Nếu như con người “giải mã” được tiếng kêu của các loài động vật trước khi bị giết

Hỡi các tín đồ! cho dù ngày bây giờ hay vài năm tới hoặc 100 năm sau con người có thể chưa sáng chế được thiết bị để “giải mã” tiếng kêu của các loại vật bị con người giết hại thì cũng đã đến lúc chúng ta cũng cần phải dừng lại để lắng nghe, để ngắm nhìn, để quan sát, để tận mắt nhìn thẳng vào mắt những loài vật xung quanh ta trước khi ta giết hay cho vào miệng ta đã nhé.

Trong những ngày cuối tháng 2 trên báo Thanh Niên mục “Tôi viết” một cuộc khẩu chiến giữa hai phe “Tại sao người ta có thể ăn thịt bạn thân của mình” tức là phe phản đối ăn thịt chó. Phe “Hỡi các tín đồ thịt chó cứ ăn thoải mái đi” tức phe tín đồ ăn thịt chó. Kết quả bình chọn là: phe phản đối là 53.67%; phe tín đồ là 46.33% (trên 7475 người).

Đây là lập luận của phe tín đồ thịt chó: “Ví dụ: Cá heo có thông minh không? Không thông minh sao nó làm xiếc được? Vẹt có thông minh không? Không thông minh sao nó bắt chước giọng nói người ta được? Bồ câu có thông minh không? Hỏi là đã trả lời. Ví dụ thêm nữa có mà bao la, nhe.

Các bạn có đem chó đi thử IQ so với các con vật khác chưa mà bảo nó thông minh nhất? Ờ.”

Còn đây là một bài “Diễn văn của Luật sư George Graham Vest tại một phiên tòa xét xử vụ kiện người hàng xóm làm chết con chó của thân chủ được bình chọn là hay nhất trong tất cả các diễn văn, lời tựa trên thế giới trong khoảng 1,000 năm qua” lại không phải dành cho con người (các bạn có thể tìm đọc trên trang mạng).

Luật sư George Graham Vest là một người không theo phe nào cả, thiết tưởng, sau khi đọc xong một đoạn trích từ bài diễn văn này:

“Thưa quý ngài hội thẩm, Người bạn tốt nhất mà con người có được trên thế giới này có thể một ngày nào đó hóa ra kẻ thù quay ra chống lại ta. Con cái mà ta nuôi dưỡng với tình yêu thương hết mực rồi ra có thể là một lũ vô ơn. Những người gần gũi thân thiết ta nhất, những người ta gửi gắm hạnh phúc và danh dự, có thể trở thành kẻ phản bội, phụ bạc lòng tin cậy và sự trung thành. Tiền bạc mà con người có được, rồi sẽ mất đi. Nó mất đi đúng vào lúc ta cần đến nó nhất. Tiếng tăm của con người cũng có thể tiêu tan trong phút chốc bởi một hành động dại một giờ. Những kẻ phủ phục tôn vinh ta khi ta thành đạt có thể sẽ là những kẻ đầu tiên ném đá và ta, khi ta sa cơ lỡ vận. Duy có một người bạn hoàn toàn không vụ lợi mà con người có được trong thế giới ích kỷ này, người bạn không bao giờ bỏ rơi ta, không bao giờ tỏ ra vô ơn hay tráo trở, đó là con chó của ta”. 

Cũng chẳng cần phải phản biện hay tranh luận gì về việc chó hay cá heo, vẹt, chim bồ câu, mèo, gà, dê, bò, chuột, rắn rết…con nào thông minh, con nào hữu ích nữa mà chúng ta hãy cùng dừng lại và suy ngẫm trước "tiếng kêu cứu" thống thiết từ “người bạn trung thành nhất” của con người hay hãy thử quan sát tất cả các con vật. Hãy chỉ cần bắt đầu từ con kiến.

Ví dụ: một đàn kiến đang bò, ta chỉ cần cầm một cây que chặn ngay nối chúng đi thì biết ngay chúng đang nghĩ gì và tại sao chúng dừng lại. Còn nếu thử dùng que giết chết vài con trong đàn thì những con còn lại sẽ chạy tán loạn … đó là chỉ với loài kiến thôi chúng đã sợ hãi đến như vậy.

