Hỏi: Kính bạch Thầy, tại sao tu sĩ Phật giáo hiện giờ không giữ gìn giới luật, sống phi giới luật, sống bẻ vụn giới luật. Như vậy, con đường tu của họ sẽ đi về đâu? Và có ích lợi gì cho kiếp sống tu hành của họ?
Người tu sĩ giữ gìn giới luật nghiêm túc, sống đúng Phạm hạnh, thiểu dục tri túc, phòng hộ các căn đầy đủ, con đường tu của họ sẽ đi về đâu? Và có ích lợi gì cho kiếp sống của họ cũng như cho nhân loại và đạo pháp? Cúi mong Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.
Đáp: Như Thầy đã dạy, giới luật là một pháp môn tu hành của đạo Phật, chớ không phải là pháp luật của một quốc gia. Cho nên, các bộ giới luật do các Tổ biên soạn thành một bộ pháp luật của Phật giáo, hơn là một pháp môn tu tập để tâm được vô lậu.
Pháp môn Giới luật cùng với pháp môn Thiền định và pháp môn Trí tuệ được gọi chung có tên là “Tam Vô Lậu Học”. Tam vô lậu học là ba pháp môn tu tập không còn lậu hoặc, tức là ba pháp môn tu tập sẽ chấm dứt đau khổ của kiếp người, hay nói cách khác là pháp môn làm chủ sanh, già, bịnh, chết của đạo Phật.
Ba pháp môn vô lậu này kỳ thật chỉ là một pháp môn duy nhất, nhưng chia làm ba giai đoạn tu tập: Giới - Định - Tuệ. Trong ba giai đoạn này, chỉ có giới luật là giai đoạn quan trọng nhất và tu tập khó nhất, trên đường tìm cầu đạo giải thoát theo đạo Phật.
Bởi thế, người nào tu hành mà không giữ gìn giới luật, không tu giới luật, không sống đúng giới luật, thì có tu suốt đời cũng tu chẳng tới đâu, chỉ còn tu danh, tu lợi, tu tưởng mà thôi (chẳng bao giờ có giải thoát thật sự).
Nếu không tu giới luật mà tu thiền định, thì thiền định đó là tà thiền, định tưởng. Nếu không tu giới luật mà tu trí tuệ, thì trí tuệ đó là tà tuệ, kiến giải tưởng giải, là trí tuệ tích lũy, là nước miếng, nước bọt hí luận của người xưa, thêm râu, thêm ria, vẽ rắn thêm chân. Từ xưa đến giờ, các Tổ chỉ lặp đi, lặp lại lối mòn của nhau, chỉ dùng từ hiện đại cho lạ tai mà thôi, chớ lối mòn vẫn là lối mòn, không thể nào lối mòn là đường quang lộ được.
Như trên Thầy đã dạy, giới luật là pháp môn quan trọng nhất trong Tam Vô Lậu Học. Cho nên, vì lợi ích chúng sanh, vì muốn thoát ra sự đau khổ của kiếp người, đức Phật đã dạy: “Vì hạnh phúc, vì lòng thương tưởng đệ tử, những việc ấy ta đã làm xong, vì lòng thương tưởng ta đã dạy các ngươi”.
Đây là một bài kinh mà đức Phật đã khéo nhắc nhở cho các vị Tỳ kheo tu tập giới luật, vì giới luật rất quan trọng trên đường cầu đạo giải thoát. Bài kinh “Ước Nguyện”, trong Trung Bộ tập 1, trang 79, Phật dạy:
“Này các thầy Tỳ kheo, hãy sống đầy đủ giới hạnh, đầy đủ giới bổn, sống phòng hộ với sự phòng hộ của giới bổn, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt, chơn chánh lãnh thọ và học tập các học giới”.
Đoạn kinh này là lời dạy khuyên, nhắc nhở của đức Phật thấm thía vô cùng, một lời khuyên từ cõi lòng, vì thương tưởng chúng sanh đang sống trong cảnh khổ mà chẳng biết đường nào ra.
