Chúng ta có thể tha thứ cho nhau

Tha thứ là sự biểu hiện của tâm từ bi, nó giúp chúng ta vượt qua những khó khăn để quên đi những gì không được tốt đẹp. Nó giúp ta giải thoát khỏi những phiền muộn, khổ đau do chất chứa cảm xúc hờn giận và sự hoang mang lo sợ.

Tại một lớp học nọ có tổ chức chương trình quà tặng cuộc sống nhằm hướng dẫn cho các em học sinh nâng cao trình độ hiểu biết trong đối nhân xử thế. Thầy giáo yêu cầu mỗi học sinh mang theo một túi ni lông sạch và một túi khoai tây đến lớp. Sau đó, chương trình được bắt đầu bằng một bài thực tập, mỗi em học sinh nếu không tha thứ lỗi lầm cho người nào đó thì hãy chọn ra một củ khoai tây viết tên người đó rồi bỏ nó vào túi ni lông. Vài ngày sau, nhiều em học sinh mang cả túi ni lông nặng trĩu.

Sau đó, thầy lại yêu cầu mỗi em học sinh phải luôn mang theo cái túi bên mình dù đi bất cứ chỗ nào, lúc ăn uống-ngủ nghỉ cũng phải để túi bên cạnh, khi làm việc thì đặt túi trên bàn. Sự rắc rối và phiền phức khi phải mang vác cái túi kè kè bên hông khiến cho nhiều em cảm thấy mệt mỏi, khó chịu vì cảm xúc nặng nề cả thể xác lẫn tinh thần mà mình đang gánh chịu. Rồi thời gian làm cho khoai tây bắt đầu bị phân huỷ thành một thứ chất lỏng nhầy nhụa, hôi hám, khó chịu.

Đây là một ẩn dụ sâu sắc nhằm đánh thức mọi người hãy nên buông xả những tâm niệm cố chấp luôn ghim gút trong lòng như ôm lấy giận hờn, thù hằn, ghét bỏ một ai đó. Có nhiều người nói “thù này nếu chết vẫn mang theo”, chính khi ấy mình chưa trả thù được mà trong lòng đã bị vật vã, khổ đau. Chúng ta hãy học cách tha thứ chính mình và sẵn sàng bao dung, tha thứ cho người khác.

Giận hờn hay thù ghét là một thói quen xấu rất thường gặp trong đời sống của chúng ta. Như đại đa số trong những phim võ hiệp được trình chiếu từ trước đến nay, hầu hết đều là tranh đấu thù hằn, ghét bỏ giữa cá nhân này với cá nhân kia, gia đình này với gia đình nọ, đất nước này với đất nước khác luôn tạo ra sự mâu thuẫn để giành quyền lợi. Nội dung chính yếu trong phim tác động đến tư tưởng thù hận có tính cách bạo lực, đem đến khổ đau cho mọi người, do đó gia đình ly tán trong sự mất mát, đau thương mà giết hại không thương tiếc. Chính vì vậy, thù hằn, ghét bỏ luôn tạo ra ý thức hệ đối kháng và dẫn đến chiến tranh làm chết đi tình yêu thương nhân loại. Nó khiến cho chúng ta không bao giờ có được niềm vui sống trong bình yên, hạnh phúc.

Như các phim truyện thường diễn tả những mối thù “không đội trời chung” của gia đình này đối với gia tộc nọ làm cho con người trở nên ghét bỏ nhau, đó là sự mất mát to lớn do sự giết hại. Ở đây, chúng ta chỉ cần ôm ấp trong lòng những hiềm khích, mâu thuẫn nhỏ nhặt cũng đủ làm cho mình khốn khổ bởi sự dính mắc đó. Khi trong lòng ta luôn chất chứa đầy những ý niệm thù hằn, ghét bỏ là ta đang suy nghĩ để tìm cách làm tổn hại đối phương, chính những cảm xúc đó đã làm ta đau khổ trước khi hại kẻ thù.

Tha thứ là một hình ảnh đẹp để xua tan những nỗi đau bất hạnh, luôn giúp cho chúng ta thiết lập được tình thương chân thật. Chúng ta cần phải biết tha thứ cho bản thân mình và người khác. Hình ảnh chiếc bút chì gỗ trên đầu có gắn một cục gôm nhỏ dùng để xoá đi những câu chữ sai hay những hình ảnh không đúng. Cũng vậy, cục gôm là hình ảnh tượng trưng cho sự tha thứ mà mỗi người chúng ta cần phải biết. Trong đời sống, chúng ta ai cũng có thể mắc phải sai lầm, có thể định hướng sai lệch hay thậm chí bị vấp ngã nặng nề. Nhưng thay vì ta ngồi đó mà than thân trách phận để mình tự dằn vặt, hành hạ bản thân thì ta nên sử dụng “cục gôm tha thứ”. Tha thứ cho bản thân mình tức là ta đã thấy được sai lầm, nhờ vậy ta mới có thể đứng dậy đi tiếp để viết lên bản hùng ca của đời mình.

