Này, nếu các bạn bảo với tôi là các bạn chưa hề bao giờ nói dối, đó là các bạn đã…dối! Đức Khổng có lạc quan “nhân chi sơ tính bản thiện” thì tôi cũng nghi là cụ cũng…dối. Con người sinh ra là đã mang chữ “dối” trên trán rồi. Vừa biết thế nào là cuộc nhân sinh, nếu phải chọn lựa giữa chiếc roi và nói dối thì chúng ta sẽ hồn nhiên mà dối. Lương tâm lúc đó chưa mọc răng nên chẳng có ai bị cắn cả. Dù sao kẻ khuất mặt là lương tâm cũng dễ bị quên hơn cây roi nằm sờ sờ trước mắt. Cây roi trong trường hợp này ít khi được việc. Nó chỉ giúp cho trẻ con ghi nhớ là lần sau nên nói dối một cách điêu luyện hơn để tránh hình phạt. Thực ra trẻ dưới 6 tuổi thường khó phân biệt giữa thực tế và tưởng tượng nên chúng hay bịa chuyện. Vì vậy tìm hiểu nguyên nhân nói dối của chúng và khuyên răn thì tốt hơn là nhịp nhịp cây roi đe dọa.
Lớn lên chúng ta được giáo dục để xóa cái tính gian dối đi. Một trong những lối giáo dục hữu hiệu nhất cho một đứa trẻ là làm gương cho chúng soi. Cái cụ thể bao giờ cũng đậm nét hơn những lý thuyết viển vông. Một bà mẹ dạy con như thế này: “Con phải sống cho thành thật, không được dối trá nghe con. Dối trá là xấu lắm. Bây giờ mẹ phải đi ngủ một giấc. Nếu có bác hàng xóm nào sang hỏi mẹ thì con bảo với bác ấy là mẹ không có nhà nhé!”. Có bạn nào nhìn thấy mình trong bà mẹ này không nhỉ?
Rồi đứa trẻ được đi học. Nhà trường là nơi thích hợp nhất để tẩy xóa cái chữ “dối” con người mang trên trán từ lúc khóc chào đời. Đứa trẻ được rèn luyện để luôn tự hào về tư cách của chúng. Đó là ước nguyện của mọi người, cả thầy cô giáo lẫn cha mẹ. Thực tế thì con trẻ càng ngày càng ma mãnh ngay tại lớp học. Ông Michael Josephson, người điều khiển một viện nghiên cứu về đạo đức trong xã hội, tá hỏa khi nhận thấy con em chúng ta càng ngày càng gian lận hơn trong thi cử. Trong vòng một thập niên, từ những năm cuối thế kỷ 20 sang những năm đầu của thế kỷ 21, tỷ số các em thú nhận đã gian lận trong thi cử tăng thêm 13%, từ 61% lên 74%. Trong một cuộc nghiên cứu khác được thực hiện vào năm 2001, Giáo Sư Donald McCabe thuộc Đại Học Rutgers cho biết trong 4500 học sinh trung học được thăm dò, có 75% công nhận đã gian lận ít nhất là một lần trong thi cử, tăng gấp rưỡi so với con số 53% của năm 1993 và gấp ba lần so với con số 25% của năm 1963! Tới thời điểm 2006 thì nghệ thuật và kỹ thuật gian dối của học sinh trong các kỳ thi đã tiến rất nhanh. Những hình ảnh của những cuộc thi tốt nghiệp cũng như thi tuyển tại Việt Nam vừa qua chứng tỏ con em, phụ huynh và ngay cả các giám thị của chúng ta thừa sức tranh dành hạng…danh dự trong việc gian lận.
Trong lớp, giáo sư cho biết là kỳ thi kiểm tra sắp tới sẽ phải hoãn lại. Một sinh viên dõng dạc đứng dậy thưa:
“Thưa thầy, nếu thầy hoãn kỳ thi lại thì sẽ ảnh hưởng đến việc ôn tập cho các môn khác.” Giáo sư nghiêm giọng hỏi:
“Anh tên là gì nhỉ?”
“Thưa thầy con tên là Thạnh ạ!”