Trên thế gian này, chỉ còn có con đường duy nhất “Giới, Định, Tuệ” để tu tập, thoát ra sự đau khổ của kiếp người. Không thể có con đường thứ hai nào khác được. Phật đã biết rất rõ điều này, vì trên bước đường tầm sư học đạo Ngài đã trải qua sáu năm gian khổ, nhưng vẫn không tìm ra đường giải thoát. Bốn mươi chín ngày dưới cội bồ đề trầm tư và nhập Tứ Thánh Định, chứng Tam Minh, Ngài đã tự tìm ra chơn pháp; chơn pháp ấy là thầy của Ngài, dẫn đường Ngài đi đến đích thoát khỏi sanh, già, bịnh, chết. Chơn pháp ấy là gì?
Chơn pháp ấy là “Giới, Định, Tuệ”. Ngài luôn luôn nhắc nhở chúng ta với lòng tha thiết yêu thương chúng ta như con một: “Hãy sống đầy đủ giới hạnh, đầy đủ giới bổn, sống phòng hộ với sự phòng hộ của giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, chơn chánh lãnh thọ và học tập các giới học”. Thế mà người tu sĩ Phật giáo hiện giờ lại xem thường giới luật, oai nghi chánh hạnh không có, xem thường trong các lỗi nhỏ nhặt, phạm giới không biết xấu hổ, chẳng bao giờ lấy giới phòng hộ sáu căn, sống ăn uống phi thời, nam nữ trai gái kề cận chẳng biết đó là tai họa khổ đau, chẳng biết đó là con đường sanh tử luân hồi.
Bài kinh Ước Nguyện, đức Phật đã xây dựng nó trên nền tảng đạo đức nhân quả. Ngài không dạy chúng ta “cầu nguyện” mà dạy chúng ta “ước nguyện”. Muốn ước nguyện được thành tựu sở nguyện thì phải sống đúng giới luật. Giới luật là thiện pháp; do nhân thiện pháp thì quả của thiện pháp là ước nguyện của chúng ta viên mãn.
Ví dụ: Một người có bịnh tật, tai nạn đã xảy đến hoặc tai nạn bịnh tật chưa xảy ra, nhưng ước nguyện bịnh tật tai nạn sẽ chấm dứt và bịnh tật tai nạn sẽ không xảy ra, thì người ấy phải sống đầy đủ giới hạnh, đầy đủ giới bổn, sống phòng hộ với sự phòng hộ của giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt, chơn chánh lãnh thọ và học tập các học giới, thì ước nguyện sẽ thành tựu. Nếu ai giữ gìn giới luật đúng như vậy thì tai nạn, bịnh tật sẽ qua và không xảy đến. Như vậy, Ngài đã dạy chúng ta tu tập giải thoát trên nền đạo đức nhân quả, lấy hành động thiện làm gốc, diệt trừ mọi hành động ác và lòng ham muốn.
Trong bài kinh Ước Nguyện, đức Phật dạy ta ước nguyện: “Mong rằng ta được mọi người thương mến, yêu quý, cung kính, và tôn trọng. Mong rằng ta được các vật dụng đầy đủ không thiếu hụt. Mong rằng những người bố thí cúng dường các vật dụng sẽ được quả báo và lợi ích lớn. Mong rằng những bà con huyết thống với ta, khi bịnh tật tai nạn chết, mệnh chung với tâm hoan hỷ, an lạc, được quả báo và lợi ích lớn”.
Trên đây là những ví dụ ước nguyện trong bài kinh, muốn được toại nguyện cho mình cho người thì chỉ tu tập và giữ gìn giới luật nghiêm túc.
Kinh Phật đã dạy như vậy, thế mà kinh sách Đại thừa lại dạy cúng tế, cầu khẩn, tụng kinh, niệm chú, niệm Phật, cầu an, cầu siêu để được tai qua nạn khỏi, bịnh tật tiêu trừ (do chư Phật, Bồ Tát từ bi gia hộ). Tất cả tu tập của Đại thừa đều cầu tha lực (tam bảo gia hộ), cho đến những ước nguyện cho mình, cho người cũng đều dựa vào tha lực. Còn ngược lại, kinh sách Nguyên Thủy dạy tự lực. Muốn lợi mình, lợi người thì người ấy phải tự mình tận lực sống đúng giới hạnh, nghĩa là phải sống đúng thiện pháp, không được sống trong ác pháp.
