Thời buổi thông tin mở, đọc các trang báo giấy và báo mạng liên tục thấy những tin rùng rợn trái luân thường đạo lý: cha giết con, con giết cha, con gái cùng tình nhân giết mẹ...
Người ta có thể giết nhau vì bất cứ lý do gì. Vì ghen, vì cãi vã, vì những trò ẩu đả của con nít... Có thể vì cùng quẫn, có thể vì bức bách mưu sinh và vì nhiều lý do khác nhau, nhưng trong đầu vẫn bật ra những câu hỏi của lương tri: Vì sao họ cho mình cái quyền tước đi mạng sống của người khác? Vì sao con người với con người lại đối xử với nhau tàn tệ?
Tội ác nhởn nhơ. Vì lợi ích cá nhân, người ta có thể pha chế xăng dầu bằng đủ loại hóa chất và tạp chất, bất kể mạng sống của người sử dụng. Thậm chí một thời gian dài, hiện tượng rải đinh trên các tuyến đường vào TP phát triển rầm rộ. Người ta vì nguồn lợi vá xe, thay ruột mà dễ dàng quên đi tội ác có thể giết người tham gia lưu thông khi xe cán phải đinh, bể vỏ. Không ít hiện tượng người tốt sợ kẻ xấu, người ngay sợ kẻ gian... Những nghịch lý như vậy đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ và dường như không có dấu hiệu chấm dứt.
Mới đây nhất, trong bài điều tra của phóng viên Tuổi Trẻ, có hai nhóm người giả dạng bán thuốc dạo trên xe buýt nhưng khi phát hiện “con mồi” là lập tức hiện nguyên hình kẻ cướp. Chúng dùng ống chích dính máu trong tay ngang nhiên trấn lột người đi xe trước sự chứng kiến của những người cùng đi và của tài xế, lơ xe, bán vé... Tục ngữ có câu “chó cắn áo rách”. Những người đi xe buýt phần lớn là những người nghèo. Vậy mà họ vẫn bị trấn lột. Tôi xem các clip mà phóng viên mang về, nhìn cảnh cụ già hơn 70 tuổi run run nắm từng tờ 10.000 đồng như không muốn buông bởi ông kiếm được rất cực khổ, nhưng cuối cùng vẫn phải đưa cho lũ trấn lột mà không kìm được tức giận. Trên xe, nhiều người không kìm được nước mắt nhưng tất cả đều im lặng.
Sự việc này diễn ra hằng giờ trên nhiều tuyến xe buýt và kéo dài liên tục nhiều ngày nhưng không một ai đủ khả năng để bảo vệ những người dân cùng khổ.
Phải chăng không còn sự nghĩa hiệp “giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha” trong truyền thống của người VN? Câu trả lời chắc chắn là không phải, bởi trên thực tế vẫn còn đó hình bóng những “hiệp sĩ” tự nguyện cùng với ngành chức năng tham gia giữ gìn sự bình an của xã hội. Vẫn có những người dân thông tin và hướng dẫn phóng viên lần theo những đường dây hình thành tội ác. Nhưng tâm lý “chén sứ sợ chén sành”, người lành sợ người ác vẫn luôn đọng lại. Và như thế tội ác cứ nhởn nhơ tồn tại.
Có thể ý thức tự bảo vệ của người dân chưa đủ mạnh, sự trừng trị của luật pháp chưa đủ nghiêm minh để răn đe, nhưng rõ ràng tội ác vẫn nhởn nhơ tồn tại có một phần của sự dung dưỡng, thờ ơ của con người. Những người bị nạn luôn nhỏ bé, đơn độc trước tội ác dù trên xe buýt có rất đông người. Thậm chí tài xế, lơ xe, bán vé cũng không hề dám có ý kiến vì sợ bị trả thù.
Tất nhiên các ngành chức năng sẽ phải vào cuộc. Nhưng muốn tiêu diệt cái ác rất cần việc giáo dục và phát động trong toàn xã hội ý thức dũng cảm tố giác tội phạm và kèm theo đó là những giải pháp bảo vệ nguồn tin, giữ gìn sự an ninh cho người tố giác. Một xã hội văn minh, một đất nước bình an không thể không có vai trò và ý thức tự gìn giữ của chính người dân. Nhưng ý thức đó lại rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng và của bộ máy chuyên chính.
HOÀI LÊ (TUỔI TRẺ ONLINE)