Con người sinh ra, trưởng thành, suy yếu bệnh hoạn rồi từ trần, đó là chu kỳ “Sinh Lão Bệnh Tử” theo luật thiên nhiên mà ta đã chấp nhận từ nhiều ngàn năm.
Nhưng ngày nay, với tiến bộ của khoa học, con người đã có khả năng ảnh hưởng tới hai trong bốn giai đoạn của chu kỳ trên. Đó là Lão và Bệnh. Con người hiện đại có khả năng kéo dài tiến trình lão hóa, làm chậm sự lão suy, làm nhẹ bớt nhiều chứng bệnh liên hệ tới tuổi già và loại hẳn một số bệnh gây tử vong trước đây. Tóm lại, con người ngày nay có thể tăng tuổi thọ và sống bình an, thoải mái suốt giai đoạn cuối của cuộc đời. Giai đoạn mà người Tây phương gọi là Tuổi Vàng (The Golden Years). Bí quyết để đạt đến mục đích đó là tìm hiểu tuổi già và các phương pháp tổ chức lối sống cho có hiệu năng để hưởng trọn tuổi già.
Già là gì?
Già là gì? Bao nhiêu tuổi thì gọi là già?
Nếu dễ tính, ta có thể chấp nhận câu trả lời giản dị: già là một giai đoạn của cuộc đời, cũng như giai đoạn dậy thì của thiếu niên, trưởng thành của trung niên. Trong giai đoạn này, người già có một số điểm giống nhau đủ để tạo thành một mô hình cho lứa tuổi đó. Nhưng thực tế cho hay một định nghĩa như vậy chưa đủ để thỏa mãn nhiều người.
Trong chu kỳ Sinh, Lão, Bệnh, Tử, ta thấy khâu Lão tiếp nối khâu sinh. Như vậy phải chăng phương Đông quan niệm rằng con người già ngay khi sanh ra đời. Rồi nếu ta ngẫm nghĩ về chữ “Old” là già trong tiếng Anh thì ta thấy những sắc dân nói ngôn ngừ này tuồng như cũng đồng quan niệm với người phương Đông về sự hóa già. Chả thế mà họ gọi đứa bé vừa sanh ra được một giờ là “one hour old”, và một người chín mươi tuổi là “90 years old”.
Nguyên Giám Đốc chương trình An Sinh Xã Hội Hoa Kỳ Oscar R. Ewing đã có nhận xét: “Với con người, không có một định nghĩa chính xác nào cho tuổi già của cơ thể. Cái mà chúng ta liên hệ tới không phải là một nhóm người già mà là một nhóm bị người khác gán cho nhãn hiệu già, mặc dù khả năng của họ khác nhau”.
Vậy thì rất khó mà định nghĩa hai chữ tuổi già hoặc là đặt một cái mốc để chỉ tuổi già trong quãng đời con người. Phải chăng tuổi già là tuổi ở giai đoạn cuối đời của con người? Nhưng đời con người kéo dài bao nhiêu năm? Cách đây một thế kỷ, khi sống tới 40 tuổi, các cụ ta đã ăn mừng “tứ tuần đại khánh”; sống tới tuổi 70 thì coi “như cổ lai hy”. Ngày nay tuổi thọ trung bình của ta đã lên tới 70. Vậy thì sự già bây giờ tất phải đến trễ hơn.
Không căn cứ được vào số năm để xác định tuổi già, thì phải dựa vào cái gì? Hay là cứ ví von như các cụ xưa, hứa với nhau cho tới khi “đầu bạc răng long”; hoặc nói về cái mệnh đoản của người con gái đẹp mà ngâm nga câu “Mỹ nhân mệnh đoản như danh tướng, bất hứa nhân gian kiến bạc đầu”. Cái lối ví von đó có vẻ như có căn bản khoa học đấy, vì răng long đầu bạc là một trong những dấu hiệu của sự hóa già.
Các khoa học gia đã thử lấy một số thay đổi của cơ thể khi về già làm mốc sinh học để định nghĩa sự già.Thí dụ đến tuổi nào thì da bắt đầu nhăn, răng rụng, thính giác giảm.
Để có giá trị sinh học, các mốc này phải tiên đoán được, không tránh được và không đảo ngược được. Mốc thay đổi tùy theo người. Cho nên già có thể trông thấy như tóc bạc, da mồi; cảm thấy như khi thấy mình mau mệt, không còn nhiều nhiệt huyết như tuổi đôi mươi.