Nói chung, Phật dạy con người muốn có cuộc sống an vui, hạnh phúc thì phải sống có đầy đủ đạo đức không làm khổ mình, khổ người, thì ước nguyện đó sẽ được toại nguyện. Qua bài kinh Pháp Môn Căn Bản, ta thấy rõ Phật giáo không đi dẫm lại lối mòn của các tôn giáo khác, tự mình vạch ra một lối đi độc đáo, tự lực, chính xác, cụ thể, không mơ hồ, để giải quyết kiếp sống con người thoát ra cảnh khổ, tạo cuộc sống thế gian con người thành một Thiên Đàng.
Để chiến thắng sự ưa thích dục lạc thế gian, sự không ưa thích, sự bất toại nguyện, và sự khiếp đảm, sợ hãi, Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, nếu Tỳ kheo có ước nguyện: Mong rằng ta nhiếp phục lạc và bất lạc, chớ không phải lạc và bất lạc nhiếp phục ta. Mong rằng ta sống luôn luôn nhiếp phục lạc và bất lạc được khởi lên. Mong rằng ta nhiếp phục khiếp đảm và sợ hãi, chớ không phải khiếp đảm và sợ hãi nhiếp phục ta. Mong rằng ta sống luôn luôn nhiếp phục khiếp đảm và sợ hãi được khởi lên. Tỳ kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật, kiên trì nội tâm tịch tĩnh, không gián đoạn thiền định (tỉnh thức) thành tựu quán hạnh (vô lậu) thích sống tại các trụ xứ không tịch (độc cư)”.
Lời dạy trên đây rất cụ thể cho người tu muốn nhiếp phục tâm ham muốn và sợ hãi, thì chỉ có giới luật và bốn pháp định: định chánh niệm tỉnh giác, định niệm hơi thở (không gián đoạn thiền định) nội tâm tịch tĩnh (định sáng suốt) thành tựu quán hạnh (định vô lậu) và thích sống tại các trụ xứ không tịch (độc cư).
Trong bài kinh Ước Nguyện, đức Phật dạy nhập bốn Thánh định rất rõ ràng và dễ dàng không có khó khăn. Muốn nhập Bốn Thánh Định này thật ra không khó khăn, không có ức chế tâm như các nhà học giả kiến giải dạy, chỉ cần sống đúng giới hạnh và tu tập các pháp Tứ Chánh Cần, Tứ niệm Xứ để xả tâm cho thật sạch (không còn tham, sân, si, mạn, nghi nữa), thì khi ra lệnh nhập thiền định nào thì nhập ngay thiền định ấy:
“Này các thầy Tỳ kheo, nếu Tỳ kheo có ước nguyện: Mong rằng, Tỳ kheo theo ý muốn, không khó khăn, không có mệt nhọc, không có phí sức, ta chứng được bốn thiền thuộc tăng thượng tâm hiện tại lạc trú, Tỳ kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật, kiên trì nội tâm tịch tĩnh (sáng suốt định) không gián đoạn thiền định (thân hành niệm nội ngoại), thành tựu quán hạnh (định vô lậu), thích sống tại các trụ xứ không tịch (độc cư)”.
Nếu người nào muốn tu tập thiền định đạo Phật, nhập bốn Thánh định, làm chủ sanh, già, bịnh, chết, không có khó khăn, chỉ cần thành tựu viên mãn giới luật, tức là sống đúng giới luật. Xét ra, từ khi đức Phật nhập diệt đến giờ, không có ai nhập được bốn Thánh định, chỉ vì không thành tựu viên mãn giới luật.
