Cái danh là tên gọi dành cho muôn loài và muôn vật. Hòn đất phải có tên, hòn đá cũng có tên. Độ cứng của chúng rất khác nhau, tiền của viên đá sẽ khác tiền của viên đất, ngay cả đá, độ cứng của nó cũng nói lên giá trị của nó, đá tổ ong không thể bằng đá vôi, đá vôi không thể bằng đá granit, và độ rắn của đá cũng đã mở màn văn minh của loài người với các công cụ bằng đá, sau mới đến bằng đồng. Trong một vụ án hình sự chẳng hạn, phương tiện bằng đá sẽ phải khoác trọng tội nhiều hơn viên đất.
Con chó, con mèo cũng có tên loài, thậm chí nhiều chủ nhân còn đặt tên riêng cho từng con. Vạn vật, muôn loài đã thế. Còn con người? Con người thì bắt buộc phải có tên gọi, thậm chí khi mới đẻ người ta còn phải cấp chứng minh thư cho hài nhi còn đang khóc oe oe. Chứng minh thư còn trở thành giấy tờ tùy thân tiên quyết mà không có nó người ta không thể được ra khỏi nhà, chưa nói đến qua biên giới thì từ chứng minh thư đó còn phải cấp thêm hộ chiếu hay visa.
Vậy danh dự là gì? Chí ít con người đó phải biết Vinh Danh, tức tôn vinh được tên gọi của mình. Vì thế bất hạnh nhất là người sinh ra ở đời không rõ nguồn gốc, rồi tên gọi, rồi như người Việt rủa “đứa cù bơ cù bất, không cha không mẹ…” “Đồ mất dạy!” tức không có cha chú hay cô dì dạy bảo. Trái với vinh danh là ‘hổ danh”, trái với nêu danh là “bêu danh”. Người không có danh dự còn bị gọi là “vô sỉ” hay “vô liêm sỉ”, tức những kẻ không biết sỉ nhục hay xấu hổ. Người đời có những câu như “chết vinh còn hơn sống nhục”, hay “chết đứng còn hơn sống quì”, hoặc “tự do hay là chết”, bởi tự do là sống như ông chủ, nếu phải sống như kiếp nô lệ thì sống mà làm gì?!
Con người cận đại, đặc biệt trong các thời đại tiến bộ thì rất ý thức vì danh dự. Tại sao? Bởi lẽ, xưa kia đời sống nguyên thủy quần hôn như muông thú, người ta sống lay lắt bò lê bò càng kiếm ăn, để làm sao sống sót cho qua ngày đoạn tháng. Người Châu Á càng ít ý thức về danh dự. Cho đến nay có thể nói châu Á chưa xuất hiện bất cứ mô hình nào có nhân vật dấn thân tìm kiếm hay thách đấu về danh dự. Ở Trung Quốc, xưa kia đàn ông chịu thiến hay làm hoạn quan chỉ để vào nhà giàu xin miếng ăn hoặc vào cung vua phủ chúa kiếm chút yến tiệc triều đình; còn đàn bà hì bó chân cho đùi nở sẵn sàng làm thiếp để được hưởng cảnh nhung lụa.
Văn học Trung Quốc thường chỉ thấy cảnh đã thành công thức, đi thi đỗ, làm quan, vinh qui bái tổ, động phòng. Đặc biệt Hàn Tín còn trở thành biểu mẫu cho lối sống sẵn sàng luồn trôn thằng hàng thịt, rồi nuôi mộng “báo thù mười năm chưa muộn”, sau làm tể tướng. Ở Việt Nam cũng chẳng khác là bao, trong đời sống người ta thường chỉ bon chen “ghen vợ ghen chồng không nồng bằng ghen ăn”, bâu xâu quanh dục vọng, các nhân vật cũng chưa thấy ai leo lên đài danh dự, ngay cả “Truyện Kiều” nổi tiếng của Nguyễn Du cũng mới chỉ loay hoay dục vọng thanh lâu, rồi ghen tuông, rồi gái gú, với chỉ một chút nâng cao thân phận nàng Kiều lên cổ họng khát công lý. Về điểm này có lẽ phải công bằng với nhà thơ thiên bẩm thiếu nhi Trần Đăng Khoa, tôi cho rằng đó là câu nếu không hay nhất thì cũng tổng quát nhất của anh, đó là: văn học Việt Nam không lớn được vì nói chung chỉ quanh quẩn chuyện ăn uống.
Xét kỹ đi, văn học Việt Nam đầy rẫy các truyện “trẻ con không biết ăn thịt chó”, “mời các cụ chim to lên mâm trên”, nhà văn Nguyễn Tuân “chặt thịt gà” khéo đến độ cái đầu gà được chặt thành mười mấy miếng, miếng nào cũng phải dính tí mỏ, ngay đến “Tướng về hưu” nổi tiếng khắp năm châu bốn biển thì cũng là cảnh gây sốc cho chó ăn nhau thai bà đẻ… liệu có thấy các thách đố của danh dự một mất một còn?
