trào. Cũng đừng bảo thủ đến kỵ tất cả những gì mới.
Thật ra thì Toàn cầu hóa có thể đưa mỗi người và mỗi nước gần lại với thế giới, nhờ đó có cảm thông để tay trong tay cùng tiến bước và đùm bọc lẫn nhau. Và khoa học kỹ thuật chỉ có ích nếu giúp con người biến đổi thiên nhiên và làm chủ vận mệnh của mình. Nên vấn đề không phải là khử, mà biết sử dụng chúng, chứ đừng làm nô lệ cho chúng.
Những nguyên tắc ấy đưa ta trở về hướng đi Đông Á với biện chứng Âm Dương. Với đạo Âm Dương, hễ có Dương (hay Âm), ắt sẽ có cái đối nghịch sinh ra, như Phản đề đối với Đề vậy. Bằng chứng là, cùng với xu hướng Toàn cầu hóa hôm nay, đang nổi lên hơn bao giờ hết những phong trào ly khai, mà nguyên do là kỳ thị chủng tộc (như ở vùng Kurdistan hay xứ Basque), kỳ thị ngôn ngữ (như ở Québec Canada), kỳ thị tôn giáo hay bản nguyên tôn giáo (fundamentalism) (như ở Afghanistan và cả trăm chỗ khác), nghĩa là rộng nào luôn có hẹp nấy để chống phá nhau. Rộng ư, thì phong trào liên quốc đã nổi lên sớm nhất bên Tây Âu, khi mà cách đây nửa thế kỷ, người ta đã muốn thống nhất bằng một ngôn ngữ duy nhất, và tiếng Esperanto được sáng chế tức thời. Thế nhưng mới đây, ranh giới EU vừa xóa xong người ta đòi lập lại ngay hầu ngăn chặn dịch bệnh, sự vận chuyển ma tuý tự do, di cư bất hợp pháp và các đoàn quân khủng bố. Vâng, gì cũng vậy, không nên đi quá. “Cùng tắc phản” mà!
Có điều để cho “cùng tắc phản” tự phát tự sinh, thì xấu tốt lẫn lộn, và mâu thuẫn khiến thương tổn cả hai bên. Nên phải có hướng dẫn và điều khiển, tìm cách đưa vô sự dung hòa, nhất là sự đối nghịch bù trừ để hai bên mài trơn cho nhau những chỗ sù sì sắc cạnh, hầu bội tăng sức mạnh cho một bước tiến chung vững chắc. Và đây mới là cái mạnh của đạo Âm Dương.
Về kinh tế, để Toàn cầu hóa sinh ích cho mọi dân mọi người, thì Liên Hiệp quốc phải có Tòa án kinh tế đủ mạnh để ngăn cản độc quyền, bảo vệ và nâng đỡ các công ty quốc nội, cấm vì lợi nhuận mà sát nhập thành những tập đoàn quá lớn để diệt cạnh tranh và sa thải công nhân hàng loạt. Vâng, cái lợi cần có nhân đạo để cân bằng. Lại để hai bên chủ thợ khỏi đối đầu như kẻ thù xưa nay, hãy cổ đông hóa công nhân viên để họ đồng trách nhiệm với ban quản trị và giám đốc.
Bên cạnh Toàn cầu hóa kinh tế, phải đẩy mạnh những giao lưu văn hóa, giúp mọi dân hiểu nhau và tôn trọng lẫn nhau. Những quốc gia mạnh về xuất khẩu phim ảnh và âm nhạc, thay vì bóp chết văn hóa các dân tộc khác, hãy dành một phần lợi nhuận từ các sản phẩm giải trí để giúp phát triển nghệ thuật ở các nước còn yếu kém, hầu tạo nên một thế giới trăm hoa đua nở.
Riêng các nước bị lép vế, không phải vì thiếu một nền văn hóa cao cho bằng thiếu một nền kinh tế mạnh để nâng đỡ, các nước ấy hãy nhớ rằng cần phải sáng tạo và đổi mới, vì chỉ bằng cách ấy mới bảo vệ được vốn cổ của mình. Nên bên cạnh những vở tuồng cổ và âm nhạc cổ được tái diễn đôi phen để “ôn cố”, phải “tri tân” bằng tạo mới những bản nhạc và phim ảnh đi đúng hướng thời đại mà vẫn duy trì được cái gì là tinh hoa muôn thuở của mình. Tinh hoa của Đông Á, đó là thứ âm nhạc dù tươi vui nhí nhảnh cũng vẫn êm dịu và lắng đọng, nhạc để hóa dân chứ không để cổ suý cho bạo lực và dật lạc chủ nghĩa. Đó cũng là thứ hội họa thanh lịch, hướng về lòng yêu thiên nhiên, chứ không kích dục sỗ sàng. Đó còn là truyền thống gia đình sống chết có nhau, mà các phim ảnh như của Hàn Quốc trân trọng. Vâng, làm sao để toàn cầu Mỹ hóa không phá đổ văn hóa dân tộc và những nét đẹp ngàn đời của chúng ta!