Nếu đã có người tu sĩ nào viên mãn giới luật, sống đầy đủ chánh hạnh, thì ngày nay Phật pháp đâu có bị ngoại đạo biến thể như thế này. Phật giáo ngày nay đã trở thành một tôn giáo hỗn tạp, mang đủ thứ pháp môn của ngoại đạo (84 ngàn pháp môn), mà còn tự xưng những danh từ ngã mạn cống cao (Đại thừa, Tối Thượng thừa, v.v...).
Như Phật đã dạy trong bài kinh Ước Nguyẹn, là phải có đức hạnh làm người, sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh. Muốn đem lại sự giải thoát, an lạc và hạnh phúc cho nhau trên hành tinh này, thì: “Hãy sống đầy đủ giới hạnh, đầy đủ giới bổn, sống phòng hộ sáu căn với sự phòng hộ của giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiể trong các lỗi nhỏ nhặt, chơn chánh lãnh thọ và tu học các học giới thì được toại nguyện, mãn nguyện làm người có đạo đức đầy đủ”.
Nếu muốn thành tựu những đức hạnh của bậc Thánh nhân và thực hiện thiền định làm chủ sự sống chết của bậc chơn nhân, thì người đời thường ưa thích tu thiền định, nhưng họ không biết thiền định nào đúng, sai, cứ nghe thiền định là tu theo, nhắm mắt tu đùa, tu không cần suy nghĩ, phân biệt là đúng, sai, phải, trái. Họ đã mất công sức tu hành lại còn mất tiền mất của, bỏ đời sống thế gian, bỏ vợ, bỏ con, bỏ cha, bỏ mẹ, bỏ thân bằng quyến thuộc, v.v... chỉ vì muốn thoát khỏi mọi sự đau khổ của cuộc đời, để trở thành bậc Thánh nhân. Nhưng họ tu sai đường, Thánh nhân đâu không thành, giải thoát đâu không thấy, ngẫm lại cuộc đời mình mà đau lòng, bị các nhà tôn giáo lừa đảo mà không dám nói ra.
Họ tự an ủi mình là: “Cần phải tu nhiều kiếp, kiếp này chưa xong thì kiếp khác tu nữa, vì đức Phật Thích Ca ngày xưa còn tu vô lượng kiếp mới thành Phật cơ mà”. Câu nói này là câu an ủi nhất của những người bị lừa đảo, tu lạc tà pháp, cố bám víu vào một hy vọng hão huyền để mà sống, được kinh sách Đại thừa dạy...?
Trong bài kinh Ước Nguyện, đức Phật dạy:
“Tùy theo ý muốn, không có khó khăn, không có mệt nhọc, không có phí sức, ta chứng được bốn thiền, thuộc tăng thượng tâm hiện tại lạc trú”. Như vậy, thiền định tu tập đâu có khó khăn gì, thế mà người tu thiền thời nay lại tu quá khó khăn, tu mãi cả hai ba chục năm, nhưng không thành tựu. Các Tổ như ngài Đại An 12 năm, Diệu Cao Phong 30 năm, mà chỉ có triệt ngộ những công án mà thôi, còn làm chủ sanh tử thì chẳng biết gì, tâm sân hận thì vẫn còn cao ngút. Giải thoát đâu không thấy, làm chủ sanh, già, bịnh, chết đâu không thấy, chỉ thấy được mồm mép bén nhạy đối đáp như gió thổi (cơ phong). Còn một số người nữa lại tu vào các loại thiền khác, xuất hồn, khí công, Yoga, Mật tông luyện bùa, niệm chú, bắt ấn, v.v... Các tu sĩ này, thay vì tu tập giải thoát, họ lại tu để làm thầy trị bịnh, trừ tà, ếm quỷ, hoặc tập luyện dưỡng sinh, tức là thiền định biến thái thành phương pháp ngừa bịnh.