“Khá lắm, anh Thạnh. Anh sẽ được thêm 1 điểm trong kỳ thi tới vì tôi thích những người trung thực dám nói như anh.”
Anh sinh viên vội thưa:
“Thưa thầy, nếu vậy thì xin thầy thêm điểm cho sinh viên tên Chương ạ. Nguyễn Văn Chương!”
Vào đời, con người coi nói dối như một cách sống khôn ngoan. Nó là một cách sinh tồn trong cuộc sống. Mỗi ngày chúng ta nói dối bao nhiêu lần? Có ai đếm được không? Theo một nghiên cứu tại kinh đô Vienna , nước Áo, thì trung bình mỗi ngày một người nói dối khoảng 20 lần! Chúng ta nói dối ngoài đường lẫn trong nhà, với người thân cũng như kẻ lạ. Cũng cuộc nghiên cứu lẩm cẩm này cho biết 41% nói dối là để che giấu lối xử sự sai lầm của mình, 14% nói dối để tỏ ra mình tế nhị, còn 45% nói dối là vì những nguyên nhân khác. Các ông nói dối nhiều hơn các bà khoảng 20%. Điều này dễ hiểu. Kẻ bị trị bao giờ cũng có nhiều dịp để loanh quanh tự bao che hơn! Cũng vẫn theo thống kê thì 73% các ông nói dối về lý lịch của mình, trong khi đó thì 80% phụ nữ cho tên và số điện thoại giả. Điều này cũng dễ hiểu. Trong quá khứ chắc chúng ta cũng đã tốn rất nhiều xăng nhớt để đi tìm một cái địa chỉ không bao giờ có trên bản đồ thành phố! Giáo sư Peter Stiegnitz của Đại Học Vienna đã phải kết luận về cuộc nghiên cứu một cách bi thảm như sau: “Nói dối quan trọng trong đời sống con người như cơm ăn, nước uống vậy. Ai cũng nói dối, kể cả những người nói rằng họ không bao giờ nói dối!”
Tri thức có liên quan đến nói dối không? Có chứ! Những người càng có học thì càng nói dối tinh vi và xảo quyệt hơn. Ngay cả những người trí thức và nổi tiếng vẫn nói dối để tôn thêm uy tín hoặc…chạy tội! Tổng Thống Bill Clinton đã chẳng thề sống thề chết là mình không tù ti với cô Monica là chi! Các chính khách là những người cần đánh bóng bộ mặt nhất nên cũng thường là những người nói dối thần sầu nhất. Chuyện này thì con nít chúng cũng biết!
Một chính khách trên đường đi vận động tranh cử gặp một lũ trẻ đang cãi nhau ầm ĩ như mổ bò về một con chó. Ông dừng lại hỏi. Một cậu bé kể:
“Chúng cháu cùng lượm được con chó này, đứa nào cũng dành phần nuôi con chó. Cuối cùng, chúng cháu thuận với nhau là đứa nào nói dối giỏi nhất sẽ được mang con chó về nhà.”
Vị chính khách khuyên nhủ:
“Các cháu không được nói dối vì đó là điều không tốt. Khi ta ở tuổi các cháu, ta không bao giờ nói dối. Bây giờ cũng vậy. Suốt đời ta không một lần nói dối.”
Cậu bé nhìn ông chính khách, thở dài nói với các bạn:
“Đưa con chó cho ông ấy đi!”
Chính khách có phải là những người nổi tiếng nói dối nhất không? Không phải. Nổi tiếng nhất về nó dối là thằng Cuội, còn được gọi một cách thân thương là chú Cuội. Đây là một nhân vật điển hình nói dối nổi tiếng khắp…thế giới! Chẳng thế mà tôi chỉ cần vào trang Google, đánh hai chữ “Thang Cuoi” chẳng dấu diếc gì, thế mà lòi ngay ra chú Cuội của chúng ta. Cuội là biểu tượng của sự dối trá. Chuyện dối trá của anh Cuội này tôi sẽ nói tới sau. Chỉ cần phán là nói dối như Cuội thì bàn dân thiên hạ đều lượng được mức độ nói dối hung hãn đến thế nào. Cụ Nguyễn Khuyến cũng hùa với người đời để bêu riếu thằng Cuội.
