Bàn về cái chết không nên bàn với người yếu tim. Là cái người mà chỉ nghe đến từ “Chết” đã run rẩy, đã hồn phách thất tán, đã chực ngã lăn ra. “Sợ chết”. Đương nhiên đó là một nỗi sợ bình thường ai cũng có. Không sợ sao được khi con người ta chỉ một lần được sống. Cho dù cuộc sống có trăm nan nghìn hiểm, có trầy lên trật xuống, có đỏ như vang hay có vàng như nghệ thì con người vẫn muốn sống. Sống để còn được thương người còn được người thương. Sống để còn nhìn thấy những sắc màu, để còn nghe thấy những âm thanh, để còn ngửi thấy những hương vị, để còn nếm được những mặn ngọt chua cay, để còn nói câu hờn dỗi, để còn hát khúc tình ca. Sống vui mà, tốt mà, dẫu có nhiều đèo cao dốc thẳm thì sống đương nhiên vẫn tốt hơn là chết.
Thế nên dễ gì đang sống bỗng nhiên muốn chết, à mà cũng có một số ít muốn nên mới có cặp từ “tự tử”, nhưng cho dù có muốn thì cũng cực chẳng đã con người ấy một là không dám đương đầu với những thách thức khó khăn đang đòi hỏi phải sống thế nào cho được, hai là chẳng còn cách nào tốt hơn cái chết cả, ba là chết để nhằm một mục đích nào đấy, có thể cao cả, có thể thấp hèn. Còn lại là hầu hết không ai muốn chết. Nhưng ác nỗi, dù không muốn, không muốn tí tị tì ti nào thì cái chết nó vẫn cứ đến, nó sầm sập đến, nó hộc tốc đến, nó lẳng lặng đến, nó nhẩn nha đến. Và có đến kiểu thì gì ai rồi cũng phải gặp nó cả, không một ai thoát. Nó là một kẻ bạo quyền đáng ghét nhất hành tinh, mà con người có tài giỏi đến mấy cũng chỉ dằng dai co kéo phần nào chứ không thể chiến thắng được nó.
Vậy có nên sợ chết?
Chẳng việc gì phải sợ, bởi lúc nào cũng khư khư nỗi sợ ấy thì quá bằng chết mất nửa phần sống rồi. Và cũng bởi có quá nhiều lý do cho cái chết. Tai nạn, chiến tranh, bệnh tật, bị hại…Và cái chết cũng chẳng bao giờ hẹn trước. Nên có người vừa mới cười tươi roi rói đấy đã…có người đau lâu ốm dài ngày muốn tàn tháng muốn tận mà cứ lay lắt lay lắt nhưng rồi cũng….Có người chết êm đềm trong một giấc ngủ, bình thản nhẹ nhõm. Có người đau đớn vật vã cả xác thân lẫn tinh thần rồi mới…Có người bỗng nhiên phầm một phát, chưa kịp biết chuyện gì xảy ra…Có người như một cái nhói thế là xong. Nói tóm lại, con người có ngày sinh ra thì phải có ngày chết đi, chẳng việc gì phải sợ, hãy cứ sống cho đáng sống đi đã, để khi cái chết đến chẳng phải hối tiếc gì.
Tất nhiên, nói một cách dễ dàng như thế không phải là điều dễ thuyết phục. Sẽ có nhiều nhiều người cau mày bảo đúng là cái đồ ngông nghênh coi trời bằng vung, chết mà không sợ thì chắc chẳng có gì để sợ nữa. Nhưng cho dù có cau mày thì cũng xin thưa “Đúng đấy ạ”. Con người ta cứ luôn ám ảnh nhiều nỗi sợ, mà những nỗi sợ ấy tận cùng là dẫn đến cái chết. Nếu thoát khỏi được nỗi ám ảnh ấy còn người sống bình tâm hơn, vững vàng hơn, và sẽ thấy cuộc sống nhiều sắc màu nhiều ý nghĩa hơn là cứ phải sợ chết mà không dám sống.
Ví như có một số người bị bệnh nan y, coi như một cái chết được báo trước, thay vì họ ngồi khóc lóc than vãn, dúm dó vì cái ngày chết của mình đang lừ lừ đến, thì họ sống vui, sống ý nghĩa, họ tận dụng từng giây từng phút thời gian để thể hiện tâm tư tình cảm của mình với mọi người, và đương nhiên họ cũng sẽ nhận lại sự tương tác tương tự. Những người chung quanh cũng hết lòng làm cho họ vui, tìm mọi cách để họ cảm thấy được hạnh phúc, đó thực sự là những tháng ngày sống có giá trị cao nhất. Vì vậy, sống không phải là sự kéo dài thời gian hơi thở, mà là biết dùng thời gian sống của mình vào một tâm thế sống thế nào để đạt được giá trị thực chất nhất.
Đằng sau cái chết?
Con người hằng bao thế kỷ nay vẫn cứ lởn vởn một câu hỏi “Khi chết đi còn có linh hồn?”.“Chết rồi thì sẽ đi về đâu?”“Liệu có một cảnh giới nào cho con người đằng sau cái chết?”.
