Nhân trị hay pháp trị?

Tôi tự nghĩ mình là một người tử tế. Tôi có lí lịch trong sạch, mặt mũi sáng sủa, gia đình tử tế. Tôi thường đi lễ. Tôi đã tốt nghiệp đại học. Thậm chí tôi còn giảng dạy tại những buổi hội thảo ở FEE (Quĩ giáo dục về kinh tế - ND) mấy năm nay rồi. Đôi khi tôi nghĩ rằng đáng lẽ tôi phải là một nhà cầm quyền tốt, nhất là khi tôi tự so sánh mình với một loạt các chính khách hiện nay. Chính quyền của ông Rottman nghe khá hấp dẫn đấy chứ. Nhưng bạn không được thích sự cai trị của Rottman – đặc biệt là nếu bạn có thể lựa chọn phương án pháp trị.

Pháp trị nghe có vẻ chán ngắt, nhưng – cùng với người đồng hành với nó là quyền sở hữu – nó là tác nhân quan trọng duy nhất trong quản trị chất lượng.

Nếu bạn so sánh hai khu vực tương tự nhau về mặt địa lí – thí dụ như Florida và Haiti – và hỏi vì sao Florida thịnh vượng và hòa bình, còn Haiti thì không, câu trả lời sẽ là: pháp trị là nguyên nhân quan trọng nhất của sự khác biệt. Phương Tây chiến thắng các đối thủ cách đây cả mấy ngàn năm không phải vì khí hậu hay tính chất của con người mà vì có sự tiến hóa của tất cả các loại thiết chế (luật lệ tốt), phù hợp với nguyên tắc pháp trị.

Mặc dù nó có tầm quan trọng như thế, ít người có học coi “pháp trị” là tác nhân chủ yếu đối với sự thịnh vượng của chúng ta, sinh viên thì còn ít hơn nữa. Có thể họ hoàn toàn không biết một sự lựa chọn khác mà ta có thể gọi là “nhân trị”. Không suy nghĩ về quá trình phát triển của chế độ mà chúng ta đang sống và về những lựa chọn thay thế cho nó thì chúng ta chỉ biết được một nửa về nó mà thôi. Chúng ta quên rằng Locke đã từng tuyên bố: “Ở đâu không có luật pháp thì ở đó không có tự do.”

Lời tuyên bố của Locke không có nghĩa là tất cả các bộ luật đều làm cho chúng ta tự do hơn: Bằng trực giác chúng ta nhận thức được rằng luật về bảo hiểm y tế của Obama (Obamacare) hay việc do thám của Cơ quan an ninh quốc gia (NSA) không mở rộng quyền tự do của chúng ta một cách nhanh chóng. Cách hiểu của Locke về luật pháp và hòn đá thử vàng của mọi dự luật được đề nghị hiện nay là luật pháp phải mở rộng quyền tự do của cá nhân.

Luật pháp làm được điều đó khi chúng là:

  • những qui định đơn giản,
  • tiến hóa cùng với thời gian,
  • mọi người đều đồng ý và đều biết,
  • ít khi thay đổi, và
  • áp dụng một cách bình đẳng với tất cả mọi người.

Một bộ luật cụ thể có thể ngớ ngẩn, nhưng nếu nó đáp ứng được phần lớn các tiêu chí bên trên thì sống dưới sự điều tiết của nó có thể sẽ dễ dàng hơn là bị cai trị bởi một nhà cầm quyền có tính cách thất thường và độc đoán.

Hãy tưởng tượng một đạo luật ngớ ngẩn, chỉ đáp ứng một vài tiêu chí bên trên. Giả dụ bộ luật qui định rằng ngày 1 tháng 5 hàng năm ai cũng phải mang cái mũi hề trong một giờ đồng hồ. Vâng, nó sẽ làm người ta khó chịu. Và cái biểu hiện phù phiếm này chỉ có mỗi một mục đích là làm giàu cho những người sản xuất mũi hề mà thôi; nhưng xin hãy nghĩ về nó: Nó là một qui định đơn giản. Nếu tất cả chúng ta đều biết nó, đều hiểu nó và có thể chúng ta đã thực hiện nó mấy lần rồi, và tất cả chúng ta đều phải thực hiện nó, nó sẽ là sự áp đặt nhẹ nhàng đối với quyền tự do của chúng ta, đấy là nói nếu so với những cuộc điều tra tùy tiện và thất thường của Sở thuế vụ (IRS) hay thậm chí là sự cai trị của một nhà độc tài có thiện ý.

