Có người quần quật suốt ngày cũng
vì miếng ăn. Có người ty tiện, bán cả danh cả tiếng, cầu cạnh cho được bả vinh
hoa, mồi phú quý. Hạng người này có biết đâu “Miếng thịt là miếng nhục”. Suốt
đời chạy theo miếng ăn, sống chết vì miếng ăn, coi miếng ăn là tuyệt đích:
Miếng ăn là miếng tồi tàn
Mất ăn một miếng lộn gan lên đầu.
Trái lại cũng có người trước danh
lợi vẫn giữ được nếp sống trắng trong. Họ quan niệm đời một cách khác, vì họ cho
đời lẫn lộn đắng cay, ngọt bùi. Sở dĩ người ta giành giật, xâu xé nhau vì đời
là trường tranh đấu:
Sự đời nghĩ cũng nực cười
Một con cá lội, mấy người buông câu.
Trong thiên hạ, nhiều người tranh
nhau từng miếng ăn, nói xấu, hãm hại nhau, tìm cách dìm người khác xuống:
Trâu cột thì ghét trâu ăn
Quan võ thì ghét quan văn quần dài.
Bậu chê qua ở rẫy ăn còng
Bậu về ở chợ, ăn ròng mắm nêm.
Hơn nữa, ngoài chợ đời thì thiếu
chi người gian trá, bịp đời, sống trên lưng người, thuộc vào phường “treo đầu
dê, bán thịt chó”. Họ còn lắm mồm lắm miệng, nói ngược nói xuôi, chê khen vô
lối:
Cá không ăn câu chê rằng cá dại
Cá mắc câu rồi nói tại tham ăn.
Tuy nhiên, có khi tranh giành
nhau đến trầy vi tróc vảy mà chung quy vẫn hoài công, vì kết quả thu được chẳng
là bao:
Sá chi một nải chuối xanh
Năm bảy người giành cho mủ dính tay.
Thật là một chuỗi cười trào lộng
pha vị chua chát, như chửi vào mặt bọn buôn danh bán tiếng, suốt đời chạy theo
cái bóng hư danh? Ý tưởng này nhắc ta nhớ đến quan niệm về cuộc đời của nhà thơ
Lý Bạch cho rằng, đời chỉ là một giấc mộng lớn, cần gì phải lao đao, lận đận
(Xử thế nhược đại mông/ hồ vi lao kỳ sinh?).
Câu ca dao sau đây cũng giúp ta
suy nghĩ nhiều về thái độ giả dối của những người chỉ tha thiết nghĩ đến quyền
lợi của bản thân mình thôi:
Cơm ăn không hết thì treo
Việc làm không hết thì kêu xóm làng.
Cuối cùng, qua miếng ăn, ta thấy
ca dao tục ngữ cũng bày ra hạng người vong bổn, chỉ biết mới chuộng cũ vong,
chẳng khác chi:
Có chả, em tình phụ xôi
Có cam phụ quýt, có người phụ ta.
Ăn cháo đá bát.
2. Thái độ đối phó
Cuộc đời quả thật phiền toái và
đắng cay. Cho nên, dựa trên kinh nghiệm, chúng ta phải có thái độ đối phó như
thế nào, phải khôn ngoan xử thế làm sao cho hợp lý.
Ca dao tục ngữ dạy ta sống là
phải đấu tranh, phải chịu đựng gian khổ mới có thể mưu sinh dễ dàng.
Có khó mới có miếng ăn
Ngồi không ai dễ mang phần tới cho.
Muốn ăn phải lăn vào bếp.
Làm sao mà ăn không, ở vì được
trong khi mọi người đếu lấy “bát mồ hôi đổi bát cơm”?
Thành thử, khi ra đời, phải tập
luyện cho cơ thể quen thuộc với nắng mưa, chịu đựng gian khổ:
Đã từng ăn bát cơm đầy
Đã từng nhịn đói cả ngày chẳng ăn.
Nếu có gặp được cảnh sống thư
thả, sung túc thì phải nghĩ đến những lúc thiếu thốn và một ngày mai có thể bị
sa cơ thất thế:
Được mùa chớ phụ ngô khoai
Đến năm có hạn lấy ai bạn cùng?
Thái độ có hậu, chung thủy như
trên rất hợp với tinh thần nhân nghĩa của người Á Đông. Còn muốn đảm bảo thành
công ở đời thì ta phải khôn ngoan xử sự, có óc thiết thực, không bao giờ chuộng
những cái gì hão huyền:
Sống thời con chẳng cho ăn
Chết thì xôi thịt làm văn tế ruồi.
