- Ôi tư tưởng tân kỳ táo bạo. Mừng bạn có nhận định sắc bén, mới lạ. Bạn nói về Truyện Kiều chăng?
- Không.
- Nói về ‘Độc Tiểu Thanh ký ‘, “tam bách dư niên hậu” chăng?
- Trời! Tiên sinh có cả thơ thịt cầy nữa à? Nếu quả có hẳn là độc đáo, không sai.
- Sao lại “nếu”? Có chứ. Này nghe:
“… Nhân sinh vô bách tải
Hành lạc đương cập kỳ
Vô vi thử bần tiện
Cùng niên bất khai mi
Di Tề vô đại danh
Chích Kiểu vô đại lợi
Trung thọ chỉ bát thập
Hà sự thiên niên kế
Hữu khuyển thả tu sát
Hữu tửu thả tu khuynh
Nhãn tiền đắc táng dĩ nan nhận
Hà sự mang mang thân hậu danh”.
Đó là một đoạn trong bài từ ‘Hành lạc’1. Thịt chó hiển hiện rõ ràng. Thấy không?
- Quả nhiên. Đúng nó. Đọc lên nghe thơm phưng phức. Người xưa từng nói đến thứ văn hay đọc thơm tho cả miệng lưỡi. Là đây chăng? Giá có luôn cái nghĩa…
- Có đấy. Hai ông Phạm Khắc Khoan và Lê Thước đã dịch ra Việt ngữ:
… “Người không sống trăm tuổi
Gặp thì nên vui chơi
Chớ giữ nếp nghèo khó
Lo lắng suốt đời người
Di Tề không danh lớn
Chích Kiểu không giàu to
Trung thọ chỉ tám chục
Tội gì ngàn năm lo
Có chó cứ làm thịt
Có rượu cứ nghiêng bầu
Được mất trên đời chưa dễ biết
Cần gì lo tiếng hão về sau”.
- Mấy câu chót… thấy nó thế nào. Những câu trên không nói làm gì, nhưng từ cái chỗ “có chó” là phải khác. Có chó là có khác, lẽ ra phải thế. Dân nhậu đớp thịt cầy ai lại “nghiêng bầu”? trông nó cổ lỗ, khệ nệ quá. Mình có nên điều chỉnh cái khẩu khí lại một chút cho hợp thời hợp cảnh không? Chẳng hạn:
“Có cầy nên hạ gấp
Có rượu hãy dzô mau
Được thua trước mắt còn chưa rõ
Sá gì danh hão chuyện mai sau”.
Bạn nghĩ sao?
- Từ từ, sẽ nghĩ về bạn sau. Lúc này nghĩ về Nguyễn Du.
- Bạn làm tôi mất hứng quá. Tuy vậy, tôi nhất trí với bạn: Nguyễn Du là độc đáo. Hơn nghìn năm văn học ký tải ở Việt Nam dễ gì tìm ra thơ thịt cầy? Phải chịu là món hiếm hoi.
- Thế là xong một khoản Nguyễn Du độc đáo. Còn khoản thịt cầy: theo ý bạn thế nào?
- Nhất. Đó không phải ý tôi. Đó là ý kiến toàn dân, từ trên xuống dưới. Trên, tức hạng Nguyễn tiên sinh. Sinh ra là con một ông quận công, hai anh làm quan lớn, tài danh nổi tiếng một thời, trong nhà đàn hát yến ẩm quanh năm, món ngon vật lạ không thiếu thứ gì. Xuất ngoại một phen thì cầm đầu sứ bộ, đi tới đâu được nghênh tiếp trọng thể cấp dưỡng thừa mứa tới đó:
“… Quân bất kiến sứ thuyền triêu lai cung đốn lệ?
Nhất thuyền nhất thuyền doanh nhục mễ
Hành nhân bão thực tiện khí dư
Tàn hào lãnh phạn trầm giang để…”2
Dọc đường đã thế, đến triều đình phải biết! Thế mà khi có rượu, tiên sinh không hề nghĩ đến nem công chả phụng, đến thứ cao lương mỹ vị nào, tiên sinh chỉ ao ước hạ một con cầy.
