Ðọc truyện Trạng Việt Nam giữa khung cảnh văn hóa và xã hội Âu Mỹ, một người đọc có chút tâm huyết với quê hương đất nước sẽ cảm thấy cái buồn sâu kín đậm nét hơn là cái vui dễ dãi nhất thời. “Trạng” nguyên thủy là hình ảnh tiêu biểu cho giới trí thức cổ điển Việt Nam. Ông Trạng, trong tiềm thức và ước vọng của xã hội Việt Nam vốn quý trọng học vấn, vừa mang nhân cách yêu nước nồng nàn của giới sĩ phu; vừa có tri thức rộng rãi và tinh thần đại chúng của người kẻ sĩ. Thế nhưng, dưới mắt quần chúng, những ông Trạng, ông Nghè [1] chính thống có tên, có bài vị được thờ trong văn miếu đã trở thành xa xôi như những đốm sáng xa vời của quá khứ. Những ông “Trạng” giữa cuộc đời thường trong nét nhìn tiêu biểu của giới bình dân Việt Nam là những ông Trạng… Cười vô tích sự.
Những nhà trí thức dân tộc đó đã sử dụng sự thông minh và kiến thức rộng rãi của mình thành những trò chơi rắn mắt như những cố gắng tuyệt vọng và bâng quơ đánh vào thành lũy cường quyền, áp bức; chọc cười thiên hạ để hóa giải những bức xúc trong mối tương quan khập khiễng giữa những giai tầng xã hội. Một thiện tri thức giả làm người chèo đò để làm thơ đối đáp với sứ Tàu như nhà sư Pháp Thuận thời Tiền Lê có thể vẽ được đôi nét chấm phá về lòng tự hào dân tộc. Một Trạng Quỳnh nấp dưới bèo, chờ bà quý tộc đi qua, rồi trồi lên “đá… bèo” chơi có thể tạo được tiếng cười hả hê từ phía đại chúng bình dân đối với giới quý tộc phong kiến. Nhưng sau những tràng cười là một thế giới im lặng mênh mông… Im lặng vì chẳng còn gì và mênh mông vì sau tiếng cười, những giọt nước mắt tủi cực vẫn còn đổ xuống!
Sự đánh giá học thuật và trí thức “dài lưng tốn vải…” xuất phát từ vai trò tượng trưng phi sản xuất của giới trí thức cổ điển. Kẻ sĩ tuy được vinh danh là “Tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt. Dân hữu tứ sĩ vi chi tiên” [2] nhưng thực chất giới Nho học Việt trong quá khứ chưa phát huy được vai trò ưu tú của mình trong hệ thống chức tước “phong hầu kiến địa” – lấy học làm quan, lấy gan làm tướng – chứ không phải học để làm người trong thời vua chúa. Bởi vậy, tầm nhìn của giới trí thức rất giới hạn và bản lĩnh trí thức không có điều kiện phát huy. Qua các triều đại, số lượng trí thức khoa bảng rất đông, đã có câu vè về số lượng trí thức: “Một giỏ ông Ðồ, một bồ ông Cống, một đống ông Nghè, một bè Tiến sĩ, một bị Trạng nguyên, một thuyền Bảng nhãn”. Nhưng được mấy người khoa bảng làm nên chuyện nước non!
Trong lịch sử con người, khối quần chúng bình dân là người đẩy cỗ xe lịch sử, nhưng trí thức phải ở thế hướng đạo chỉ đường cho cỗ xe đi tới. Trí thức cổ điển Việt Nam tự biến thành những cái kén nhỏ bé và yếu đuối ẩn mình sau mớ võng lọng xênh xang mà vô hồn, sáo rỗng. Chưa một ai dám vượt qua cái hào lũy chất ngất của Nho giáo. Chưa có ai dám gạt những bóng đen cản đường sừng sững của Khổng Tử, của Mạnh Tử để khai thông cho cỗ xe tư tưởng Việt Nam do chính những tư tưởng gia Việt Nam cầm cương chuyển bánh. Sự nhỏ bé, co cụm, lệ thuộc của giới trí thức núp dưới bóng vương quyền để hưởng ơn mưa móc đã tạo tiền đề cho một tâm lý tiểu xảo về mặt học thuật và tư tưởng.
Về mặt tâm lý, dòng tâm lý Việt được un đúc từ lịch sử dựng nước và giữ nước gian nan. Sự chịu đựng những thăng trầm suốt dòng lịch sử nghìn năm Bắc thuộc, trăm năm Tây đô hộ và bao năm chinh chiến… đã để lại cho người Việt một lối sống mềm dẻo, lối xử thế khôn khéo. Dân tộc nào cũng có mặt “giương” để chiến đấu và mặt “thủ” để sinh tồn. Ðấy là lối ứng xử tinh tế, biết tiến, biết thoái và biết lách mình né tránh kẻ mạnh đúng lúc để có lợi, để yên thân, để tránh sự đương đầu trực diện với một đối thủ mạnh hơn. Sau lũy tre xanh, còn có những lớp hào lũy tinh thần như: Ðất lề quê thói; phép vua thua lệ làng; tránh voi chẳng xấu mặt nào… Những bức tường tre đơn sơ như thế chỉ chắn được tầm mắt nhòm ngó từ bên ngoài để cho kẻ bên trong tạm sống yên thân. Văn hoá làng xã chắn được bước tiến của những thế lực xâm lăng, nhưng cũng chắn luôn bước tiến của cộng đồng dân tộc. Trên quy mô đất nước thì tạo ra khuynh hướng bảo thủ cực đoan của chính sách “Bế quan toả cảng” (Khép cửa ngăn sông cấm biển); trên căn bản con người thì khư khư với tâm lý tiểu xảo để sống còn.
