Triết gia Đức Arthur Schopenhaue (1788-1860) tin rằng Cái Xấu có ưu thế hơn, rằng thế giới, về cơ bản, gắn liền với Cái Xấu. Hạnh phúc chỉ lướt qua, điểm xuyến những khoảng khắc êm đẹp ngắn ngủi trong cuộc sống đầy đau khổ và bất hạnh.
Như trong những truyện kể dân gian, sau biết bao thăng trầm tiếp nối, câu chuyện thường kết thúc khi anh hùng và mỹ nhân bước vào đời sống lứa đôi hạnh phúc. Nếu như câu chuyện tiếp tục, những nỗi bất hạnh tất yếu trong đời cuối cùng sẽ chứng minh cho quan điểm của Schopenhauer, rằng "cuộc sống là một thứ sai lầm", rằng "sinh ra ở đời đã là một cái tội".
Chủ nghĩa bi quan
Triết lý yếm thế (Pessimism) của Schopenhauer dựa trên nhận định cho rằng thế giới là một động lực mù quáng, phi lý và lạc lối, bởi vì không có Thượng đế nào dẫn đường cho nó. Thực tại là động lực mù quáng, là ý chí mạnh mẽ được thể hiện dưới các hình thức bản năng, động cơ và dục vọng vô độ, không bao giờ thoả mãn. Thoả mãn một khát khao chỉ khiến con người tìm đến những khát khao mới đòi hỏi phải được thoả mãn. Dục vọng thì khôn cùng mà cơ hội thoả mãn thì có hạn. Trong cuộc sống thực tế, hầu hết mọi người đều nếm trải thất vọng và, trong những giây phút thành công hiếm hoi, sự buồn chán đến tận cùng.
Theo cách nói của Schopenhauer: "Mọi ý nguyện đều xuất phát từ ý muốn, ý muốn nảy sinh từ sự thiếu thốn và đó cũng là nguồn gốc đau khổ. Sự thoả mãn một ý nguyện chấm dứt ý nguyện ấy nhưng vẫn còn những ý nguyện khác cần được giải quyết. Hơn nữa, dục vọng vốn khôn cùng, nhu cầu lại vô hạn, trong khi sự thoả nguyện thì ngắn ngủi và hiếm hoi. Thậm chí, chính ước vọng thoả nguyện cuối cùng cũng chỉ là ảo tưởng. Mỗi ý nguyện được thoả mãn lập tức mở đường cho một ý nguyện mới - cả hai đều là ảo vọng... Không có sự thành tựu nỗi khao khát nào có thể mang đến sự thoả nguyện viên mãn. Tất cả chỉ là sự hài lòng nhất thời, cạn cợt và tạm bợ - giống như của bố thí cho kẻ hành khất vậy, nó có thể giúp hắn sống qua hôm nay và kéo dài cảnh cơ cực của hắn cho đến ngày mai...".
Con đường cứu rỗi
Tuyệt dục, theo Schopenhauer, là cách duy nhất thoát ly khỏi sự thống khổ của thế giới này. Từ bỏ khát vọng sống, những không chối bỏ cuộc sống. Tiêu diệt ý chí, dục vọng và bản năng; tự hài lòng với tình trạng không tồn tại (nothingness), với cõi Vô Dục Niết Bàn (Nirvana-absence of deisre). Ai đó có thể nghĩ rằng trạng thái suy tư theo triết lý của Platon (độc lập với không gian và thời gian, thoát khỏi sự ràng buộc của ý chí và bản năng) cũng mang đến an lạc; tuy nhiên, xét đến cùng, đó chưa phải là con đường giải thoát rốt ráo.
Đạo lý của lòng cảm thống
Schopenhauer ghi nhận sự cần thiết của Từ Tâm. Xét rằng cuộc sống của mỗi người đều thống khổ, rằng mỗi cá nhân đều có nỗi bất hạnh riêng, chúng ta không nên lên án những kẻ phạm phải hành vi sai trái mà nên thương hại họ. Tất cả chúng ta đều "ở trên cùng một con thuyền không hề mong đợi", đều bất lực trước tính thế khốn khổ của mình. Vì thế, trách cứ và hành hạ lẫn nhau từ tâm và thiện chí giúp đỡ.
"Chỉ có từ tâm mới chính là nền tảng thực sự của mọi hình thức công lý tự nguyện (voluntary justice) và bác ái; Chỉ có hành động xuất phát từ nền tảng ấy mới có giá trị đạo đức, mọi hành vi luân lý xuất phát. Sự thật các động cơ khác đều không có giá trị. Khi tôi cảm thấy xót thương cho sự thống khổ của người nào đó, nỗi đau của anh ta len thẳng vào lòng tôi, không hẳn là cùng một mức độ nhưng tôi cảm nhận đúng nỗi đau ấy nơi bản thân - nếu không, đó chỉ là một hình thức cảm nhận vị kỷ. Với lòng xót thương, sự khác biệt giữa bản thân tôi và anh ta không còn là hố ngăn cách không thể vượt qua được".