Khiêm tốn là tự đáy tâm hồn. Cho nên trong nội dung ‘Luyện từ gốc-tâm-hồn’ luyện từ bên trong mà chúng ta đang bàn ắt là không được bỏ sót ‘luyện khiêm tốn’. Có luyện khiêm tốn, một đức khiêm tốn thực sự chân thành từ gốc tâm hồn, thì mới mong đạt tâm hồn cao đẹp để làm Người…
Đoản văn, đúng là đoản vì không dài lắm, nhưng chưa với tới văn học, chỉ là một tiểu luận, tuy cũng có thể làm tư liệu cho lý tuận phê bình văn học, hoặc ích lợi cho sự tự ngẫm nghĩ để liên tục tự rèn nhân cách cho mỗi người viết văn, làm thơ chúng ta.
Trên một tờ lịch tường gần đây vô tình đọc được câu “Kiêu căng là đặc quyền của kẻ khờ dại" (ngạn ngữ Cổ Hy Lạp). Bỗng nhớ lại trước Tết này tôi đọc được trong bài của Thái Doãn Hiểu, nhà lý luận phê bình thơ, có nhận xét sắc sảo mà đại ý là: người thật sự giỏi thơ thì rất khiêm tốn, người có chút tiếng tăm về thơ thì hay vỗ ngực hoặc xem trời bằng vung, thậm chí lục bát tạm sạch lỗi chỉ mới dăm bài đã, như ai nói, liền gọi Nguyễn Du bằng 'anh' ngay!
Tôi thích thú hai chuyện trên và rất nhiều câu chuyện tương tự, vì một đời tôi coi vấn đề này rất quan trọng. Bởi vậy tôi xin được trích tóm tắt từ bài tiểu luận ‘Khiêm tốn’ của tôi ra mấy ý chính nêu dưới đây.
***
Nhìn nhận một con người có chân chính hay không, có trải rèn luyện từ gốc-tâm-hồn hay không, có thể căn cứ một điểm, người đó có đức khiêm tốn hay không. Nó tựa như một trong các tiêu chí đầu tiên vậy. Nghe vậy có người không đồng ý hoặc trong lòng giật mình thon thót. Vì sao? Bởi vì thói thường con người ta rất dễ đánh giá sai thành tích và thành công của bản thân mình.
Ngay như người đáng được ca ngợi về thành tích nhiều, tác phẩm nhiều, xét ra thành công đích thực cũng chỉ là một góc nhỏ nhoi, nếu thao thao tự khoe khoang bất tuyệt thì tránh sao khỏi lố bịch. Không những lố bịch mà còn mắc cái thông bệnh chủ quan, trầm trọng bậc nhất về góc độ ngộ nhận: tự cho mình là cần thiết nhất, không thể gì thay thế được! Trong khi ở đời, đến như các bậc vĩ nhân cũng chỉ dám nghĩ mình ‘có thể có ích’ cho người mà thôi, chẳng phải là ‘nhu thiết’ - cần thiết đến không thể ai thay thế!
Câu vừa rồi, chúng ta nghe thấy quá đúng và đương nhiên nữa, nhưng là câu từ 4 thế kỷ trước CN - của Trang Tử (năm -370 đến -298) tóm lược cả một quan điểm triết học trong phần nói về cái đạo trị nước, ở thiên ‘ứng đế vương’(Nam Hoa Kinh, Nội thiên). Càng thông thái, thì càng khiêm tốn vì hiểu sâu hơn về tầm vóc của nhân dân, xã hội và lịch sử.
Dễ chịu thay khi sống chung, làm việc, giao tiếp với người khiêm từ, nhã nhặn thực lòng. Người sống khiêm tốn có sức cuốn hút, thật dễ gần. Dễ gần, dễ chia sẻ, dễ mến, từ đó dễ cộng tác.
