"Sống" là như thế nào?

Một ngày nọ, tôi giật mình nhận ra rằng câu nói “Em yêu, anh đã về” quen thuộc giờ đã trở nên không còn ý nghĩa gì nữa. Vợ của tôi biết rõ tôi đang ngồi uống cocktail ở La Luna Desperation bar với ba người bạn, và khi tôi nhắn tin báo về nhà, cô ấy sẽ tự biết phải chuẩn bị bữa tối cho mấy người. Cô ấy cũng sẽ không vòng tay ôm cổ tôi và hỏi một ngày làm việc của tôi như thế nào, vì cô ấy đã và đang cập nhật từng giờ trên Facebook của tôi.

Chúng ta biết rõ vợ, chồng, người yêu của chúng ta đang làm gì, ở đâu, với ai, bằng tin nhắn, các cuộc điện thoại, Facebook, Twitter và rất nhiều ứng dụng điện thoại khác. Những mối tình không phải chuyện của hai người nữa, mà là chuyện của hai người và cả thế giới. Người ta than phiền về hiện tại và muốn hoài cổ về quá khứ, nhưng lại không thể trải qua một ngày sống thiếu internet.

Chúng ta chuyển từ những quán rượu tạm bợ sang những nhà hàng, quán bar sang trọng với những giờ hạnh phúc. Chúng ta thay hàng rào gỗ bao quanh nhà bằng cả một hệ thống báo động tinh vi. Chúng ta không trồng rau bằng việc tự xới đất và đặt một hạt giống xuống đó, mà bằng việc ra cửa hàng rau sạch, chọn lựa giữa hàng đống món hàng và mua một túi bắp cải được bảo quản siêu sạch. Các thương vụ kinh doanh chuyển từ việc đổi ngựa lấy đất trồng sang việc bắt tay kí hợp đồng bên cạnh hàng chồng tài liệu và những chiếc máy tính vô tri vô giác. Những lá thư tay đầy ắp yêu thương chuyển thành những kí tự nhảy múa trên màn hình điện thoại.

Chúng ta mất đi sự trông chờ, hi vọng, thay vào đó là những kết quả thấy được, tiền chuyển vào tài khoản và những bữa ăn thịnh soạn được bày ra trước mặt. Chúng ta bỏ qua những phép tắc, lễ nghi mà bon chen sống từng ngày, giành giật từng thứ để thỏa mãn sự ích kỉ của bản thân. Không còn tính thật thà, không còn sự cao thượng, tất cả xoay quanh hai câu hỏi “Anh làm gì?” và “Anh kiếm được bao nhiêu tiền?”

Chúng ta đã đấu tranh cả cuộc đời vì sự tự do, để rồi cuối cùng trở thành nô lệ của những giá trị vật chất và các trào lưu của xã hội. Tôi hình dung ra mọi người là những tù nhân đang đeo xiềng xích vô hình, ngày ngày làm đúng những gì người khác yêu cầu, trả lời xong rồi mới đi tìm câu hỏi thực sự là gì. Tôi không tự hào về “mái nhà” của tôi. Tôi không tự xây nó. Quần áo tôi mặc không thực sự thuộc về tôi. Tôi không may nó, cũng không biết ai thiết kế ra nó. Những gì tôi có thể cảm nhận là sự miễn cưỡng của người thợ khi phải may một cái áo vì chủ ra lệnh như vậy, và sự khô cứng trong từng mũi may khi còn chẳng biết ai sẽ mặc nó. Lịch của tôi được lên hàng ngày, giờ đó là phải làm việc đó, đến lúc mấy giờ sẽ phải đang ngồi vui vẻ với ai.

Từ khi nào mà việc năm người ngồi cà phê, mỗi người cầm một cái điện thoại trên tay và nói chuyện với những người còn không ở trước mặt mình, lại trở nên rất bình thường? Mặc dù nó thật vô lý, nhưng như tôi đã viết ở trên, đó là trào lưu xã hội, và đã là trào lưu thì người ta theo. Cũng giống như việc người vợ về nhà, tay lỉnh kỉnh túi đồ mua ở siêu thị, túi laptop, điện thoại và đang luống cuống tìm chìa khóa mở cửa. Và người chồng thì chúi đầu vào laptop và còn chẳng thèm ngẩng đầu lên nhìn. Đơn giản, đó là trào lưu.

Chúng ta ngấu nghiến đĩa pasta, lăn ra giường khi đã mệt phờ sau một ngày mà còn không kịp tự đắp chăn lên người. Chất cồn đưa chúng ta vào giấc ngủ, để sáng hôm sau lại lặp lại đúng chuỗi ngày như thế. Tại sao chúng ta phải tự hành hạ mình như vậy? Tại sao lại tự kích thích bản thân bằng cocaine và thứ nhạc đấm vào tai, thay vì một ly rượu vang lâu năm tuyệt vời với những người bạn tri kỉ?

Nếu chúng ta phải sống nhanh chỉ để thỏa mãn những thứ như thế, thì thà sống chậm lại một chút, để kịp nghĩ trước khi làm, để bận rộn với đúng nghĩa bận rộn, làm những việc ta nên làm, chứ không phải những việc ta phải làm. Liệu rằng con người có mất cả cuộc đời để học được cách trở về nhà và nói “Em yêu, anh đã về… Cơ thể anh, tâm trí anh, suy nghĩ của anh, đã trở về nhà.”?

Previous Post
Next Post