Giữa dòng chảy cuộc đời nhộn nhịp, bất giác ta tự thấy bản thân đang bị cuốn theo luồng xoáy vô định của những giá trị vật chất và tinh thần bề ngoài tự lúc nào không hay. Để rồi ta chới với, ta lạc lõng trong cái bản ngã mà ta vô tình hoặc hữu ý lựa chọn. Ta cố gắng kiếm tìm nguồn gốc sâu xa của những vấn đề rắc rối đang bủa vây quanh mình. Và ta mừng vui khôn xiết khi đọc được triết lý đạo Phật về tiền, quyền, tình. Tuệ giác đạo Phật đã dùng thuyết nhân – quả để soi tỏ những vấn đề đang đi song hành với cuộc sống hiện đại, chỉ ra ngọn nguồn gây nên những vướng bận cho đời sống của con người và cũng bật luồng ánh sáng soi tỏ con đường để ta bước vào chân trời hạnh phúc thực sự.
Tiền bạc, quyền lực chỉ là “tiện nghi” của đời sống
Cuộc sống hiện đại khiến cho rất nhiều người đổ xô vào cuộc chạy đua nước rút trên đường trường vật chất. Tâm nguyện hàng đầu của giới trẻ bây giờ là bắn hai mũi tên: tiền bạc và danh vọng. Bằng con đường này hay con đường khác, thông qua cách này hay cách khác, họ cố sức để đạt được mục đích nói trên. Người thì nỗ lực khoác thêm hết lớp áo bằng cấp này tới chứng chỉ nọ, có người thì giành tâm huyết cho công việc “ngoại giao” với cấp trên để thăng quan tiến chức, có người lại tận dụng mọi kẽ hở thời gian để lao đầu vào công việc…Có nhiều hình trạng, cách thức khác nhau để con người lựa chọn nhằm mục đích soán ngôi vị xứng đáng trong vương quốc tiền – quyền. Nhưng có bao giờ nhìn nhận quãng thời gian vụt qua, họ có thực sự cảm thấy sự thảnh thơi, bình an và hạnh phúc. Hay tiền – quyền chỉ dán cái nhãn mác cao sang giả tạo? Là bức bình phong che đậy một tâm hồn chống chếnh? Một sự bất hạnh đến tội nghiệp!
Trong cuộc sống, ai cũng phải có tiền. Con người có tiền, có quyền thì càng được xã hội nể trọng hơn. Đúng. Nhưng người có đồng tiền và quyền lực trong tay thì dù ít dù nhiều cũng nên biết đến triết lý về nó để sống cho đúng với đạo lý. Dẫu chúng ta có tiền, có quyền nhưng không có đạo lý để sống thì chưa chắc chúng ta đã được hưởng hạnh phúc. Bởi lẽ, hạnh phúc là cái gì vô hình, do quan điểm sống, triết lý sống tạo nên, do tâm bình thản và trái tim đầy yêu thương kết thành.
Có lẽ căn nguyên dẫn đến sự ham hố giành giật tiền – quyền là do con người không xác định được cái gì là phương tiện và cái gì là mục đích sống. Tất cả những cái vật chất chỉ đem lại không gian thoải mái cho cuộc sống con người mà ta gọi là tiện nghi, nhưng nó không phải là lý do để ta sống. Dẫu điều kiện tiện nghi có dư dả đi chăng nữa thì nó không thể làm thay đổi lẽ sống của con người. Giá trị đích thực của cuộc sống không phải lấy phương tiện để làm hư hại mục đích sống.
Đời sống đầy đủ vật chất đã gắn con người vào nhãn mác “phong lưu”. Chữ “phong lưu” có nghĩa đen là gió cuốn trôi, tức là phải nhẹ lắm thì gió mới cuốn đi được; còn nghĩa bóng là sự sung sướng, thoải mái, không phải lo toan gì nữa. Nếu ta đang sở hữu những thứ tiện nghi sang trọng đắt tiền, hay vị trí xã hội mà rất nhiều người mơ tưởng, thì không lý do gì ta không tự nhận mình là kẻ thành công, có cuộc sống phong lưu. Nhưng khi có được những thứ đó trong tay mà hạnh phúc gia đình lại đổ vỡ, người thân không muốn nhìn mặt, hoặc không thể tin tưởng và cảm thông những người xung quanh…thì có được gọi là thành công, hạnh phúc mỹ mãn được chăng?