Dưới, là dân gian khắp nước. Ai mà không biết câu “Sống trên đời ăn miếng dồi chó, thác xuống âm phủ biết có hay không?” Thấy chưa? Người ta không ăn thịt chó như ăn các thứ thịt khác trên thế gian. Ăn mọi thứ thịt khác, bất quá tấm tắc khen ngon. Ăn thịt chó thì vừa ăn vừa kêu trời. Bạn nhẩm lại cái chỗ “Thác xuống âm phủ…”, rồi bạn chịu khó ngẫm nghĩ, băn khoăn, trăn trở, suy tư giùm xem, bạn chịu khó khảo cứu truy tầm giúp cho, xem trong kho tàng văn học của ta tự cổ chí kim có câu tán tụng thứ thịt nào khác mà não nuột, mà thiết tha đến thế chăng? Quái lạ, quái lạ thật. Thì ông cứ nhai nhồm nhai nhoàm, nuốt xong ông phê một tiếng “Tuyệt”, thế là miếng thịt dính trong kẽ răng nó đã run bắn lên vì sung sướng. Hà tất phải rít lên, phải viện dẫn đến cả cái sống cái chết, đến cả dương gian với âm phủ. Gì mà thống thiết vậy hả Trời?
Nhưng có lẽ ta nên khe khẽ. Khen thịt cầy, cứ oang oang lên, lỡ Mỹ nó nghe…
- Sợ nó lôi ra tòa án Long Beach kêu tù à?3
- Không đến nỗi thế. Nhưng ngại nó chê mình … kém văn minh.
- Kỳ thị một cách đáng xấu hổ. Chuyện khẩu vị không phải thuộc vấn đề văn minh. Mỗi dân tộc có một sở thích ăn uống. Tàu là nước văn minh cao, Tàu ăn vịt, món vịt Bắc Kinh nổi tiếng khắp thế giới, trứng vịt bắc thảo Đặng Tiểu Bình nghiện nặng, đi viếng Hoa Kỳ mấy hôm không nhịn được; thế mà Mỹ không dùng cả thịt vịt lẫn trứng vịt, Tàu vẫn tha thứ không chê là kém văn minh. Dân này khoái trứng cá muối như điên, dân nọ không màng ngó tới. Xứ này ham xơi phao câu, ham gặm giò gà, giò heo, dùng rùa hầm, lươn um; xứ khác chưa từng thử đến. Nơi này khoe thịt trâu ngon tuyệt, nơi kia trề môi nhún vai…
Thượng Đế làm ra mỗi người một cái lưỡi riêng, mỗi người một bao tử riêng: không có ai nuốt lộn vào bao tử người khác cả, không ai làm phiền ai cả. Tùy nghi, tùy thích… Tự do. Thấy chỗ dị biệt đem ra bàn tán nghí ngố thì được, còn chê khen văn minh hơn kém này nọ dám mất lòng lắm đa.
Lòng yêu thịt cầy không phân chia đẳng cấp trên dưới, không phân biệt chính trị tả hữu. Một hôm gặp người đẹp, cõi lòng rung động mạnh, ông Bùi Bảo Trúc đem hết sự duyên dáng ra bảo rằng ông “rất thích chó (…) khi nào chó được nấu nướng kỹ càng và bày thật đẹp trên dĩa đặt trên bàn.”4 Một nhân vật của bà Dương Thu Hương đứng bên kia bờ ảo vọng tuyên bố với người yêu: “Rượu, thịt chó là món em khoái nhất. Đứa nào không biết ăn thịt chó thì thật là ngu.” Kẻ nam người nữ, kẻ chống cộng người theo cộng, kẻ bên này người bên kia bờ Thái bình dương, họ ca tụng thịt cầy toáng cả lên. Bạn lo ngại cái gì kỳ cục vậy?
- Ngại người Mỹ họ có thể bảo chúng ta xơi thịt cầy là không biết thương một con vật gần gũi…
- Đừng có ai đòi dạy ai về tình thương nhé! Gần đây ở Âu Mỹ có phong trào bảo vệ súc vật. Các ông các bà làm ồn nhiều lắm. Trong những xứ hâm mộ thịt cầy như Việt Nam, Trung Hoa, Đại Hàn v.v… từ hàng nghìn năm qua có bao nhiêu triệu người lặng lẽ ăn chay, ăn chay trường, và lâu lâu lại bỏ tiền ra mua cá, mua chim để thả xuống nước, thả lên trời.
