Không thể tin tôi đã đánh mất những giấc mơ ở một thời điểm chưa xa hiện tại lắm. Đến giờ này tôi vẫn còn nhớ như in giấc mơ khá kinh dị năm lên ba tuổi: Quả bóng đen nặng chịch treo lơ lửng nơi góc màn xám tăm tối. Nó cùng đỉnh màn cứ chực rơi đè xuống tôi rồi lại nảy về vị trí cũ. Như định mệnh, vui buồn trong thế giới chiêm bao cũng là đời sống của tôi. Khởi đầu bằng nỗi ám ảnh rất giống tai họa, song nói chung các giấc mơ đẹp vẫn nhiều. Nhộn nhất là lần tôi thấy mình bay lên tầng bốn tòa chung cư rệu rã và cố tỏ tình với người yêu qua song sắt chuồng cu cơi nới diện tích.
Tôi quyết phải tìm lại bằng được giấc mơ sau quãng thời gian trống trải dằng dặc. Cảm giác bất lực vì mình không còn biết mơ nữa luôn hành hạ tôi. Bước khỏi giường mỗi sáng tôi châm vội điếu thuốc, đoạn ngồi chồm hổm trên bàn xí bệt vừa rít khói vừa cố lục lọi trí nhớ tìm dấu vết ảo ảnh đêm. (Thật thiếu khiếm nhã, nhưng cái thế ngồi quê kệch kia đã trở thành thói quen không thể bỏ của tôi). Sau đó tôi ăn bận chỉnh tề và một mình ra khỏi nhà khá sớm. Nói không ngoa, tôi gần như đã thuê tháng chiếc bàn dưới tán tre ngà trong một trà quán sang trọng giữa trung tâm Sài Gòn. Từ bảy giờ đến bảy giờ bốn lăm, tôi vừa ăn sáng, vừa uống cà phê và tiếp tục truy bức não bộ.
Vẫn bặt tăm tín hiệu nhận diện, dù chỉ là nửa mảnh giấc mơ rơi rớt đâu đó.
Người ta cần gì trong cuộc đời này? Giấc mơ hẳn phải có mối liên hệ nào đó với thực tế. Chỉ cần mở máy tính xách tay và thiết lập kết nối internet không dây, hằng hà sa số trang tử vi điện tử sẽ cho biết những điều tôi đang quan tâm?
Sinh nhật của tôi nằm trong cung con cua, khái quát năm nay là: Các quan hệ phát triển tích cực. Sự nghiệp viên mãn, ban phát nhiều cơ hội sự nghiệp cho người khác là sự nghiệp của bạn. Tình yêu luôn được ru ngủ trong sự sung túc giữa một môi trường xa xỉ. Vấn đề tiền bạc của bạn nằm ở chỗ tiêu xài ra sao, chứ không phải kiếm nó bằng cách nào. Lo lắng duy nhất là sức khỏe, bạn rất cần một chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý…
Tổng quan tròn trịa gớm! Tôi ghét trò bập bênh nước đôi tàng ẩn trong ấy. Sự nghiệp của tôi chưa phải đã lên tột đỉnh. Năm ngoái tôi đi du lịch nước Nga, quà khuyến mãi là tấm bằng thạc sĩ có nghĩa lý gì đâu. So đọ, giá cả chẳng hề mềm. Tôi đã tìm đủ số người đồng thuyền, góp tiền ở mức độ chấp nhận được. Hội đồng học thuật đào tạo từ xa của trường đại học kia sẽ sang đây thăm thú. Khoảng giải lao giữa các hành trình di sản, họ bảo chẳng thành vấn đề nếu chúng tôi muốn trình luận án tiến sĩ tại một góc nhà hàng của khách sạn bốn sao nào đó. Dĩ nhiên bình phong ngăn tạm nên tách bạch bao tử và cái đầu, ẩm thực và tri thức. Khi giấy bút, bảng biểu xếp vào một góc, bữa đánh chén vinh qui hiện ra trong chớp mắt. Càng tiện! Bằng cấp sau đó chuyển về qua đường bưu điện. Sự sáng tạo lúc nào chả giản dị một cách hài hước.
Hạnh phúc ư? Ai đấy từng bảo hạnh phúc không phải là điểm đến cụ thể. Nó là một tiến trình. Chớ nói hiện tại tôi không hạnh phúc. Biết đâu ở thì tương lai, tôi bất chợt hình dung lại những buổi sáng một mình chờ cà phê nhỏ giọt trong không gian rất thanh cảnh này và thốt lên “nó mới đẹp làm sao!”. Rõ ràng đấy sẽ là hạnh phúc.
