Người Việt Nam chúng ta đang tiếp xúc một loại gọi là “thảm họa truyền thông”, thảm họa của những tờ “báo lá cải”.
Được rủ tham gia vào một hội vui vui về “báo lá cải” trên Facebook, tôi mới chợt té ngửa rằng mình vẫn còn chưa biết tại sao lại gọi là “báo lá cải”. Cay thật là cay!
Khổ công đi tra cứu các tài liệu liên quan mới biết được rằng: Anh quốc là quê hương của “báo lá cải”.
Người ta thường giải thích “báo lá cải” là mượn nghĩa từ dùng trong tiếng Anh tabloid journalism. Ttabloid journalism là một loại báo ở Anh có khổ giấy in nhỏ hơn so với loại báo xuất bản hàng ngày. Loại báo này mặc dù không có tiêu chuẩn rõ rệt nào về khổ chính xác, nhưng thường có khổ giấy phổ biến khoảng chừng 430 × 280 mm (16.9 in × 11.0 in).
Mặc dù nhen nhóm ở Hoa Kỳ trong những năm 1890 với phong trào báo hạ cấp Yellow Journalism, sự hình thành toàn diện của báo lá cải bắt đầu ở Anh năm 1903 khi Lord Northcliffe lập ra tờ Daily Mirror và biến nó thành báo lá cải bán chạy nhất.
Từ tiếng Anh của lá cải, tabloid, được xem là xuất phát từ một thương hiệu dược phẩm chỉ loại thuốc được cô lại thành viên hay viên con nhộng. Nên có người bảo tính gây nghiện và dễ nuốt của thuốc đã được chuyển sang cho truyền thông vào hồi đầu thế kỷ 20 khi người ta dùng từ tabloid để chỉ báo khổ nhỏ A3 vốn dễ đọc trên tàu điện ngầm và xe buýt so với báo khổ lớn A2.
Các báo lá cải có cùng xu hướng tập trung khai thác scandal, tội phạm, người nổi tiếng và “buôn chuyện”. Anh quốc được coi là nước có sự phân biệt rõ ràng nhất giữa “báo lá cải” và “báo chính thống”, những tờ báo mà trong những năm gần đây cũng đã chuyển từ khổ A2 sang A3 với phương châm “vẫn tờ báo đó, vẫn những câu chuyện đó, chỉ có khác khổ”.
Có những ý kiến phê phán cho rằng “lá cải hóa” là sự xuống ngôi của tin tức thời sự và sự lên ngôi của tin giải trí, sex và scandal; sự “lá cải hóa” đồng nghĩa với việc chuẩn mực báo chí sụt giảm, tin tức thời sự như chính trị và kinh tế vắng bóng và sự gia tăng các tin giải trí như các chủ đề nhớp nhúa, scandal, giật gân và tiêu khiển.
Từ nghĩa ban đầu chỉ khổ báo là “báo có khổ lá cải”, hiện giờ “báo lá cải” được dùng theo nghĩa chỉ vị trí của loại báo này trên thị trường hơn là khổ in thật sự của nó. Nó được qui thành tính chất “lá cải” do báo lá cải thường ưa tạo scandal, tin giật gân rẻ tiền mà thiếu đi tính chất báo chí đúng nghĩa. Một số người chỉ trích còn đi quá xa khi đề nghị tước quyền công dân của những người đọc “báo lá cải”.
Từ “báo lá cải”, tính chất “lá cải” của nó đã lây lan sang cả truyền hình. Các chương trình talk shows “lá cải” rất phổ biến trên các chương trình quốc gia Anh trong thời gian cuối của thế kỷ 20.
Nhưng Việt Nam thật chẳng giống ai!
Theo quan niệm của người Việt Nam , “báo lá cải” là những tờ báo mới ra chuyên đăng tin vụ án li kỳ hoặc những scandal đình đám liên quan đến người nổi tiếng. Trên các sạp báo hiện giờ treo đầy những tờ báo kiểu này vì người bán báo bảo được bán rất chạy, còn các tờ báo thời sự - chính trị thì bị xếp xuống dưới hầu như chẳng ai mua.