Nói chung, giai đoạn lão suy là khi con người bắt đầu có những biến đổi cơ thể theo chiều hướng đi xuống, từ tốt sang xấu, cũng như có thay đổi về tính tình, cách đối xử. Da vùng mặt và cổ bắt đầu nhão, tóc thành muối tiêu rồi bạc, khóe mắt xuất hiện nếp nhăn, răng bắt đầu lỏng rụng. Công năng cơ thể giảm sút như là ăn chậm tiêu, ngủ ít, đại tiểu tiện bất thường, nói năng chậm, trí nhớ ngắn hạn sút kém. Vào thời kỳ này, một số bệnh cũng có thể xuất hiện. Ngoài ra, một số người cũng trở thành thụ động, phụ thuộc, không tham gia, có khuynh hướng sống lẻ loi, không đòi hỏi.
Cũng nên nhớ là sự hóa già ở nữ giới thường muộn hơn và họ cũng thọ hơn nam giới. Lý do có thể là các bà chịu đựng dẻo dai với bệnh tật hơn các ông, giác quan của họ còn tinh tường, trí nhớ tốt hơn. Nam giới có nhiều căng thẳng do việc làm, lại bị nhiều bệnh tim mạch, ung thư, tai nạn hơn nên mau già.
Sự hóa già cũng tùy thuộc vào nhiều yếu tố như di truyền, nếp sống cá nhân, môi trường chung quanh cũng như quan niệm, thái độ trước sự hóa già.Ngoài ra, mỗi người già theo một cách riêng biệt. Trong một cơ thể, mỗi tế bào, cơ quan cũng già theo nhịp độ khác nhau.
Các loại tuổi già
Như đã nói trên đây, rất khó mà định nghĩa tuổi già.
Nếu căn cứ theo tuổi niên đại, tức là số năm con người sống từ khi sinh ra đời, thì tuổi già bắt đầu từ tuổi nào? Năm mưới, bẩy mười hay hơn nữa. Những con số này đều vô nghĩa nếu không có một hệ thống đo lường sự già đi kèm theo. Đó là tuồi sinh lý. Ví dụ một người 50 tuổi mà tóc đã bạc, các chức năng cơ thể giảm sút thì người đó xem như đã già. Trái lại một người ngoài tuổi 60 mà thân thể còn cường tráng, sinh hoạt đều đặn thì người đó chưa thể được xem như là già.
Trong lãnh vực nghiên cứu các nhà lão khoa đã phân chia tuổi già làm 7 loại mà khi nhìn kỹ ta có thể thấy tại sao mỗi cá nhân già theo cách khác nhau.
1. Tuổi niên đại
Đây là tuổi mà ta nghĩ tới trước tiên và là số năm con người sống trên trái đất kể từ khi thoát khỏi lòng mẹ.
2. Tuổi di truyền
Khi cha mẹ ông bà thọ lâu thì con cháu cũng có cơ hội sống lâu hơn, vì những hậu duệ này đã được hưởng nhiều gene trường thọ nơi tiền nhân.
3. Tuổi theo thống kê
Đây là số năm trung bình mà con người có hy vọng sống. Tuổi này thay đổi theo thời gian không gian và theo giống tính, nghề nghiệp lối sống, tình trạng sức khoẻ.
4. Tuổi theo cấu tạo cơ thể
Các bộ phân cơ thể khi tới một tuổi cao nào đó sẽ có nhiều thay đổi về cấu tạo.Thí dụ như chiều cao con người ngắn lại, thủy tinh thể mắt vẩn đục, thành động mạch cứng, tuyến giáp teo. Thành ra dù ta không bị bệnh hoạn, tai nạn, tới một thời điểm không định trước sự chết cũng xảy ra.
5. Tuổi sinh lý
Chức năng của các cơ quan bộ phận con người trải qua nhiều thay đổi đưa tới sự suy yếu toàn diện.
6. Tuổi theo bệnh tật
Khi qua khỏi một cơn bệnh hiểm nghèo nhiều người trông thấy cảm thấy như già đi cả chục tuổi.
7. Tuổi tâm lý
Tâm trí con người trải qua nhiều thay đổi với tuổi cao nhưng thường chậm hơn so với các thay đổi khác.