Đẹp thay những con người nhượng từ, tự khiêm. Ở họ có cái gì thật cao sang do sự tường tận lẽ đời, đạt tới đức khiêm tốn, đạo khiêm cung (cung kính, tôn trọng). Tất nhiên không thể lộn sòng vào chỗ này:
+ những kiểu cách khách sáo đầu lưỡi và bề ngoài,
+ những kiểu cách lễ nghi nhún nhường giả dối trong khi bụng dạ tự kiêu ngất trời (“một ‘khiêm tốn’ [giả] - bằng bốn tự kiêu”).
Khiêm tốn là chân thành tự đáy lòng với sự lượng giá trung thực, đặc biệt nghiêm túc đối với bản thân, mắt không bị loá bởi màn hoả mù tự huyễn hoặc, mình tự lừa dối mình, theo hướng huyễn ngã thói thường. Như vậy họ có thể tự hào có lẽ sống của bề sâu tâm hồn. Có thể bị nhiều thiệt thòi, họ có sá chi. Nhưng đời rất công bằng, tuy có thể công bằng đến muộn, ‘hữu xạ tự nhiên hương’, thực tài người hiền rồi người đời đều sẽ thấy và trân trọng:
“Để mình ra sau, mình lại đứng trước
“Bỏ mình ra ngoài, mình lại vẫn còn.”
(Lão Tử).
Còn người kiêu căng, thật khó chịu thay khi phải sống chung, làm việc, giao tiếp với họ. Người đời, ai cũng chê cười những kẻ sống tự cao tự đại thành hợm hĩnh, hãnh tiến. Mà đâu có kéo dài mãi thế được. Cũng là kiểu sống ‘ăn xổi ở thì’ mà thôi. Tâm hồn nếu như thế thì quả là nông cạn hời hợt.
Bởi cái lõi bên trong méo mó rúm ró, vô sắc 'tối thui' nên hậu quả là chịu cảnh cô độc đáng tội nghiệp. Cũng thực là đáng thương, vì thường xuyên tự trách, thở than và hối tiếc quá nhiều: những người tự mãn dương dương tự đắc, huênh hoang ấy hẳn phải tự mình xấu hổ với mình lắm khi dám thầm liếc nhìn vào bên trong bản thân mình đã nhận rõ thực chất còn yếu kém về các mặt chính trực, công bằng, thành tín, kiên tâm, cần cù, dũng khí, và cả về kiến thức và nhất là về mặt chất phác dễ mến nữa mà họ chẳng tài nào có nổi.
Kiêu ngạo là cố tật nguy hiểm nhất trong các cố tật của con người, làm cho tâm hồn không còn cơ hội triển nở. Bạch Vân Cư Sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm (Trạng Trình) răn:
“Làm người chớ thấy tài mà cậy
“có nhọn bao nhiêu lại có tù.” (Bạch Vân Quốc Ngữ thi tập, bài số 11).
"Có thuở được thời mèo đuổi chuột
“đến khi thất thế kiến tha bò.” (Bạch Vân Quốc Ngữ thi tập, bài số 81).
Sách cổ Ấn Độ Panchatantra viết:“Ai vì kiêu ngạo không tôn trọng mọi người, kể từ người lớn, kẻ vừa và bé, thì dù có được vua yêu, cũng sẽ thất bại”.
Trong đời thực có thể lẫn lộn chăng
+ một bên là đức khiêm tốn-đạo khiêm cung,
+ với bên khác là tự ti, tự hạ, vô bản sắc, vô cá tính, dựa dẫm, ba phải?
Không thể!
Chúng ta đương nhiên phân biệt rành mạch được, khác nào phân biệt giữa nước trong và nước đục. Sự thiếu cá tính, thiếu bản lãnh, tầm thường, kém cỏi, nhạt nhẽo mờ nhạt ấy đều phần nào do ít rèn luyện học tập, không tiến bộ được. Ngày nay, để phát huy hết tài năng rất riêng của mình, ‘con người MỚI’ chống tự ti, rất cần tự tin, dám nghĩ dám làm, tự tôn-tự trọng, điều này không hề trái ngược với đức khiêm tốn. Ngược lại càng tự trọng với bản thân thì càng hiểu lẽ khiêm cung với người khác, luôn xử sự thật biết điều.