Tình yêu tôi đã từng có. Nghiên cứu của các nhà khoa học gần đây cho thấy tình yêu chỉ gói gọn trong một khoảnh khắc ngắn ngủi. Chất hóa học xúc tác sẽ thổi bùng lưỡi lửa trên vỏ não bạn. Dù không phải ngọn đuốc vĩnh cửu, với tôi, nó sẽ chẳng bao giờ tắt. Nó mãi mãi lơ lửng và tiệm cận với trục trách nhiệm của đồ thị đời sống.
Tiền bạc thì rất nhàn nhã, không phải trách nhiệm của tôi! Vợ tôi là cổ đông sáng lập một tập đoàn lớn đã niêm yết trên thị trường chứng khoán.
***
Ngày làm việc của tôi rất bận rộn. Tôi gánh vác hẳn một ngân hàng thương mại cổ phần, trên danh phận, cho gia đình vợ và những chú ba chú bảy nào đó chỉ nghe tên mà chưa được diện kiến. Trước mặt tôi là ba chiếc điện thoại bàn cài ba kiểu chuông khác nhau nhưng cùng một tiết tấu khó chịu luôn giục giã. Hai con di động có thể hát vài bài ca thời thượng bị lấn át, đành để ở chế độ rung. Chúng lúc nào cũng chực nhảy xuống sàn nhà. Giờ nghỉ trưa tôi cấm tiếp tân nối dây nói, tắt máy cầm tay song đâu được rảnh rang. Hàng đống văn bản, báo cáo, biểu đồ, dự án, kế hoạch… chen nhau xếp hàng dưới thanh taskbar cuối màn hình máy tính, đợi đôi mắt có thị lực rất kém của tôi lướt qua.
Tối thiểu tôi phải gia sức gấp đôi người khác ở vị thế tương đương, vì trong mọi trường hợp, tôi không có quyền ra quyết định. Nhiệm vụ của tôi là ghi nhận mọi thứ, chuyển chúng vào kênh thông tin nội bộ của những người chủ thực sự và chờ. Chu trình “lãnh đạo” của tôi chỉ kết thúc khi nắm được phản hồi và xử lý thông tin đầu vào theo đường hướng đã được thẩm duyệt.
Các đối tác không hiểu vai trò yếm thế của tôi trong hệ thống thường gọi tôi là “Ông rùa” và chê tôi quá cẩn trọng. Về nguyên tắc, ngân hàng là nơi đồng tiền chảy từ gò đến trũng. Hơn nữa, với một nền kinh tế thiếu vốn tư bản bẩm sinh, tốc độ chảy không thể chặn đứng dòng chảy. Thế nên tôi cũng khá “được việc”.
Tôi thường vươn vai giải lao mỗi khi bước lên xe đến các cuộc hẹn, các bàn tiệc bán chữ ký hoặc công vụ điếu đóm. Khốn thay trần xe du lịch nào chẳng thấp. Ườn lưng chồm lên ghế trước, nhìn người tài xế toát mồ hôi trong dòng xe cộ nhung nhúc trên đường tôi vẫn tự vấn: Xã hội đang đi tìm cuộc sống tốt đẹp hơn hay đầy đủ vật chất hơn nhưng lắm phiền toái? Có thể tôi may mắn hơn nhiều người. Tôi không phải giang nắng, hít khói bụi, nhưng chẳng vì thế mà kém bất mãn. Tokyo giờ tan tầm, Bắc Kinh bước vào ngày mới hay London một chiều cuối tuần nắng đẹp chắc chắn đông đúc hơn thành phố này nhiều. Phải chăng họ không hề vô tổ chức nên tôi vẫn thấy dễ thở.