Thiền định thời nay biến dần thành phương pháp ngừa bịnh (dưỡng sinh), chớ đâu phải là thiền định làm chủ sự sống chết như thời đức Phật. Nhìn sự tu hành của Phật giáo hiện giờ, chúng ta thấy thật xót xa! Thiền định của Phật thì dẹp qua không tu, mà lại tu thiền của ngoại đạo, chỉ vì thiền của ngoại đạo không có giới luật nghiêm túc, đời sống theo dục lạc dễ dàng, ăn uống ngủ nghỉ phi thời!!!...
Do tu mãi không kết quả, họ chạy sang tu các pháp môn khác như Tịnh Độ, “vừa tu Thiền vừa niệm Phật”, như các tổ Vĩnh Minh, Vân Thê, Từ Vân, v.v... Có người chuyển sang Tịnh Độ hẳn, chuyên ròng niệm Phật, cầu vãng sanh Cực Lạc, như tổ Tông Bổn, Khánh Anh, Thiện Hoa, Thiện Hòa, v.v... Có người chuyển sang vừa tu Tịnh Độ cầu vãng sanh, vừa tu Mật tông; có người lại chuyển sang qua hẳn Mật tông, chuyên ròng niệm chú.
Có người tu Tịnh Độ lâu ngày chẳng thấy kết quả gì chuyển qua tu Thiền tông, lại cũng có người tu Mật tông lâu ngày chẳng thấy linh ứng chuyển qua tu Thiền tông... Họ chuyển qua pháp môn này, chuyển lại pháp môn kia, tu mãi từ đời này sang đời khác mà chẳng ra gì, vẫn chết trong đau khổ và còn đau khổ hơn người thế gian.
Hiện giờ, người ta tu theo Phật giáo Đại thừa, cứ chạy theo ba pháp môn Thiền, Tịnh, Mật, và chuyển qua chuyển lại tu tập, cứ thế tu tập cho đến bây giờ chẳng ai tu đến đâu, cứ loanh quanh, luẩn quẩn trong vòng luẩn quẩn, loanh quanh. Có người tu các loại tà thiền Yoga xuất hồn lại rơi vào trạng thái định tưởng, có người tu Thiền Đông Độ rơi vào pháp tưởng nên gọi là triệt ngộ.
Tịnh Độ tông thì rơi vào sắc tưởng, thinh tưởng, thấy cảnh giới Tây Phương, Phật Di Đà và Thánh Chúng, thấy hoa sen, thấy tên họ được đăng ký trên hoa sen và thấy ánh sáng hào quang, nghe Phật Di Đà thuyết pháp, v.v... Đó toàn là sắc, thinh tưởng.
Mật tông thì rơi vào tha tâm tưởng, nên biết chuyện quá khứ vị lai, khiến cho mọi người quá nể phục, và họ thường làm trò ảo thuật (thần thông) lừa đảo người.
Tất cả những sự việc xảy ra khiến cho người tu tưởng mình đã chứng đạo, nên trong kinh Pháp Môn Căn Bản, Phật dạy: “Tất cả những kết quả đó là tưởng tri, chớ không phải thực chứng giải thoát (liễu tri)”.
Bởi vậy, một người tu tìm cầu sự giải thoát mà không sống đầy đủ giới hạnh, đầy đủ giới bổn, sống không phòng hộ sáu căn với sự phòng hộ của giới bổn, không đầy đủ oai nghi chánh hạnh, không thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt, không chơn chánh lãnh thọ và tu học các học giới, thì dù tu ngàn đời Thiền, Tịnh, Mật cũng chẳng đi đến đâu, chỉ uổng phí một đời tu hành mà thôi, rồi cũng chạy theo danh lợi, buôn Phật, bán pháp mà sống, sống trong cách thức lừa đảo tín đồ để ngồi trong mát ăn bát vàng.
Thần thông của ngoại đạo do dùng tưởng tu tập như Yoga, Mật tông, Khí Công, Nội Công, v.v... Do dùng tưởng tu tập nên có thần thông mà tâm dục chưa diệt, ác pháp chưa trừ, nên dễ sa ngã trong nữ sắc, danh, lợi thế gian, v.v... Do sa ngã nữ sắc, danh lợi thế gian, nên thần thông mất dần.