Trong vài thập kỷ qua có hàng loạt nghiên cứu xã hội và tâm lý học cho thấy không có sự quan hệ then chốt giữa số tiền kiếm được và mức độ thỏa mãn có được. Càng tích góp bao nhiêu con người càng thấy thiếu thốn và lạc lõng bấy nhiêu. Để phục vụ cho cơn cảm xúc hãnh diện nhất thời ấy, con người đã tiêu tốn rất nhiều năng lượng và đôi khi chấp nhận phương hại đến phẩm chất đạo đức, để rồi khi cảm xúc rút lui thì tâm hồn ta trở nên quạnh hiu, xơ xác. Người ta cảm thấy hụt hẫng khi bỏ ra quá nhiều thời gian và năng lực để tích góp tiền bạc, đến khi có nó trong tay thì tuy có nhận được cảm giác sung sướng nhưng nó rất cạn cợt và lại tan biến rất nhanh. Dần dần con người không còn tin tưởng và định nghĩa những cảm giác thỏa mãn vật chất ấy chính là hạnh phúc. Họ tỉnh táo nhận ra rằng tiền bạc và quyền lực không thể mua được hạnh phúc mà có thể hủy diệt cả hạnh phúc.
Con người bận rộn để kiếm thật nhiều tiền và tất nhiên sẽ không còn nhiều thời gian để thưởng thức trọn vẹn một bữa ăn được chuẩn bị chu đáo, hay ngồi xuống thật yên lắng nghe những khó khăn bế tắc của người thương sống bên cạnh, thậm chí cũng chẳng buồn hỏi han đến những người thân quen. Vì căng thẳng và mệt mỏi với công việc mà họ còn vung vãi không biết bao nhiêu “rác rưởi” qua lời nói và hành động bất cẩn của mình. Thật đáng buồn!
Người ta nói không có kinh tế thì tình cảm sẽ khó bền nhưng người ta lại quên rằng không có tình cảm thì kinh tế cũng trở thành vô nghĩa. Làm giàu để làm gì mà ta không thể sống vui tươi, bình an, hạnh phúc và trải lòng ra để thương yêu? Vì vậy trong liên hệ tình cảm thì tiền bạc, quyền lực không thể tạo nên sự kính trọng chân thành, chỉ có khả năng làm chủ bản thân để cho đạo đức luôn tỏa sáng thì cuộc sống của con người mới thực sự bình an và hạnh phúc. Hãy buông xả mọi lo âu, muộn phiền, toan tính để giành giật tiền bạc và quyền lực. Hãy sống thật với bản chất và tâm hồn mình. Hãy nhẹ nhàng đưa con thuyền đời sống cập bến bình an. Con người sẽ tìm lại được niềm vui sống cho bản thân và hạnh phúc cho những người xung quanh. Tức là ta gieo hạt giống niềm vui ta sẽ gặt được quả hạnh phúc. Triết lý nhân – quả của đạo Phật đã bao quát vấn đề nhân sinh về tiền – quyền rất rõ ràng.
Khi con người lĩnh hội và thực hiện đúng theo nội dung buông xả thì có thể tự tin đưa bản thân sang một trình độ khác, đó là bất xả. Nghĩa là ta không cần buông xả bất cứ thứ tiện nghi nào cả, ta cứ giữ nó để tùy duyên mà làm nên lợi ích cho người cho đời. Điều đó quả thật thú vị và ý nghĩa biết bao. Bởi vì con người sẽ được sống trong niềm hạnh phúc vô bờ và được trang hoàng các giá trị vật chất đẹp đẽ. Cả hai lĩnh vực: đời sống vật chất và đời sống tinh thần đều có thể tồn tại trong con người.
Vườn tâm kết trái tình yêu
Những người đang sống trong cảm xúc ngọt ngào của tình yêu thì chớ quên nguyên tắc của thương yêu là phải có sự hiến tặng và chia sẻ. Ta phải có nguồn năng lượng tích cực để hiến tặng cho người thương để họ được hay thêm và đẹp thêm khi gắn bó cuộc đời với ta. Mỗi khi người kia rơi vào tình cảnh khó khăn bế tắc, bị gục ngã giữa muôn trùng cám dỗ của cuộc đời thì ta phải có khả năng đánh thức và đưa cánh tay tình thương đến để nâng đỡ hay chở che. Thái độ đúng đắn nhất là mở lòng ra chấp nhận và giúp đỡ người ấy. “Mình với ta tuy hai mà một” – hai thể xác hòa quyện thành một linh hồn, một số phận thì đó mới đích thực là thương yêu. Ta muốn thương yêu thì chỉ xin được tham dự vào cuộc đời của người đó chứ không phải là vứt cuộc đời của họ ra mà để cuộc đời ta vào. Khi ta chưa thấy được đối tượng thương yêu ở ngay trong chính ta thì ta vẫn chưa đến được đỉnh cao của tình yêu. Đó mới là tình yêu chân thành, sâu sắc và trong sáng. Yêu người cũng chính là yêu ta. Tình yêu nhân đôi tiếp năng lượng và sức mạnh cho những người đang sống trong thế giới yêu thương có thêm động lực sống đẹp và yêu đẹp hơn.
Chỉ cần có tình thương yêu chân thật, không vụ lợi thì mới có thể vượt qua bức tường của sự tự ái hay vị kỷ để tích cực chăm sóc lại khu vườn tâm quý báu của ta và cả người thân thương. Khi vườn tâm của ta hay của người kia nở hoa kết trái thì cả hai đều được thừa hưởng, bởi vì hạnh phúc không bao giờ là vấn đề của cá nhân. Hạnh phúc là của đôi lứa. Mộng đẹp cho người cũng là tình đẹp cho ta.