Về mặt kinh tế và xã hội, với bản chất tự tồn đầy linh hoạt quyền biến, trong một hoàn cảnh lịch sử khắc nghiệt, nhóm Việt tộc đã bứt ra khỏi sức hút mãnh liệt của sự đồng hóa Trung Hoa. Chiếc nôi văn minh bộ tộc Giao Chỉ hình thành và một nền văn hiến khiêm tốn của nòi giống Việt xuất hiện ở phương Nam. Ðấy là một nền văn minh sơ khai dựa trên hình thái kinh tế đơn giản nhất là săn bắt và trồng trọt. Ðộng cơ sản xuất là nhu cầu cuộc sống ngày lại ngày trước mắt. Thị trường tiêu thụ là sự mua bán đổi chác trong từng cụm làng xã nhỏ bé nên sự cạnh tranh hết sức rạch ròi và chi li. Quan hệ sản xuất dựa trên khả năng và sức mạnh của gia đình, dòng họ và làng xóm.
Hoàn cảnh kinh tế và xã hội quyết định mô thức hình thành tâm lý. Tâm lý phát triển tự nhiên trong những điều kiện kinh tế và hoàn cảnh xã hội như vậy thường mang tính chất bảo thủ riêng tư. Mỗi phương thức sản xuất riêng cho từng gia đình, bộ tộc là một bí quyết. Mỗi công thức sản xuất thành phẩm là một bí truyền.
Một “nghề mọn riêng tay”, một kỹ năng tinh xảo, một phương tiện sản xuất mới lạ, một sản phẩm độc đáo… là gia bảo, là kho tàng bí mật, là sinh lộ, là tương lai truyền đời riêng cho một gia đình, dòng họ hay làng xóm. Nếu ở Âu Châu và Mỹ Châu người ta gọi tên những dòng họ đặt trên căn bản quyền lực chính trị hay mạng lưới kinh doanh cùng sự giàu sang vật chất thì ở Việt Nam, người ta gọi tên dòng họ, làng xã vì tay nghề hay sản phẩm thủ công độc sáng. Yếu tính tự nhiên của quyền lực và kinh doanh là bành trướng; ngược lại, yếu tính của thủ công độc sáng là giữ kín, bảo thủ.
Qua những nghìn năm, nếp sinh hoạt kinh tế, xã hội, chính trị cổ điển mang nặng tính cất giấu, bảo thủ đã làm cho tâm lý tiểu xảo mỗi ngày một ăn sâu và tận gốc rể của người Việt nói chung.
Tâm lý tiểu xảo là gì?
Tâm lý là một trạng thái tâm thức và tình cảm tổng hợp, un đúc và phát triển trong một khung cảnh văn hóa và xã hội nhất định nào đó để tạo nên phong cách, tình cảm và phẩm hạnh riêng của mỗi con người.
Tiểu xảo trong khái niệm phổ biến và đại chúng thường có nghĩa là “khôn vặt”. Ðấy là sự khôn ngoan, thông minh, lanh lợi, quyền biến linh động tùy theo hoàn cảnh nhưng ở một mức độ nhỏ nhặt và nhất thời. Thí dụ như một câu nói châm chích bóng bẩy làm cho ông quan mất mặt, bà quan hổ thẹn nhưng phải ngậm miệng chịu đòn chứ không có lý do bắt tội người nói. Thắng một ván cờ do biết khôn khéo dụ địch thủ mắc bẫy vào thế cờ dàn sẵn chứ không phải vì năng lực cao cờ. Kiếm một món lợi nhờ xảo thuật chứ không do giá trị đích thực của món hàng hay vật dụng đổi chác. Hoặc là một sự thắng cuộc nhờ sự vận dụng cách thực hiện hay thể hiện lắt léo, mánh lới, có khi mang ít nhiều tính chất dối gạt và đánh lừa chứ không phải do sức mạnh hay tài năng thật sự.
Tâm lý tiểu xảo là một trạng thái tâm lý khôn khéo, luồn lách, có khuynh hướng tập trung vào những sinh hoạt trong một địa bàn riêng tư và nhỏ bé.
Về mặt tích cực, tâm lý tiểu xảo là vũ khí để sống còn của dân tộc Việt Nam trong thế thường xuyên phải đương đầu với những thế lực cường bạo xâm lăng. Tâm lý tiểu nông, tiểu thủ công nầy bảo tồn và tinh luyện được những nét độc đáo, riêng tư, đa dạng góp phần tạo nên một bản sắc văn hóa Việt Nam. Quá trình tạo dựng và bảo tồn nầy chính là sức mạnh, vừa ý thức vừa vô thức, của tinh thần chống ngoại xâm quyết liệt, truyền đời, không khoan nhượng của dân tộc Việt Nam.