Tiến trình lão hóa
Đứng về phương diện sinh vật học rất khó mà xác định tiến trình lão hoá.
Những biến đổi sinh lý xảy ra trong thời gian với thời gian chứ không phải vì thời gian đi qua. Nhịp độ thay đổi khác nhau tuỳ theo từng bộ phận, từng tế bào.
Tiến sĩ Leonard Mayflick, một nghiên cứu gia ở viện nghiên cứu Vistar, Philadelphia, đã ví cơ thể con người như là một tiệm bán sửa đồng hồ trong đó có rất nhiều đồng hồ mà mỗi chiếc chạy theo mỗi giờ khác nhau. Các tế bào các cơ quan trong thân thể con người hoạt động giống như những chiếc đồng hồ độc lập, theo nhịp độ khác nhau trên tiến trình lão hoá.
Có người tuy tuổi niên đai cao nhưng tuổi sinh lý thấp vì các cơ năng sinh lý của họ đã suy. Hiểu biết về tuổi sinh lý do vậy rất cần thiết, tuy rằng khoa học chưa có phương pháp chính xác để đo tuổi sinh lý.
Các nhà lão khoa đã thử đo chiều dài của vành tai. cơ năng hoạt động của tim, sức mạnh của bắp thịt, khả năng vận động thân thể, màu sắc của tóc v.v… với hy vọng tìm được một mẫu số để đo lường và tiên đoán nhịp độ lão hoá. Nhưng họ đã không thành công vì có quá nhiều yếu tố chi phối tiến trình lão hoá và những yếu tố đó đã vừa đa dạng mà lại còn không đồng đều cho tất cả mọi người.
Tác giả Susanne Robb viết về lão hoá như sau: “Lý thuyết gia nào thử giải thích hiện tượng lão hoá của con người cũng vấp phải một sự thử thách lớn lao. Lão hóa có thể xem như một mức độ tăng gia rất phức tạp của sự phát triển hay cũng có thể là một quá trình đi đôi với sự suy thoái và mất mát. Lão hóa có liên hệ với sự phản ứng của cơ thể đối với các ảnh hưởng di truyền và môi sinh. Hơn nữa lão hóa là một quá trình rất cá biệt, bị chi phối bởi nhiều nguồn ảnh hưởng tác động lẫn nhau. Vì thế tuổi sinh lý đơn phương không thể dùng để tiên đoán một cách chính xác tuổi thọ của một cá nhân”.
Nói tóm lại, vấn đề sống lâu là một vấn đề hoàn toàn cá biệt. Con người chịu ảnh hưởng của di truyền, môi sinh, hoàn cảnh xã hội, lối sống cá nhân, tình trạng tâm thần v.v… nhưng con người cũng có khả năng chi phối đời sống của mình về nhiều mặt để đạt được mục đích sống lâu.
Con người có thể chận đứng tiến trình lão hóa không? Tất nhiên là không. Nhưng con người có khả năng giảm thiểu các chứng bệnh xẩy ra ở tuổi già tức là làm chậm tiến trình lão suy với kết quả là kéo dài tuổi thọ.
Tuy nói sống lâu tùy thuộc từng cá nhân, nhưng về phương diện môi sinh, vấn đề đó trở thành một vấn đề của tập thể. Ví dụ trong một cộng đồng sống xúm xít gần nhau, cùng sử dụng một nguồn nước chung, một khoảng không gian chung, thì mỗi cá nhân phải có bổn phận giữ nguồn nước và không khí được trong sạch và tất cả mọi người trong cộng đồng phải có cố gắng như nhau. Nếu một vài cá nhân trong cộng đồng đó cứ xả rác vào nguồn nước và phun khói vào không khí, thì mọi người phải chịu ảnh hưởng xấu.
Tuổi thọ của một cá nhân tùy thuộc vào tình trạng môi sinh là thế. Cơ thể con người là một hệ thống mở ngỏ, tác động qua lại với môi sinh, nhưng đồng thời cũng chịu đựng từ môi sinh những nguy cơ và đe dọa đối với sự mất còn của nó. May mắn thay, cơ thể có một hệ thống điều chỉnh tự động để tự bảo vệ. Ví dụ nếu áp huyết bị sụt thì tức khắc hệ thần kinh phát ra tín hiệu để tăng nhịp tim đập, tăng lực co bóp của tim, làm co thắt các mạch máu và kết quả là áp huyết được tăng trở lại mức bình thường, trong một thời gian ngắn để chờ đợi sự điều trị.