- Này, giá lúc này có câu thơ thương chó đưa họ xem thì tiện nhỉ.
- Có đấy:
-
“… Niệm nhĩ thuộc thổ súc
Dữ nhân mao cốt đồng”…5
“Thổ súc dữ nhân mao cốt đồng”. Thương đến thế mới là thương sâu đậm. Thật… “thương cầy như thể thương thân”. Thấy xác con cầy chết trong núi, không cần biết cầy của ai, mà động lòng than thở như vậy, đời nay mấy kẻ?
- Thơ gì? của ai vậy?
- Thơ “Điệu khuyển”, vẫn của Nguyễn Du. Trong Nam trung tạp ngâm. Điệu khuyển, nghĩa là thương chó.
- Trời, cụ Nguyễn! Hết xẩy.
- Thấy chưa? Bạn chỉ giỏi được cái đọc thơ leo lẻo, mà không chịu thấy tấm lòng của Nguyễn tiên sinh. Kẻ sĩ yêu cầy là đấy, kẻ sĩ yêu thịt cầy cũng là đấy. Cho nên không thể vì “văn minh”, vì biết thương loài vật mà không ăn thịt cầy. Con vịt, con bồ câu, con rắn mối v.v… có phải là loài vật không? Con bò, con heo có phải gia súc không? tại sao người Mỹ trông thấy ăn thịt những con vật ấy họ không chồm người lên giận dữ như khi trông thấy ăn thịt cầy? Đối với họ con cầy có khác những thú vật kia.
- Khác thế nào? Cầy là gì của người Mỹ? Con cầy có địa vị ra sao trong đời sống Mỹ? Hả?
- Xem nào: Không thể nói về cái địa vị chung chung. Xét về địa vị trong tín ngưỡng chẳng hạn: có nơi lấy con này làm vật tổ có nơi thờ con kia làm vật tổ; vật tổ phải có địa vị cao. Lại như vì lý do tôn giáo, con bò có địa vị cao ở Ấn- độ. Trong huyền thoại Ai- cập thì thần Marpi mình người mà mang đầu chó, cho nên thuở xưa Do- thái thù chó mà Ai- cập kính chó. Còn ở Ba- tư ngày xưa cũng có thời luật pháp trừng trị kẻ nào phụng dưỡng chó không chu đáo, chẳng hạn cho chó ăn những món không xứng đáng…
- Tốp! Tốp! Địa vị tôn giáo, không cần. Nhân danh chính sách tiết kiệm năng lượng, xin tốp ngay cho. Ta không thờ chó, Mỹ cũng không thờ chó, nói chuyện ấy làm gì.
- Vậy hãy nói về địa vị của chó trong tình cảm của người. Trong tình cảm người Mỹ, địa vị của chó cao chót vót. Không những người Mỹ không ăn thịt chó, họ còn ra rít với chó, hết lòng vì chó khi sống, họ có nghĩa địa riêng chôn cất chó tử tế khi chết, lắm kẻ còn xếp đặt trước để lúc người từ giã cuộc đời thì nắm xương tàn được chôn cạnh chó, chứ không phải bên cạnh ông bà, cha mẹ, vợ con v.v…
Trong khi ấy trên phương diện tình cảm, địa vị con chó Việt Nam thấp kinh khủng. Thấp như địa vị đa số đồng loại ở Á châu. Tôi chắc ông Mỹ Will Durant trong khi tìm hiểu đặc điểm các nền văn minh khác nhau trên cõi thế gian đã chú ý nhiều lắm về điểm này. Cho nên trong bộ Lịch sử văn minh nhân loại của ông lại có chỗ ghi nhận về hoàn cảnh khuyển loại ở Đông phương: bị khinh bỉ, bạc đãi, thường lang thang ăn dơ ăn dáy ngoài đường; sống đời cù bơ cù bấc. Hình như không có ở nơi nào khác loài chó kém may như thế.