Bằng vào những học thuyết mà con người được giáo pháp mà có những khái niệm: Thiên đàng – Địa ngục – Niết bàn – Ngạ quỷ. Nhưng với thuyết hiện sinh, con người chỉ tồn tại trong một xác thân còn hơi thở. Khi đã lạnh ngắt đi rồi, thì xác thân chỉ còn là một khối vô tri. Mỗi người sau khi chết còn tồn tại hay không là trên môi người và trong lòng người. Còn được tưởng nhớ, còn được nhắc nhở đó là còn tồn tại. Bằng không cũng như một sự bốc hơi, ban đầu còn mờ mịt sau tan dần loãng dần rồi vô vi. Vì vậy mà con người phải vận dụng một số nghi thức hình thức để níu giữ lại bóng dáng tên tuổi. Với tâm tư tình cảm của người còn sống, thì người đã chết như vẫn còn vương vất qua những hình hài vật dụng, qua những bóng dáng kỷ niệm.
Vì con người thường quá đau khổ vật vã tiếc nuối khi mất đi một người thân thiết, nên từ những câu nói mang tính an ủi, động viên, lý giải cốt để giảm bớt nỗi thống khổ của sự mất mát, mà người ta hình dung ra một cõi khác gọi là “thế giới bên kia”, để tâm thức người còn sống bám víu vào nơi ấy, để tin rằng còn một chút gì lưu lại trên thế gian cho dù chỉ là một suy tưởng. Và cũng bởi niềm tin người chết đi vẫn còn một chút gì mà người ta sinh ra những hình thức nghi lễ hoặc tập quán để thực hiện cho người chết, nhưng chính xác là thực hiện cho tâm lý người sống. Là cái cách mà người sống gửi gắm tình cảm, níu kéo sự vọng tưởng.
Nói tóm lại, cái chết là điều phải đến, nó đến lúc nào không ai biết được. Nhưng nó không đáng sợ bằng “Sợ chết”. Chỉ có điều nên ngẫm suy một chút, rằng: Vì sao có những cái chết còn vương vất mãi trong tâm khảm người, nương níu mãi trên môi người, những cái chết mà biết mấy lời thương tiếc xót xa, người đã chết ấy là một khoảng trống ngoảng đi không bất kỳ gì có thể bù lấp được, người chết ấy mà mãi mãi sau người người vẫn nao nuối khi nhắc lại. Nhưng cũng có những cái chết còn ném theo câu “đáng đời”, cái chết ấy đã là một cái chết được mong muốn từ lâu từ rất rất nhiều người cho dù nói ra hay không, người đã chết ấy khi chưa chết đã phải nhận rất nhiều lời nguyền rủa “sao nó không chết đi cho đỡ chật đất, sao nó không chết đi cho thiên hạ nhờ, sao nó không chết đi cho bao người bớt khổ, sao…sao…” Bao nhiêu cái sao là bấy nhiêu nỗi oán hận khinh ghét, người còn sống đã không đem được lại những ích lợi thiết thân, mà còn gieo bao hiểm hoạ cho gia đình và cộng đồng thì quả thật chả ai mong cho họ sống lâu sống dài. Rồi khi họ chết là kèm theo bao nhiêu tiếng thở phào, thoát nạn.
Cái chết nhiều khi còn là một sự giải quyết gọn nhẹ cho bao phiền phức rắc rối liên quan. Chết là hết. Chết là xong. Chết là chấm dứt mọi oán thán kêu ca mỏi mệt, chết là hết những nợ nần phiền phức. Cái chết ấy vì thế mà…tốt quá. Nhưng cũng có những cái chết để lại biết bao dang dở, trông chờ. Cái chết chưa hề được chuẩn bị tâm thế đón nhận, cái chết như một nhát cắt phũ phàng nhẫn tâm để lại biết bao đắng đót ưu tư. Người đã chết là một người gánh vác nhiều thứ trách nhiệm, là một người cần thiết cho nhiều nhiều người, là một người mà sức chống chịu gồng gánh mạnh hơn nhiều nhiều người, và đương nhiên, đó là một người không đáng chết, không nên chết một chút nào, vậy mà vẫn chết, vẫn phải chết, vẫn không tránh khỏi cái chết. Cái chết ấy vì thế mà…đau quá.
Rồi khi người ta chết đi rồi, chuyện tang ma cũng là một chuyện lắm lắm khóc cười. Muốn biết quá trình hành trạng của người chết khi còn sống, hãy nhìn vào đám tang của người ấy. Có những đám tang lặng lẽ không kèn không trống, lèo tèo dăm ba người đi đưa tiễn. Có những đám tang rầm rộ xe pháo vòng hoa trướng liễn, người đi đưa dài hàng cây số. Người người nhìn vào trầm trồ, và hầu như có chung một mong ước mình cũng được như thế khi chết đi. Có điều trong hàng dài người đưa tiễn ấy thì không phải có cùng một lý do là tiếc thương người đã chết. Họ đến từ nhiều luồng khác nhau, nên tính chất cũng khác nhau, tâm thế cũng khác nhau, vì vậy mà lý do và mục đích cũng khác nhau. Và cho dù lớn nhỏ thế nào thì việc làm tang ma cho người chết chính là làm mặt cho người sống vậy. Vì người đã chết thực ra có cần gì nữa đâu. Vâng, bản thân người chết thì chẳng còn gì nữa cả, nhưng những liên quan đến cái chết ấy thì còn là lắm lắm nhiêu khê. Cái sự chết thì như nhau, là tắt hơi bất động, nhưng các vấn đề xoay quanh mỗi cái chết thì khác nhau, khác nhau rất nhiều.