Tuy vậy, nói như Helias Somophole trong Eastward Sea Travel (Hành trình về phương Ðông) [3] thì “Dẫu rực rỡ và vô tư như mặt trời cũng vẫn có di lụy riêng của nó!”
Những mầm tiểu xảo thường đâm chồi nẩy lộc rất nhanh trong môi trường lạc hậu, nghèo khổ, cục bộ và bị áp bức hay đe dọa. Với bối cảnh Việt Nam, những mầm tiểu xảo lâu năm đã kết tụ thành những khu rừng bạt ngàn đại thụ. Những khu rừng xuất hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau nhưng lại có cùng bản chất.
Di lụy của nguồn tâm lý tiểu xảo đã sản sinh ra những nhà “trí thức khôn vặt” – những ông Trạng Cười Việt Nam – vốn là những du tử thông minh, lanh lợi nhưng thường chỉ có những hành trạng rắn mắt, quyền biến mẹo vặt trong cuộc sống như Trạng Quỳnh, Trạng Bùng, Trạng Lợn, Trạng Cóc… Và cũng chính cái di lụy tâm lý tiểu xảo này đã tạo ra nếp nghĩ nhược tiểu và tâm lý cạnh tranh tiêu cực.
Trong cuộc cạnh tranh, thay vì nâng mình cao hơn đối thủ để tự chứng minh phẩm chất ưu việt của mình so với đối thủ thì người mang tâm lý tiểu xảo lại đứng yên từ vị trị giới hạn hay thậm chí yếu kém của mình, để tranh thắng, so tài với đối thủ. Cái Vị Ngã (Egoism) của tâm lý tiểu xảo thường quá nhỏ đến nỗi không còn khe hở cho ý thức mới lọt vào; nhưng đồng thời nó cũng quá lớn, lớn đến nỗi bao trùm cả thiên hạ qua cái nhìn “bế quan tỏa cảng”. Chính cái Ngã tiêu cực nầy đã tìm mọi cách để củng cố cái Tôi của Ta; và tìm cách đè bẹp đối thủ xuống bằng những phương tiện không công chính như đặt điều nói xấu, châm biếm, vu vạ, trù dập và hành xử một cách không xứng hợp với lương tri và tầm vóc của đôi bên.
Sự nghịch lý trong tâm lý tiểu xảo là vừa quá coi trọng, nhưng cũng vừa thiếu tự tin cái mình đang có trong tay. Người tiểu xảo không tin ở mình, không tin ở người mà chỉ tin vào những giá trị tượng trưng đã được xã hội công nhận và sử dụng lặp đi, lặp lại qua nhiều thế hệ. Họ thường nơm nớp lo mình sẽ bị mất “giá trị truyền thống”, sợ bị thiên hạ bắt chước, học theo kinh nghiệm của mình; sợ bị chia sẻ làm theo phương thức của mình. Khái niệm văn hiến, văn hóa, văn minh cũng đứng yên như mặt trăng, mặt trời muôn năm không thay đổi. Có nên chỉ lo bảo tồn hay bảo vệ mà không nỗ lực phát huy? Càng lo lắng, càng bảo thủ cất giấu thì có khi “của quý” thất lạc ngay chính trong tay của mình.
Cái giá phải trả của tâm lý tiểu xảo trong lĩnh vực nhân văn là người Việt tuy thông minh và sáng tạo, tự hào có bốn nghìn năm văn hiến, nhưng chưa un đúc được một triết gia, một nhà tư tưởng hay một triết lý dân tộc độc lập có tầm cỡ trong lịch sử tư tưởng thế giới. Nếp nghĩ nhỏ chỉ tạo ra được những sản phẩm nhỏ. Thói quen tiểu xảo là chuyên tranh thắng người bằng phương tiện nhỏ nhen và vô minh. Không có thiện xảo mà chỉ có thuần tiểu xảo thì chính tác nhân tiểu xảo đó là kẻ trước tiên tự dìm mình xuống trước đối tượng cạnh tranh của mình và vô hình chung hạ thấp phẩm hạnh của mình.
Di lụy nghiêm trọng nhất là về phương diện kinh tế và xã hội. Tâm lý “giấu nghề” – đứa con nối giòng của tâm lý tiểu xảo – đã kéo lê thân phận “con trâu đi trước, cái cày đi sau” suốt mấy nghìn năm của 80 phần trăm dân Việt sống bằng nghề nông. Trong khi dân chúng cả địa cầu tại các nước phát triển đang cạnh tranh quyết liệt trong từng vi ti ngõ ngách của nền kinh tế thị trường thì hiện trạng làm kinh tế theo quán tính tiểu xảo như cắt xén, chắp vá, mánh mun, thu giấu, vụn rời, pha chế “mà mắt” nhau vẫn đang diễn ra trong nội bộ người Việt. Ðiều mỉa mai là tại các nước Âu Mỹ tiên tiến, người Việt định cư đã 30 năm, nhưng quán tính tiểu xảo vẫn còn lẩn quẩn đeo đẳng trong cách sống, từ góc nhìn và trong nếp nghĩ.