- Đáng tiếc, đáng tiếc! Tôi muốn biết tại sao? Tại sao ở Đông phương đầy tình thương đầy nhân ái, ở Đông phương nơi triệu triệu người đời đời kiếp kiếp từng ăn chay v.v…
- Tại sao? Hình như chưa có ai kịp hỏi ông Will Durant câu đó, nên không có lời giải đáp của ông. Còn câu giải đáp… của tôi? Theo thiển ý ấy là vì gia đình người Âu Mỹ thường nhỏ bé, mà gia đình chúng ta đông đảo quá…
- Tôi hiểu vì sao không có ai hỏi “thiển ý” của bạn: Ý kiến bạn nhảm quá. Chẳng ra ngô ra khoai gì cả. Hiểu thế “chó” nào được một giải đáp như thế?
- Bạn khó tính nhé. Thế thì đừng hỏi tại sao, đừng giải đáp. Hãy ngừng lại ở hiện tượng, nhặt nhạnh thêm một ít dữ kiện nữa về địa vị của chó trong tình cảm. Bạn để ý giùm chỗ này: Ta bảo: “Nhà tôi nuôi một con chó”. Đối với người Mỹ thế là mơ hồ quá. Thường thường họ minh bạch hơn: họ nói nuôi hoặc một con golden retriever, hoặc một con poodle, con chow chow, hoặc một con bull dog v.v… Toàn cõi nước ta không phải chỉ có một loại chó, thế nhưng chúng ta nhìn vào thế giới chó bằng con mắt thờ ơ, chúng ta trông qua đại khái, không cần chi tiết. Người Mỹ không bằng lòng một thái độ hững hờ. Trong bất cứ tài liệu nào về chó, dù sơ lược, cũng liệt kê được hàng mấy chục giống chó khác nhau đang quanh quẩn bên cạnh người Mỹ. Trong ngôn ngữ hàng ngày họ rành rẽ.
Rồi lại chỗ này nữa: Con chó ở ta không có nổi cái tên riêng. Nhà có đôi ba con chó vẫn gọi: con Vàng, con Vện, con Mực v.v… Lấy ngay cái màu lông của nó làm tên. Một cách dễ dãi, qua loa. Vàng, Vện gần như là những tên chung. Người Mỹ không thế: chó trong nhà mỗi con một tên riêng, cũng như mọi người trong gia đình. Tên chọn lựa kỹ lưỡng, công phu nhé. Ai cũng muốn chọn cho con chó cưng của mình một cái tên cho đẹp đẽ, hay ho. Nhu cầu ấy phổ biến lắm, cho nên ngay ở quầy tính tiền tại các chợ Mỹ thỉnh thoảng thấy bán cuốn sách con con liệt kê vô vàn mỹ danh để ai nấy tha hồ chọn cho chó. Có gần gũi, có cưng yêu, mới đặt tên riêng như thế. Gia súc quanh ta, con vịt, con gà, con lợn, đâu có con nào mang được một tên riêng?
Đó, thêm một dữ kiện.
- Bạn có quyền thêm một dữ kiện nữa. Miễn đừng góp “thiển ý”.
- Ở Mỹ con dog lúc nào cũng là con dog. Ở ta có khi nó là con chó, có khi nó là con cún, có khi nó lại là con cầy. Cún là chó con; con hay mẹ, sự phân biệt ấy không quan trọng. Nhưng cầy, chữ cầy rất đáng để ý: nó giết con chó. Vì cầy là tiếng gọi con chó thịt. Là tiếng gọi con chó trong tư cách… thực phẩm. Ta nuôi con chó, nhưng khi ăn ta ăn thịt cầy. Tiếng cầy là bản án tử hình xử chó. Sao vậy? Tại sao không có tiếng gọi riêng con bò, con gà để ăn thịt, con vịt thịt, con heo thịt, (những tiếng như con biếc, con ghiếc, con viếc, con hiếc chẳng hạn?). Thiết nghĩ ấy là vì miếng thịt chó ta phải gọi là thịt cầy mới tiện bỏ vào mồm. Nếu không, thấy ghê ghê thế nào. Con chó Đông phương nó bị hất hủi, nó ăn tạp lắm, nó lục lọi các đống rác, nó thơ thẩn ngoài đồng tìm chất thừa chất bẩn thỉu… Chó nó ăn cái ấy, mình lại đi ăn chó à? Ăn phải ăn cầy cơ. Trước khi dùng, phải thăng cấp cho nó.
Ở Âu Mỹ, con chó nó là pet, là con bạn, là cục cưng. Ở đó địa vị nó cao hơn con vật; ở ta nó thấp hơn con vật.
