Tâm nguyện của một gia đình

Kính bạch Thầy và cô Út Diệu Quang,

Gia đình chúng con theo Thầy hơn mười lăm năm ròng rã. Mười lăm năm miệt mài làm kiếp cư sĩ, học ở Thầy từ mỗi lời chỉ dạy chi li. Mang về nhà cùng nhau khẻ lần khẻ lượt những chướng ngại mà Thầy bảo là ác pháp để mong tìm cầu những giải thoát nhỏ bé thực tại ngay trong cuộc sống hằng ngày.

Phàm sinh ra làm người ai cũng có tâm nguyện. Nhưng được gặp Minh Sư để hướng tâm nguyện mình thành thiện pháp, từ những cái thiện nhỏ chúng con được giải thoát của việc thiện đó ngay liền.

Nhớ ngày còn cắp sách đến trường, là một cậu học trò nhỏ, được cha mẹ cơ cực làm ruộng rẫy nuôi cho ăn học, không hề bận tâm tới kinh tếgia đình, chỉ biết cha mẹ lam lủ lo cho con ăn học thế thôi! Dù hoàn cảnh nhưvậy nhưng tâm trí con không hề bị chi phối về tiền tài danh vọng. Con cũng chẳng hiểu lòng con sao cứ hướng đến việc tu hành để được giải thoát như Ðức Phật, mặc dù lúc bấy giờ con còn bé.

Lúc đó con thật là mơ hồ không biết giải thoát là thế nào. Thấy các vị Hòa Thượng ở chùa sao mà thanh thoát quá. Nghĩ rằng giải thoát tức là được như các vị ấy cũng đủ viên mãn rồi.

Từ ý nghĩ mộc mạc ấy, cả nhóm bạn năm người cùng chí nguyện bỏ học kéo lên núi cao mong tìm đường giải thoát. Chúng con không một đồng, không một hạt gạo, nghĩ như Ðức Phật tu hành không mang thực phẩm, ăn từ thiên nhiên mà sống và tu để chóng giải thoát. Mặc cho ở nhà cha mẹ bà con cô bác đi tìm trong lo âu thương cảm. Vậy mới biết đó là đã tạo ra ác pháp làm khổ người khổ mình. Sau vì giặt áo ở suối phơi trên núi bị chính quyền phát hiện lên bắt đem về báo cho cha mẹ tới nhận. Ðó là một kỷ niệm khó quên. Kỷ niệm có nghiệp lực với Phật Pháp sâu dày từ thời niên thiếu này cứ đeo đẳng theo con mãi.

Rồi con lớn lên học thành tài thành danh trong xã hội; có gia đình con cái đàng hoàng. Lúc bây giờ con vẫn còn vấn vương với đạo pháp của Phật. Chung quanh con những môi trường tu hành chỉthấy chùa chiền tụng kinh gõ mõ, niệm Phật, v.v... Ðến khi tuổi đã trưởng thành, hơi biết nhận ra dạng chân pháp, không thống nhất với Tịnh Ðộ Tông, Thiền Tông. Song lúc ấy con không thấy còn con đường nào để đi cả, vội vả thuyết phục vợ con qui y Tam Bảo của chùa Tịnh Ðộ, nhưng con thì không muốn qui y. Mặc dù vợ con vì thương các con mà miễn cưỡng qui y, nhưng thật ra trong lòng chúng con thấy bất phục với nghi lễ cúng bái qui y, phải cúng mâm cao cỗ đầy cho Phật, bỏ bao thơ tiền cho các vị Thầy làm lễ qui y.