Cũng chỉ với vài ngày trước thôi trên một bài báo nào đó có hình ảnh một gấu mẹ, đau đớn tuyệt vọng, bất lực khi nhìn các con mình bị bắt đi cũng làm nhói tim bao người…

Dù phe tín đồ con vật gì đi nữa thì cũng chỉ vì chúng ta đang bị giới hạn làm cho con người không cảm nhận được bằng hệ thống “giải mã” các tín hiệu truyền thông từ tiếng kêu la và các hành động của các chủng loại động vật khi bị con người giết. Cho nên, con người không cảm nhận được nỗi đau và các phản ứng hận thù, căm giận, uất hận, sợ hãi, đau đớn của chúng, bao gồm cả sự tuyên thệ hay lời nguyền rủa trả thù của các loại động vật. Cho nên, việc giết hại chúng làm cho con người có cảm giác rằng không là bất cứ một vấn đề gì. Cứ giết, cứ ăn cho thỏa thích và quan niệm “loài vật là loài dưỡng sinh cho con người”.

Trong một tương lai không xa nữa (có thể là vài chục năm-100 năm nữa), chúng ta tin rằng các nhà khoa học sẽ phát minh ra các loại máy, “giải mã” được các hệ thống tín hiệu ngôn ngữ của các chủng loại động vật. Đến lúc đó chúng ta sẽ thấy việc giết hại các loài động vật như là một tội ác, là một tội phạm. Lúc đó, chắc chắn các nhà làm luật sẽ phải điều chỉnh lại, sự giết hại không chỉ đơn thuần còn là bị cấm mà là một tội phạm hình sự.

Đọc đến đây chắc có nhiều người bảo, “Ối trời! sao mà không tưởng hay cứ sống bây giờ và cứ ăn đi, ai mà sống đến 100 năm sau”.

Nhưng này các tín đồ! rất nhiều chuyện viễn tưởng vài chục năm trước, giờ đều là sự thật đấy thôi. Còn chuyện có sống đến được lúc đó đâu mà lo. Có chứ! vì “chết không phải là dấu chấm hết, mà chỉ là bắt đầu hành trình của một sự sống khác”. Khi đã phạm tội thì “dầu có bay trên không trung, có độn thổ dưới lòng đất, có ở sâu dưới đáy đại dương thì cũng không thoát”. Người ta có thể qua mặt được luật pháp bằng mọi cách nhưng không thoát được những hạt giống xấu mình đã tạo, không ở đời sống hiện tại thì cũng xẩy ra trong hành trình tiếp theo mà thôi.

Đã có không biết bao nhiêu câu chuyện, những hình ảnh, những gương tày đình ngay trước mắt của những người làm nghề đồ tể, những tín đồ khoái khẩu món này món kia phải trả giá ngay trong hiện tại, chưa cần đến kiếp sống sau. Nếu kể ra thì cả ngày không hết.

Thế không ăn thịt thì ăn cái gì, sao mà sống…? người Ấn Độ có khoảng 70% dân số có thói quen chọn thực phẩm chay. Họ vẫn to cao, vẫn thông minh đấy thôi. Tại Hoa kỳ hiện nay có khoảng gần mười bảy triệu người ăn chay (ăn chay tương đối), có nghĩa là trong một tuần lễ người ta có khoảng tối thiểu từ ba cho đến bốn ngày ăn chay vì lý do sức khoẻ để tránh các bệnh tật. Và có khoảng năm chục triệu dân số Mỹ thiên về ăn chay như là một sự lựa chọn vừa là nuôi dưỡng lòng từ bi, vừa tốt cho sức khỏe, vừa đẹp cho hình dáng.

Hỡi các tín đồ! cho dù ngày bây giờ hay vài năm tới hoặc 100 năm sau con người có thể chưa sáng chế được thiết bị để “giải mã” tiếng kêu của các loại vật bị con người giết hại thì cũng đã đến lúc chúng ta cũng cần phải dừng lại để lắng nghe, để ngắm nhìn, để quan sát, để tận mắt nhìn thẳng vào mắt những loài vật xung quanh ta trước khi ta giết hay cho vào miệng ta đã nhé. Khoa học đã chứng minh rằng, những người ăn thịt nhiều, nhất là thịt chó, mèo thì rất dễ nổi nóng và hung dữ và dễ bị kích động hơn, nhất là đã thịt thì phải có rượu bia đi kèm.

Và trước hết hãy vì sức khỏe của chính mình, gia đình mình và hãy thương những con vật xung quanh mình, cho dù bạn không coi đó là “bạn thân” đi chăng nữa thì cũng hãy kích hoạt lòng từ bi trong mình một chút xíu thôi. Người biết lắng nghe, biết hiểu và thương những người thân của mình thì cũng hãy ban cho loài vật một chút lòng từ, có như vậy thì bạn sẽ nhận lại được nhiều thứ hơn bạn tưởng. Đó là sự an lạc trong cuộc sống trước khi chúng ta nghe và hiểu được tiếng của các loài vật nói gì.

Previous Post
Next Post