Một cái đuôi phong kiến cổ quái!

Cách đây hàng chục năm, nghe trên diễn đàn QH thấy có đại biểu nêu ý kiến cảm thông với cán bộ xã phường vì công tác vất vả mà chế đô đãi ngộ lại quá... bèo bọt, tôi đã thấy nghi hoặc. Các vị hình như quá xa thực tế, không hiểu gì về cuộc sống ở cấp cơ sở sát dân nhất là xã phường. Nếu như những lời than thở “hộ” cán bộ cấp xã phường mươi, mười lăm năm về trước mà đại biểu cử tri nêu lên là sự thật, thì chắc từ đó đến nay bộ máy xã phường ở nước ta sẽ “teo tóp” tự giảm biên chế đi rất nhiều, không đến nỗi phình to quái dị như hiện nay.

Không phải chờ đến khi vị đứng đầu tỉnh ủy Quảng Ninh có vẻ ngạc nhiên kêu lên “Bộ máy hành chính giờ kinh khủng thế!” thì dư luận xã hội mới biết là nó “kinh khủng”.

Một phường Hồng Hải thành phố Hạ Long 475 cán bộ ăn lương và phụ cấp hành chính, một thị trấn Mạo Khê- Đông Triều 639 người, một xã đảo 200 hộ dân có 100 cán bộ. Một trường phổ thông cấp ba có bốn bảo vệ; bốn cán bộ.... lao công chuyên đưa thư, chuyển báo cho hiệu trưởng!

Chưa chắc Quảng Ninh đã là địa phương có bộ máy hành chính cồng kềnh quái dị nhất. Cách đây không lâu, ở một xã nghèo của Quảng Xương Thanh Hóa, ông chủ tịch xã nói thật không nhớ được hết cán bộ cấp... thôn. Cũng phải thôi, vất vả đến như cán bộ xã phường, lại đãi ngộ bèo bọt như đại biểu QH từng lên tiếng kêu cho họ, thì “sức mấy” biết mặt hết hàng trăm ông bà, em cháu... cán bộ!...

Đáng tiếc “bề nổi của tảng băng trôi” chẳng nói lên được gì nhiều về bản chất vấn đề “cái đinh ốc” hành chính phường xã nói riêng và guồng máy hành chính nhà nước khổng lồ nói chung. Ai cũng biết mười mươi xã nào, hoặc nói “khiêm tốn” hơn, quá bán xã phường cả nước đầy rẫy những chuyện tham nhũng đất đai, tiền bạc, chuyện cán bộ “dĩ công vi tư”, lợi dụng chức quyền làm giầu bất chính vân vân và vân vân.

Người ta chỉ căn cứ vào đồng lương trên giấy trắng mực đen cán bộ xã phường mà không muốn hoặc không có cách nào nhìn “thấu” phần “bổng” vô hình nhưng rất đáng kể khi cán bộ đảng viên đã lọt được vào “cơ chế”. Hỏi đồng lương có nghĩa lý gì so với bạc tỷ mà một “suất đất” mặt đường đem lại.

Thế mà báo chí mới đây đưa tin ở Hưng Yên, có xã chỉ làm “anh địa chính” thôi đã “xoay” được ba suất mặt đường rồi!. Đấy là chưa nói đến tình trạng mất đoàn kết, đấu đá, chia bè kéo cánh, tranh đoạt chức quyền khiến người dân hết sức bất bình, ngao ngán. Thử hỏi trong số 130 ngàn thôn bản, 570 huyện thị, tỷ lệ xã phường tiêu biểu, điển hình cho phong trào xây dựng nông thôn mới chiếm được bao nhiêu? .

Một nét nổi cộm không thể không nhận ra là bất kỳ ở đâu, có chức có quyền dù nhỏ dù to là tất sẽ có lợi to lợi nhỏ. Mèo nhỏ bắt chuột nhỏ, chịu khó làm anh cán bộ “èng èng” trước rồi “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” “gió chiều nào ta che chiều ấy” trước sau “một ngày đẹp trời” may mắn cũng vào vị trí có thể “kiếm chác ” được.

Nhìn từ xã “vọt” lên trung ương, người ta thấy gì? Mới đây thôi, ngoài chuyện ông chánh thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền người quê hương đồng khởi Bến Tre sở hữu tài sản “khủng long tiền sử”, lại đến ông bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng “sở hữu biệt điện hiện đại còn hơn cả “phủ toàn quyền” ngày xưa; chưa kể quỹ đất “khủng” của vị này do “xoay xở” mà có được ở thành phố Đà Lạt –hòn ngọc du lịch cả nước.

Rồi một ông cựu Chủ tịch tỉnh Hà Giang “nghèo nhất nước” hạ cánh an toàn xuống cơ ngơi như cung vua Mèo Vương Chí Sình” thời nảo thời nào. Rồi một ông nguyên bí thư tỉnh ủy hai khóa xứ Thừa Thiên – “Huế đẹp Huế mơ” ai ngờ là anh hùng chống giặc... “giả” bắt đầu bị “rớt giá” nghe đâu từ cái ‘tát tai” của cô gái bán quán không chịu để “ngài” sàm sỡ vân vân và vân vân...