Nhưng cũng nhờ vị Thầy qui y đó mà chúng con có duyên gặp được Thầy. Thầy là huynh đệ với vị Thầy ấy nên lúc Thầy vừa ra thất sau bảy ngày đêm nhập định, tin này được đồn từ Tu Viện Chơn Không. Rồi từng đoàn xe lên Trảng Bàng đông như hội. Người ta truyền miệng nhau có một vị Hòa Thượng vừa nhập định bảy ngày đêm như Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Sau khi xuất định, Ngài biết được quá khứ vị lai của mỗi người, có thần thông phép tắc, biết mọi thứ ngôn ngữ trên thế giới. Gia đình chúng con cũng là một trong những tín đồ ấy, có nghiệp lực với chánh pháp nên lên cầu tìm. Chúng con nghe Thầy giảng, nhìn thấy Thầy ngồi đấy bằng xương bằng thịt hoàn toàn như mọi chúng sanh. Những Phật tử hỏi cầu nơi Thầy về thần thông, phép tắc, quá khứ vị lai, ước mong Thầy cho thấy kết quả sau những ngày nhập định. Nhưng từ Thầy chỉ có những câu giảng pháp ôn tồn: Phật cũng như chúng ta nhưng Ngài nhờ biết bỏ xuống hết nên giải thoát hoàn toàn, làm chủ sự sanh, già, bệnh, chết. Thầy không dạy những gì mới lạ, chỉ bảo rằng Thầy đang nói lại những gì Phật Như Lai đã làm được và dạy lại cho chúng ta làm theo.

Có lẽ gia đình con có duyên với Phật Pháp qua Thầy. Từ đấy đến nay chúng con bỏ hẳn mọi pháp môn khác, chỉ chú tâm theo Thầy học làm người giải thoát. Cũng may con có duyên lành nên cả nhà bốn người đều hướng tâm theo Thầy. Nhất nhất pháp của Thầy chúng con đều quán triệt và phát nguyện thực hành, người này níu dắt người kia đi trên đường chánh pháp dưới sự dẫn dắt của vị Minh Sư mà gia đình con tôn trọng tôn vinh là Phật sống.

Chúng con có phước lớn, có duyên lành nên cùng một hướng đi, lại gặp vị Alahan đã thành chánh quả, không sợ lầm đường lạc lối nữa. Nghe Thầy giảng thời Ðức Phật có thật nhiều vị Tỳ Kheo theo Phật tu hành, cả hàng cư sĩ cũng bỏ nhà, bỏ tất cả theo Phật mà mơ ước, mà cầu tìm. Như hiện nay sau 2,543 năm, gia đình chúng con cũng vẩn còn ở ngoài vị trí mà bấy lâu mình mãi mong chờ mà chưa dấn bước.

Thầy ơi! Những gì Thầy dạy, chúng con đều hiểu biết hết. Nó mộc mạc, đơn sơ, mà con người sinh ra ai cũng biết, cũng có thể làm được nhưng chúng con tại sao lại không làm được hỡi Thầy? Thầy dạy bỏ xuống hết sẽ được giải thoát hoàn toàn. Nhưng bỏ bằng cách nào? Bỏ ra sao? Khi mà thân nghiệp của chúng con huân tập nhiều đời nhiều kiếp, nó lý luận đủ thứ hết. Biết, biết rất rõ vì mười mấy năm theo Thầy đều đặn, khắc ghi lời Thầy dạy, nhìn thấy việc Thầy làm. Bỏ hết ngay liền thì bị ức chế, chỉ là gánh nặng cho Thầy sau này.

Còn tu khẻ lần để huân tập nhiều đời nhiều kiếp cho vững chắc mai sau thì thấy hối tiếc, vì sợ kiếp sau lên có được may mắn làm kiếp người nữa không? Nếu làm được người thì phải làm lại từ đầu, vì từ lúc sinh ra đã không còn nhớ những gì của kiếp này huân tập, rồi có gặp chánh pháp không? Từ một đứa trẻ quên hết mọi sự thì làm sao biết để tu hành đây. Như Thầy đã ba đời làm Hoà Thượng nay lên phải gian truân trầm luân mới chứng quả Alahan trở thành vị Bồ Ðề viên giác như Ðức Như Lai.

Gia đình chúng con đã có tâm nguyện mà không hoàn thành được tâm nguyện đó trong kiếp này. Khắc khoải âu lo cũng là ác pháp. Thôi thì con không khắc khoải lo âu nữa để ngăn ác pháp, và tập sanh thiện tăng trưởng thiện pháp. Mà cái thiện chân chánh nhất là sống không làm khổ mình khổ người. Muốn được vậy, phải có chánh niệm tỉnh thức.

