Trước tiên để tránh sự hiểu lầm, tôi xin thú nhận: tôi trân trọng mọi sự dũng cảm của những ai đã từng chiến đấu, hy sinh hay thương vong trong cuộc chiến của dân tộc hay nhiệm vụ quốc tế, tóm lại đó là sự dũng cảm do hy sinh xương máu.
Nhưng một đứa trẻ thú thực việc có lỗi của mình như đánh vỡ cái bát chẳng hạn có dũng cảm không?
Một ông nghị viên thoát khỏi vai nghị gật dám đứng thẳng trước mặt nhiều vị lãnh đạo nêu rõ quan điểm của mình, mặc dù sau đó hoàn toàn chuốc lấy án kỷ luật vong thân, có dũng cảm không?
Một cô gái trẻ bất chấp bố mẹ nói “từ con” nhất quyết bảo vệ và đi theo tình yêu của mình, đi theo một người đàn ông chưa thành đạt quăng mình vào sương gió bất trắc, có dũng cảm không?
Nữ bác học Marie Curie đằm mình trong phòng thí nghiệm nguyên tử đẫm phóng xạ trong nhiều năm, ngay cả giờ đây các nhà khoa học nói, cuốn sổ ghi chép của bà vẫn nhiều lượng phóng xạ quá mức cho phép. Vậy bà có dũng cảm không?
Có rất nhiều chuyên gia và sách vở đã bàn về đề tài này. Dũng cảm trong chiến tranh, hy sinh xương máu là thứ dễ thấy nhất, nhưng ở đó bao hàm 99% yếu tố “cực chẳng đã”, bởi vì đi lính bên này hay đi lính bên kia, do nhà nước huy động, thậm chí bắt buộc nghĩa vụ thì phải đi. Vào chiến trường rồi thì buộc phải bắn giết như người ta vẫn nói “mình không giết nó, nó giết mình”. Và nhiều khi sự mất mát hy sinh đã làm cho người ta uất hận căm phẫn và say máu, lăn xả vào bắn giết mà không còn biết sợ là gì!
Nhưng chính nhiều người lính khi trở về đã nói: “chết sông chết biển ta không chết, lại chết vì vũng trâu đầm”. Tại sao? Vì ngoài chiến trường chỉ có một phương thụ địch, còn phía sau là cả một dân tộc, địch ta phân chiến tuyến rõ ràng. Còn ở hậu phương nào cô gì chú bác, mấy anh bí thư, chủ tịch, rồi du kích bao quanh khác nào “mười phương thụ địch”, dùng cả văn lẫn võ và trò chơi bẩn, rút cục khiến anh hùng đã kinh qua các trận đánh lớn phải mắc lưới sa cơ rồi vong thân.
Một người làm chứng trước tòa, tội phạm là cả tổ chức mafia, sẵn sàng giáng đòn trả thù trong chớp mắt, rồi còn hệ thống công quyền đang thao túng bởi nhóm lợi ích cũng không muốn nghe sự thật, thì con người sự thật bé nhỏ kia phải thụ địch từ bao nhiêu phía, và dễ bị nghiền nát đến thế nào?
Chiến tranh như binh pháp nói “nuôi quân ba năm dùng trong một ngày”. Lâm trận một ngày bị thương có thể là anh hùng rồi. Nhưng để làm anh hùng như Marie Curie thì phải mất cả đời trong phòng thí nghiệm mang phóng xạ. Người Trung Quốc chiến tranh liên miên, đã có rất nhiều bàn luận về sự dũng cảm. Dũng cảm cơ bắp không chỉ có ở người lính, mà bọn đầu gấu, lưu manh, trộm cướp cũng biết dũng cảm, chúng đùa cợt với đao kiếm, súng ống, đối đầu với lực lượng quân đội, công an đông gấp bội, máu chảy, nhà tù và nghĩa địa mỗi ngày… chúng đâu có thiếu dũng cảm?! Và trong các sách về tướng số người ta khuyên, người nào hiếu sát như làm đồ tể chẳng hạn, thời bình giết người thì phạm trọng tội, nhưng thời chiến giết người lại được phong tặng anh hùng, vì thế người hiếu sát nên tìm dịp có chiến tranh để mà thời thế tạo anh hùng.