Ðến nếp nghĩ thị trường
Chuyện kể…
Albert Einstein vừa tổ chức một kỳ thi cho sinh viên lớp Vật lý cao cấp tại Viện Cao học trường Ðại học Princeton. Khi vừa bước ra khỏi phòng thi, người phụ giáo hấp tấp chạy theo đón lại:
“Xin lỗi giáo sư…!”
Người phụ giáo còn chưa biết sẽ nói như thế nào để mở đầu cho phải phép thì Einstein đã quay lại hỏi:
“Có chuyện gì thế?”
Einstein hỏi trong lúc người phụ giáo đang lúng ta, lúng túng tìm cách trình bày vấn đề cho khéo để khỏi làm phật lòng vị giáo sư danh tiếng nầy:
“Ơ…à.. dạ… về bài thi mà thầy vừa mới phát ra đó.”
Einstein kiên nhẫn chờ, người phụ giáo giải thích:
“Thưa thầy, có lẽ thầy quên không để ý rằng, đề thi vừa rồi cũng giống y như đề thi đã ra năm ngoái. Nội dung hai cái chỉ là một mà thôi.’’
Einstein suy nghĩ giây lát, rồi nói: “Hừm, phải, chỉ là một đề thôi.”
Người phụ giáo bứt rứt hỏi: “Vậy thì chúng ta phải giải quyết làm sao đây, thưa thầy?”
Một nụ cười chậm rãi hiện trên khuôn mặt Einstein: “Tôi không nghĩ là chúng ta phải làm gì cả. Những câu trả lời đã thay đổi.” [4]
Phải, vật thể biến đổi không ngừng theo thời gian thì những câu trả lời cho những vấn đề đặt ra cũng phải thay đổi theo.
Cũng thế, con người có vẻ như đang đối diện với cùng một loạt những vấn đề giống nhau do cuộc sống đưa đến, nhưng đừng quên quan sát và xem xét để thấy rằng cuộc sống không dừng lại và mọi vấn đề đều liên tục thay đổi theo. Vấn đề năm ngoái có thể vẫn còn đấy, nhưng cuộc sống hôm nay đã có những nhu cầu khác, hoàn cảnh khác, điều kiện khác, khám phá khác… nên câu trả lời cũng phải khác.
Trong số những danh nhân khoa học kiệt xuất hàng đầu của nhân loại, Albert Einstein vẫn được chọn là khuôn mặt tiêu biểu của sự thông minh và đặc biệt làm biểu tượng cho sự tìm tòi, khai phá của con người nhỏ bé vào vũ trụ bao la. Cuộc hành trình tri thức nầy không bao giờ có điểm kết thúc để cho con người nhỏ bé thỏa mãn, cao ngạo tung hô ngày chiến thắng sau cùng. Einstein đã nói đến biển học vô tận – Dĩ học dũ ngu – học để xoá sự ngu dốt bằng câu nói thời danh đầy hài tính: “Có hai cái vô tận: Ðấy là vũ trụ và sự ngu dốt của con người; và tôi thì không chắc lắm về sự vô tận của vũ trụ.” (Two things are infinite: the universe and human stupidity; and I am not sure about the universe). [5] Như thế thì Einstein chỉ cầm chắc có một điều: cái dốt của con người vô tận, nên biển học để xoá sạch cái dốt sẽ không bao giờ có biên giới tận cùng!
Chính Einstein đã nhiều lần nhấn mạnh rằng cái gốc của thuyết tương đối (Theory of Relativity) không phát xuất từ phòng thí nghiệm mà khơi nguồn từ sự sinh động muôn màu muôn vẻ của cuộc sống.
Một trăm năm qua, tính từ ngày Einstein cho ra đời phương trình E=mc² (E=năng lượng, m=khối lượng, c=tốc độ ánh sáng) vào năm 1905, một phương trình nổi tiếng nhất của nhân loại. Phương trình nầy cũng đặt khái niệm tiền đề về sức mạnh khủng khiếp của nguyên tử… Từ đó, ảnh hưởng và tên tuổi của Albert Einstein không những chỉ vượt mọi biên giới quốc gia mà còn vươn xa ra khỏi biên giới xuất thân của ngành vật lý.
Cuối thế kỷ 19, ngành vật lý truyền thống rơi vào khủng hoảng trầm trọng khi phải đem những lý thuyết cũ để phân tích và giải thích về những hiện tượng và hiện trạng thể lý mới. Einstein đã đột phá bức tường vật lý kinh điển. Ông đã thay đổi thế giới bằng những phương trình độc sáng của mình, tạo nên cuộc cách mạng rung chuyển trong ngành vật lý với những quan niệm hoàn toàn mới lạ nhưng cũng cực kỳ quan trọng về không gian, thời gian, vật chất, năng lượng.