Đi đôi với ham say vật chất, Toàn cầu hóa còn tôn thờ lý tính cùng với khoa học, kỹ thuật.
Chúng ta yêu khoa học kỹ thuật quá đáng, khiến thiên nhiên bị bóc lột và khinh rẻ như phương tiện, do đó phản lại thành tai hại cho loài người chúng ta. Vâng, nếu hướng tiến hóa tốt đẹp của thiên nhiên là từ khoáng chất qua sự sống tới con người như mục đích và đỉnh cao của tất cả, thì chúng ta lại đang bẻ quặt hướng đi ấy thành một thoái hóa: khinh rẻ con người, chúng ta đang vầy vò, thủ tác (manipuler); khinh rẻ sự sống, chúng ta đang tiêu diệt các loài không tiếc xót, đang gây ô nhiễm, làm trái đất nóng lên và tầng ôzôn mỏng đi để tự giết chết mình cùng với các sinh vật khác.
Vậy, cùng với sự tác biến thiên nhiên, chúng ta hãy trân quý nó. Để hưởng thụ khỏi đi quá và làm cạn kiệt năng lượng, ta phải nuôi đức Kiệm (ước). Đồng thời đi vào đức hiếu sinh của trời đất và trau dồi lòng nhân cho mình và cho con em của mình. Và do đó cấm ngặt thứ văn hóa bạo lực và cố phát triển thứ nghệ thuật trong sáng, hướng về hài hòa, cho một tình thương mở tới bao la.
Để dân khỏi ồ ạt về thành phố, khiến ô nhiễm cả môi sinh vật chất lẫn tinh thần, hãy đầu tư nhiều cho thôn quê, về cả nông nghiệp lẫn công nghiệp nhỏ, nhất là công nghiệp chế biến. Và để được như thế, cần xây dựng đó đây rất nhiều tiểu thị trấn.
Ngoài ra, để đời sống khỏi vội vã quá dễ sinh stress, phải có quân bình bằng thiền và trầm tư, bằng các thú giải trí thanh tao như chơi chim, kiểng, trà đạo v.v…
Thêm vào đấy, trong khi phát triển tri thức lý tính, Logos, chúng ta phải dung hòa nó với Muthos (mythe) (3), cái biết huyền ẩn của sấm ngôn, hiền triết và thi nhân. Vâng, để khám phá, chúng ta không chỉ có lý trí nó lột trần nên thiên nhiên chẳng còn gì là huyền bí và đáng trân trọng đối với chúng ta nữa. Đúng như Heidegger nghĩ, với lý trí, con người chỉ bóc rồi bỏ, chỉ với cảm nhận của Thơ, con người mới say yêu thế giới này, nhận nó làm nhà và ở lại với nó: “Thơ là sức mạnh chính yếu để chúng ta ở (habiter)” (4).
Âu Mỹ từ lâu đã bỏ quên Muthos và Poiêtikon (thi tố). Đây là lúc mà Á châu hiền triết và sùng thơ phải nhắc nhở cho họ để Toàn cầu hóa khỏi nghiêng lệch và đổ bể. Nhất là đừng thiên Lý mà bỏ Tình, điều ấy biến chúng ta thành những máy tính và robot thông minh, nhưng con người thì đã chết.
Xem thêm: Bên ngoài khoa học
Chú thích
(1) Fedor Mikhailovitch Dostoievski (1821-1881), một đại văn hào (cũng là đại tư tưởng gia) người Nga, với những tác phẩm bất hủ như Những thằng quỷ, Anh em nhà Karamazov…
(2) Nhận xét của ông qua miệng Chigalion, Casanas trưng dẫn trong tập biên Etudes d’anthropologie philosophique, tr.211.
(3) Platon tuy tôn thờ lý tính đấy, nhưng ông còn tôn thờ nó theo đúng nghĩa của tôn thờ, nghĩa là thần thánh hóa nó bằng một lý giải huyền thoại. Logos (Noũs) của ông vẫn đồng sàng với Muthos (cái biết huyền thoại). Chứ với Descartes thì Muthos đã mất, chỉ còn lại Lý tính bị bóc trần rồi. Ngày nay, Muthos (nghĩa nguyên khởi chỉ là truyện thuật) không chỉ là huyền thoại hay giải thích huyền thoại, mà mọi giải thích siêu lý chúng đối lập với giải thích thuần lý (rationnel).
(4) Trưng dân do G.Florival, trong Etudes d’anthropologie philosophique, tr.287