Đức Phật có một phương ngôn nổi tiếng: “Chiến thắng vạn quân không bằng tự chiến thắng mình”. Đúng vậy, nhiều khi chiến thắng dục vọng của chính mình, tức là thắng kẻ thù sát cánh với ta nhất khó hơn là chiến thắng vạn quân. Và trong câu nói, “chết sông chết biển không chết, lại chết ở vũng trâu đầm” là diễn tả có khá nhiều anh hùng trở về đã kiêu binh, không kiềm chế được bản thân, không chiến thắng nổi chính mình mà bị mấy anh du kích lèo tèo ở quê cho đo ván.
Cũng có một phương ngôn khác “Kẻ không chiến thắng được mình mà cứ muốn cài đạp người khác thì thật ngu xuẩn”. Đúng vậy, mình không thắng nổi bản thân mình lại cứ muốn làm chủ người khác thì làm sao?
Chiến thắng bản thân mình, tức chiến thắng kẻ thù bên trong sát cánh nghĩa là sự dũng cảm của tinh thần. Mà so sánh, thì sự dũng cảm cơ bắp nhiều khi chỉ là vai u thịt bắp.
Sự dũng cảm bằng cơ bắp luôn đứng sau tinh thần, như chính thánh Gandhi đã xác định cho dân Ấn Độ: “Vấn đề không phải giành độc lập cho dân Ấn Độ mà là để người Ấn Độ có đủ phẩm chất để sống trong nền đọc lập”. Có đủ phẩm chất ấy chính là sự dũng cảm của tinh thần.
Khi tôi bàn về tính hay ăn cắp của người Việt theo số liệu mới đây Nhật Bản công bố có 40% các vụ ăn cắp tại Nhật là người Việt (trong bài “Việt Nam cường quốc dân số tốp mười thế giới nhưng là thiểu quốc tinh thần”), thì có một người lấy tên nặc danh nói chẳng phải đầu chẳng phải tai rằng “nhiều người Việt sẵn sàng đánh Trung Quốc”. Tôi đang nói về phẩm chất thật thà, đó là sự đào luyện dũng cảm của tinh thần, người này lại quay ra bàn về sự dũng cảm cơ bắp. Vả lại, bàn đến sự dũng cảm làm gì khi chính bản thân mình viết một mẩu comment cũng đã phải ẩn nấp trong nặc danh?
Sự dũng cảm của cơ bắp chỉ có thể đem về cho chúng ta một quốc gia độc lập, nhưng để vươn lên làm ông chủ thực sự mà không cóm róm luồn cúi sợ hãi như những kẻ nô tài, thì theo thánh Gandhi, hay Tôn Trung Sơn, nước Việt cũng không thể tránh được công cuộc đào luyện sự dũng cảm tinh thần để trở thành những ông chủ thực sự.
Lãnh tụ Tôn Trung Sơn có nói về nạn ăn cắp của Trung Quốc như sau: cả dây chuyền sản xuất của nhà máy có một cỗ máy giá vạn đồng, thế mà người công nhân thiếu ý thức chung đã cắt một mẩu da ở dây tải máy, thế là cả cái máy vứt đi! Than ôi cái tham bé bỏng đó là của đám nô tài không hề có ý thức quốc gia.
Việt Nam đã có độc lập, nhưng căn tính nô tài còn nặng, đa số co cụm thành nhóm lợi ích “tham bát bỏ mâm”, ăn cắp đến độ “đào đường mới lên đặt cống”, “xi măng cốt tre”… bị thế giới người ta chỉ tận tay day tận mặt bằng số liệu, vậy mà không lo đào luyện mình bằng tinh thần tự giác xét mình, lại còn bào chữa loanh quanh. Những người thông cảm cho gian dối và trộm cắp thì chỉ là phường gian dối, trộm cắp. Mong rằng dân tộc ta sẽ vươn tới sự dũng cảm về tinh thần, để đất nước tự chủ thực sự, thoát khỏi dáng dấp nô tài khúm núm. Một quốc gia của nô tài sẽ không bao giờ hùng cường đích thực! Đó là chân lý không cãi nổi của lịch sử! Xin cám ơn nhiều!