Một chiếc bút chì nếu được sử dụng hằng ngày thì nó sẽ bị mòn đi theo ngày tháng. Sự hiểu biết và những năng lực của chúng ta cũng vậy, nếu như không được rèn luyện, trau dồi, mài dũa thường xuyên thì sớm muộn gì cũng sẽ mòn dần như cục gôm cây bút chì.

Nhìn vào thân cây bút chì chúng ta có thể biết nó được làm từ những loại gỗ dễ gọt và dễ cháy. Điều làm chúng ta rất ngạc nhiên là khi lớp vỏ bút chì bị cháy hết đi thì lõi bút chì vẫn không bao giờ bị cháy, nó còn để lộ ra bên ngoài phần lõi với màu sắc bóng và đẹp hơn lúc ban đầu. Cũng giống như chúng ta dám đương đầu với mọi khó khăn, đối đầu với những chướng duyên, nghịch cảnh và tìm ra giải pháp tốt đẹp để khắc phục. Những người như thế dù có vấp ngã nặng nề vẫn có khả năng làm lại cuộc đời bằng sự cố gắng nỗ lực hết mình để hoàn thiện chính mình.

Với một chiếc bút chì nhỏ trong tay chúng ta có thể vẽ nên một bức tranh tuyệt đẹp hoặc viết ra những trang sách nói về nhân cách, đạo đức để giúp mọi người biết cách sống tốt hơn. Và cũng chính cây bút chì đó chúng ta cũng có thể viết lên những câu chữ làm cho con người tham lam, sân hận, đấu tranh giành giựt, giết hại lẫn nhau. Điều này cũng được thể hiện qua phong cách sống của chúng ta đối với những người xung quanh.

Đặc biệt, bút chì không giống như các loại viết khác có thể vẽ hoặc viết lên bất kỳ nơi đâu, bút chì chỉ được sử dụng trên mặt giấy. Bản thân chúng ta ai cũng có những năng lực riêng để phát huy sở trường chuyên môn của mình. Bây giờ chúng ta thử phân tích cây bút chì dựa vào yếu tố gì để đánh giá chất lượng của nó? Chất liệu gỗ hay những hoa văn, màu sắc bóng đẹp bên ngoài? Thực tế, phần lõi bên trong của cây bút chì mới là thứ tạo nên giá trị của nó. Cũng vậy, thân này hoạt động tốt hay xấu đều do tâm điều khiển.

Từ những mâu thuẫn, bất đồng hoặc xích mích nhỏ, nếu chúng ta không khéo léo giải tỏa ngay từ lúc đầu thì chắc chắn sẽ xảy ra cớ sự lớn khiến hai bên dẫn đến bất hòa và gây tổn hại cho nhau, và thế là thù hận bắt đầu phát sinh kể từ đó. Một khi mối hận thù giữa hai người đã lớn mạnh và được ôm ấp, nuôi dưỡng trong lòng sẽ trở thành nội kết, sự tổn thất nặng nề sẽ đến cùng hai phía. Người bị tổn thương sẽ ôm lòng thù hận và chờ cơ hội trả thù. Ngược lại, người gây ra đau khổ luôn mang tâm trạng lo lắng, sợ hãi vì sợ bị trả thù vào bất cứ lúc nào. Khi hận thù đã phát khởi thì tình thương yêu không còn nữa, chính vì vậy hai bên khó ngồi lại để cùng nhau sống vui vẻ, thuận thảo, kính trên trọng dưới, nhường nhịn, sẻ chia và nâng đỡ.

Sự việc nếu không hòa giải được thì cả hai bên đều phải sống cùng những cảm xúc nặng nề, khổ sở và khó chịu. Khi họ không có sự yêu thương và tha thứ cho nhau bằng tình người trong cuộc sống thì sự xung đột, đối kháng ngày thêm lớn mạnh. Ta hãy nên cảm thông và tha thứ, sẵn sàng mở lòng ra để san sẻ cho nhau khi người khác cần. Ta sẵn sàng cho đi mà không cần điều kiện gì, sự cho ấy mới có giá trị thiết thực vì nó không phải là sự trao đổi.

Khi cho đi theo cách ấy, mặc dù chúng ta không kèm theo bất cứ một điều kiện hay sự mong cầu nào nhưng ngay khi cho đi như vậy là chúng ta đã mở rộng được tấm lòng từ bi, do đó ta sẽ nhận lại được niềm vui hết sức nhẹ nhàng do tình thương mang đến.

