Như một ‘truyền thống’ từ khi con người xuất hiện trên mặt đất này, chúng ta phải lao động để có miếng ăn, để tồn tại. Nhưng tại sao nhiều người lao động rất vất vả nhưng dường như vẫn không đủ ăn, vẫn bị cái đói hành hạ? Cái đói, thực tế đã đe dọa và tiêu diệt chúng ta không ít trong lịch sử loài người, có điều ở thời hiện đại ngày nay, nạn đói đã trở nên một vấn đề toàn cầu. Bạn có nhìn thấy nạn đói?
Các bạn sống ở phố xá, thành thị thì nhìn sao thấy cái đói được dù nó diễn ra hàng ngày ở bao nơi trên Trái Đất, ở những vùng khác của đất nước, hoặc thậm chí ở ngay thành phố bạn sống, nơi những người ăn xin xuất hiện trước mặt bạn hàng ngày. Nếu bạn không tin hãy thử một chuyến đi xa, đến những vùng núi, hẻo lánh và kiểm nghiệm. Tôi không thể quên những hình ảnh em bé miền núi áo không đủ mặc, quần rách, mặt mày đen bẩn và đói ăn, có đứa thậm chí không có quần áo mà mặc, dù đó là mùa đông lạnh cắt da cắt thịt. Bạn đã từng nhìn thấy? Liệu có liên quan gì giữa cuộc sống của chúng ta với sự đói nghèo của bọn trẻ đó không? Đó là lí do tôi viết bài này.
Và câu hỏi nữa, có liên quan gì giữa thói quen ăn thịt của chúng ta và nạn đói trên thế giới?
Thật đáng buồn khi câu trả lời là CÓ!
Nếu không dành số lượng ngũ cốc để nuôi trâu bò mà đem cho người nghèo và người thiếu ăn thì chúng ta có thể dễ dàng có đủ lương thực cho hầu hết những người bị đói trường kỳ trên thế giới.
Nếu chúng ta chỉ ăn nửa số lượng thịt thôi thì chúng ta có thể có đủ thức ăn để nuôi toàn bộ ‘những nước đang phát triển’, trong đó có Việt Nam ta.
Chỉ cần giảm sản xuất thịt đi 10% thôi là đã có đủ lượng ngũ cốc để nuôi 60 triệu người – Theo ước lượng của Jean Mayer, một nhà dinh dưỡng ở trường đại học Harvard.
Bạn có biết: 80-90% ngũ cốc trồng ở nước Mỹ được dùng để nuôi súc vật lấy thịt?
Nếu 20 năm trước (theo thời điểm cuốn sách của P.R. Sarkar xuất bản, tức khoảng đầu những năm 80 của thế kỷ trước), một người Mỹ có mức sống trung bình ăn 50 pound (454g) thịt hàng năm thì hiện nay, riêng thịt bò ông ta đã ăn tới 129 pound: vì tính ‘nhất thiết phải ăn thịt’ của nước Mỹ, phần lớn mọi người hàng ngày ăn gấp hai lần số lượng protein cho phép. Biết được thực tế hiển nhiên đằng sau vấn đề ‘thiếu lương thực’ là điều cơ bản để hiểu chúng ta phải làm gì để sử dụng thích đáng tài nguyên của thế giới.
Ngày càng có nhiều các nhà khoa học và kinh tế thế giới chủ trương một chế độ ăn chay để giải quyết những khó khăn lớn về vấn đề lương thực của hành tinh chúng ta, vì họ nói, ăn thịt là một trong những nguyên nhân chính của vấn đề này.
CHỦ NGHĨA ĂN CHAY CÓ QUAN HỆ NHƯ THẾ NÀO ĐỐI VỚI VẤN ĐỀ THIẾU LƯƠNG THỰC?
Câu trả lời thật đơn giản: thịt là loại thức ăn không kinh tế và không có hiệu quả nhất mà chúng ta có thể ăn. Giá một pound protein thịt cao hơn 20 lần giá protein thực vật dù chúng cùng một lượng dinh dưỡng như nhau. Chỉ có 10% số protein và calo chúng ta cho gia súc ăn là lấy lại được trong thịt chúng ta ăn vào, điều này có nghĩa là 90% đã ‘trôi xuống cống’.
Nhiều khu đất rộng lớn đã được bỏ ra để nuôi súc vật lấy thức ăn. Những khu đất này có thể được sử dụng hữu ích hơn nhiều nếu đem trồng ngũ cốc, các loại đậu đỗ và rau quả khác cho con người để ăn trực tiếp. Chẳng hạn, một mẫu Anh (4 sào ta) đất dùng để nuôi một con bò non chỉ cung cấp được có 1 pound protein, trong khi cùng miếng đất đó mà trồng đậu nành sẽ sản sinh ra được 17 pound protein. Nói tóm lại, để ăn thịt, chúng ta cần sử dụng một số đất gấp 17 lần số đất cần tới để trồng đậu nành. Trong khi đó, đậu nành có nhiều dinh dưỡng hơn, ít chất béo hơn và không có độc tố như ở trong thịt.