Vì vậy, có nhiều vị Giáo chủ mới xuống núi, thanh sắc đầy đủ, uy nghi chánh hạnh nghiêm trang khiến cho mọi người ai cũng kính nể, lại có thần thông kêu mây hú gió, sai binh khiển tướng, sái đậu thành binh, tàng hình biến hóa, đi trên nước lửa như đi trên đất bằng, ngồi trên hư không như thuyền nổi trên nước, đi xuyên qua vách đá, chôn dưới đất mà vẫn sống, đi trong hư không như chim bay, v.v...
Những hành động trên đã khiến cho mọi người kính trọng, đem dâng cúng của cải, tài sản và ngay cả sắc đẹp, không có vật gì mà họ tiếc.
Thử hỏi, thần thông như vậy để làm gì, có ích lợi gì cho loài người đâu? Chỉ là một trò ảo thuật cho người ta xem chơi, để cám dỗ những người nhẹ dạ, ham mê thần thông, chớ không thể lường gạt những người đệ tử Phật chơn chánh được.
Những hành động lừa đảo gạt người, như một vị Đạo sư chỉ dùng một tờ báo nấu sôi một nồi nước, đã làm cho mọi người kính nể. Nấu sôi một nồi nước bằng một tờ báo thì có ích lợi gì cho con người ở thế gian? Vậy mà những người vô minh đều kính phục. Các vị giáo chủ loại này tâm dục chưa trừ, ác pháp chưa diệt, nên khi thấy của cải, tài sản, sắc đẹp thì ham thích, nên lần lần sa ngã và thần thông tưởng tiêu mất. Cho nên thỉnh thoảng, trên báo Công An phát giác ra đăng tin, vị giáo chủ này, vị giáo chủ kia, ông đạo này, ông đạo kia làm chuyện lừa đảo tín đồ nhẹ dạ.
Ngược lại, thần thông của đạo Phật không do tu tưởng mà có, chỉ dùng Pháp Hướng Như Lý Tác Ý của đạo tác ý để ly dục, ly ác pháp, diệt ngã xả tâm, đoạn dứt tâm tham, sân, si, mạn, nghi, diệt sạch thất kiết sử. Do tu tập đoạn dứt những điều này mà tâm được thanh tịnh. Nhưng phải biết rõ, muốn dùng pháp hướng tâm Như Lý Tác Ý có hiệu quả, thì phải sống đúng giới luật, lấy giới luật phòng hộ sáu căn, sống đời sống thiểu dục tri túc, oai nghi tế hạnh hẳn hòi, đi đứng trang nghiêm, đức hạnh trọn vẹn, không hề sai sót một lỗi nhỏ.
Thần thông của đạo Phật là thần thông vô dục, vô ác pháp. Người tu sĩ đạo Phật phải biết rõ vô dục, vô ác pháp, và nhờ có giới luật mới diệt trừ được dục và ác pháp. Trong kinh Ước Nguyện, Phật dạy: “Nếu Tỳ kheo có ước nguyện: Mong rằng ta chứng được các loại thần thông, một thân ta hiện ra nhiều thân, nhiều thân ta hiện ra một thân, ta hiện hình tất cả các loài vật, biến hình đi ngang qua vách qua thành, qua núi đá như đi ngang qua hư không; ta độn thổ trồi lên ngang qua đất liền như ở trong nước; ta đi trên nước không chìm như trên đất liền, ta ngồi kiết già đi trên hư không như con chim; với bàn tay ta chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần, thân ta có thần thông bay đến Phạm thiên. Muốn được vậy, Tỳ kheo hãy sống đầy đủ giới hạnh, đầy đủ giới bổn, sống phòng hộ sáu căn với sự phòng hộ của giới bổn, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt, chân chánh lãnh thọ và tu học các học giới”.