Đầu làng Ngang có một chỗ lội
Có đền ông Cuội cao vòi vọi
Đàn bà đến đấy vén quần lên
Chỗ thì đến háng chỗ đến gối
Ông Cuội ngồi trên mỉm mép cười
Cái gì trăng trắng như con cúi?
Đàn bà khép nép đứng, liền thưa:
“Con chót hớ hênh xin xá tội!”
“Thôi thôi con có tội chi mà,
Lại đây ông cho giống ông Cuội!”
Từ đấy làng Ngang đẻ ra người
Đẻ ra rặt những phường nói dối!
Làng Ngang ở đâu, có vị nào biết không? Quả thực tôi không biết nhưng tính tôi thích đoán mò. Vậy thì đoán. Làng Ngang chắc ở bên…Écuador! Tên cái làng này là Vilcabamba, tọa lạc bên núi Andes . Làng này được gọi là làng nói dối. Dân làng này nói dối độc một chuyện: chuyện tuổi tác. Thay vì hạ ít tuổi đi như những quý bà quý cô quanh chúng ta, họ lại nói tăng tuổi lên! Năm 1972, họ bảo là trong làng của họ có tới 9 cụ sống trên trăm tuổi. Một năm trước đó trong làng có một cụ về với tổ tiên tên là José Toledo Avedano, giấy báo tử ghi là cụ này thọ 140 tuổi. Năm 1977, một cụ khác quy tiên, cụ Gabriel Erazo Aldean, họ bảo cụ này thọ 132 tuổi. Thấy làng này…ngon lành như vậy, người ta mới tò mò tìm đến coi thực hư ra sao. Hai nhà nghiên cứu người Mỹ là R. Mazess và S. Forman đã đến tận nơi, lục soát các sổ rửa tội, đối chiếu cẩn thận mới lòi ra là trong làng chẳng có người nào sống tới trăm tuổi cả! Hai ông nghiên cứu tò mò này mới khám phá ra thói quen nói dối của dân làng này: cứ ông bà nào sống được tới trên 60 tuổi là nổi máu nói dối. Như ông M. Mendieta chẳng hạn. Ông này sinh năm 1884. Năm 1944 ông khai là ông đã thất thập. Chỉ 5 năm sau, tuổi của ông lên bát thập. Tới năm 1970 là năm ông đúng 86 tuổi thì ông tự thăng lên tới 121 tuổi. Sáu năm sau, lúc đó tuổi thực của ông là 92, ông chơi ngay một nấc cao vòi vọi là 130 tuổi! Tới đây thì ông hơn mẹ ông tới 5 tuổi rồi! Cuội chưa? Tại sao dân làng này thích…dối già như vậy? Bởi vì xã hội thường đặc biệt dành sự trân trọng cho những người cao tuổi và trong thâm tâm họ, họ rất thích tạo kỷ lục vượt qua những người khác!
Bệnh thích già này là một bệnh hay lây. Bên Mỹ, tại Clinton thuộc tiểu bang Maryland , cũng có…cụ Cuội. Tên thật của cụ là William Coates. Theo tính toán của cụ thì vào năm 2004, năm cụ về chầu tổ tiên, cụ được 114 tuổi. Nếu đúng như vậy thì cụ Coates được mang danh hiệu “người thọ nhất nước Mỹ”. Chuyện quan trọng chứ không phải lơ mơ. Ông L. Stephen Coles, đồng sáng lập của một nhóm chuyên nghiên cứu về lão khoa, đã tìm coi thực hư ra sao. Coles đã lục được tài liệu về một cuộc điều tra dân số cũ trên internet trong đó có ghi tên ông Coates và bảy anh chị em ruột của ông khi họ sống chung với nhau tại quận Prince George vào năm 1930. Ông là anh lớn nhất trong số bảy anh chị em này và năm đó ông được 18 tuổi. Như vậy, tới khi ông mất vào năm 2004, ông chỉ thọ được 92 tuổi!
