Có thể thấy mối tương quan giữa đời sống văn hóa xã hội và đời sống kinh tế trong xã hội hiện nay. Chính trong một cuộc sống nhiều khó khăn, thể chế xã hội không đủ bảo đảm các vấn đề an sinh, người ta phải tự lo cho mình và gia đình của mình, không chỉ vì cái ăn mà còn là sự tích lũy chính đáng.
Cái xã hội không tạo sự an tâm cho chính mình và quan tâm đến người khác làm cho người ta đi quá giới hạn của hành vi lao động để kiếm sống. Người ta lao vào kiếm sống bằng mọi giá và bằng mọi cách, quên cả nhân phẩm của chính mình và các tương quan xã hội. Cái cách vơ vét tất cả khi có thể, vì quyền lợi của mình bất chấp quyền lợi người khác, kể cả những lợi ích thiêng liêng của quốc gia và dân tộc…thì sẽ không từ một thủ đoạn nào: bon chen, xu nịnh, giả dối và sẵn sàng chà đạp người khác. Cái xu thế đó đang hình thành một lối ứng xử xu thời trong xã hội, hình thành nên một lớp người trong xã hội chỉ vì tiền, và đã góp phần làm băng hoại một thế hệ con người. Và khi một xã hội không có đạo đức, không thể xây dựng một xã hội lành mạnh vì dân sinh.
Đành rằng con người sinh ra là phải làm việc, người ta làm việc trước hết vì trách nhiệm với mình và gia đình mình, đó là trách nhiệm để một xã hội tồn tại. Lao động không phải là một lời nguyền rủa đối với thân phận con người “phải vất vả mới có cái để ăn”. Bạn cần nhìn thấy nơi đó mình được là mình, được suy nghĩ và sáng tạo, được làm người đúng nghĩa khi mình là chủ nhân của công việc mình đang làm. Nhờ lao động bạn hiểu được giá trị của những hạt mồ hôi, giá trị của chén cơm bạn đang ăn … bạn học được sự kiên nhẫn, sự hy sinh, những giá trị nhân văn ẩn chứa trong từng sự vật và cả sự mong manh của kiếp người. Nhờ lao động, bạn cũng có thể cảm nhận được giá trị của những hy sinh, sự đồng cảm với những cái nghèo, những thân phận “thiếu trước hụt sau”, những thân phận thiếu may mắn … mà cho dù có nhiều tiền đem cho bạn cũng không có được sự đồng cảm như vậy. Chính cái nhìn lao động không gì khác ngoài việc để kiếm sống đã dẫn tới những thái độ và cung cách làm việc như chúng ta thấy nhan nhản hiện nay.
“Vì nhân dân” hay “vì con người” hiện nay thực ra đang là một khẩu hiệu để mị dân không hơn không kém, để đổ lỗi cho những sai lầm hay để che đậy cho những thủ đoạn của mình.
Chỉ khi có những chính sách vì con người thực sự, mới trả con người về đúng môi trường của nó. Con người ở đây được hiểu với đầy đủ nhân phẩm, được sống và làm việc, không phải chỉ để quần quật kiếm miếng ăn, mà còn được phát huy những khả năng, được yêu thích trong nghề nghiệp, được làm chủ công việc và xã hội, được cảm nhận những giá trị cao quý từ sản phẩm mình làm ra, được chia sẻ và cảm thông với đồng loại, được thấy ích lợi mang lại cho xã hội từ những công việc mình làm…
Để có được một môi trường như thế, xã hội còn nhiều việc phải làm.
Miếng ăn
Miếng ăn có quan trọng không?
Họa có người điên mới bảo không quan trọng. Đói quá thì chân tay bủn rủn, mắt hoa, tai ù…, bởi thế Chúa mới bảo các môn đệ lo cho dân chúng ăn.
Miếng ăn quan trọng, bởi người ta cũng đã chứng kiến bao nhiêu sự hèn hạ và tội ác do đói mà ra.
Miếng ăn luôn là thách thức cho con người, có lẽ từ khi con người bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng với lời nguyền phải làm lụng vất vả mới có miếng mà ăn. Cho nên miếng ăn nó ám ảnh con người.
Không chỉ vì những miếng không hiểu có gọi là miếng ăn nữa không khi có những bát phở giá một triệu đồng hay một con cua giá năm triệu đồng.
Cho đến những quay cuồng bon chen, giành giật, tích lũy … đến mức không còn giờ ăn uống, nghỉ ngơi.
Khi đó miếng ăn cũng là miếng …nhục, khi chỉ vì miếng ăn mà đánh mất cả phẩm giá, tư cách con người mình.
Miếng ăn quan trọng, nhưng có quan trọng nhất đời mình không? Hay cũng để trả lời câu hỏi: sống để ăn hay ăn để sống?
Đừng dùng câu “có thực mới vực được đạo” để biện minh cho những lý do lao vào làm ăn kiếm sống, bất chấp đạo lý và không còn thì giờ chăm lo cho đời sống tinh thần và tâm linh của mình.
“Con người phải làm lụng vất vả mới có miếng ăn” không phải là lời nguyền. Đúng hơn đó là lời mời gọi trong việc cải tạo và biến đổi thế giới, xây dựng những giá trị tốt đẹp cho mình và cho người khác. Hơn hết là thấy mình được làm người hơn trong việc làm chủ thế giới qua những công việc đó.
Nên nếu có nhiều tiền gởi trong ngân hàng “ăn ba đời” không hết, thì cũng nên kiếm một công việc mà làm. Vì lao động không phải chỉ để kiếm miếng ăn, mà còn làm mình thành người hơn.