Lịch sử nhân loại chỉ quen sống với không gian 3 chiều. Albert Einstein đã mang đến chiều thứ tư: Chiều thời gian. Chiều thời gian cộng với ba chiều có sẵn (cao, dài và rộng) đã phóng chiếu tri thức của nhân loại đến những vùng trời lãng đãng, mênh mông, sâu thẳm. Einstein đã làm đảo lộn mọi trật tự có sẵn, tạo ra một thế giới đa chiều, đa nguyên kỳ ảo với những điều mới nghe qua dường như nghịch lý, khó tin. Einstein lý luận và chứng minh rằng: Không gian hình cong, đường ngắn nhất nối liền giữa hai điểm không phải là đường thẳng. Do đó, những đường song song sẽ gặp nhau. Không gian hình cong và trở thành hữu hạn vì một tia sáng xuất phát từ một nguồn sáng nào đó, sau hàng triệu triệu triệu… năm ra đi vẫn sẽ quay về nguồn sáng cũ. Và cũng theo thuyết tương đối của Einstein thì người ta có thể tìm về lại quá khứ hay vượt trước tương lai nếu người ta có khả năng vượt tốc độ ánh sáng (186.000 miles hay gần 300.000 km mỗi giây).
Dường như… chuyện Thiên Thai của Lưu Thần, Nguyễn Triệu tự nghìn xưa rất có thể là chuyện có thật của những người đã ở trong một nội hàm ánh sáng có tốc độ vượt ra ngoài tốc độ giới hạn quy ước tạm thời mà con người đang sống!
Ảnh hưởng lớn lao của Einstein đối với xã hội con người không chỉ giới hạn trong lĩnh vực vật lý và nguyên tử mà còn lan rộng và thấm sâu trong nhiều hoạt động kinh tế, xã hội, tâm lý, triết học, tôn giáo. Trong 5 nhà khoa học được xem là vĩ đại nhất của nhân loại trong 2000 năm qua (Aristote, Galilei), Newton, Darwin, Einstein) [6] thì Einstein được xem là người có sức năng động bứt phá cao nhất vì hầu như ông hoàn toàn độc lập và cô đơn trong bước đầu một mình phát minh ra thuyết tương đối, điều chỉnh luôn cả những vấn đề chưa được hoàn thiện trong lĩnh vực cơ học của Newton. Einstein cô đơn trong vinh quang vì ông đi tìm cái mới. Ông tin ở mình, tin ở chân lý khách quan. Từ đấy, không ngần ngại Einstein đã đào bới, kiểm nghiệm tận gốc rễ của tri thức và lao vào cái mênh mông, cùng thẳm, bí ẩn tận cùng của vũ trụ.
Theo James Stockdale và Alan Cummins [7] ngoài hình ảnh một nhà vật lý học sáng chói, Einstein là một kinh tế-khoa học gia (Ecoscientist) và đồng thời cũng là Triết-khoa học gia (Philoscientist). Einstein được mệnh danh là một kinh tế-khoa học gia vì ông có một trực giác thị trường (Marketing intuition) rất mạnh. Trực giác thị trường là tầm nhìn xa thấy được những khả năng và nhu cầu của con người trong mối tương quan với môi trường sống. Phân biệt giữa trực giác và lý luận, Albert Einstein đã nhận định: “Ðầu óc trực giác là một tài năng thiên phú và đầu óc lý luận là một tên đầy tớ trung thành. Chúng ta đã tạo nên một xã hội mà trong đó tên đầy tớ được vinh danh và thiên tài bị quên lãng”.
Tên đầy tớ trung thành của ông chủ lý luận là thói quen, là kinh nghiệm, là những kiến thức lặp lại đầy ước lệ trong sách vở. Giới Nho học Việt Nam lập đi lặp lại từng chữ, từng câu, từng ý của Khổng Mạnh, của thánh hiền bách gia chư tử suốt cả nghìn năm mà vẫn vắng bóng người hiền sĩ dám vươn lên suy nghĩ những điều khác với thầy mình.
Và sự khám phá những khả năng không giới hạn của tác động qua lại trong thế giới vật thể để tạo ra những sức mạnh mới đang ở dạng tiềm năng. Ðấy là những sức mạnh vô biên đang ẩn giấu quanh ta mà con người sẽ dần dần khai phá bởi những triết-khoa-học gia như những Einstein của tương lai. Và để làm một triết-khoa học gia, nhân vật đó cần phải sáng tạo chứ không chỉ là một sản phẩm đúc khuôn khác của sự học vấn hay tri thức (To be a philoscientist one needs to be creative, and not just be an academic or intellectual clone).
Chính vì bản chất sáng tạo đó mà một trăm năm qua, Einstein vẫn còn là “con người mới” của thế kỷ 21 vì ông đã khởi sự xây dựng lý thuyết khoa học, chen chân vào đời, tiếp cận với thực tại, dấn thân vào chính với viễn kiến khai phóng và nhân bản.
Ðiều đáng suy nghĩ nhất đối với người Việt và tuổi trẻ Việt Nam khi nghĩ đến Einstein không chỉ là khối kiến thức khoa học chuyên môn mà là “trực giác thị trường” của nhà khoa học vĩ đại này.