Trăm lần như một, giữa chiến trường giao thông nội thị tôi lại muốn mình biết bay, lại nhớ đến những giấc mơ bay bổng xa ngái. Bay là vượt. Vượt sức ỳ. Vượt quán tính. Vượt qua lực hút quả đất… Loài người vượt lên mặt bằng muông thú, nhờ những giấc mơ vượt thực tại? Tôi bỗng bật cười nhớ đến nhà giáo dục nọ. Ông từng lý luận không nên cho học sinh dùng máy tính bỏ túi. Ông sợ các thế hệ tiếp nối luôn đau đầu với một bài toán cộng trừ giản đơn nhất. Tôi võ đoán: con người tinh khôn đầu tiên từ chối hang đá, nhánh cây, hốc đất để dùng cành lá ghép thành mái nhà ấm áp chắc phải là một tiền bối cách mạng vĩ đại. Cộng đồng ở trần đóng khố của cụ có lẽ chưa thể phản bác bằng khoa học: rời bỏ tự nhiên là đối mặt với nguy cơ mất đề kháng với môi trường khắc nghiệt. Song mười mươi số đông sẽ dè bỉu bằng lối hoài cổ, bằng gương cố nhân, bằng sức mạnh bầy đàn. Tuồng như họ rất có lý: kẻ sinh ra và lớn lên dưới vỏ bọc an lành, chắc chắn không chết thì cũng ốm thập tử nhất sinh nếu trở lại hang đá, nhánh cây, hốc đất.
Xã hội loài người tinh khôn tột đỉnh, hôm nay, thế kỷ hai mốt vẫn lẫm lũi dùng con dao nhiều lưỡi phát quang trí tuệ. Thuốc nổ phá đá, thuốc nổ giết người, thuốc nổ làm pháo hoa… Chiếc máy lạnh trong ôtô của tôi đang góp phần gia tăng nhiệt độ không khí bên ngoài, đang làm da tôi khô ráp, nhốt hết bã thải trong mồ hôi vào gan vào thận, và cũng khiến tôi xem thường khói bụi, nắng gió.
Thế mới biết giấc mơ của tha nhân, của bạn và của tôi luôn bình đẳng trong trắc trở. Giấc mơ là dự cảm của khối óc để con người mở trói chính mình.
***
Tôi thường về nhà rất khuya. Rượu bia càng nhiều thì tôi càng tỉnh táo. Sự tỉnh táo giống như một cái máy vừa bảo dưỡng định kỳ đã nạp đầy nhiên liệu. Vợ tôi không biết điều đó. Nàng thường pha cho tôi một ly cà phê rất đậm trước khi muốn trao đổi gì đấy. Nói chung toàn chuyện tiền nong. Thật ra mọi thứ nàng hay ai đó quyết hết rồi. Từ trao đổi có thể hiểu là thông báo. Tôi cũng chẳng rõ từ khi nào, thông báo xong vợ tôi luôn dành cho tôi câu cảm ơn rất khách sáo, như thể lời kết sau mỗi cuộc họp với đối tác kinh doanh. Thậm chí có lần ăn nằm thỏa mãn, nàng trót mồm ghi phiếu ân huệ cho tôi với khẩu khí mậu dịch toàn cầu. Tôi ngạc nhiên nhưng nàng im lặng tỉnh bơ, chẳng thèm biện hộ.
Con tôi, trai gái đủ đôi. Tôi rất yêu chúng và cũng khá nghiêm khắc. Chỉ tiếc thời gian tôi ở bên chúng chẳng được nhiều. Từ ngày có con tôi nghiệm ra khối điều rất riêng. Thực tình chữ hiếu xưa nay chỉ hiểu theo một chiều: công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Giọt máu của tôi, tôi phải yêu thương là đương nhiên. Tôi yêu con chính là tôi yêu bản thân mình lần thứ hai. Sự hiện diện của con cái trên đời luôn là thứ hạnh phúc tuyệt đỉnh của bất cứ bậc cha mẹ nào. Khó nhọc rèn giũa hoặc nai lưng vì sinh kế là nghĩa vụ và quyền lợi của kẻ làm cha làm mẹ. Nền văn minh nông nghiệp xa xưa nén trong hiếu đễ trách nhiệm của kẻ làm con khá nặng nề. Họ phủ nhận chiều tương tác con cái – cha mẹ. Suy nghĩ cập thời khiến tôi dò xét lại quan hệ của tôi với cha mẹ mình. Tôi nhận ra ông bà đã đánh mất quá nhiều cơ hội tốt để trở nên giàu có, cho bản thân họ và chúng tôi. Nếu sau tấm bằng đại học, mỗi anh em tôi được thêm mảnh đất lận lưng làm vốn ra đời thì chắc chắn giờ đây tôi không ở trong cái thế “của vợ – công chồng” trái ngang này. Dù gì tôi nghĩ chỉ để nghĩ mà thôi. Kinh tế gia đình tôi thư thả, bà xã vẫn đều đều báo hiếu bên nội, thảo thơm cùng anh chị em. Tôi chẳng màng nhắc đến sai lầm của ông bà với ai.