Ở Âu Mỹ nó là con bạn, là cục cưng. Ở ta, khi có ai hét vào mặt kẻ khác: “Đồ chó!” thì đó không hề có nghĩa là: “Đồ bạn!” Đồ chó còn tệ hơn là đồ mèo, đồ gà…
Đồ chó, tởm quá, không xơi được; nhưng cầy thì xơi được. Khi ta bỏ một miếng thịt cầy vào mồm thì ta không làm điều gì sai quấy; nhưng người Mỹ mà bỏ vào mồm một miếng thịt bạn thì trời đất quỷ thần nào dung thứ! Chuyện không quan niệm nổi.
Do đó chuyện thịt cầy giữa ta và Mỹ không phải là chuyện khẩu vị, cũng không phải là chuyện tình thương đối với loài vật nói chung. Chẳng qua họ và ta không cùng bỏ vào mồm một món thịt, cho nên phản ứng khác nhau vô vàn. Cho nên trong phản đối của họ có sự giận dữ.
- Này này, tôi cần lưu ý bạn: Bạn từng hứa chỉ có dữ kiện không có giải thích; thế mà dần dà bạn khe khẽ “trộm nghĩ”, khe khẽ đưa “thiển ý”. Liệu có can bạn nổi không đây?
- Bạn can, bạn thiệt thòi.
- Ơ! Khiêm tốn đến thế kia à?
- Nói thế là vì bạn thôi. Vừa rồi bạn tuyên bố rằng tôi nhảm khi tôi chưa hề biện giải. Nếu tiếp tục ngăn cản tôi, hóa ra chúa nhảm là bạn. Hãy để tôi biện giải xong, nếu sai, cái nhảm sẽ thuộc cả về phần tôi, có phải là lợi cho bạn không?
Chúng ta vừa bảo Mỹ xem chó như bạn, đó là căn cứ vào một từ ngữ (pet) đã có từ lâu đời. Dần dần mỗi lúc chó mỗi gần người, sát người. Xung quanh bạn, bạn thấy nhan nhản những bà những cô nuôi đôi ba con chó, gọi chó là con trai, con gái, là lũ con (my son, daughter, kids, children) v.v… Và thực tình họ xem như con, thương như con: có thế mới chôn cất, mới mồ mả, mới gửi xương cốt bên nhau chứ. Như vậy chó không còn là bạn, chó đã được kết nạp làm một thành phần trong gia đình người Mỹ. Vì sao vậy? Chỉ vì gia đình người Mỹ mỗi ngày mỗi thu hẹp lại, trở nên quá nhỏ bé, quá ít người…
- Đấy! Đấy! Lại…
- Cấm can thiệp. Cấm đàn áp. Hãy nghe đã. Bạn có tưởng tượng nổi trong một gia đình như nhà mẹ Lê6, con cái lũ khũ đùm đề như thế, mà bác Lê gái lại có thể gọi một con cún là “con tôi”, mỗi tối cho “con tôi” lên giường nằm bên mẹ không? khi trăm tuổi bác Lê gái yên giấc nghìn thu bên mộ con cún được không? Chuyện ấy thiết tưởng chỉ xảy ra vào trường hợp những bà cụ sống lủi thủi một mình xa con cái, những nàng cao số, long đong, muộn chồng, bỏ chồng, hiếm muộn v.v…, những trường hợp hết sức phong phú trong xã hội Mỹ.
Khi cô đơn quá, kẻ Âu người Á, kẻ trắng người vàng, không ai làm gì khác hơn là quơ vội quơ vàng vào một chút sinh khí cho ấm lòng. Trong một cái truyện ngắn của Linh Bảo, một ông chệt già ở Cựu Kim Sơn, vào những ngày tàn bơ vơ xa quê hương đã nuôi và cưng một cây chuối trong chậu, bình nhật chăm chút cho ăn phân cho uống nước đều đều, lúc gặp chuyện đau buồn thì cụ chệt già mời chuối cùng uống… rượu với nhau. Ở Cựu Kim Sơn có bao nhiêu là chệt già đối ẩm với cây chuối như thế?
Lấy cây chuối làm con còn tệ hơn lấy chó làm con.