Khái niệm về “thị trường” (marketing) thời hiện đại không đơn thuần mang ý nghĩa kinh tế hay thương mãi mà có ý nghĩa là Một-Lối-Suy-Nghĩ-Khác (Thinking Different).
Lối suy nghĩ khác là một cách nói giản đơn của sự dấn thân để khai phá và sáng tạo về mặt tư duy và sự đào sâu, thí nghiệm về mặt tìm tòi và học hỏi. Những nhà phát minh, khai phá, sáng tạo… nổi tiếng bao giờ cũng kéo theo những cái bóng sau lưng – khi rõ khi mờ – cố gắng sao chép, lặp lại hay phản chiếu nguyên hình hoặc tương tự cái “nội hàm” mà xã hội đã chấp nhận và có khi còn cho là chân lý. Sau Khổng tử, Lão tử, Socrate, Euclide, Newton, Michelangelo… đã có không biết bao nhiêu người tự nguyện đặt mình vào thế “đại đệ tử chân truyền” của bậc thầy đi trước.
Nhưng thực tế đã chứng minh rằng, mọi sự sao chép, bắt chước nguyên hình không bao giờ đẹp bằng nguyên bản. Bắt chước và mô phỏng là ẩn mình sau cái bóng chết. Chỉ có sáng tạo và phát minh mới là hành động tích cực tìm về với sự sống. Thế nhưng khuynh hướng sùng bái tự nhiên đã cột chặt tâm lý con người vào vật chủ. Có khác chăng là sự sơn phết, cắt xén, uốn lượn bên ngoài giúp cho vật sao chép mang một hình thức mới có vẻ khác nhưng nội hàm của nguyên bản thì vẫn không có gì thay đổi. Ðấy là sự tồn tại tiêu cực của tâm lý tiểu xảo. Trong khi tâm lý tiểu xảo là đối cực của nếp nghĩ thị trường:
Tâm lý tiểu xảo khư khư giữ kín bí quyết của mình để thủ lợi. Tâm lý thị trường quảng cáo rộng rãi để bán bí quyết của mình cho đại chúng với giá cao nhất.
Tâm lý tiểu xảo sợ thay đổi. Tâm lý thị trường tìm động lực để thay đổi.
Tâm lý tiểu xảo cạnh tranh bằng sự bảo thủ và tấn công tiêu diệt đối thủ. Tâm lý thị trường cạnh tranh bằng sự tìm tòi để làm tốt hơn đối thủ.
Tâm lý tiểu xảo tự giới hạn mình trong mối tương quan với cộng đồng nhỏ bé của mình. Tâm lý thị trường đặt mình trong mối tương quan với thế giới bên ngoài càng xa, càng rộng lớn càng tốt.
Tâm lý tiểu xảo sợ bị nhòm ngó, quan sát. Tâm lý thị trường mời gọi sự tiếp cận quan sát.
Những nét phản diện giữa hai xu hướng tiểu xảo và thị trường cứ tiếp tục như thế… Qua hàng trăm năm, kết quả đã thấy rõ. Tâm lý tiểu xảo níu tri thức lại với sách vở từ chương, trói buộc kinh tế trong vòng tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp lao động tay chân. Tâm lý thị trường đẩy tri thức lên cao để tìm tòi và khai phá, xây dựng nền kinh tế công nghiệp hiện đại.
Thói quen không là thiên tính, nên có thể thay đổi được vì đấy chỉ là sản phẩm tạm thời của dòng chảy tâm lý và hoàn cảnh xã hội.
Và con đường đi tới…
Người Việt Nam thuộc thế hệ chiến tranh Mỹ-Việt [8] vẫn còn mang nặng khuynh hướng tâm lý tiểu xảo trong nếp suy nghĩ và trong cách ứng xử với thực tại của đời sống. Có thể nói rằng tâm lý tiểu xảo là lực cản, trong khi tâm lý thị trường là sức bật của tinh thần xông xáo và khai phá vào đời sống. Tuy nhiên, sự nghiêng lệnh cực đoan về một hướng nào đó sẽ làm mất sự quân bình cần thiết trong giai đoạn chuyển tiếp từ một nếp cũ tâm lý tiểu xảo sang một nếp nghĩ thị trường. Sự tiếp cận của người Việt Nam giữa môi trường đa chủng, đa văn hóa thế giới trong khoảng 30 năm qua là một kinh nghiệm bằng xương bằng thịt.
Tại các nước phương Tây có đông người Việt sinh sống như ở bang California chẳng hạn, thế hệ thứ nhất của người Việt định cư vẫn còn biểu hiện đậm nét sự bảo thủ. Ðấy là nếp suy nghĩ giới hạn và cách ứng xử, lối làm ăn mang tinh thần tiểu thủ công nghiệp và nếp cũ của gia đình. Trong lúc đó, thế hệ thứ hai (thế hệ trẻ sinh ra tại nước ngoài hay rời xứ sở gốc, đến định cư tại một nước khác từ tuổi thơ) đã bị “hoàn cảnh hóa” theo mô thức và xã hội nơi định cư. Thế hệ trẻ Việt Nam (thế hệ thứ hai) thường Âu hóa hay Mỹ hóa về ngôn ngữ, nếp nghĩ và cách sống trung bình trong khoảng 5 đến 7 năm. Ðấy là cách sống và nếp nghĩ mang đậm tính thị trường. Các nhà xã hội và tâm lý Âu Mỹ thường gọi sự xung đột giữa hai lớp người già và trẻ là “xung đột thế hệ”.