Ngoài ra, còn có hệ thống miễn nhiễm, miễn dịch để giúp bảo vệ cơ thể khi có sự xâm nhập của vi khuẩn, siêu vi trùng, nấm (mầm bệnh). Do đó, những người bị bệnh AIDS hay SIDA thường tổn mạng vì hệ thống miễn nhiễm bị siêu trùng này phá hủy.
Con người có thể sống đến bao nhiêu tuổi?
Trong điều kiện lý tưởng, ví dụ có gene di truyền tốt, có hệ thống điều chỉnh tự động tốt, có hệ thống miễn nhiễm tốt, có hoàn cảnh môi sinh tốt, có điều kiện dinh dưỡng tốt, có lối sống lành mạnh v.v… thì con người, trên lý thuyết, có thể sống rất lâu. Theo Leonard Mayflick tuổi thọ tối đa của con người là từ 110 đến 120. Những nhà nghiên cứu ở Đại Học California còn nâng tuổi thọ của con người lên khoảng từ 120 đến 150 tuổi. Hiện nay, riêng tại Hoa Kỳ, số người sống trên 100 tuổi đã tới trên 60,000 và sẽ còn gia tăng.
Trong lịch sử nhân loại, đã có nhiều người có tuổi thọ rất cao như: người Mỹ Delina Filking sanh ngày 4/5/1815, chết ngày 4/12/1928, thọ 113 tuổi; ngư phủ Nhật Bản chết năm 1986, thọ 121 tuổi; bà Jeanne Calment, người Pháp sanh tháng 2/ 1875, mất tháng 8/1997, thọ 122 tuổi. Ấy là không kể các nhân vật trong Thánh Kinh sống cả ngàn năm như Adam, sống trên 900 tuổi, Noah 950 tuổi, Methuselah sống tới 969 năm.
Giống như các động vật có vú khác, loài người trải qua 3 giai đoạn sinh tồn như sau:
1. Giai đoạn phôi thai:
Giai đoạn này lệ thuộc vào sự nuôi dưỡng của mẹ để phát triển, tạo hình và phòng chống những đe dọa của môi sinh.
2. Giai đoạn tăng trưởng:
Đây là giai đoạn mà cơ thể đã đạt được sự cân bằng đối với môi sinh bằng cách bảo trì có hiệu quả các chức năng của tế bào.
3. Giai đoạn lão hóa:
Trong giai đoạn này, khả năng bảo trì và sửa chữa các tế bào dần dần kém hiệu quả, nhiều loại tế bào chết đi và các chức năng của cơ thể suy giảm.
Các khoa học gia tin rằng, con người có một tuổi thọ nhất định tùy theo các yếu tố di truyền và dù cho có loại bỏ hết tất cả các bệnh có khả năng gây tử vong hay là những đe dọa của môi sinh, thì tuổi thọ đó cũng chỉ tăng thêm 10 năm là cùng. Tuy nhiên tuổi thọ đó là bao nhiêu cho từng cá nhân hay từng cộng đồng thì không xác định được.
Những lý thuyết giải thích sự hóa già
Về phương diện sinh vật học, lão hóa là một đặc điểm của các sinh vật “cao cấp” trong đó có loài người. Những sinh vật nguyên sinh ở cấp thấp như vi khuẩn (bacteria), loại chỉ có một tế bào như protozoa đều không già. Những sinh vật này sinh sôi nãy nở mà không cần phải có sự phối hợp của giống cái với giống đực, và đặc biệt chúng chỉ có một hệ thống nhiễm sắc thể trong nhân tế bào.
Các sinh vật khác đều có hai hệ thống nhiễm sắc thể, sinh sản qua sự phối hợp của giống cái và giống đực, và bị chi phối bởi tiến trình lão hóa tự nhiên. Trong các sinh vật này chỉ những yếu tố di truyền trong nhân của tinh trùng ở giống đực và trứng ở giống cái là có khả năng bất tử, truyền từ đời này qua đời khác. Ngoài ra tất cả mọi tế bào đều có tuổi thọ riêng rẽ. Có nhiều tế bào không có khả năng phân thân và do đó không thể tự sinh sản, như tế bào cơ tim, tế bào mô thần kinh của óc và tủy sống. Nhiều tế bào khác có tuổi thọ tương đối ngắn và liên tục được thay thế bởi những tế bào mẹ được phân thân rất chóng. Đó là những tế bào của máu, của lớp màng lót trong bao tử và ruột, của lớp da bên ngoài.
