Trên thế giới ngày nay, người trẻ được dạy nhiều điều nhưng hình như chẳng ai dạy cho chúng về ý nghĩa của cuộc đời. Người ta dạy chúng biết bao nhiêu môn để trang bị những kiến thức cần thiết hay đúng hơn là hữu ích cho cuộc sống thực dụng tương lai. Trong xã hội đồng tiền ngự trị ngày nay, giá trị của con người được đo bởi đồng tiền kiếm được, từ đó mọi thứ khác trở nên rẻ rúng. Giáo dục ngày nay cũng mang một não trạng tương tự: Đào tạo những con người thực dụng và hiệu qủa. Chính vì thế mà học sinh không thấy hứng thú trong học tập. Học sinh được học đủ mọi thứ kiến thức, nhưng bản thân chúng chẳng biết tại sao lại phải học nhiều đến thế.
Học sinh chán học đôi khi không phải do bản thân lười biếng ham chơi mà vì chẳng biết học vì mục đích gì. Chúng không hiểu ý nghĩa của từng bài học, từng môn học, thì làm sao có thể hiểu được ý nghĩa của việc học, và làm sao có thể hiểu được ý nghĩa của cuộc đời.
Một trong những nguyên nhân chính gây nên những biểu hiện tâm bệnh nơi học sinh sinh viên ngày nay, dẫn đưa giới trẻ ngay cả những em xem ra thành đạt trong học tập, trong quan hệ bạn bè, đến việc ăn chơi sa đoạ, tình trạng nghiện ngập, hay những hành vi bạo lực tội ác, thậm chí xô đẩy chúng đến việc tự tử khi rơi vào ngõ cụt là do không tìm ra ý nghĩa cuộc đời. Đói ý nghĩa cuộc đời, một cái đói âm ỉ và day dứt, có thể nói là một trong những nét đặc trưng của giới trẻ hiện nay.
Thử hỏi học ý nghĩa của cuộc đời ở đâu? Ai có thể dạy chúng đây? Gia đình thì đầu tắt mặt tối kiếm sống nuôi chúng ăn học. Xã hội thì dạy chúng điều quan trọng duy nhất là tiền bạc, nhà trường thì dạy chúng điều quan trọng là học tập, là thành đạt để có nghề nghiệp mưu sinh vững chắc.
Tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời tuy không thể hiện rõ ràng như tìm kiếm cơm ăn áo mặc nhưng dai dẳng mãnh liệt không kém. Theo Viktor. E. Frankl, bác sĩ tâm thần sáng lập viên khoa lẽ sống trị liệu (logotherapy), đồng thời với Freud, cha đẻ khoa phân tâm học, may mắn sống sót từ những trại tập trung tàn bạo của Đức quốc xã, định nghĩa con người là một sinh vật tìm kiếm lẽ sống. Theo ông, tồn tại chính là tìm ra ý nghĩa cho nỗi đau khổ của chính mình.
Ý nghĩa của cuộc đời là gì? Có cái gì làm nên ý nghĩa của cuộc đời chung cho mọi người không? Đâu là ý nghĩa thực sự của cuộc đời? Đó là quan tâm chính đáng và hiện sinh của con người. Chính vì thế, trẻ thơ khi bắt đầu khám phá ra thế giới muôn màu xung quanh nó thường liên tục đặt ra câu hỏi tại sao về mọi sự vật, hiện tượng xung quanh cho cha mẹ chúng, đến độ họ đôi khi cũng không biết trả lời làm sao, đành phải tìm cách bỏ lửng, né tránh.
Với một chuỗi liên tục câu hỏi tại sao chúng ta tự đặt ra và tự tìm kiếm giải đáp cho chính mình về mọi hành động chúng ta làm từ chuyện ăn uống đến chuyện học hành làm việc, từ chuyện gầy dựng sự nghiệp đến yêu đương, lập gia đình, sinh con cái, về mọi nỗi vui buồn, sướng khổ, thành công thất bại, chúng ta mới có cơ may khám phá ra ý nghĩa của cuộc đời.
Không biết đã có ai đưa ra một định nghĩa về ý nghĩa của cuộc đời hay xác định đâu là ý nghĩa thực sự của cuộc đời hay chưa, nhưng ai cũng phải tìm cho cuộc đời của mình một ý nghĩa nào đó để tồn tại.
