Những áng văn chương đồ sộ bất hủ nhất là cuộc siêu vượt của nô tài lên ông chủ, cũng như cách con người muốn khẳng định danh dự của mình, chẳng hạn như cuốn tiểu thuyết Spartacus viết về một nô lệ của Đế quốc La Mã đã vùng dậy, Donquixote của văn hào Cervantes viết về chàng hiệp sĩ thôn quê đi tìm danh dự, “Vụ Kiện” của Kafka đi đòi công lý, “Tội ác và trừng phạt” của Dostoievski đi tìm công bằng, hay “Túm lều của bác Tôm”, hoặc “Không gia đình”… không thể kể hết được.
Việt Nam lâu nay chúng ta vẫn bảo, chúng ta chưa có tác phẩm xứng tầm thời đại. Lý do chính hẳn phải là: văn học của chúng ta chưa vươn lên tầm ông chủ, mà mới chỉ lẹt đẹt, lè tè, xó máy tầm cán bộ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, hoặc nói thẳng không úp mở vẫn đang còn ở mức con sen, thằng ở.
Đây là một đề tài hệ trọng, nên tôi xin được nói thẳng theo cách khoa học, chứ chúng ta không thể có khoa học theo lối quanh co úp mở. Chuyện ông chủ và đầy tớ cũng nên hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nghĩa đen thì rất rõ ràng rằng đó là kẻ trên người dưới. Nhưng nghĩa bóng là: có nhiều ông chủ như Hòa đại nhân ở Trung Quốc chẳng hạn, tưởng là oai khi vừa ngồi ghế bô đại tiện vừa tiếp các quan địa phương, nhưng kỳ thực là thứ tư duy đắc chí tiểu nhân.
Ngay cả Viên Thế Khải khi đã giữ chức Tổng thống Trung Hoa Dân quốc mà vẫn giữ thói “cao sang” bằng cách vừa ngồi đại tiện vừa có một quan chức đứng hầu bên cạnh. Thật tầm thường bé nhỏ. Kết quả lúc cuối đời vợ chồng y còn đóng cửa tắt đèn để mặc triều phục của vua và hoàng hậu. Không biết đó có phải thứ “nô tài lại gạo”.
Trong khi đó Napoleon xuất thân từ sơn cùng thủy tận nơi đảo Corce xa xôi đã tiến về giữa Pairis hoa lệ đăng quang Hoàng đế, Mandela người da đen đã cố gắng cả dăm thập kỷ để biến mình thành Tổng thống da đen không những thế còn nâng tất cả người da đen qua khỏi lằn ranh kỳ thị, Obama cũng là một người da mầu đã trở thành Tổng thống của cường quốc số một thế giới Hoa Kỳ cứu vãn mặc cảm cho người da mầu châu Phi một lần cho tất cả…
Trong mỗi người đều có phần cao thượng là ông chủ, đều có phần thấp hèn là đầy tớ. Vì thế khi bàn về ông chủ là bàn về tính tự giác, tự chủ, bản lĩnh độc lập, tự do của mỗi người. Dù vậy, cái biểu hiện để thể hiện ra ngoài vẫn được biểu tượng là ông chủ và đầy tớ. Đấy là biểu tượng hiển nhiên của văn học và nghệ thuật.
Nói chung chỉ có ông chủ mới thể hiện những gì cao thượng từ tư duy cho đến các hành động. Người ta thấy các ông chủ ném găng thách đấu để bảo vệ danh dự, chứ hiếm thấy các đầy tớ đòi ném găng. Người Việt có câu “Miệng kẻ sang có gang có thép, đồ kẻ khó vừa nhọ vừa thâm”. Nhà văn Pháp Standal có nói “kẻ ăn ở chế giễu ông chủ trong nhà bếp, nhưng bắt chước ông chủ ở ngoài cuộc đời”. Tại sao vậy? Vì mang mặc cảm của kẻ dưới, họ luôn tìm cách chế giễu ông chủ trong bếp để hạ thấp ông chủ, nhưng khi bước ra đời, hình ảnh của ông chủ vẫn khiến cho họ nghĩ như thế mới là cao thượng và tốt đẹp hơn những gì họ có.
Người phương Tây có một phương ngôn bất thành văn “Ngữ pháp là học theo cách nói của những nhà quí tộc”, tức là, cả xã hội sẽ học cách nói theo những ông chủ quyền thế, giầu có, nhiều chữ, quí phái, luôn tư duy cao thượng, vĩ mô, và biết trọng danh dự. Người Trung Hoa, còn có cả một lý thuyết bàn về bậc quân tử và hạng tiểu nhân. Nói chung người quân tử phải mang những đức tính tốt đẹp như Trung, Hiếu, Lễ, Trí, Tín, thậm chí cả Bách đức, trong khi đó đám tiểu nhân chỉ biểu hiện cho những gì bé nhỏ thấp hèn.
Triết gia Arisote nói “Lý trí trên cảm xúc, lý trí thống trị cảm xúc”, như vậy lý trí bao giờ cũng lập trình, vạch kế hoạch vĩ mô, dẫn dắt, chế ngự, cũng như thả bổng cảm xúc tung bay. Trong y học hiện đại người ta phát hiện, ngay sau khi tinh trùng gặp trứng để hình thành thai nhi, thì liền có hai tim thai hoạt động. Tim thai ở trên não, và tim thai ở tim. Như vậy bộ não con người cũng như hệ điều hành bao giờ cũng hình thành đầu tiên. Triết gia Platon mô hình hóa, trong một nhà nước, thì:
1- Não tượng trưng cho tư duy, cũng là giới lãnh đạo.