Từ xa xưa cho đến ngày hôm nay, dường như xã hội vẫn còn quan niệm đàn ông ngoại tình thì vợ nên tha thứ, nhưng nếu phụ nữ mắc vào tội ấy thì chồng không chấp nhận và sẽ dứt khoát ly hôn. Có những nước luật pháp còn khắt khe hơn khi phụ nữ lấy trai làng khác cũng bị xử quăng đá hoặc cho hiếp dâm tập thể. Quan niệm chồng chúa vợ tôi “trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ một chồng” vẫn còn ăn sâu vào trong tâm thức người đàn ông.

Một người chồng luôn làm tròn trách nhiệm và bổn phận đối với gia đình nhưng lỡ một lần “làm chuyện ấy ngoài luồng” mà bị vợ bỏ thì thiên hạ chê người vợ ấy là ngu si, mê muội. Nhưng một người chồng bị vợ “cắm sừng” mà vẫn chấp nhận, tha thứ thì thiên hạ cho anh ta là đồ yếu hèn, không phải đấng trượng phu. Thế gian này thường có những quan niệm như vậy dù cho bây giờ con người ta đã và đang áp dụng luật bình đẳng về nam nữ.

Đại đa số đàn ông vẫn cho rằng “bị cắm sừng” là điều tồi tệ nhất trong cuộc đời họ. Có gia đình nọ người chồng làm giám đốc một công ty kinh doanh bất động sản, cô vợ trẻ đẹp lại dan díu với bạn đồng nghiệp của chồng mình. Một hôm, anh ta vô tình kiểm tra điện thoại khi người vợ đang tắm thì thấy có lưu tin nhắn “tối nay, 19 giờ, anh ta đi dự buổi hội thảo ngành bất động sản”.

Tối hôm đó, anh chồng vui vẻ nói với cô vợ: “Anh bận đi hội thảo, em ở nhà ngủ sớm nha!” Nhưng anh đã không đi mà tìm chỗ núp để canh tình nhân của vợ mình. Khoảng 15 phút sau đó, một anh bạn đồng nghiệp đi đến và người chồng nhẫn nại chờ thêm 20 phút nữa rồi quay vào nhà bắt quả tang đôi nhân tình ngay trong phòng ngủ của mình. Anh bắt vợ khai nhận hết tội lỗi ngoại tình với tình nhân được ghi âm rõ ràng để làm bằng chứng ly hôn.

Nhưng sau một tuần lễ suy nghĩ, anh tự thấy bản thân mình cũng đã từng không chung thủy với vợ, không quan tâm đến vợ và xao nhãng chuyện gối chăn. Vả lại, người vợ làm chuyện ấy cũng do lỗi mình một phần, hiện tại cô ta vi phạm lần đầu và đã tỏ ra ăn năn hối lỗi, hứa sẽ không bao giờ tái phạm nữa. Kể từ khi lấy nhau cho đến bây giờ họ đã có hai con một trai, một gái còn nhỏ, nếu ly hôn ai nuôi con và người vợ xinh đẹp lại là người con dâu rất được lòng cha mẹ chồng. Và cuối cùng vì hạnh phúc chung của cả gia đình mà anh quyết định tha thứ để tiếp nối cuộc hôn nhân.

Tại sao người chồng thời nay có thể tha thứ cho người vợ không chung thủy? Chúng ta ai cũng có lương tâm, nếu biết suy xét thì đôi khi đàn ông cảm thấy mình cũng có lỗi khiến người vợ phải đi tìm kiếm sự sẻ chia bên ngoài. Không ít trường hợp vợ ngoại tình theo kiểu “ông ăn chả, bà ăn nem” để trả thù người chồng lăng nhăng. Rất hiếm khi phụ nữ có gia đình lại ngoại tình hoặc đến với đàn ông khác chỉ vì “ham của lạ”. Nếu gặp phụ nữ đa dâm thì hết thuốc chữa, còn những trường hợp ngoại lệ khác chúng ta có thể tha thứ cho nhau.

Thời đại ngày nay không chấp nhận quan niệm chỉ đàn ông mới có quyền năm thê bảy thiếp, còn gái chính chuyên chỉ một chồng. Nói theo chế độ ngày xưa thì vua quan ăn trên ngồi trước lạm dụng quyền hạn mà đặt ra pháp luật bắt buộc phụ nữ phải cam chịu sống kiếp chồng chung mà không có quyền khiếu nại. Trong khi đó, đàn bà lỡ dan díu chỉ có một con đường là bỏ xứ đi luôn, nếu bị phát giác sẽ bị xử tội thích đáng.