Có những triết gia, nghệ sĩ, ca sĩ tiếng tăm lẫy lừng tuy cho rằng cuộc đời là phi lý, vốn chẳng có ý nghĩa nhưng vẫn cố tìm ra cho cuộc đời mình một ý nghĩa nào đó để tồn tại, để tiếp tục sáng tác. Như Albert Camus, tuy nghĩ rằng con người sống trên đời như một kẻ xa lạ (l’Étranger), đau khổ là vô nghĩa như trong tác phẩm “Dịch hạch” (la Peste) nhưng ít ra nhận thấy ý nghĩa của sự liên đới với nhau chống lại khổ đau. Như Trịnh Công Sơn, ví mình như một tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo…” rơi vào ngõ cụt bế tắc tìm cách giải sầu quên lãng bằng âm nhạc, rượu mạnh, và ái tình .
Ý nghĩa thực sự của cuộc đời là gì nếu không phải là cái làm cho cuộc đời tự thân nó có ý nghĩa, đáng yêu, đáng sống dù phải gặp biết bao gian khổ, thử thách thất bại, ngay cả khi không còn gì để mất, ngay cả khi nằm trên giường bệnh chờ chết với một căn bệnh vô phương cứu chữa. Ý nghĩa của cuộc đời không thể nào tách rời với ý nghĩa của đau khổ. Thật vậy, chỉ khi đối diện với đau khổ tột cùng, lúc ấy ta mới biết mình có lẽ sống thực sự hay không, lúc mà mọi kiến thức, lý thuyết đều trở nên vô nghĩa, mọi nỗ lực con người trở nên vô hiệu, chỉ còn lại điều thực sự làm nên ý nghĩa cuộc đời của mình mới làm cho ta kiên vững và bình an.
Ý nghĩa của cuộc đời thật ra không phải là một thứ kiến thức có thể truyền đạt như một công thức toán học, tuy nó vẫn có thể thông truyền không phải bằng lời mà đúng hơn bằng chính cuộc sống chứng tá. Cha Anthony de Mello kể câu chuyện sau đây: Có một thanh niên, trong giấc mơ được một vị thần mách bảo cho biết rằng sáng hôm sau có một vị ẩn sĩ đi ngang qua làng, vị này cầm trong tay một viên đá qúy, nếu anh xin được anh sẽ trở nên người giầu có nhất. Sáng đó khi thấy vị tu sĩ đi ngang qua, anh chạy đến xin cho bằng được viên đá ấy. Vị ẩn sĩ liền đưa tay vào túi xách lấy ra một viên kim cương, lớn nhất thế giới và hỏi anh phải đấy là viên đá qúy mà anh muốn không và bảo anh cứ lấy đi. Anh ta liền giựt lấy và chạy một mạch về nhà. Nhưng đêm đó anh ta không ngủ được. Sáng dậy anh ta tức khắc chạy đi tìm vị đạo sĩ ấy. Thấy vị ấy đang ngủ dưới một tàn cây, anh liền đánh thức ông ta dậy, đưa viên kim cương lại cho ông và nói: Đây tôi xin trả lại viên kim cương của ngài. Điều tôi muốn chính là sự giầu có làm cho ngài chẳng màng đến của cải kia.
Đọc tới đây chắc ai cũng nghĩ anh chàng ấy bị khùng nhất là trong xã hội đồng tiền ngày nay. Nhưng qua câu chuyện trên đây ta thấy vị đạo sĩ đó chẳng dạy, chẳng lên lớp morale gì với anh chàng ấy về ý nghĩa của cuộc đời, nhưng qủa thật thái độ ứng xử của vị ấy đã thực sự khơi dậy nơi anh khao khát tìm kiếm nó. Và đó chính là khởi đầu của hành trình khám phá ra nó. Đó chính là điều quan trọng trước nhất mà nhà giáo dục Kitô giáo cần làm. Thay vì nói ý nghĩa của cuộc đời là thế này thế nọ, thì chính qua thái độ và phản ứng của mình trước những thử thách, đau khổ, nghịch cảnh mà nhà giáo dục có thể giúp cho đối tượng giáo dục của mình khám phá về ý nghĩa của cuộc đời. Phần còn lại là do chính bản thân của đối tượng đó khám phá bằng chính trải nghiệm, kinh nghiệm sống cụ thể của bản thân mình.
Gioakim Trương Đình Giai