- Phen này bạn kẹt với tôi. Bạn bảo gia đình thu nhỏ là lý do, cảnh sống cô đơn là lý do của tình cảm người- chó. Như thế, bạn có ý cho rằng người Mỹ mới kiêng thịt cầy trong thời kỳ hiện đại này chăng? Bởi vì xưa kia đâu phải lúc nào gia đình người da trắng cũng ít người? trong thời nông nghiệp ở đâu đại gia đình cũng đông đảo hơn ngày nay, điều ấy bạn đã biết. Tất nhiên xưa kia người Âu Mỹ đâu thấy cô đơn trong gia đình? Vậy theo ý bạn bắt đầu từ năm nào thì Mỹ kiêng thịt cầy? bạn định giùm tôi một thời điểm kiêng thịt cầy ở Âu Mỹ. Bạn cố gắng giúp cho.
- Bạn hùng hổ cứ như là cộng sản lúc vừa đánh hơi thấy mùi thắng lợi.
Bên Tàu, hơn hai nghìn năm trước từ cái quầy thịt cầy của một nhân vật lẫy lừng là danh tướng Phàn Khoái mùi thịt nướng đã xông lên làm thơm trang sách Tư Mã Thiên. Sử sách Tây phương không có cái may mắn ấy. Hoặc giả sử gia Tây phương thời trước không chú ý đến những việc như thế? hoặc giả người ta có chép nhan nhản mà tôi không hay biết? hoặc giả người da trắng cổ thời có thói quen nướng cầy cách lén lút? v.v… Chuyện đâu còn đó. Sự thực rồi sẽ có ngày phát hiện. Ngay lúc này hãy giả thiết là người da trắng chưa từng ăn thịt cầy bao giờ. Như thế có gì kẹt cho tôi đâu? Tôi không hề bảo rằng hễ ai không thương chó tất phải xơi thịt chó. Tôi có nói thế đâu? Người da trắng xưa kia rất có thể gia đình sum vầy, vừa không yêu chó quá đáng như ngày nay, lại vừa không ăn thịt chó, có sao? Tốt thôi.
Nếu bấy giờ, xa xưa, da trắng da vàng kẻ ăn người không, có khác nhau là do khẩu vị mà thôi. Ai thích gì ăn nấy, không giận nhau, chê nhau là văn minh hơn kém.
Nhưng cái khác biệt hiện thời không giống như cái khác buổi ấy. Vấn đề chúng ta nêu lên đây là cái khác hiện thời. Hiện thời có yếu tố tình cảm xen vào: ta xơi cầy là họ uất người lên đấy. Sự tình bắt đầu từ bao giờ. Xin thú thực: Không rõ. Tôi ngờ rằng cái nghĩa trang đầu tiên dành cho chó mèo ở Âu Mỹ chắc cũng không quá trăm năm. Người Âu Mỹ giã từ chế độ kinh tế nông nghiệp đã lâu, giã từ cuộc sống đồng quê mà về đô thị đã lâu, trong truyện của họ từ lâu lắm không thấy có những gia đình nườm nượp như gia đình họ Giả trong Hồng lâu mộng. Trong tiếng nói của họ, một vết tích thành ngữ tương đương với “tứ đại đồng đường” không hề nghe thấy bao giờ. Gia đình da trắng teo tóp đến đâu thì địa vị con chó cao lên đến đó, tôi chắc thế.
Chuyện tình cảm nó dần dà, nó lặng lẽ: đã yêu muốn chết mà lắm khi vẫn chưa biết là mình đã yêu, thỉnh thoảng còn đòi để hỏi lại con tim xem đã v.v…, bạn đừng nài ép tôi định rõ ngày giờ của tình yêu, kể cả yêu chó. Kể từ năm Mão? năm Tuất? giờ Dần? giờ Tị? nào ai biết được!
Còn chúng ta da vàng, có thể một phần vì bẩm chất sai con, mắn con: ngay từ buổi sơ khai, cái gì mà đấng tổ tiên đã nêu ngay gương lành, cho ra một lượt trăm trứng nở trăm con. Một gia đình như thế dầu phân đôi cũng không còn một chỗ trống nào cho con chó chen vào. Nguyên tiếng trẻ khóc đủ làm nó nhức óc hoảng hồn.
