Người trí thức là gì trong thời đại tiến bộ?

Người trí thức là ai? Chúng ta hãy định nghĩa một cách giản dị nhất: đó là người có học, có chữ. Dứt khoát rằng không có người trí thức mù chữ, không biết đọc, không biết viết.

Nhưng khái niệm sơ khởi đó làm cho rất nhiều người trong chúng ta yên tâm, đó là sau vài năm xóa nạn mù chữ đầu thế kỷ 20, hơn 90% dân số mù chữ ở Việt Nam, nhờ bình dân học vụ đã trở thành 90% biết chữ. Vậy thì họ đã là những người trí thức chưa? Ít ra chúng ta cũng phải công bằng trả lời: họ đã có nhiều chất trí thức hơn cái thời mù chữ.

Vậy thì người ta phải học đến độ nào đó, chẳng hạn như vượt qua cấp hai, hay cấp ba mới có thể thành người trí thức?

Nhưng than ôi, ngay cả những tiến sĩ, giáo sư hằng hà sa số kia, liệu đã vượt ngưỡng để trở thành người trí thức? Đây không phải câu hỏi hài hước hay ám thị kiểu văn học, mà là câu hỏi đi trực tiếp vào thước đo chuẩn để nhìn nhận một người có phải trí thức không?

Thử nhìn những kẻ đèn sách ngày xưa. Kìa có người ba năm đóng cửa đọc sách uyên bác trùm thiên hạ, nổi danh như sấm ngang trời về học rộng tài cao, ba năm liền ông nằm đọc sách, còn gối đầu lên một chiếc gối tròn, để nếu buồn ngủ đầu đập xuống phản thì tỉnh lại liền. Trời ơi, mới có ba năm đọc sách mà đã nhằm nhò ư?! Mà đọc sách có thể nằm được, thì có bao nhiêu phần trăm nghiêm túc, hay là chỉ đọc các loại sách bình tán, bình hươu – tán vượn, để đến nỗi, suốt trong cả lịch sử đằng đẵng nghìn năm văn hiến, Trung Quốc một nước đông dân nhất thế giới không sản sinh ra nổi một người có khả năng viết phê bình. Nếu có dăm mống hay mười mống, thì đó chỉ là thứ “bình” – vô thưởng vô phạt mà thôi. Ngay cả Kim Thánh Thán, người đời vẫn chỉ coi là lời bình, mà không phải phê bình. Tức là không có phán đoán. Triết gia Kant nói rằng: nếu học mà không có khả năng phán đoán thì vô dụng. Còn người Việt gọi đó là “học toi cơm”.

Hãy xét kỹ, những thứ nằm đọc sách vài năm đã lừng danh thiên hạ của người Tàu, chủ yếu xoay quanh bộ Tứ thư – Ngũ kinh, cứ coi như chín quyển, nếu người ta đọc cách chú mục thì hết chín tháng, còn người có khả năng đọc thì hết ba tháng… Cái học lấy thuộc làu làu làm đích. Dẫn đến thứ học hành mà nhà phê bình Hoài Thanh gọi là học hành cử tử, học để lo lều chõng đi thi kiểu thuộc lòng, rút cục suốt ngày bẻm mém đọc vài câu đối hay xếp vần mấy câu thơ vụn vặt, mà Hoài Thanh gọi là: thứ học chỉ đúc ra hàng vạn bài thơ dở.

Chúng ta vẫn đang bàn theo lối đi vòng ngoài. Thực ra các trí thức tiền bối hiện đại của Trung Quốc như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Tôn Trung Sơn, Lỗ Tấn… đã tạo lên một định nghĩa mới cho người trí thức Trung Quốc, đó là: Chỉ là người Trí Thức nếu là người mang tâm cảm tiến bộ của thời đại mới.

Đây là một định nghĩa rất minh bạch và mãnh liệt. Theo đó các loại hủ nho lọ mọ xếp chữ suốt ngày, nào thơ nào phú, sách chất từng bồ từng nong, thì cũng chỉ là thứ ngăn kéo cũ, sao có thể xứng đáng là người trí thức?!

Trí thức là người có học hơn người. Có học vấn tức người ta không chỉ nhìn sự việc bằng trực giác mà người ta nghiền ngẫm sự việc theo những nguyên lý như triết gia Aristote nói: “Càng học ít càng buồn/ Dù uống nước trong chẳng thấy được nguồn” (NHĐ dịch từ Bách khoa Compton’s). Người Trung Quốc cũng nói “Nhân bất học bất tri lý” – tức là người không có học thì chẳng thể thấy nguyên lý của vạn vật. Vậy thì người trí thức là người nhìn xa trông rộng! Là người ngồi trong màn trướng biết việc ở ngoài ngàn dặm, chứ không thể là thứ gà mờ, xẩm sờ voi, tích lũy vài ngăn kéo chữ mốc meo, hỏi cái gì cũng thủ thế bằng cách nói nước đôi để bảo toàn mình.

Tâm cảm thời đại là gì? Một người ngồi xe bò không thể có trải nghiệm gió thốc vào ngực, nhưng người đi xe lửa cảm thấy rõ gió đang quất vào ô cửa. Người đi xe bò càng không thể nào cảm thấy sự hẫng trọng lượng khi máy bay cất cánh và hạ cánh. Và người đi thuyền chèo tay làm sao có thể thấy sóng rẽ trắng xóa sau đuôi tầu cao tốc. Tâm cảm thời đại chí ít là tốc độ mà con người cảm nghiệm người ta đã tăng tốc vào thời đại thế nào, tâm cảm đó không chỉ là xúc cảm tươi mới mãnh liệt khiến người ta thăng hoa, mà nó còn biến thành hiệu quả của thời đại mới, như người ta từng chứng kiến những con đường sắt đã tạo ra sự thay da đổi thịt nhảy vọt cho nhiều vùng quê hẻo lánh.