Người Việt Nam chúng ta đang tiếp xúc một loại gọi là “thảm họa truyền thông”, thảm họa của những tờ “báo lá cải”.
Nhiều người ở Việt Nam có chung nhận xét: Nếu nói loại “báo lá cải” ở Việt Nam hoàn toàn giống với loại báo tabloid journalism ở Phương Tây là không đúng. Có những người còn cho rằng tại Việt Nam chưa có thứ gọi là báo lá cải, mà chỉ có cách khai thác tin lá cải.
Về điều này, xin được mượn lời nhà báo, CEO tập đoàn Le Group Lê Quốc Vinh trong một bài phỏng vấn có tiêu đề: “Thảm họa truyền thông” ở Việt Nam .
“Tôi nói thật những chuyện như thế này chúng tôi cũng tranh luận rất nhiều. Những sản phẩm báo chí, cái này vẫn là báo chí, có thể vẫn gọi như thế, nhưng mà là một trường phái báo chí chúng ta chỉ có thể thấy ở Việt Nam chứ không thể thấy ở bất cứ nước nào khác trên thế giới, là moi móc những chuyện riêng tư, thậm chí là thổi phồng lên cả những cái chuyện mà rất nhỏ thành to, đấy là những chiêu trò của một nhóm báo chí muốn câu khách bằng những thông tin kiểu như vậy.
Ở Anh quốc, bạn cũng rất khó tìm ra được những loại bài báo như vậy trên báo chí ở Anh quốc hay ở Mỹ. Nhưng ở Việt Nam thì cái quan điểm về “lá cải” nó hơi khác với cái quan điểm về “lá cải” ở phương Tây.
Tôi cho đấy thực sự là những thảm họa. Và đây là trách nhiệm không phải là trách nhiệm của những người phát ngôn đâu. Như tôi nói ngay từ lúc đầu là tôi không trách những người như cô Phạm Ngà phát biểu như vậy, mà tôi trách những người làm báo.
Những người làm báo mà moi móc khía cạnh như vậy để đưa lên mặt báo thì đấy là phương pháp làm báo mà nếu dân chúng cứ bị mê hoặc, cứ chạy theo những loại báo chí như vậy thì tôi nghĩ câu chuyện thảm họa đó không chỉ dừng lại ở chuyện một cô gái mà nó sẽ ảnh hưởng đến cả xã hội”.
Khái niệm “lá cải” rành rành là một khái niệm được nhập khẩu từ Phương Tây, thế nhưng không thể không đặt câu hỏi: Tại sao người Việt mình lại gọi là “báo lá cải”?
Thử ngắm nghía kích thước chiếc lá cải sẽ thấy một chiếc lá cải to cũng có khổ tầm tầm bằng kích cỡ loại báo khổ nhỏ này. Có lẽ vì liên tưởng khổ báo tương tự như hình dạng chiếc lá cải, mà loại báo này đã được người Việt mình gọi là “báo lá cải”, có nghĩa là “báo có khổ lá cải” chăng?
Đó là cách giải thích thiên về nghĩa “khổ báo”.
Đặt câu hỏi tiếp: Tại sao người Việt mình lại chỉ dùng “lá cải” mà không dùng loại lá gì khác có hình dạng tương tự để gọi loại báo này ? Phải chăng ngoài chuyện mượn hình ảnh chiếc lá cải để mô phỏng khổ báo, người ta còn muốn nói đến cái giá trị thông tin giải trí nhất thời, không có giá trị lâu dài, giống như chiếc lá cải “sáng tươi chiều héo” như có người từng nhận định?
Còn một câu hỏi nữa đang chờ được trả lời: Thế thì từ “báo lá cải” xuất hiện lần đầu tiên ở Việt Nam từ khi nào?
Ai sẽ là người lên tiếng đây?