Chánh niệm đó do thiền định mà ra, thiền định không ức chế tâm. Muốn không bị ức chế thì phải tu tập thường xuyên không lơ lỏng. Chúng con luôn tự tỉnh thức trong mọi hành động hằng ngày. Mỗi ngày mười lăm phút cả nhà ngồi thiền, mười lăm phút mở băng nghe Thầy giảng pháp. Mỗi tháng tập năm ngày Thọ Bát Quan Trai. Thời khóa thực hành thì rõ ràng, nhưng vì đang sống ngoài xã hội có mọi người, còn gia duyên trong cuộc sống, vì vậy chướng ngại pháp thường ập đến. Do duyên nhân quả nên mới có chướng ngại, đôi khi phải rơi lệ vì nó.

Con biết luật nhân quả phàm làm người thì phải có, không thể không có được. Nhưng nếu ta cương quyết bỏ sạch theo đường tu tập đúng đắn do Thầy chỉ dạy thì sẽ chấm dứt tái sanh luân hồi.

Thầy ơi! Tâm nguyện của chúng con thật rõ ràng, thấy biết nhờThầy vạch ra cho, nhưng còn thực hiện thì không được. Thầy hãy hộtrì cho gia đình chúng con với. Chúng con chỉ cầu xin và luôn có tâm nguyện được giải thoát ngay trong kiếp này. Gia đình chúng con không cầu tìm thần thông, phép tắc hay biết quá khứ vị lai gì hết, chỉ cầu sự giải thoát hoàn toàn cũng nhưhiện tại chúng con đang nghe Thầy tu tập thiện pháp đểgiải thoát từng phần nhỏ ngay liền sau mỗi cái thiện pháp chúng con đã làm.

Kính ghi,
Gia đình Minh Tâm.
* * * * *
Kính gửi: Gia đình Minh Tâm.

Tiếng kêu nức nở gọi Thầy cứu giúp các con trên đường tu tập: "Thầy ơi! Tâm nguyện của chúng con thật rõ ràng, thấy biết nhờ Thầy vạch ra cho, nhưng còn thực hiện thì không được. Thầy hãy hộ trì cho gia đình chúng con với". Mỗi bức thư các con gửi về Thầy là mỗi tiếng kêu thương nghẹn ngào nức nở từ trong trái tim tha thiết tìm đường giải thoát ra khỏi dòng đời muôn vàn đau khổ. Thầy thương cảm và xót xa trước những tiếng kêu thương ấy, nhưng làm sao bây giờ?

Luật nhân quả quá khắc nghiệt, không thể ai đi thay cho ai được mà phải chính các con. Phải thấy như thật đời khổ, khổ vô cùng khổ; mà phải thấy như thật các pháp thế gian là ảo mộng vô thường, có gì mà dính mắc không buông bỏ được; mà phải thấy như thật các dục lạc thế gian là trò cám dỗ dễ lôi cuốn con người vào khổ cảnh đau thương, thế mà ngu si gì cắm cổ vào đó; mà phải thấy như thật tình cảm gia đình là những sợi dây vô tình trói buộc chặt chẽ mọi người để rồi chết dần mòn trong khổ đau yêu thương từ đời này sang đời khác thế mà không bức bỏ nổi hay sao? Mà phải thấy như thật đời là một sân khấu của nhân quả, có gì đâu là chân thật mà yêu mến, không chịu rời xa; mà phải thấy như thật đời là một bãi rác ô nhiểm, bất tịnh thối tha, uế trược, v.v... có gì đâu mà không nhàm chán để rồi phải chết trrên đống rác hôi thối ấy.

Xưa Ðức Phật dạy: Các Thầy Tỳ Kheo hãy quán tưởng nhàm chán các pháp thế gian thì con đường tu mới có giải thoát. Nếu không nhàm chán, dù chỉ còn một chút xíu không nhàm chán thì xả tâm chưa thật sạch. Xả tâm chưa thật sạch thì con đường giải thoát chỉ mới bắt đầu mà thôi. Nói như vậy không có nghĩa là ức chế bắt buộc tâm mình phải nhàm chán mà phải do sự tu tập đúng cách thì tâm nhận rõ như thật các pháp thế gian vô thường, vô ngã và toàn mang đến sự khổ đau, thì chừng đó mới thật sự là nhàm chán.

Kính thư,
Thầy của các con
Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Previous Post
Next Post