Chiếc máy bay dù hiện đại, nhưng không thể cất cánh lên trời nếu không có hệ thống ra đa, ăng ten dẫn đường. Ăng ten muốn dẫn dường, nó phải nhạy cảm và run rẩy như một cành liễu gió chỉ thổi nhẹ đã đung đưa vậy. Một người trí thức mà không có ăng ten thời đại, thì cũng chẳng khác gì một phi trường nằm liệt vị, không dám cất cánh, cũng chẳng có hạ cánh, chỉ có rúc sâu xuống hầm ăn uống ngủ nghỉ rồi cho đó là hạnh phúc.

Người Trung Quốc và người Việt Nam có cách sống đi học để làm quan “học nhi ưu tắc sĩ”. Người Việt còn mã hóa thành ước mơ “học gạo”. Cái học chí thiết lắm, học ngày học đêm chưa đủ, mà lúc nào cũng lẩm nhẩm, ghi chữ ra giấy cho vào túi quần, đi đâu cũng nghiền cho thuộc. Nhưng than ôi, học bao nhiêu cũng chỉ để kiếm miếng ăn, tức là có gạo, rồi sau được bổ làm quan lo xếp ghế. Giờ đây người ta đổ xô nhau đi cầu ấn đền Trần, rồi mua bằng cấp giả, cũng là cách để cầu quan. Cái học của người Việt có rất ít người truy tìm như kiến thức thuần khiết làm niềm vui cho chính tâm hồn. vì vậy mà học bao nhiêu cũng không đến đầu đến đũa, khi cần có ý kiến phán đoán, hay phản biện thì không có nổi lại giở trò nước đôi, rồi “bình” – tán loăng quăng, chẳng ra đầu cua tai nheo gì.

Thực tế cho thấy, cách học phương Đông hay theo lối quân tử Tàu rất hiếm khi tạo ra những con người chững chạc đàng hoàng, trọng chữ tín, họ thậm chí rất hay lỗi hẹn, hứa hão, rồi bốc phét thì không còn bất cứ giới hạn nào không vượt qua, đại loại như, tôi có thể vung tay đánh ngã anh từ cả chục mét, tôi đã điều tâm linh khiến cho cơn bão đó không vào Việt Nam, hoặc sách của tôi sẽ ra thì sách của cả thế giới này vô nghĩa, phải đốt hết đi… nói không thể xuể được sự nói phét và hứa hão của thứ “quân tử” này, nghĩa là bạ đâu hứa đấy, bạ đâu bốc phét đấy, tất nhiên như thế sẽ tạo ra thứ nhân cách tùy tiện.

Thử một so sánh nhỏ để thấy cái tầm vóc của thứ xếp chữ đầy bồ, những cầu thủ nước ngoài lên lĩnh giải họ còn mặc com-lê thắt cà vạt nghiêm chỉnh. Trong khi đó nhiều nhà thơ, nhà văn đã già đời của Việt Nam lên vô tuyến trả lời phỏng vấn, thắt cà vạt nhưng lại sắn tay áo… có nghĩa là anh ta chẳng hiểu chút gì về văn hóa cả, mà thấy nóng thì tiện vắt tay áo lên. Đấy cũng chính là cách sống tùy tiện của dạng không gốc rễ. Một điều đơn giản mà đến già còn không chịu học hiểu, thì bàn đến văn hóa, lý tưởng hay những thứ cao sang làm gì?!

Có một phương ngôn: “Đa ngôn cũng là đa nhân cách”. Việc nói nước đôi chắc chắn tạo ra sự đa nhân cách. Nói giản dị như người Việt bảo: “nhổ nước bọt rồi lại liếm”. Đa nhân cách cũng chính là chẳng có nhân cách gì bởi vì đó không phải con người có tư cách và bản lĩnh để trụ vững trước sóng gió của cuộc đời, mà chỉ là những thứ phù vân bọt bèo, gió chiều nào xoay chiều ấy. Than ôi, một tâm hồn lung lay yếu đuối như vậy thì làm sao thành tài, có phải vì thế mà cả nước chỉ có thể ngâm nga mấy câu vần vèo. Còn quốc gia thì nghèo nàn, lạc hậu, ẻo lả, xuyên dọc lịch sử chỉ có mỗi áng văn xuôi “Hịch tướng sĩ” và tập truyện vừa “Hoàng lê nhất thống chí”, có được tí Truyện Kiều lại là bản sao chế truyện hạng hai của Tàu?!

Nước Việt ta có bao nhiêu trí thức đúng nghĩa, thành thạo chuyên môn của mình như một con người chuyên nghiệp? Hãy xem văn học là thứ dễ thấy nhất, nước ta có bao nhiêu người có thể phê bình văn thơ hay viết một bài tiểu luận, con số quanh quẩn mười đầu ngón tay. Liệu có nói lên một thực tế buồn của thứ tư duy lèo lá, xếp chữ, ẻo lả mua vui, kiễng chân khoe mẽ, kiêu hãnh hời hợt của tâm trí học chỉ để tìm cách sa chĩnh gạo?!

Nguyễn Hoàng Đức
Previous Post
Next Post