Thời gian không làm cho các tế bào già đi nhưng trong thời gian có những “đột biến” xẩy ra khiến các tế bào bị ảnh hưởng và biến đổi, kéo theo sự biến đổi của cơ thể và sự suy giảm của các chức năng sinh lý.
Để giải thích diễn tiến lão hóa, nhiều khoa học gia đã đưa ra một số lý thuyết. Và lý thuyết cũng vẫn là những gỉa dụ chứ chưa có sự đồng ý của mọi người.
Viện Lão Khoa Hoa kỳ phân chia những lý thuyết này thành hai nhóm:
1. Nhóm lý thuyết căn cứ trên sự sắp đặt theo thảo trình
Hóa già theo thảo trình
Cơ thể con người đã được “thảo chương” theo những yếu tố di truyền để được sinh trưởng, lão hóa rồi chết trong trật tự thiên nhiên vào một thời hạn đã định trước.
Ngay từ khi mới được thụ tinh, gene di truyền của cha mẹ đã sắp đặt một hành trình bất biến mà con người sẽ đi qua: thụ thai, phát triển thai nhi, sanh đẻ, tăng trưởng, dậy thì, trưởng thành, tuổi già rồi tử vong. Ta thấy dậy thì xuất hiện vào tuổi 14-15, tắt kinh khi người nữ tới tuổi 45-50, tóc bạc vào tuổi 55 trở lên.
Như vậy thì sự hóa già đã được một đồng hồ gene sắp đặt sẵn để đến tuổi nào đó, cơ thể suy yếu, già đi rồi mệnh một.
Thuyết kích thích tố
Trong cơ thể các hóa chất này giữ nhiệm vụ quan trọng điều hành các chức năng như chuyển hóa căn bản, lớn mạnh của cơ thể.. vậy thì các kích thích tố này cũng có thể kiểm soát sự hóa già. Chẳng hạn kích thích tố tăng trưởng giảm dần với tuổi cao.
Thuyết miễn dịch
Cơ thể sinh ra đã được trang bị một hệ thống phòng thủ chống sự xâm nhập của các vật lạ. Đó là sự miễn dịch. Miễn dịch bảo vệ cơ thể bằng nhiều cách. Có thể là các bạch cầu trực tiếp tấn công, vô hiệu hóa vi trùng, nấm bệnh. Có thể là các bạch cầu đặc biệt tạo ra chất kháng thể, lưu thông trong máu và vô hiệu hóa tác nhân ngoại nhập.Lý thuyết này dựa vào hai nhận xét. Thứ nhất là với tuổi già, cơ thể sản xuất ít kháng thể đồng thời phẩm chất cũng kém. Thứ hai là với tuổi già, cơ thể đôi khi lại tạo ra kháng thể chống lại chính các phân tử cấu tạo cơ thể, đưa tới bệnh hoạn, suy yếu. Như trường hợp viêm khớp ở người cao tuổi. Một thí dụ nữa là khi bị bệnh cảm cúm thì sức chịu đựng của người cao tuổi kém người trẻ và lâu bình phục hơn.
2. Thuyết về sự lầm lẫn
Lầm lẫn có thể do:
Sự hư hao, tả tơi.
Cơ thể với các chức năng hao mòn theo thời gian vì những va chạm, xâm lấn. Nếu không được tu bổ, chữa trị thì cơ thể sẽ bị tiêu hủy. Thuyết này được bác học người Đức August Weismann đưa ra năm 1882. Theo ông ta, sự chết xẩy ra vì khi một mô hư hao không bao giờ tự nó tân trang được. Sự hư hao tả tơi còn làm xói mòn các diễn tiến sinh hóa bình thường trong cơ thể.
Theo Dan Georgakas, cơ thể già vì thường xuyên bị tác hại bởi các áp lực từ bên ngoài như xúc động, va chạm thực chất, nhiễm độc môi trường.