Ảnh hưởng trực tiếp có thể kiểm chứng được. Tại Mỹ và các nước phương Tây có đông người Việt, hiện tượng “xung đột thế hệ” (generational conflicts) đang diễn ra dưới nhiều dạng và nhiều mức độ khác nhau. Ở mức độ nhẹ nhàng nhất thì thiếu sự liên lạc bình thường giữa phụ huynh và con cái. Thế hệ trẻ và thế hệ già chỉ còn gặp nhau chung trong bữa ăn, trong vài ba hình thức mua sắm cho nhu cầu hàng ngày. Cha mẹ và con cái không nói chung một ngôn ngữ (theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng). Nếp suy nghĩ của thế hệ phụ huynh vẫn còn dính chặt với nếp suy nghĩ cũ, trong khi đó thế hệ trẻ đã thay đổi từ gốc. Cách nghĩ và lối sống tùy theo hoàn cảnh và tiêu chuẩn của xã hội mới.
Xung đột ở mức độ trung bình là hiện tượng cha mẹ và con cái thường xuyên tranh cãi, chỉ trích, phê phán nhau về cách sống và cách nghĩ hoàn toàn khác nhau. Xung đột nghiêm trọng nhất là tình trạng hai thế hệ già trẻ hoàn toàn kết án và phủ nhận hai hệ thống giá trị (values system) của nhau và không thể có sự hóa giải hay đối thoại với nhau.
Nếu quan sát và nghiên cứu kỹ những trường hợp điển hình thì rõ ràng đấy là sự xung đột giữa hai mô thức tâm lý:
Một bên là thế hệ phụ huynh còn chịu ảnh hưởng sâu đậm của mô thức tâm lý tiểu xảo, gắn chặt với nếp cũ, khư khư với định kiến “trăng đồng mình là trăng sáng nhất. Ðất làng mình là đất thần tiên!” Sự bảo thủ cứng nhắc hệ thống giá trị cổ truyền, hoài nghi mọi sự thay đổi, dị ứng với nhịp sống mới, phê phán nghiêm khắc nếp sống tuổi trẻ tự do, ai không giống mình là xấu… là những biểu hiện khá tiêu biểu của thế hệ phụ huynh.
Một bên gần như trái ngược là khuynh hướng tâm lý thị trường của xã hội Âu Mỹ. Sự cạnh tranh, nhu cầu thường xuyên đổi mới, mạnh dạn loại bỏ cái cũ không còn hợp thời, chuộng đời sống vật chất, không có sự tôn sùng tuyệt đối, coi trọng tự do và điệu sống cá nhân, loại bỏ mọi biên giới cấm cản của tri thức… là những “tiêu chí” tiêu biểu trong sinh hoạt của thế hệ trẻ trong xã hội Âu Mỹ ngày nay.
Tuổi trẻ lành mạnh là tuổi trẻ có điều kiện và năng lực phát triển toàn diện. Tuổi trẻ Việt Nam thế kỷ 21 đang lớn lên và đối diện với một tương lai mới mà thế hệ đàn anh chưa từng trải qua trước đó. Ðấy là khuynh hướng toàn cầu hóa. Kiến thức nhân loại trong mọi lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội có sự giao lưu nhanh chóng, cập nhật và phổ quát. Khuynh hướng tâm lý thị trường sẽ làm căn bản cho những đìều kiện và nguyên tắc giao lưu quốc tế.
Có thể tạm coi hai triệu người Việt đang sinh sống khắp nơi ở nước ngoài như một kinh nghiệm bước đầu về sự tiếp cận của người Việt với môi trường quốc tế. Quan sát về quá trình “giao lưu chẳng đặng đừng” này, chúng ta rút ra được bài học kinh nghiệm gì cho thế hệ trẻ Việt Nam trong mối tương quan với cộng đồng thế giới?
Tuổi trẻ Việt Nam đang có cơ hội thi thố tài năng với tuổi trẻ thế giới. Những báo cáo và kết quả thăm dò, nghiên cứu của Bộ Giáo dục Mỹ [9] trong 2 năm 2002 và 2004 đã đưa ra con số thống kê đầy khích lệ về tình trạng học vấn của học sinh và sinh viên Việt Nam trong các nhà trường trên toàn nước Mỹ. So với học sinh và sinh viên da trắng Mỹ, học sinh và sinh viên Việt Nam không thua kém bất cứ lĩnh vực nào. Ðặc biệt là lực lượng sinh viên Việt Nam du học và sinh viên Việt Nam định cư ở nước ngoài đã và đang vưọt xa sinh viên da màu và châu Mỹ La tinh. Trong các môn học về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và sinh hoạt ngoại khóa, sinh viên Việt Nam ngang tài, ngang sức với các nhóm sinh viên ưu tú nhất của châu Á như Trung Hoa, Ðài Loan, Ðại Hàn, Nhật Bản, Ấn Ðộ. Mặc cảm nhược tiểu không còn ám ảnh tuổi trẻ Việt Nam như năm ba chục năm về trước.