Trong tình yêu khó có thể tránh khỏi đôi lần con người cảm thấy hờn ghen. Hờn ghen có thật là hương vị của tình yêu, là chất keo sơn bảo trì một hạnh phúc, hay nó là trá hình của một cảm xúc bị tổn thương của riêng ta? Ta chẳng quan tâm gì đến cái khát vọng của người kia. Nếu đó là những nhu yếu quá đáng thì ta phải tìm cách điều chỉnh lại nhận thức của người kia. Nếu đó là những nhu yếu hợp lý nhưng lại là khiếm khuyết của ta thì ta hãy xin người đó giúp ta thay đổi. Trách móc, tức giận, hờn ghen hay trừng phạt đều là những phản ứng ích kỷ của cảm xúc, chỉ đẩy người kia đi xa hơn mà thôi.
Nhưng mặt khác, chút biểu hiện hờn ghen tinh tế cũng có thể làm cho người kia thấy mình vẫn còn được thương yêu. Nhưng nếu trở thành một thói quen, một cơn sốt mãn tính, thì người kia sẽ rất mệt mỏi và sợ hãi vì thấy được cái không gian nhỏ xíu mà ta đã qui định cho họ. Lúc nào thoát được khỏi ta mà người kia cũng thở phào nhẹ nhỏm là chứng tỏ tình thương họ giành cho ta chỉ còn là trách nhiệm.
Bên cạnh đó, vấn đề trách nhiệm được đặt ra như chìa khóa mở cánh cửa kỳ bí của tình yêu. Khi một người con trai và con gái chung bước trên con đường tình yêu thì luôn có những điều kiện thuận lợi để ràng buộc nhau. Trước tiên, họ công khai quan hệ tình cảm của mình thì mọi người đều ngầm hiểu rằng họ là một cặp với nhau nên không được phép chen vào, và chính họ cũng không được phép đụng tới những đối tượng khác. Điều ấy có nghĩa là đôi tình nhân đã tuyên bố giành trọn phần trách nhiệm với những gì xảy ra cho nhau. Họ là của nhau trong khung trời yêu đương đắm say đó.
Nhưng có một thực tế dường như là nghịch cảnh: Con người càng bỏ ra nhiều thời gian, năng lực, tiền bạc để chinh phục được đối tượng thương yêu, nhưng khi chiếm hữu được rồi thì họ lại mau chóng nhàm chán, coi thường và ruồng rẫy. Những kẻ yêu hết mình như vậy là những kẻ yêu bằng cảm xúc, yêu bằng con tim ham muốn nhiều hơn là chịu trách nhiệm, yêu như những cơn sốt chứ không phải là để thăng hoa giá trị tinh thần.
Các đôi tình nhân cứ ngất ngây trong cảm xúc yêu đương quấn quýt như hồn bướm mơ hoa. Để rồi càng quấn vào nhau thì càng làm tăng thêm cảm xúc thỏa mãn cho nhau dẫn tới sự ham muốn và đòi hỏi. Nếu một bên không đủ đáp ứng thì bên còn lại sẽ kháng cự, bực tức, và sẽ chán chường. Chính nó đã dẫn dụ con người khát khao kiếm tìm hương vị của những mối tình lạ lẫm. Mầm mống của sự phản bội đã hình thành. Nó là điểm kết thúc của một mối tình.
Vả lại, chính sự quấn quýt quá đỗi vào nhau cũng dễ tạo cho con người cảm giác bị kìm kẹp, gò bó. Mà bản năng của con người cần sự tự do rất lớn, càng bị giam hãm thì càng muốn thoát ly. Thương yêu mà người này trở thành lính gác của người kia thì có khác gì một chuyến lưu đày. Không còn không gian riêng tư sẽ giết chết khả năng sáng tạo và bất ngờ của tình yêu. Nếu cứ lần lữa bước theo lối mòn cũ rích thì chẳng mau thì chóng dễ đẩy con người tới cảm giác chán chường. Từ chán chường mà từ bỏ mối tình này để chạy theo mối tình khác. Đó không phải là tình yêu đích thực. Nó chỉ là sự chạy đua để thỏa mãn cảm xúc yêu đương bình thường, chứ không phải yêu đương để làm thăng hoa giá trị tâm hồn nhau.
Như vậy, theo triết lý của đạo Phật về tình yêu thì tình yêu của con người cũng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc thăng trầm, lắm niềm vui và cũng không ít muộn phiền. Dẫu sao thì tình yêu chỉ được coi là đích thực khi con người yêu thương bằng cảm xúc chân thành, có trách nhiệm, yêu người như yêu chính ta. Cảm xúc chân thành từ trái tim sẽ kết nối đến được với trái tim.
(Xin cám ơn thầy Minh Niệm với cuốn sách “Hiểu về trái tim” đã cung cấp những nội dung có ý nghĩa cho bài viết này.)