Phản ứng tròng tréo
Chất tròng tréo thường thường là một hóa chất cột hai phân tử riêng rẽ với nhau. Sự tròng tréo (cross linkage) chất đạm làm tổn thương mô và tế bào, ngăn cản sự thu nhập chất dinh dưỡng, giảm bài tiết chất phế thải, đưa tới sự suy yếu cơ thể. Sự tròng tréo thường thấy ở các phân tử đạm trong chất tạo keo khiến cho da khô, nhăn, không đàn hồi. Thuyết này cũng liên hệ tới sự sử dụng chất đường. Khi đường vào máu, nó sẽ bám vào chất đạm, làm đạm chuyển sang mầu vàng, không dùng được và thành nguy hiểm cho cơ thể.
Thuyết về sự tích lũy những sai lầm.
Để tăng trưởng, cơ thể liên tục biến chế các phân tử đạm và DNA. Nhưng những phần tử này không phải lúc nào cũng được sản xuất hoàn hảo. Có nhiều tổn thương trong việc tổng hợp chất đạm, tạo ra chất đạm bất thường mà khi tích tụ với nhau sẽ gây hư hao cho tế bào, mô và các bộ phận. Theo thuyết này, khi ta về già thì cơ thể dễ phạm các lỗi lầm kể trên, đưa đến sự già.
Trong quá trình biến hóa của từng tế bào, có sự tích lũy các chất phế thải. Sự tích lũy này có thể xem như một phần của tiến trình lão hóa. Về phía các tế bào không có khả năng phân thân như tế bào cơ tim, thận và não, có một sự tích lũy dần dần của nhiều chất liệu mà các khoa học gia có thể nhận ra dưới kính hiển vi nhờ một phương pháp nhuộm màu đặc biệt. Một trong những chất đó là “lipofuscin”, một chất mềm biểu hiện tình trạng “hao mòn tả tơi” của mô bào về già.Khoa học chưa tìm được nguồn gốc và ảnh hưởng của lipofuscin, mà chỉ biết rằng nó tích lũy trong não bộ người già và có thể loại khỏi cơ thể bằng vài dược phẩm. Người ta cũng đang nghiên cứu coi sự loại trừ này có lợi hoặc có hại cho cơ thể.
Trong tế bào và mô lành mạnh luôn luôn có một sự luân chuyển các thành phần hệ trọng như: diêu tố, kích thích tố, và hóa chất dẫn truyền tín hiệu thần kinh. Trong mỗi quá trình luân chuyển thường có khả năng xẩy ra những sai lầm. Nếu những sai lầm đó tích lũy tới một mức độ cao thì tế bào hoặc mô trở thành bất khả dụng và có thể chết. Ví dụ nếu một hóa chất ở tế bào não bộ bị suy thoái thì dù cho những tế bào đó còn sống nhưng não bộ cũng mất chức năng điều khiển các bộ phận trong cơ thể.
Nếu những tế bào khiếm khuyết sinh sôi nẩy nở thì dù cho chúng không nằm trong những cơ quan điều khiển cơ thể, toàn bộ cơ thể cũng có thể bị hủy hoại dẫn đến tử vong, như trường hợp các bệnh ung thư .
Tích trữ những đột biến
Thuyết này liên quan tới các tế bào thân (somatic cells) là loại tế bào luôn luôn sinh sản và hủy diệt. Gene trong tế bào bị ảnh hưởng của các tác nhân nguy hại như tia phóng xạ, hóa chất độc, thay đổi cấu tạo, khiến tế bào hư hao, chức năng lệch lạc, cơ thể kém hoạt động. Sự đột biến có thể truyền sang thế hệ kế tiếp của tế bào.
Thuyết về gốc tự do
Sự tích lũy các tổn thất của tế bào do gốc oxy gây ra làm cho cơ thể ngưng hoạt động một ngày nào đó. Đó là thuyết gốc tự do.
Gốc tự do ( free radicals ) là một phân tử hóa học có một số lẻ điện tử, rất không cân bằng. Khi một gốc tự do bám vào một phân tử lành mạnh thì nó lấy đi một điện tử và biến phân tử lành thành ra có hại. Phản ứng cứ liên tục xẩy ra sẽ đưa tới xáo trộn các cấu tạo và chức năng cơ thể, đưa tới lão suy, ung thư, xơ cứng động mạch, cao huyết áp.
Kết luận
Trên đây là tóm lược các lý thuyết cố giải thích sự hóa già của cơ thể. Thuyết nào nghe cũng thuận tai nhưng chưa được chứng minh, không có đủ dữ kiện khoa học để hỗ trợ. Và vẫn là lý thuyết.