Nói dối như vậy là không tốt. Bộ có loại nói dối tốt nữa sao? Không hẳn là tốt nhưng có thể chấp nhận được. Như khi chúng ta nói dối để bảo vệ sự riêng tư. Muốn cho cái anh chàng lẵng nhẵng bám theo như cái đuôi đi cho khuất mắt, một cô nàng có thể cho đại anh chàng một số điện thoại ma hay một địa chỉ vớ vẩn cho xong chuyện, giải thoát cho mình một nỗi khó chịu. Nói dối như vậy là một cách tự vệ dễ thương. Dĩ nhiên việc tốn xăng đi tìm địa chỉ là chuyện của anh chàng dại gái, thương hại làm chi cho phí lòng thương! Nói dối là một…đức tính của các bà. Phụ nữ nói dối khéo hơn nam giới. Họ nói dối như thật, không ngập ngừng. Đây không phải là nhận xét của tôi mà là kết luận của các nhà xã hội học sau khi khảo sát đàng hoàng. Căn nguyên của sự nói dối là vì xã hội không còn được tạo nên bởi những cộng đồng nhỏ gồm những người biết rõ nhau. Không ai biết rõ ta nên ta cứ thoải mái bịa đặt và tin rằng người khác tin lời bịa đặt đó. Riết rồi quen đi, cứ dối tỉnh bơ mà không cảm thấy đó là một điều xúc phạm tới sự liêm khiết tinh thần của mỗi người. Khi mà mọi người chấp nhận nói dối như một cách sống tự nhiên, chẳng cần phải thắc mắc thì…huề cả làng!
Tình trạng con người nằm trong vũng lầy của nói dối mà vẫn không biết mình nằm trong vũng lầy dẫn tới việc chúng ta nói dối với chính mình. Chúng ta không phân biệt được giữa sự thật và ảo tưởng. Một người lúc nào cũng khoe về thân thế mình với người khác có thể sống trong ảo tưởng mình tự vẽ ra và đồng hóa ảo tưởng đó với sự thực. Kết quả là chính mình lừa dối mình. Nhà tâm lý học Robert Feldman thuộc Đại Học Massachusetts đã thử làm một thí nghiệm. Ông cho hai người không biết nhau nói chuyện trong một căn phòng có thu hình. Sau đó, ông cho mỗi người xem lại băng thu hình riêng rẽ nhau và yêu cầu họ cho biết đã nói gì không chính xác. Ban đầu cả hai đều cho rằng mình hoàn toàn trung thực. Nhưng khi xem kỹ lại họ công nhận những điều mà họ đã…dối. Sau khi thí nghiệm với nhiều cặp như vậy, cuộc nghiên cứu đưa ra kết quả là khoảng 60% nói dối ít nhất một lần trong một cuộc nói chuyện dài 10 phút! Nhà tâm lý học Robert đúc kết: “Mọi người hầu như nói dối một cách phản xạ. Họ không nghĩ rằng đó là một phần trong cuộc giao tiếp xã hội thông thường của mình. Nhưng sự thực là như vậy!”
Xã hội chúng ta đang sống là một xã hội bất thường. Trong cuốn “The Cheating Culture: Why More Americans Are Doing Wrong To Get Ahead”, tác giả David Callahan nhận xét: “Chúng ta đã vượt qua ngưỡng cửa nơi mà lừa đảo đã trở thành bình thường đến nỗi chúng ta không thèm quan tâm là nó sẽ làm hại đến ngưòi khác ra sao và chắc chắn từ 25 năm qua lừa đảo tăng tỷ lệ khá mạnh. Tại sao nước Mỹ lại dấn thân trên con đường lừa đảo như thế? Nếu bạn nhìn kỹ lại từ đầu thập niên 1980 tới nay, bạn sẽ thấy con người chú ý quá nhiều đến chủ nghĩa vật chất, và cá tính cá nhân chỉ là một kiểu đánh giá trên việc có được lợi lộc càng nhiều càng tốt, mạnh được yếu thua. Và, trong chừng mực nào đó, tôi nghĩ đây là một nền văn hóa khuyến khích sự lừa dối!”