2- Tim tượng trưng cho danh dự và lòng dũng cảm, cũng là giới chiến sĩ.
3- Dạ dầy thì cho ăn uống, cũng là giới sản xuất.
Còn cảm xúc thì không được xếp hạng, vì nó tản mát và còn thua cả ba thứ trên. Đặc trưng của não, cũng như những con người tư duy là ý thức suy nghĩ, người Việt nói “một người lo bằng một kho người làm”, cụ thể hơn là:
Ông cả ngồi trên sập vàng
Cả ăn, cả mặc lại càng cả lo
Thằng bếp ngồi dưới xó tro
Ít ăn, ít mặc, ít lo, ít làm.
“Miệng kẻ sang có gang có thép”, tức là người cao quí uyên thâm thì ngôn ngữ hùng ngôn tráng chí, lời nói như có nhiều binh đoàn trong đó, đặc biệt các cuốn Kinh Sách được coi như “Đức Chúa Lời”, khi mở màn kiến tạo vũ trụ bằng mệnh lệnh. Giống Đức Chúa Trời nói trong Kinh Thánh “Cho dù cả vũ trụ qua đi, cũng không có một chấm một phết nào của ta qua đi!”
Tất cả các sấm ngôn đều có sức mạnh chinh phục về lẽ phải và đạo đức!
Tất cả các quốc gia chỉ hình thành sau khi có “Văn từ lập hiến, lập quốc” để tạo thành pháp luật. Nếu không có hiến chương pháp luật này thì đất nước dù đông đến mấy cũng chỉ là các sắc tộc bán khai.
Fauster của thi hào Goethe được người Đức gọi là “thánh kinh của văn học Đức”.
Như vậy, mà nhiều nhà thơ Việt Nam, sau khi chỉ làm được ít thơ lẻ, thơ vụn, không có khả năng tạo dựng kiến trúc cho tác phẩm đồ sộ liền ngang nhiên bảo “trường ca không cần nhân vật”, như thế có tùy tiện không? Mà người tùy tiện hết cỡ như vậy là gì? Đó có phải hạng kẻ dưới nói năng càn quấy bất chấp lẽ phải?
Thêm nữa, nếu người ta chỉ làm được những vần thơ dựa trên cảm xúc, thì rõ ràng đó là thứ được chăng hay chớ thụ động của nô tài. Triết gia Platon đã nói rõ điều này: sáng tác dựa trên cảm xúc, tức là dựa trên các giác quan, giác quan đó lại tùy thuộc đối tượng bên ngoài như mắt muốn nhìn ngũ sắc, tai nghe ngũ âm, mũi ngửi ngũ vị, tay chạm vào cái sần sùi hay nhẵn nhụi… đó chỉ là sự phụ thuộc vào đối tượng bên ngoài chứ không phải do ý chí chinh phục của tinh thần.
Ở đời, cây nào ra trái ấy. Và cũng có những mệnh đề, “không có con người nào được sinh ra từ một bà mẹ vô sinh” hay “Người ta không thể cho cái mà mình không có”, văn chương, nghệ thuật Việt Nam từ cổ chí kim nói chung yếu ớt lèo tèo, không có kiến trúc lâu đài lớn, chỉ có các chuồng chim, lều lán bé nhỏ, những bài thơ cảm xúc, những ca khúc không cách gì rướn lên thành giao hưởng, đó là vì nó mới chủ yếu dựa trên cảm xúc “tức cảnh sinh tình”, thiếu lập trình của tư tưởng, mà chỉ là thứ cưỡi ngựa xem hoa phơn phớt bên lề cuộc sống, rồi bạ đâu viết đó, khi nổi hứng lên thì viết. Chúng ta nên rất ý thức điều này, bởi vì muốn có tác phẩm lâu đài thì phải có kiến trúc của lý trí ông chủ, chứ còn lèo lá mấy câu, khoe mẽ khôn khéo thiếu tư duy của “con sen, thằng ở”, thì chúng ta mãi mãi không thể bước tới miền đất sáng tạo vĩ mô.
Một tác phẩm lớn luôn cần tri thức mênh mông, tư tưởng lớn, đề tài lớn, lòng yêu danh dự lớn, đạo đức lớn, tình yêu lớn… vậy thì nếu các tác giả của chúng ta chưa mấy đào luyện, lại chỉ đá mấy quả cầu cảm xúc bé nhỏ trên cái sân thơ chưa đầy trang giấy trắng, thì liệu tác phẩm đó có là thành phẩm mang những giá trị lớn của nhân sinh?! Đặc tính của ông chủ, trước hết là tư duy, vì chỉ có cái đầu mới xứng đáng làm ông chủ. Vậy thì trước khi sáng tạo chúng ta nên nghĩ đến việc đầu tiên là “phải nghĩ”. Còn chớ nên biện hộ cho vài mẩu thơ lẻ có cảm xúc đẹp. Cho dù chúng có đẹp thì vẫn chỉ là “con ở” đẹp mà thôi!
Nguyễn Hoàng Đức