Cái lối sống thiết thực ấy phải
là lối sống có điều độ, hợp với lẽ phải:
Anh ơi, uống rượu thì say
Bỏ ruộng ai cày, bỏ giống ai gieo.
Ăn lắm thời hết miếng ngon
Nói lắm thời hết lời khôn, hóa rồ.
Rượu lạt uống lắm cũng say
Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm.
Tuy rằng phải tùy cơ ứng biến,
phải “Ăn theo thuở, ở theo thì”, nhưng con người trung nghĩa thì bao giờ cũng
phải chuộng sự thật, tránh thái độ gian tham, giả dối:
Ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối.
Những câu phương ngôn trên diễn
tả những món ăn, vật uống đã là những lý luận mẫu mực, xác đáng dạy ta phép xử
thế thực tiễn.
3. Bổn phận trong miếng ăn
Tuy là phải “vắt đầu cá, vá đầu
tôm”, một nắng hai sương để chạy từng bữa ăn, nhưng con người còn có cái gì quý
hóa, thiêng liêng hơn, đó là bổn phận:
Anh đi, em ở lại nhà
Hai vai gánh vác mẹ già con thơ
Lầm than bao quản muối dưa
Anh đi, anh liệu chen đua với đời.
Người con trai ra đi, vẫy vùng
bốn phương cho phỉ chí nam nhi, cũng yên tâm vì có được người vợ hiền ở nhà
chăm sóc gia thất, phụng dưỡng cha mẹ già, nuôi dạy con thơ. Món ăn thanh đạm
muối dưa nói lên được cái tình nghĩa sắt son của người đàn bà.
Hơn nữa, người con gái còn mang
nặng bổn phận hiếu thảo đối với cha mẹ, kính nhường anh em, giữ hòa khí trong
gia đình:
Nhà em có vại cà đồng
Có ao rau muống, có đầy chĩnh tương
Dẫu không mỹ vị cao lương
Trên thờ cha mẹ, dưới nhường anh em
Một nhà vui vẻ êm đềm
Đói no trong cảnh không thèm lụy ai.
Đối với người thân ta phải có bổn
phận đã đành rồi, còn đối với vô số người vô danh trong xã hội đã góp phần vào
đời sống công cộng, thì hết lòng tri ân:
Ăn trái nhớ kẻ trồng cây
Ăn gạo nhớ kẻ đâm xay tối ngày.
Thái độ biết ơn trên cũng là thái
độ cố hữu của người Việt, là bổn phận của người dân được hưởng thụ, vẫn ghi nhớ
công đức đối với các bậc tiền bối đã khai sáng đất nước.
4. Khí tiết của miếng ăn
Như vậy, con người lấy nhân nghĩa
mà xử sự ở đời, sống phải có trước có sau mặc dầu gặp cảnh nghèo khó, gian khổ
phải luôn luôn thủy chung như nhất:
Thủy chung như nhất, sang giàu mặc ai.
Cao hơn nữa, cái khí tiết trung
nghĩa được phát lộ trong mấy câu ca dao thời thế sau đây. Trước cám dỗ vật
chất, trước những miếng ăn thịnh soạn của tân trào mang lại, con người trung
nghĩa quyết cam phận thanh bần:
Văn minh gặp buổi Lang Sa
Tri âm thì ít, trăng hoa thì nhiều
Khuyên ai giữ chí về sau
Đừng còn tập tễnh Tây, Tàu mà no
Thà rằng chịu đói no rau cháo
Lấy chồng nghèo giã gạo nấu cơm
Chẳng hơn thịt cá đầy mâm
Mà đem thân thế ra thân thế này…
Những người tiết nghĩa như vậy
bao giờ cũng chọn cái gì trong trắng, cao quý và ghét đời ô trọc gian tham:
Khế rụng bờ ao thanh tao anh lượm
Ngọt như cam sành héo cuống anh chê.
Ai lại không thích ăn sung mặc
sướng, sống đời vương giả, đầy đủ và tiện nghi? Tuy nhiên, nếu sống được như
vậy mà phải nô lệ tân trào thì trở về với đời sống đạm bạc còn hơn:
Canh cải mà nấu với gừng
Chẳng ăn thì chớ, xin đừng chê bai.
Cũng như người con gái, chống lại
chế độ đa thê, thà chịu cảnh nghèo nàn chứ nhất định không chịu lấy chồng chung:
Đói thì ăn nắm lá sung
Chồng một thì lấy, chồng chung thì đừng.
Sưu tầm