Khi chúng ta muốn căng một cái dù, việc đầu tiên chúng ta phải nâng đỉnh của nó lên, rồi sau đó mới xòe ra. Danh dự là đỉnh cao nhất của con người cũng như văn học. Chính thế, mà danh dự dù hão huyền của chàng Don Quixote qua tư tưởng của văn hào Cervantes đã trở thành tiểu thuyết vĩ đại của mọi thời đại.
Người châu Âu có giai cấp quí tộc, tức là giai cấp của ông chủ nên họ rất trọng danh dự. Khi có việc cảm thấy bị tổn thương, người ta liền ném găng thách đấu để bảo vệ danh dự của mình. Việc này khiến tất cả những kẻ hung hãn cũng như cậy quyền thế phải chùn tay. Chẳng hạn ông thị trưởng kia cậy quyền xúc phạm một quí ông dân sự. Trước mắt mọi người quí ông liền ném găng đòi thách đấu. Ông thị trưởng nếu không bắt găng sẽ thành đồ hèn và liền mất điểm uy tín trước mặt thiên hạ, sau đó vừa mất chức vừa sống ô nhục, nên ông thị trưởng sẽ bắt găng, nhưng cuộc sống sẽ bị lâm nguy. Chẳng hạn ông thị trưởng bắt găng cho có danh dự, sau đó sai thuộc hạ của mình ám toán quí ông kia, như vậy cuộc đấu sẽ không xảy ra, ông ta sẽ bị điều tiếng và chịu hàm nghi…
Như vậy các cuộc thách danh dự đã dạy con người cư xử bình đẳng. Một thứ ngang bằng cao cả nhất của xã hội con người.
Nhưng khi khẩu súng lục ra đời, đó mới thực sự là bước nhảy vọt vĩ đại của Danh dự cũng như Bình đẳng. Việc này đã được rất nhiều cuốn tiểu thuyết và phim khai thác. Tại sao? Vì khi đấu kiếm, sẽ thấy ngay tương quan chênh lệch, người giỏi kiếm thường vũ phu cơ bắp, người bị xúc phạm thường nho nhã yếu ớt. Và càng không bao giờ có đàn bà chân yếu tay mềm đòi dấu với đàn ông. Nhưng khẩu súng ra đời, nó đã đặt dấu bằng cho tất cả dù người khổng lồ hay bé tẹo, đàn ông vũ phu hay đàn bà yếu ớt… Có một bộ phim của Nga, tôi xem lúc nhỏ mà không bao giờ quên được hình ảnh cao đẹp của nó. Anh lính Nga kia tài giỏi dũng cảm đủ bề, yêu một cô cùng quân ngũ cũng rất đẹp rất tài. Hai người thường ganh tài ganh sắc nhau đến mức hôm đó họ dùng hết ghế trong hội trường chặn cửa lại để đấu súng. Trời ơi, hai người yêu nhau mà lại bắn nhau, như vậy rõ ràng: Danh dự và Công lý vẫn lớn hơn tình yêu…
Cây nào ra trái nấy. Tác giả không trọng danh dự thì làm sao có thể hạ sinh tác phẩm “quằn quại” trong danh dự? Có một bản mẫu kinh điển cho chúng ta, đại văn hào – thi hào Puskin do tư tưởng cấp tiến cách mạng đã từng bị đày đi Sibir, ông đã viết nhiều tác phẩm có cảnh đấu súng cao thượng và dũng cảm, đến lượt chính bản thân ông đã thách đấu súng với viên sĩ quan kỵ binh Georges d'Anthès, rồi mất mạng. Puskin không chỉ là tác giả vĩ đại mà còn là nhân vật kiểu mẫu vĩ đại cho chính sách vở của mình. Vậy mà khi tôi khen Puskin, có một nhà thơ Việt nói: Puskin cũng là nhà thơ, thì Nguyễn Du cũng là nhà thơ, hai người đó ngang ngửa nhau thôi. Một lần khác tôi nói: dân tộc Thụy Sĩ khác hẳn Việt Nam vì họ làm ra đồng hồ từ nhiều thế kỷ rồi, còn Việt Nam mới chỉ có rổ rá. Liền nghe một anh trình độ kỹ sư nói “đồng hồ cũng là phương tiện, rổ rá cũng là phương tiện, nên chúng giống nhau”.
Làm sao chúng ta có thể đàm luận với những người không có khả năng phân biệt, hoặc cố tình không phân biệt. Tôi có nói: so Nguyễn Du với Puskin chẳng khác gì đem quả pháo Bình Đà ra so với tầu vũ trụ của Nga. Danh dự là đề tài tột đỉnh, vậy xin bàn tiếp về nó trong bài sau.
Nguyễn Hoàng Đức