Cũng không thể lẫn lộn về một dạng mất khiêm tốn gốc từ một loại hình ‘tự ti mà lại hiếu danh’. Một số ‘kẻ sĩ’ thời hiện đại suốt đời luôn sống trong tâm lí sợ người ta không thấy giá trị của mình, lo không ai biết chức vị, bằng cấp mình, luôn đụng chạm với người xung quanh bằng cái tự phụ trá hình của mình, đòi hỏi những phong tặng những danh hiệu cao hơn sự đóng góp thực, xúc tiến ‘đời’ viết quá sớm cho mình những bài ‘chân dung’ – nghe tựa hồ thể loại văn tế sống –, hoặc đúc tượng ‘sớm’ cho mình – nom mượng tượng ngôi sinh từ xây cho ‘đại gia’!.
Khiêm nhường không những được coi là một phẩm đức lớn mà còn là nền tảng của đạo đức, là cả một đạo lí. Với Lão Tử, khiêm tốn được khái quát lên thành cái ĐẠO của con người thông minh, cái đạo không thể thiếu trong xử thế.
Chính bản thân Khổng Tử khi trẻ, một lần đọc Lão Tử nhằm tìm ý ‘chỉ giáo’, đã cảm động tiếp thu sâu sắc cái đức khiêm nhường, đạo khiêm cung trong Lão học. Theo Lão Tử:
“Kiêu Ngạo, ham muốn, nộ khí, ý nghĩ lệch lạc quá nhiều, chỉ có hại mà thôi.”
“Người càng mạnh càng cần khiêm nhường / càng cần lòng trống như vực sâu."
Từ đạo khiêm tốn ngẫm tự thuở ấy, Khổng Phu Tử đã đạt tới nhân cách hoàn mỹ với ôn hoà, cung kính, nhân nhượng, thẳng thắn. Người nhận định:
“Bệnh lớn nhất của cuộc đời là kiêu ngạo - kẻ cầm đầu của ‘chúng ác’, trong khi khiêm tốn là cái nền của ‘chúng thiện’ ”.
Những lời bình sau đây từ thuở đó là ‘xưa’ nhưng không hề ‘cổ’, nghe sao mà hợp ‘thời sự ’ hiện nay đến vậy: “Thích khoe khoang; dù hiểu biết nửa vời cũng ham hố đàm luận; tất cả đều thuộc về tính kiêu ngạo, thật khó tiến bộ”.
Được hiểu khiêm tốn thuộc cả một phạm trù đạo làm người như trên, nên chi những năm 1970, lúc chúng tôi công tác ở Âu châu, nghe sự thuyết giảng chính thống rằng “khiêm tốn là tính xấu của hạng thấp hèn” thì mặc dù chúng tôi hiểu rất rõ và thông cảm do nguồn gốc nào mà hình thành một tà thuyết như thế, nhưng quả thực nền văn hoá sâu sắc lâu đời của phương Đông không khỏi thương hại cho sự bất cập tư duy này.
Khiêm tốn là tự đáy tâm hồn. Cho nên trong nội dung ‘Luyện từ gốc-tâm-hồn’ luyện từ bên trong mà chúng ta đang bàn ắt là không được bỏ sót ‘luyện khiêm tốn’. Có luyện khiêm tốn, một đức khiêm tốn thực sự chân thành từ gốc tâm hồn, thì mới mong đạt tâm hồn cao đẹp để làm Người. Còn các kiểu ‘dạy’ kỹ xảo bề ngoài, ví dụ dạy rằng “lúc nào cũng như lúc nào, ... trên khuôn mặt phải như có cái mặt nạ” (Ramond de Saint Laurent, sách ‘Học cách… thành công’, NXB Trẻ, 10/2000 tr 63) thì thử hỏi làm sao bén tới khiêm tốn đích thực của lẽ làm Người đặng!