Và các nhà độc tài thường là những người có thiện ý, họ theo đuổi “lợi ích xã hội” theo cách hiểu của họ. Trong thế kỉ I, ở Rome, hoàng đế Claudius lấy làm tự hào khi công bố những bản chỉ dụ, cả tá chỉ dụ mỗi ngày, thậm chí còn tuyên bố rằng đánh rắm nơi công cộng có lợi cho sức khỏe nữa. Chỉ dụ của hoàng đế Diocletian về giá cả năm 301 sau Công nguyên cũng là chỉ dụ đầy thiện ý. Nền tài chính của đế chế Rome sụp đổ. Phần mở đầu nói rằng “chúng ta phải đặt giới hạn” cho lòng tham, tức là cái được cho là làm cho giá một sextarius bia Celtic cao hơn 4 denarii. Và thế là nếu bạn đòi 5 denarii chứ không phải 4 denarii thì bạn sẽ bị tử hình.

Cùng với việc mở rộng lãnh thổ của Rome ở Địa Trung Hải, chế độ pháp trị trở nên xấu đi. Cụ thể là, khi có nhiều vấn đề cần giải quyết thì quyền lực của hành pháp cũng gia tăng, trở thành độc đoán hơn. Rome chuyển từ nước cộng hòa pháp trị thành đế chế bất bình thường, được cai trị bởi các bạo chúa độc đoán, những người, dù có ý định tốt, nhưng không có cái mà Hayek gọi là “kiến thức về thời gian và không gian” để có thể làm cho đế chế Byzantine của họ hoạt động một cách bình thường.

Thế thì tại sao nhiều người lại ủng hộ “nhân trị”?

  • Nhiều người trong chúng ta còn nhớ rõ cách cai trị này trong việc dạy dỗ chính chúng ta. Cha mẹ chúng ta yêu chúng ta và biết rõ những lợi ích tốt nhất của chúng ta.
  • Chúng ta còn nhớ rằng bố biết nhiều nhất. Cha (và mẹ) biết khả năng và nhu cầu của chúng ta và biết cách lo lắng cho chúng ta. Vì vậy mà chúng ta nghĩ rằng những người cầm quyền của chúng ta cũng biết chúng ta và thậm chí có thể còn biết chúng ta hơn chính chúng ta nữa: nguồn năng lượng nào là tốt nhât cho tương lai của chúng ta, trẻ con cần những kiến thức gì và phương pháp sư phạm nào là phù hợp, thậm chí cả các hóa chất mà các vận động viên được phép sủ dụng nhằm nâng cao thành tích của họ nữa.
  • Người ta còn thấy chủ nghĩa vị tha là tốt và cho rằng bắt buộc người ta phải có lòng vị tha sẽ mang lại nhiều điều thiện hơn. Họ không hiểu được hay tưởng tượng được rằng những tổ chức từ thiện tư nhân chăm sóc người nghèo và cảm thấy có lỗi khi trong xã hội giàu có mà dẫu còn nhiều người nghèo.
  • Người ta giả định rằng trong các chế độ dân chủ đa số sẽ không bầu cho những người cầm quyền độc ác hay bất tài.
  • Người ta thường thiếu kiên nhẫn. Những thủ tục đã được thiết lập có thể là rào cản đối với những quan điểm không giới hạn về công bằng xã hội hoặc cố gắng để sửa chữa những hậu quả ngoài ý muốn của luật pháp còn thiếu sót. Chúng ta muốn có kết quả ngay chứ không phải là một quá trình lâu dài.

Khi thấy các vị tổng thống hay quan tòa bỏ qua các tiến trình chính trị đã được thiết lập và ban hành sắc lệnh thúc đẩy điều tốt nói chung, xin bạn hãy suy nghĩ về chỉ dụ đầy hơi của Claudius hoặc tuyên bố của Diocletian rằng ngỗng béo không được bán quá 200 denarii. Xin nhớ lại rằng nguyên tắc pháp luật trị của chúng ta cho Quốc hội, chứ không phải là bộ máy hành chính hoặc tư pháp, ban hành pháp luật, và Quốc hội cũng chỉ có thể lập pháp theo tinh thần của Điều I, Mục 8 của Hiến pháp (Hoa Kì – ND) mà thôi.

Đã đến lúc chấm dứt những trò đùa với nguyên tắc pháp trị. Nhiều người trong chúng ta thực sự là những người tử tế, nhưng quan điểm mang tính áp đặt về công bằng hơn, xanh hơn, thịnh vượng hơn, tốt hơn mà bạn đưa vào thế giới trống rổng là sự từ chối thẳng thừng quá trình đã từng tạo ra công bằng, sức khỏe, và thịnh vượng hơn trong xã hội phương Tây.

Bruce Rottman - là giảng viên tại FEE và hiện cũng đang giảng dạy tải Providence SchoolSanta Barbara, California.
Phạm Nguyên Trường dịch
Nguồn: fee.org
Previous Post
Next Post