Thế hệ trẻ Việt Nam cần được cơ hội thi thố tài năng với tuổi trẻ năm châu. Trước những tấm gương khai phá và khai phóng của các nhà phát minh khoa học và sáng tạo nghệ thuật tài danh của thế giới, tuổi trẻ sẽ tự tìm thấy được hướng đi của mình vào tương lai. Nghèo chỉ mới là lực cản, chưa phải là lực triệt. Những mặt tiêu cực trong dòng tâm lý tiểu xảo sẽ không có lý do tồn tại trước hiện trạng khuynh hướng thị trường đang chiếm lĩnh toàn cầu. Kỷ niệm 100 năm ngày khai phá trọng đại của Albert Einstein, chúng ta hướng về tương lai với kỳ vọng tâm lý tiểu xảo thủ cựu sẽ từng bước được thay thế bằng nếp nghĩ thị trường tiên tiến vươn lên.
Tiến trình khai phá tri thức của nhân loại không có một điểm dừng chân thỏa mãn nào cả. Thế hệ Euclide, Newton… với không gian ba chiều đã bị vượt qua. Không gian bốn chiều của thế hệ Einstein cũng đang bị vượt qua với khái niệm không gian vô số chiều. Ngay cả những dữ kiện khoa học của thế hệ Einstein được xem là chân lý như tốc độ ánh sáng (300.000 km mỗi giây) là tốc độ cố định và nhanh nhất trong phát minh khoa học của Einstein cũng đang bị dao động với sự chuyển mình của những viễn ảnh mới. Năm 1997, tiến sĩ Alan Guth [10] và tháng giêng năm 2003, giáo sư tiến sĩ vật lý học Joao Magueijo [11] của đại học Hoàng gia Luân Ðôn đã xuất bản hai cuốn sách để lý luận, chứng minh lý thuyết tốc độ ánh sáng thay đổi (VSL: Variable Speed of Light). Theo những vị giáo sư nầy thì tốc độ ánh sáng thuở khai thiên lập địa – Big Bang – cách đây chừng 16 tỷ năm, nhanh hơn là tốc độ ánh sáng về sau này.
Tinh thần khoa học, khai phá, giải huyền và dự phóng là những khía cạnh tích cực làm nên đạo lý khoa học mới. Việt Nam đang cùng với thế giới mạnh dạn qua cầu để bước vào 5 năm đầu của thế kỷ 21. Ước mong những người tuổi trẻ Việt Nam sẽ không có ai ngồi lại bên cầu.
TS Trần Kiêm Đòan
Xem thêm: Truyện Sơn Tinh và “truyền thống” đắng cay…
Xem thêm: Truyện Sơn Tinh và “truyền thống” đắng cay…
[1]Người đỗ tiến sĩ ngày xưa còn được gọi là ông Nghè. Trong kỳ thi Ðình để chọn tiến sĩ, các thí sinh được dụ thi dưới mái cung điện của vua gọi là Nghè và do vua làm chủ khảo nên người đỗ tiến sĩ còn được vinh dự mang tên mái ngói cung vua làm nơi Ðình thí.
[2]Thơ Nguyễn Công Trứ. Chức tước ngày xưa có 5 bậc là: Công, Hầu, Bá, Tử, Nam. Và dân có 4 hạng: Sĩ , Nông, Công, Thương. Người có học vấn đỗ đạt được phong tước và đứng đầu trong 4 giai tầng xã hội.
[3]Batam Publishing, NY, 2003
[4]Saleem Rana. How Albert Einstein Saw Things A Little Differently. Ezine 2005
[5]Famous Quotes From Einstein. Einstein Mirror 1989
[6]John Christie. School of Chemistry, La Trobe University
[7]Einstein and His Economic Vìews. Chansung. Taipei, 2004
[8]Danh xưng của cuộc chiến tranh Việt Nam, sau 30 năm, vẫn chưa có một tên gọi thống nhất. Có khuynh hướng cho đó là cuộc Chiến tranh Hoa Kỳ (American War); có khuynh hướng gọi đó là cuộc Chiến tranh Việt Nam (Vietnam War); có khuynh hướng gọi đó là cuôc Chiến tranh Mỹ-Việt (American-Vietnam War). Người viết xin tạm dùng cụm từ “Chiến tranh Mỹ-Việt” cho bài viết này. Nếu lấy cuộc Chiến tranh Mỹ-Việt làm mốc thời gian thì co thể tạm chia người Việt đang còn sống thuộc về một trong 3 thế hệ: Thế hệ trước CTMV, thế hệ CTMV và thế hệ sau CTMV.
[9]U.S Department of Education. Ed Performance & Accountability. Annual Plans and Reports
[10]Dr. Alan Guth. The Inflationary Universe. Adison Wesley, 1997
[11]Dr. Joao Magueijo. Faster Than the Speed of Light. Perseus, 2003