Thế rồi, đến mãi ngày nay nông nghiệp vẫn còn địa vị quan trọng, nông dân vẫn còn chiếm đa số, nề nếp sinh hoạt nông thôn và tâm lý nông dân vẫn còn sâu đậm. Các nhân vật tiểu thuyết của thế hệ Nhất Linh thỉnh thoảng lại có người than như bộng về cái “số” đông con; thế rồi các ông bà bảo trợ Mỹ đến thăm những gia đình thế hệ người Việt tị nạn lâu lâu bắt gặp một sân quế hòe nghìn nghịt.
Ở những quốc gia đã bước sang nền kinh tế kỹ nghệ, người ta đổ về đô thị, gia đình co rút lại. Xu hướng chung ở Âu Mỹ là thế; nhưng ở ta phương thức sản xuất Đông phương kéo dài chế độ kinh tế nông nghiệp, kéo dài chế độ chính trị phong kiến, kéo dài chế độ đại gia đình… Những cái ấy còn tồn tại không dứt, thì chó còn là… đồ chó, còn bị khinh khi, còn đứng ở bậc thấp nhất của cái thang giá trị các loài súc vật.
Tuy nhiên hồi gần đây rõ ràng là nếp sống đô thị đã tràn lan rộng rãi sang lắm nước Á châu. Cái rét đô thị thấm vào thấu xương số người càng ngày càng đông đảo ở Đông Kinh, Thượng Hải, Hương Cảng, Tân- gia- ba v.v… Hoàn cảnh đặc biệt của những tập thể lưu vong, di cư, tị nạn v.v… càng tăng thêm mức độ giá rét…
Do đó người Tàu già ở Hương Cảng đã từ cây chuối hài hước tiến tới một phát kiến sáng giá: là ôm lấy con chim. Con đường Honglok về phía Cửu Long là cả một thế giới chim: lớn có, nhỏ có, đủ màu, đủ loại, giống hát hay, giống múa đẹp, giống màu rực rỡ v.v… Ở đây có vô số kiểu lồng chim từ thượng vàng đến hạ cám, có những món đồ đựng thức ăn thức uống chạm trổ vẽ vời công phu, cầu kỳ v.v… Các ông cụ mò mẫm đến đây, dạo qua dạo lại ngày này sang ngày khác, ngắm nghía, chọn lựa, rồi móc hầu bao rước chim về hầu hạ phụng dưỡng. Cho ăn cho uống, quạt nồng ấp lạnh. Sắm những chiếc bình xịt nước li ti cho mát chim vào những hôm oi bức. Ngồi với chim hàng giờ. Mới tờ mờ sáng, các cụ ho hen xong, khạc nhổ xong, liền xách lồng chim rời căn phòng nhỏ hẹp của một cao ốc, xuống đường mua một tờ báo, tìm đến một công viên, người và chim cùng hưởng chút khí trời, rồi các cụ xách lồng chim vào tiệm uống cà- phê, trò chuyện với nhau, đấu chim đấu lồng với nhau… Suốt ngày người đâu chim đó. Trong tiệm, trên xe, chỗ nào cũng phải trù liệu sẵn móc cho các cụ treo lồng chim…
Hương Cảng Đông phương Da vàng đã đến nông nỗi ấy, thì Âu Mỹ há giữ nguyên vị trí cũ sao? Quả nhiên, Mỹ lại nhảy vọt.
Kỹ nghệ tân tiến và cuộc sống đô thị lại làm phát sinh thêm những diễn biến mới: Năm 1960 trong tổng số các cuộc sinh nở ở Mỹ con số sinh ra do phụ nữ không chồng chỉ có 5.3%, năm 1986 tỉ số ấy lên đến 23.4%. Người ta mỗi lúc mỗi ngại hôn nhân. Số người Mỹ ngại ngùng ấy tăng gấp bốn lần trong vòng hăm sáu năm. Nàng không chồng chàng không muốn vợ, cảnh nhà đâm ra đơn chiếc. So sánh các loại gia đình: gia đình nhiều người, gia đình một cặp, và gia đình một người, theo thống kê năm nay8 thì phát triển nhanh nhất là loại gia đình… một người! Đó là chiều hướng phát triển ở mọi nước kỹ nghệ (ngoại trừ Nhật Bản, tại đây non hai phần ba số người già còn sống chung với con cái.)