Qua bài kinh Ước Nguyện, nếu ta muốn thành tựu những gì mà mình mong muốn, thì phải thực hiện tu tập và sống đúng giới luật. Đó là một nền tảng vững chắc của đạo Phật, một nền tảng đạo đức thật sự của loài người. Nếu ai bỏ nền tảng đạo đức vững chắc này mà tu tập, dù có tu đúng thiền định của đạo Phật cũng trở thành tà thiền, tà định. Tại sao vậy? Tại vì khi lìa khỏi pháp môn căn bản của đạo Phật, tức là giới luật (pháp môn đầu tiên trong ba pháp môn vô lậu “Giới, Định, Tuệ”) thì người đó dù có tu theo đạo Phật, nhưng thực tế vẫn là tu tà đạo.
Bởi vậy, chỉ cần nhìn các tu sĩ Phật giáo hiện giờ là biết Phật giáo suy hay thịnh, mất hay còn.
Thịnh không phải do số tu sĩ Phật giáo đông, không phải ở chỗ Phật giáo được chấp nhận là quốc giáo, không phải Giáo Hội Phật Giáo được tổ chức như một quốc gia có tổ chức hẳn hòi, có các trường học từ Sơ, Trung, Cao đẳng để tu sĩ học tập có cấp bằng Cử nhân, Tiến sĩ, v.v... Phật giáo thịnh không phải ở chỗ xây cất chùa to tháp lớn, kiến trúc kiên cố vĩ đại, mà ở chỗ tu sĩ phải sống đầy đủ giới hạnh, đầy đủ giới bổn, sống phòng hộ sáu căn với sự phòng hộ giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt. Nói tóm lại, vị Tỳ kheo phải giữ gìn giới luật nghiêm túc, thì Phật giáo mới còn và hưng thịnh, còn chúng Tỳ kheo phá giới thì Phật giáo mất và không hưng thịnh.
Lời di chúc năm xưa của đức Phật còn vang mãi trong tai chúng ta: “Giới luật còn là Phật giáo còn, giới luật mất là Phật giáo mất” .
Hỡi quý vị tăng, ni và cư sĩ! Quý vị có muốn Phật giáo trường tồn với loài người trên hành tinh này chăng? Hay là để cho Phật giáo mai một suy tàn, chìm mất trong lớp bụi mù dày đặc của tà pháp ngoại đạo (Đại thừa) đang phủ trùm che khắp các nơi?
Nếu muốn Phật giáo được trường tồn và hưng thịnh mãi mãi, đem lại hạnh phúc an vui cho loài người và mọi người trên hành tinh này, để không còn làm khổ mình, khổ người nữa, thì người cư sĩ, đệ tử Phật tại gia, hãy giữ gìn giới luật của người cư sĩ mà đức Phật đã dạy, phải nghiêm túc khi thọ Tam Quy, Ngũ Giới và Thập Thiện, phải lấy nó phòng hộ cuộc sống của mình, giữ gìn đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt, không làm khổ mình, khổ người, thì Phật giáo sẽ còn với quý vị, với loài người trên hành tinh này.
Còn Tỳ kheo tăng và Tỳ kheo ni, đệ tử xuất gia của đức Phật, nếu muốn Phật giáo được trường tồn làm ngọn đuốc sáng soi đường đạo đức cho mọi người trên quả địa cầu này, và để có hướng đi tìm chân lý giải thoát, thoát khỏi kiếp sống khổ đau của loài người, thì chính ngay bản thân của quý vị phải nghiêm trì giới luật. Quý vị có muốn làm chủ bốn sự khổ đau sanh, lão, bịnh, tử đang tấn công quý vị hằng giây, hằng phút không? Nếu quý vị lơ đễnh thì ô hô, uổng một kiếp người!
Nếu muốn làm chủ bốn sự khổ đau này thì quý vị đã thọ cụ túc giới phải nghiêm chỉnh sống đầy đủ giới hạnh, đầy đủ giới bổn, không được bẻ vụn giới, sống phá giới. Quý vị hãy bỏ xuống những gì của các Tổ, mà phải trở lại sống đúng như Phật, sống phòng hộ sáu căn với sự phòng hộ của giới bổn, phải đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt, chơn chánh lãnh thọ và tu học các học giới.
Trưởng Lão Thích Thông lạc