Nếu con người có thể dối trá lừa đảo mà không bị hậu quả gì cho cá nhân mà còn thấy mình ngon khi qua mặt được người khác thì người khác sức mấy mà chịu thua. Không ai muốn bị coi là thằng khờ hay muốn thua kém người khác cả. Đó là cái vòng luẩn quẩn khiến nạn lừa đảo trở thành lan rộng, ăn sâu vào thói quen suy nghĩ của nhiều người trong chúng ta khiến mọi người chấp nhận được. Gian lận bảo hiểm, coi TV cable lậu, khai gian thuế..v..v.. là những hành vi mà người thực hiện coi như “moi móc lại cái họ đã mất trong một hệ thống không công bằng”! Người chung quanh không lên án những sự gian dối “khôn ngoan” như vậy mà còn sẵn sàng thực hiện khi có hoàn cảnh. Đó là suy nghĩ thông thường của mọi người trong hầu hết các xã hội “văn minh” ngày nay! Người ta gọi hội chứng này là sự băng hoại đạo đức của con người!
Sống trong một xã hội như vậy, con người dễ buông mình xảy chân. Tôi nhất định không buông mình. Bằng chứng là tôi viết đâu đó ở phía trên là tôi sẽ trở lại chuyện chú Cuội. Tôi không nói dối. Vậy thì mình tán…cuội! Cuội suốt đời nói dối xóm làng. Có phải vì nói dối mà Cuội bị bỏ vào phi thuyền đi đầy trên cung trăng chăng? Không, việc Cuội lên cung trăng là một…thảm kịch. Một ngày nọ, Cuội đi vào rừng, thấy một ổ cọp con, bèn lấy rìu đập chết. Bất thần, hổ mẹ về gầm rú vang một góc trời. Cuội sợ quá, leo tuốt lên một thân cổ thụ ngồi nấp. Hổ mẹ thấy quang cảnh hãi hùng, la gầm inh ỏi, rồi đi ra bờ suối. Cuội tụt xuống theo rình. Hổ mẹ đến bứt lá của một cây nhỏ ven bờ suối mang về rịt cho hổ con. Chỉ một lát hổ con tỉnh lại. Mẹ con bỏ ổ đi sâu vào rừng. Cuội ra bờ suối đào cây con đó mang về trồng trong vườn. Từ đấy Cuội có món thuốc cải tử hoàn sinh giúp mọi người. Cuội dặn vợ phải chăm sóc kỹ càng cây thuốc và nhất là không được tè vào gốc cây. Nghe Cuội ngày nào cũng dặn như vậy, cô vợ nổi máu…phản kháng. Đã vậy bà thử tè một bãi xem sao! Ai ngờ, vợ cuội vừa làm công việc giải thủy nơi gốc cây thì cây liền cựa mình, trốc gốc, bay lên. Đúng lúc đó, Cuội ở rừng về, vội chạy đeo theo bám giữ cây lại. Cây mang Cuội lên tới mặt trăng.
Suốt đời, Cuội là đứa nói dối, chuyên lừa người khác. Đến khi Cuội muốn hoàn lương, ra tay cứu đời thì bị thất bại. Cuội thay đổi bản chất nhưng xã hội chung quanh không thay đổi. Cuội phải đi sang một thế giới khác!
Thi sĩ Tản Đà của chúng ta, suốt đời túy lúy, tưởng chẳng biết ất giáp gì. Vậy mà ông khôn đáo để. Ông muốn thay thế chú Cuội trên cung trăng nhưng giả bộ như không biết có chú này đang đóng đô trên đó.
Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi
Trần thế em nay chán nửa rồi
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi
Có bầu có bạn can chi tủi
Cùng gió cùng mây thế mới vui.
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám
Tựa nhau trông xuống thế gian cười.
Thi sĩ của chúng ta lại…dối! Cứ thử cho ông ấy lên với chị Hằng coi xem trăng rằm tháng tám có lu mờ ngay không. Đánh chết ông ấy cũng giở rượu ra nhắm với…lá đa!
Nguồn: songthao.com