Tình huống mới có nhu cầu mới: một con bạn chó chưa đủ. Con chim của các cụ già Hương Cảng trở thành đấng anh hùng của thời đại mới. Trước kia nuôi chim trong nhà là chuyện lai rai, cuối thập niên 80 nó tiến vụt lên như chớp. Giữa năm 1988 khắp Hoa Kỳ có gần 58 triệu con mèo, 49 triệu rưởi con chó nuôi trong nhà. Cùng năm ấy, số chim nuôi chưa tổng kết được, chỉ có con số khá “đại khái” từ 45 đến 100 triệu con. Dịch vụ kinh doanh về chim, tính cả bán chim, bán thức ăn cho chim, lồng chim v.v…, số thu lên đến mười tỉ một năm. Nhưng theo ước tính thì thập niên 90 mới đích thực là thập niên của chim. Bấy giờ chim là số 1, là vô địch.
Mỹ đã say mê món nào là say mê ra trò. Chim bé cỡ 10$, 20$ một con, có; yến 30$, 40$ một con, có; két Harlequin macaw cỡ 2,500$ một con, có; mà con két Hyacinth macaw ngót 30 inches giá 10,000$ một con cũng có nữa. Cục cưng mà. Luận về hiện tượng chơi chim, ông Marshall Myers, phó chủ tịch Hội đồng cố vấn ngành chăn nuôi cầm thú để làm bạn trên nước Mỹ, nói quyết rằng đó là hậu quả của lối sống mới, của nếp sống đô thị: thêm nhiều người trong gia đình phải ra ngoài làm việc, thêm nhiều người độc thân, cảnh ở condo, ở apartment, và thì giờ eo hẹp làm cho thiếu chỗ thiếu thì giờ nuôi chó…
Chim thắng chó là lẽ đương nhiên, là xu thế của tương lai v.v…
- Xu thế tương lai… Con người tiến từ chó tới chim…
- Tương lai ấy bắt nguồn từ một nhu cầu nguyên thủy: chút hơi ấm. Con người nguyên thủy đã chịu mất cả một chiếc xương sườn để cho có bạn, có cô bạn xong vẫn thấy không bằng lòng: “Chỉ đôi bạn? thế vẫn còn chưa đủ.” Đòi thêm con chó. “Một thầy, một cô, một chó bạn”: vẫn chưa đủ. Đời vẫn lạnh lẽo giá băng. Phải thêm vào đôi ba con chim bên mình… Ôi vũ trụ, ôi càn khôn: rét quá.
Mai kia, con người đô thị trông thấy ai nhai một miếng thịt chim chắc chắn là đứt từng khúc ruột, là gầm lên chê kém văn minh.
- Có “ôi” tức đến kết thúc rồi. Kết thúc chuyện thịt cầy, sẵn trớn ngon lành, ta nhấn ga vọt sang vấn đề thịt chuột, nên chăng?
- Không.
- Thì sang thịt ba ba nhé!
- Không nên.
- Ơ, kỳ thị đến thế sao?
- Không phải. Các thứ thịt khác chỉ là thịt. Riêng thịt cầy là thịt, lại là thơ ca, là kinh tế, xã hội, văn hóa, triết lý (ôi)… Nói chuyện thịt cầy, mình ném bậy một hòn đá mà làm rụng lông được vài ba con chim: Tiết kiệm năng lượng. Nói về các món kia, lãng phí quá.
Võ Phiến
1 Thanh hiên thi tập.
2 ‘Thái bình mại ca giả’ (Bắc hành tạp lục). Bốn câu trên có nghĩa: Chẳng thấy cái lệ cung đốn cho thuyền sứ mỗi buổi sáng đó sao? Hết thuyền này tới thuyền khác chở đầy nào gạo nào thịt đến. Người ăn không hết, phải đổ đi. Canh thừa cơm nguội trút cả xuống lòng sông.
3 Năm 1989 tòa án Long Beach có xử một vụ mấy người Miên hạ cờ tây.
4 Thực ra ông Bùi không ăn thịt cầy.
5 Nghĩa: Nghĩ rằng mày là giống súc vật, cũng lông cũng xương giống như con người.
6 Xóm Cầu Mới của Nhất Linh.
7 ‘Cây chuối buồn’, Mây Tần.
8 của Monthly Labor Review, Bureau of Labor Statistics.