Tâm si

Tâm si là tâm làm cho chúng ta mê mờ không phân biệt được chánh tà, thiện ác, không phân biệt được ai tốt ai xấu, tâm si còn làm cho chúng ta mê mờ không thấy được cái khổ, cái hại, cái nguy hiểm từ những việc mình làm, mình nói và suy nghĩ, dẫn đến làm khổ mình, làm khổ người và khổ chúng sinh.

Những tướng trạng thái của tâm si là:
  1. Dễ buồn ngủ, ngồi đâu ngủ đó, ngồi thiền ngủ gà ngủ gật, gật lên gật xuống, ngồi thụng lưng, nghiêng đầu, đi cũng ngủ, ngồi trên xe cũng ngủ, lái xe cũng ngủ.
  2. Lười biếng, nhút nhát.
  3. Làm việc gì cũng hời hợt, cẩu thả, làm hoa loa, làm cho lấy có, thiếu trách nhiệm.
  4. Thiếu tĩnh giác, thiếu cẩn thận, dẫn đến hại mình, hại người, hại cả hai, hư hại vật chất và tài sản, tốn hao tiền của và thời gian, ảnh hưởng đến những vấn đề khác liên quan.
  5. Hay vội vã, hấp tấp, thiếu bình tĩnh, thiếu quan sát.
  6. Tham ăn, tham ngủ nghỉ, thích ngồi nằm, làm biếng đứng dậy, tham của cải tài sản vật chất, tham danh, tham lợi, thích tích trữ nhiều đồ vật.
  7. Sợ cực khổ, thích chạy theo những dục lạc thế gian,
  8. Dối trá, gian dối, không giữ lời hứa, che dấu lỗi lầm,
  9. Sống phi phạm hạnh, xem thường hay bỏ qua những lỗi nhỏ nhặt.
  10. Dễ thối chí, thối chuyển, không tự tin, không có quyết tâm cao, không có nghị lực, không bền chí, kiên trì, dễ bỏ cuộc, gặp khó khăn không biết kiên trì vượt qua
  11. Dễ giận hờn, dễ ghen tuông, dễ nghi ngờ,
  12. Thích người khác khen, thích hơn người khác, chấp ngã,
  13. Luôn sợ hãi, lo lắng, buồn phiền.
  14. Thích lý luận để che đậy lỗi lầm của mình, thích tranh luận hơn thua.
  15. Đánh giá mọi việc theo chủ quan hời hợt, không chịu nghiên cứu tìm hiểu kỹ, nghe một chiều không chịu nhìn mọi việc dưới nhiều góc độ khác nhau.
  16. Không mạnh dạn từ bỏ dục và ác pháp, để dục và ác pháp cám dỗ lôi kéo, chấp nhận sống trong dục lạc và ác pháp, biết khổ nhưng vẫn thích sống trong khổ.
  17. Chấp vào các pháp thế gian và cả thân tâm là ta, là của ta, là bản ngã của ta, xem các pháp thế gian là thường hằng bất biến, tin vào định mệnh, số mệnh, số phận, phó thác cuộc đời cho số phận đưa đẩy không có ý chí vượt khó vươn lên.
  18. Luôn thấy lỗi người, không thấy lỗi mình.
  19. Keo kiệt, bủn xỉn, tham lam, không biết chia sẻ, giúp đỡ người.
  20. Không biết nhường nhịn, hay tranh giành, chiếm đoạt, ích kỷ, chỉ biết mình, chỉ biết lợi ích cho mình,
  21. Không biết thương yêu và tha thứ, không biết thương yêu sự sống của các loài vật khác, lấy sự sống của các loài vật khác nuôi sự sống của mình.
  22. Không hiểu được những chân lý của đạo Phật, hiểu sai lời dạy của Phật, không phân biệt được lời dạy nào của Phật lời dạy nào của ngoại đạo,
  23. Mê tín, tin vào có thế giới siêu hình tưởng, tin tưởng có ngọc hoàng, thượng đế, đấng tạo hóa, linh hồn, ma quỷ, thiên đàng, thế giới niết bàn, tin có thế giới sau khi chết,... do vậy dễ bị lường gạt, hao tài tốn của tốn sức.
  24. Chạy theo và tôn sùng những người có thần thông phép tắc, thấy chuyện quá khứ vị lai và bái họ làm thầy làm thánh hoặc theo tôn giáo của họ.
  25. Lời nói và việc làm thiếu suy nghĩ, nên dẫn đến nhiều tai hại cho chính mình và người khác.
  26. Biết có hại mà vẫn đâm đầu vào như uống rượu, hút thuốc lá, chích xì ke, ma túy, đánh bài, cá độ, chơi số đề, chơi chứng khoán, giết người, trộm cướp, hiếp dâm hoặc phạm vào những trong tội trong pháp luật.
  27. Sống không tình nghĩa, chỉ biết có lợi ích cho bản thân.
  28. V.v... 
Theo những tướng trạng trên của tâm si, chúng ta có thể thấy có 2 dạng si: si thuộc về thân, si thuộc về tâm.

Khi gặp tướng trạng si thuộc về thân thì nên đứng dậy đi kinh hành. Khi đi, đứng đều phải thẳng người, thẳng cổ, không cong, khòm lưng. Khi ngồi thì lưng phải thẳng tự nhiên, không gục đầu, không nghiêng ngữa đầu, không lúc lắc. Khi nằm thì nằm kiết tường thẳng người, không cong lại như con tôm.

Đối với tâm si thuộc về tâm thì thường xuyên tu Định vô lậu để thấu suốt từng tâm niệm thiện ác. Ác thì ngăn và diệt, Thiện thì sanh và tăng trưởng. Nhớ dùng pháp "Như Lý Tác Ý" tác ý đuổi niệm ác hoặc dẫn tâm vào đạo - vào lý giải thoát, đó là tâm bất động, thanh thản an lạc và vô sự.

Tóm lại, người có tâm si thường sống làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sinh. Do vậy trước khi làm, nói hãy suy nghĩ trước. Nếu thấy việc đó không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sinh thì nói và làm, ngược lại thì không nên. Nghĩa là phàm khi nói và làm việc gì phải thấy lời nói và việc làm mang lợi ích cho mình, cho người và cho các loài vật khác.

Previous Post
Next Post