Ngày xưa, một trong những giấc mơ lớn lao nhất của tôi là tiền, thật nhiều tiền. Nghèo luôn song hành với hèn, với nhục. Tôi đã trải qua quá nhiều bài học.
Tôi không phủ nhận vợ mình hơi xấu, tôi đến với nàng cũng có vật chất đưa đẩy. Tuy nhiên khách quan mà nói, nhan sắc kia hoàn toàn hợp với tôi khi nớ: mặt mày bình thường, không cao không thấp, cưỡi xe đạp, lơ ngơ vác tấm bằng đại học đậu vớt còn thơm mùi mực đi xin việc. Tôi đoán tôi hơn người ở chỗ thật thà. Không thật thà chắc tôi sẽ uất lên mà chết, khi mẹ hai đứa nhỏ yêu cầu cha chúng xác nhận trên tờ giấy vô cảm rằng tôi đứng tên chủ công ty giúp vợ, vốn liếng là tài sản riêng của ngoại tộc!
Vì thật thà, tôi cứ tin có điều huyền diệu nào đó giữa những giấc mơ bình dị hằng đêm của loài người. Dần dần tôi bị mất ngủ. Có những đêm tôi thức trắng, kê cao gối. Ánh mắt len qua khe rèm, vượt qua cửa sổ kiếng, tôi bất động hàng giờ nhìn trân trối bóng cây cột đèn đổ lên bức tường rào rất cao chôn đầy chông sắt và miểng chai.
Thấy biểu hiện bất thường, vợ tôi bắt đầu theo dõi. Nàng thay anh trợ lý mẫn cán và đổi luôn lái xe mới cho tôi. Mạng nhện điệp viên bất lực. Nàng lên tiếng:
“Anh giải thích cho em được không?”
“Mười mấy năm anh làm việc hết mình cho gia đình em đáng giá bao nhiêu?”
“Với mức lương tuyệt hậu mươi triệu một tháng, trừ ăn tiêu anh còn tổng cộng năm sáu trăm triệu” Vợ tôi tính rất nhanh.
“May mắn, so với vài ngàn tỷ của nổi ở gia đình em thì nó không đáng kể. Nhưng cả đời chưa bao giờ anh được cầm số tiền lớn như vậy. Mai em thu xếp cho anh”.
“Kế hoạch của anh là…”
“Một mảnh đất hẻo lánh không quá hẹp cho cỏ cây hoa lá tại Bình Dương chẳng hạn. Một căn nhà nhỏ. Một công việc văn phòng ở nhà máy nào đó quanh đấy”.
Vợ tôi cười sằng sặc. Nàng bật ngửa với ý định của tôi. Nàng bảo hóa ra tôi đi tìm một giấc mơ tiểu thuyết ba xu sáo mòn và rỗng tuếch.
“Anh nghĩ kỹ đi. Hoa với chẳng lá. Tay nhà văn Giả Bình Ao của Trung Quốc nói rằng hoa chẳng qua cũng chỉ là cơ quan sinh dục của thực vật mà thôi”.
“Xúi quẩy cho loài người nếu cây cối mặc quần áo”.
“Em sẽ đưa tiền cho anh. Cũng xin cảnh báo trước, đợi anh ngoài kia chỉ có ác mộng”.
Vợ tôi tung chăn rồi xách gối qua phòng con gái. Nằm một mình tôi bỗng có cảm giác chống chếnh. “Sẽ sớm ngủ thôi” tôi tự an ủi sau một hồi lăn qua lộn lại. Tôi biết trong giấc ngủ đang đến tôi sẽ mơ. Tôi cũng biết giấc mơ ấy sẽ thức cùng tôi trước ban mai. Từ nay tôi không nghĩ giấc mơ đầu tiên năm ba tuổi là ghớm ghiếc nữa. Chẳng lẽ nào người ta có thể dự cảm cả cuộc đời mình từ thuở còn đái dầm? Ngày mai tôi vẫn sẽ dậy sớm, vẫn ngồi xổm vệ sinh, vẫn đến dưới gốc tre ngà, nhưng khác mọi ngày tôi sẽ có giấc mơ còn trong trí nhớ bầu bạn. Tôi chấp hết, chấp cả cơn ác mộng mà vợ tôi đã cảnh báo. Nhưng… cũng… có… thể… tôi không thắng nổi thói quen: Uống xong cà phê tôi lại rúc vào tòa cao ốc ngân hàng, tót lên chiếc ghế da bệ vệ và sang trọng, mắng người này, nhắc nhở người kia đôi ba câu chiếu lệ…
Tác giả: Trương Thái Du