Cuộc sống của người phụ nữ trong thời đại hiện nay đã khác xưa rất nhiều. Họ cũng đi làm ngoài xã hội và tham gia chính sự như nam giới, họ có nhiều cơ hội phát triển tài năng của mình về mọi phương diện. Ngày xưa, phụ nữ chỉ luẩn quẩn trong ngưỡng cửa gia đình có nhiệm vụ sinh đẻ và nuôi dạy con cái, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Ngày nay, phụ nữ cũng có những tình yêu công sở chẳng kém gì nam giới. Ngoại tình không phải là giải pháp để xóa bỏ hôn nhân gia đình mà là cách thay đổi hoàn cảnh sống trong thực tế do không đồng cảm trong hôn nhân tình ái. Tha thứ là biện pháp duy nhất để giữ lửa tình yêu được trọn vẹn, lâu dài. Nếu người chồng chưa từng ngoại tình mà người vợ lại đi làm chuyện ấy thì ta phải biết một là mình không đáp ứng chuyện ân ái đều đặn do sinh lý yếu, hai là mình vẫn duy trì đầy đủ việc ái ân nhưng vợ lại đi quá xa chuyện ấy, trường hợp này không thể tha thứ vì cô ta là người quá dâm dục nên khó giữ thủy chung.

Thông thường, nhiều đàn ông bị cắm sừng là do người chồng công tác xa lâu lâu mới về thăm nhà một lần, tình trạng này cũng khó giữ được lòng thủy chung của người vợ nếu thời gian cứ kéo dài như vậy. Chúng ta cần phải cảm thông và tha thứ cho nhau để giúp nhau vượt qua những khó khăn chứ không phải ta ngồi đó mà muốn mọi việc đều được hoàn hảo theo ý mình.

Trong tình cảm, yếu tố quan trọng là có sự cảm thông và tha thứ khi ta biết buông xả bớt những nhu cầu hưởng thụ của bản thân. Nếu ta bình tĩnh và biết quán sát thì ta cũng sẽ thấy người gây ra lầm lỗi là kẻ đáng thương hơn đáng trách. Họ thiếu suy nghĩ và bất cẩn nên có thể làm cho ta đau khổ trong nhất thời, cảm xúc giận hờn sẽ đốt cháy và hành hạ họ trong từng giây phút.

Kẻ thường gây khổ đau cho người khác vì họ không vượt qua được những thói quen hưởng thụ quá đáng, họ dính mắc, họ chất chứa, họ mê muội. Chính vì vậy, ta cần phải bao dung và tha thứ để họ có cơ hội làm mới lại chính mình. Họ hay bướng bỉnh, không chịu hối lỗi nên không biết chừng nào họ mới thức tỉnh để được sống trở về thực tại với chính mình. Họ đã đánh mất niềm tin nơi chính mình nên thường lo sợ bị mọi người bỏ mặc và bản thân họ cũng không có cách nào giải quyết, tương lai họ mờ mịt và đang rất cần sự giúp đỡ.

Trong chúng ta ai cũng có lòng bao dung độ lượng, khi ai đó phạm lỗi lầm họ rất cần sự giúp đỡ, ta có thể mở lòng ra để chia sẻ vì tình người trong cuộc sống mà không phải vì bi lụy tình cảm. Sự san sẻ hay giúp đỡ một ai đó ta phải hết lòng nếu xét thấy việc đó là chính đáng. Ta làm trong tỉnh giác vì có quán chiếu, ta xử sự có hiểu biết mà không xen kẽ chủ nghĩa cá nhân vào nên sự tha thứ ấy có đầy đủ tình và lý.

Thế gian giữa dòng đời nghiệt ngã chúng ta không phải là những bậc hiền Thánh để tha thứ hết lỗi lầm của con người, nhưng nếu ta có trái tim hiểu biết thì ta vẫn sẵn sàng tha thứ cho nhau. Bao dung và tha thứ luôn là một thần dược để chữa lành những vết thương lòng hoặc chuyển hóa các nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc.

Tha thứ là sự biểu hiện của tâm từ bi, nó giúp chúng ta vượt qua những khó khăn để quên đi những gì không được tốt đẹp. Nó giúp ta giải thoát khỏi những phiền muộn, khổ đau do chất chứa cảm xúc hờn giận và sự hoang mang lo sợ. Nếu chúng ta là người có hiểu biết thì ta sẽ nhận ra rằng khi tha thứ cho một ai thì người được lợi trước tiên chính là ta. Ta chỉ có thể tha thứ và bỏ qua hết mọi lỗi lầm của người khác khi mình đã thật sự vô ngã, vị tha.

Thích Đạt Ma Phổ Giác
Previous Post
Next Post