CÂU HỎI CỦA DIỆU HIỀN: Kính thưa Thầy, “đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền” và “tâm bất động trước các pháp” có phải giống nhau không?
TRƯỞNG LÃO TRẢ LỜI: Không, “đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền” và “tâm bất động trước các pháp” là hai pháp khác nhau như một trời một vực.
Câu “đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền” có nhiều nghĩa như:
1- Tâm chai lì vì chịu đựng quá nhiều sự bất hạnh, nên lì mặt ra như không có chuyện gì xảy ra cả, nghĩa là quá quen thuộc với các ác pháp.
2- Tâm lọt vào chỗ không ngơ (như như) trở thành cây đá chẳng còn phân biệt giống như một cỗ máy. Hòa Thượng chùa Phước Hậu tu Tịnh độ ức chế tâm lọt vào chỗ như như, nên Hòa Thượng có để lại một bài kệ:
Kinh điển Phật truyền tám vạn tư/Tu hành không thiếu cũng không dư/Đến này chừng đã như quên hết/Chỉ nhớ trên đầu một chữ “Như”
Câu chuyện Hòa Thượng lội qua sông sau đây chắc nhiều phật tử nghiên cứu Thiền và Tịnh Độ tông cũng đã biết. Người ta kể lại, khi Hòa Thượng lội qua sông và lên bờ thì Hòa Thượng quên mặc quần áo, cứ để trần truồng mà đi; người thị giả chạy theo gọi Hòa Thượng mặc quần áo thì Hòa Thượng mới nhớ.
Tu hành mà trí tuệ quên như vậy thì quý vị nghĩ sao? có giống như người máy không? Đó chính là “đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”. Thiền định như vậy chúng ta tu để làm gì, để trở thành người mất trí ư?!
3- “Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”, đó là một cụm từ rất kêu của Thiền tông dùng để nói lý thuyết, chứ không phải sự sống thiền là như vậy.
Thiền tông không ngờ, khi tu tập đến chỗ chẳng niệm thiện niệm ác, tưởng là đối cảnh vô tâm, nào ngờ lại trở thành lẫn trí. Trong khi chúng tôi về học và tu thiền ở Chân Không trong khóa tu thứ nhất, ở đấy có một vị Đại diện Phật giáo tại Tỉnh Vĩnh Long đồng tu học với chúng tôi. Không biết ông tu thế nào, nhưng sau này chúng tôi được biết ông trở thành người lẫn trí.
Trong cuộc đời tu hành của chúng tôi có biết bao nhiêu bạn tu thiền Đông Độ, nhưng chúng tôi chưa từng thấy người nào “đối cảnh vô tâm”, là vì tất cả quý vị hiện giờ đều hữu tâm. Hữu tâm như thế nào?
Chùa to, Phật lớn, xe cộ đầy đủ, nói chung về vật chất thế gian có vật gì thì quý thầy đều có đầy đủ như: tủ lạnh, máy điều hòa, radio, cassette, tivi, v.v… Như vậy làm sao gọi quý thầy là vô tâm được.
Bất Động Tâm Định là tên gọi một kết quả thiền định xả tâm của đạo Phật, để chỉ cho một quá trình tu tập đức hạnh và giới luật của bậc Thánh tăng, để diệt ngã xả tâm, ly dục ly ác pháp, chứ không phải là những danh từ suông như Thiền tông dùng “đối cảnh vô tâm”.
Bất Động Tâm Định là chỉ cho một trạng thái vô1 tham, sân, si của một hành giả tu tập đúng giáo pháp nguyên thủy, mà xưa kia đức Phật đã thành tựu viên mãn và đã từng dạy cho các đệ tử của mình.
Vậy khi chúng ta bị đánh rất đau, thì lúc bấy giờ chúng ta có VÔ TÂM được hay không? Trái lại, BẤT ĐỘNG TÂM khi bị đánh chúng ta không vô tâm nên biết đau rất rõ, nhưng chúng ta không giận người đánh, không phiền não cho số phận của mình, mà chúng ta biết nhân quả rất rõ, biết thiện ác không sai, biết tâm mình không dao động trước cái đau. Đó là tâm bất động trước các pháp.
Tóm lại, khi tu tập tâm hết tham, sân, si thì gọi là BẤT ĐỘNG TÂM TRƯỚC CÁC PHÁP, nó còn có một cái tên khác nữa là Vô Tướng Tâm Định; Vô Tướng Tâm Định đó là một trạng thái hoàn toàn giải thoát của đạo Phật. Chính nó là Niết Bàn của chư Phật.
Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Trích: Tâm thư ngày 16/11/2000 trong "Những bức tâm thư tập 3