Tiền nhân có câu “thượng bất chính hạ tắc loạn”, người trên không liêm chính, người trên không “học tập đạo đức tác phong Hồ Chủ tịch”, cán bộ đảng viên cấp tỉnh, cấp trung ương còn làm... “quan cách mạng” chỉ để “làm vua không ngai” “vinh thân phì gia” như thế, trách gì cấp cuối cuội xã phường!. Thử hỏi công bộc của dân, như lời dạy của Hồ Chủ tịch, là “đầy tớ nhân dân” bền chí với nhân sinh quan cách mạng “chống chủ nghĩa cá nhân vinh thân phì gia” “khổ trước thiên hạ, sướng sau thiên hạ” “tất cả vì hạnh phúc nhân dân” thì làm gì có chuyện làm to chiếm đoạt lớn, làm nhỏ chiếm đoạt... cò con như thế!

Nói cò con là nói cho vui... chữ thôi. Quyền lợi của cán bộ xã phường trong thực tế không hề... cò con một chút nào. Nếu không, miếng mồi danh lợi ấy, cái bả “công hầu” ấy dù ở xã phường lại chẳng có một sức hấp dẫn, lôi kéo kỳ quái đến thế khiến cho bộ máy hành chính ở nông thôn phình to tới mức khủng khiếp. Thời phong kiến, dân gian có câu “thằng còng làm cho thằng ngay ăn”, “một người làm quan (to nhỏ) cả họ được nhờ”(nhỏ to) chả lẽ sang thế kỷ 21 lại lộn về “đầu thai nhầm thế kỷ”? !

Có nhà nghiên cứu quản lý hành chính, trước thực trạng bộ máy hành chính “giảm ít tăng nhiều” cho rằng “nước ta tư duy có phần kỳ dị, thậm chí nhất thế giới”. Chẳng có gì kỳ dị cả! Cái gốc của vấn đề sâu xa là ở sự “tồn tại quá bền vững” cái đuôi phong kiến cổ quái quen thói “ngồi mát ăn bát vàng” “không quen cống hiến chỉ quen hưởng thụ”, mà hưởng thụ vô tội vạ không cần biết đến nước, đến dân, thậm chí không cần biết đạo đức, liêm sỉ tối thiểu.

Cứ nghĩ đến những ngày đầu tháng năm, trong khi cả nước lòng người sục sôi vì chuyện giàn khoan khổng lồ Trung Quốc cắm trên hải phận Việt Nam thì ở pháp đình Hà Nội, diễn ra cuộc xử án anh em nhà Dương Trí Dũng- Dương Tự Trọng mà ngao ngán! Đào tạo và sử dụng cán bộ, quản lý cán bộ đảng viên, bộ máy hành chính các cấp quá nhiều điều bất cập!.

Hệ quả là mấy chục năm xây dựng XHCN, đặc biệt từ thời điểm kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, dần dần hình thành nên một bộ máy hành chính cồng kềnh “hành dân là... chính”. Nhiều chỗ nhiều nơi rất thiếu công bộc đủ năng lực đủ đạo đức liêm chính. Bộ máy đó như đám tầm gửi xanh tốt cực kỳ bám chắc trên thân cây chế độ theo “cơ chế thị trường.... nhường bao cấp xin cho” thành lực cản không hề nhỏ, nếu không muốn nói quá lớn cho mọi hoạt động kinh tế xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà từ “bôi trơn” mà “văn hóa phong bao” quen thuộc như “chuyện thường ngày ở huyện”, đến cả doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở Việt Nam cũng thông tỏ ngọn ngành!

Muốn hay không cũng phải thanh toán cái bộ máy quá nhiều người “ăn bám”- thực chất cũng là “bầy sâu con, sâu cháu, sâu chắt... ” của bầy sâu tham nhũng “ăn hết phần của dân” gồm đủ loại đại ca, đại gia, cộm cán quyền lực và tiền tài to nhỏ đông đàn dài lũ từ trên xuống dưới.

Bộ máy ấy như cái đuôi phong kiến kéo lê của “chế độ XHCN chưa hoàn thiện” và không biết đến cuối thế kỷ này có hoàn thiện hay không... như người đứng đầu chính thể lo lắng bình nghị. Không dần dần thanh toán “cục bướu” hành chính đáng sợ này thì rất khó xây dựng nền hành chính lành mạnh, hiệu lực. Mà không hoàn thiện nền hành chính lành mạnh, hiệu lực thì làm sao đảm bảo dân chủ, công bằng trong thực tế đời sống kinh tế xã hội? Ở phương diện này không phải/ không thể chỉ là hô to khẩu hiệu suông như bánh vẽ.. /

Tác giả: Đào Dục Tú
Previous Post
Next Post