Nuôi gia súc để lấy thức ăn là một điều lãng phí khủng khiếp nguồn tài nguyên của thế giới, không những chỉ lãng phí đất mà còn lãng phí cả nước nữa. Người ta ước tính rằng nuôi gia súc lấy thịt cho một chế độ ăn thịt cần sử dụng một lượng nước gấp 8 lần khi trồng rau và ngũ cốc. Bạn cứ hình dung lượng nước một cơ thể bình thường như bạn 50kg tiêu thụ khoảng 3-5 lít nước một ngày, vậy với con trâu hoặc bò từ 500kg trở lên thì hết bao nhiêu lít nước?
Điều này có nghĩa là trong khi hàng triệu người trên toàn thế giới đang chết đói thì một số người giàu có lại đang lãng phí một số lượng lớn đất đai, nước và ngũ cốc để ăn thịt, trong khi chính bản thân thịt lại dần dần hủy hoại cơ thể của họ. Có thể tính, người Mỹ tiêu thụ hơn một tấn ngũ cốc một người mỗi năm qua việc nuôi gia súc để lấy thịt trong khi số người còn lại trên thế giới tiêu thụ trung bình vào khoảng 400 pound ngũ cốc.
Ông tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kurt Waldheim đã nói rằng: Sự tiêu thụ thực phẩm của các nước giàu là nguyên nhân cơ bản của nạn đói trên toàn thế giới. Và Liên Hợp Quốc cũng đã mạnh mẽ khuyến cáo những nước này nên giảm số lượng thịt tiêu thụ.
Nhiều nhà khoa học nói rằng biện pháp chủ yếu để giải quyết nạn khủng hoảng lương thực toàn cầu là dần dần chuyển từ một chế độ ăn thịt sang một chế độ ăn chay. ‘Nếu chúng ta là những người ăn chay, chúng ta có thể quét sạch nạn đói trên trái đất này. Trẻ em khi đó sẽ được ra đời và lớn lên trong sự nuôi dưỡng tốt, và chúng sẽ sống cuộc đời hạnh phúc và khỏe mạnh hơn. Súc vật sẽ được tự do để sinh sống như những loài thú hoang dã tự nhiên, chứ không buộc phải sinh sản nhiều như những kẻ nô lệ, bị vỗ béo để đưa vào lò sát sinh, với thứ lương thực mà con người khi đói cũng phải ăn’ (B. Pinkus, trong cuốn ‘Các loại protein trong rau’).
Bởi vì nhiều nhà khoa học tiên đoán ràng số lượng lớn nhu cầu lương thực trong tương lai sẽ được đáp ứng bằng các loại protein thực vật, nhiều nước phương Tây hiện đang tài trợ cho nhiều cuộc nghiên cứu để phát triển các loại protein ngon trong rau quả lấy từ bột đậu nành. Nhưng những người châu Á, trong số những dân tộc khác đã tiến xa so với việc nghiên cứu cấp cao này, họ đã lấy được loại protein hảo hạng bằng cách ăn tàu hũ (đậu khuôn) và các thành phẩm đậu nành khác hàng ngàn năm nay rồi.
Chế độ ăn chay là chế độ ăn cho tương lai – một chế độ ăn mà nhân loại chúng ta một lần nữa phải theo, nếu chúng ta muốn dành dụm tài nguyên thiên và điều còn quan trọng hơn là đảm bảo cuộc sống quý báu của nhân loại trên khắp thế giới. Người ăn chay ngày nay là con người của tương lai. Họ định hướng cho mọi người cuối cùng sẽ noi theo vì người ta ngày càng nhận ra những lợi ích của chế độ ăn chay và những kết quả tai hại của tập quán mà hiện nay chúng ta còn đeo đuổi.
Việc sản xuất thịt chắc chắn là một nguyên nhân chủ yếu của khủng hoảng lương thực trên toàn cầu, nó chỉ là một sự biểu hiện sinh động của vấn đề nằm bên trong một mô hình mờ mịt nhưng lan tràn khắp và thâm nhập vào mọi phương diện của cuộc đáu tranh dành lấy những nhu cầu cơ bản của con người trên hành tinh chúng ta. Xin trích dẫn lời của thánh Gandhi làm lời chào cho phần này và ta sẽ tiếp tục đi vào cái đói ở buổi sau: ‘Trái Đất có đủ cho nhu cầu của mọi người, nhưng không đủ để đáp ứng lòng tham của mọi người’.
Zen Chap (hoitho.vn)