Văn hóa và… thói trưởng giả!


Các người đang trở nên bé nhỏ càng lúc càng trở nên bé nhỏ hỡi các người bé nhỏ kia. Các người đang sụp đổ tàn phế hỡi các người tự tại an nhàn kia. Rồi đây các người sẽ bị tiêu diệt do quá nhiều đức tính nhỏ bé của các người, do quá nhiều sự kiêng dè bé nhỏ của các người, do quá nhiều sự an mệnh bé nhỏ của các người…
(F. Nietzsche, Phạm Công Thiện dịch)

Trước khi đến với nền văn minh công nghiệp, xã hội loài người có ít nhất là 10.000 năm sống “bằng” trạng thái kinh tế tiểu nông, phương thức sinh sống chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi, được hỗ trợ thường xuyên bởi đánh bắt, săn bắn và hái lượm.

Thói trưởng giả có ở khắp nơi

Trong khi đó, văn minh công nghiệp chỉ mới xuất hiện có vài trăm năm- tính từ mốc James Watt (1736-1819) phát minh ra máy hơi nước năm 1769.

Sơ qua như thế để thấy tư tưởng tiểu nông – được thực tế hoá và cụ thể hoá thành thói trưởng giả tồn tại cả vạn năm sẽ… đồng hành, để lại rất nhiều dư chấn, ảnh hưởng rộng khắp đến mọi hoạt động xã hội thời hiện đại.

Nghịch lý là ở chỗ:

Không ít người biết rõ các “gương mặt” nhiều hệ luỵ của thói trưởng giả nhưng cũng chừng ấy người coi thường tác hại của nó.

Trước hết, phải xác định rằng không phải cứ nông dân là có thói trưởng giả.

Đa số nông dân đầu tắt mặt tối, kiệt sức vì lao động vất vả, ít học hành, chẳng có thời gian để nghỉ ngơi, suy nghĩ, cũng không có tài sản để mà phô trương, “lên mặt”.

Nói một cách khác, thói trưởng giả thường có ở những người sinh sống ở nông thôn, hoặc thành phố, có chút ít tài sản (nhất là tài sản mới phất), nhưng ít học, lại thích đòi làm sang.

Mà nay, người ta giễu cợt là “thích làm dân Quýt- sờ- tộc”.

Những người này thường được gọi chung là trưởng giả – đúng từ cổ chỉ kim, từ đông sang tây.

Họ có tiền (nhất là những đồng tiền kiếm được khá dễ), nhưng quen cái nếp cũ làng quê “con gà tức nhau tiếng gáy”, thích đua đòi, phô trương.

Trong khi cái “phông” văn hoá khá thấp (hoặc chưa có bề dày, căn cơ vững chắc).

Dần dần, hình thành 1 tầng lớp trong xã hội, tạo nên 1 nét đặc thù văn hoá kệch cỡm, đáng tức cười, không ít sự…lố bịch, và kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội.

Việt Nam có 1.117 năm Bắc thuộc – một khoảng thời gian không chỉ đủ mà là quá thừa để con người dồn nén các khát khao thay đổi.

Một nghìn năm tiếp theo, thì hơn 1 nửa là chiến tranh, đói khổ, dịch bệnh, bão tố, lũ lụt….

Thêm vào đó là nạn nhũng nhiễu của cường hào ác bá và sự lộng quyền tàn nhẫn của chế độ quân chủ phong kiến, đã làm cho ước mơ giàu có, được ăn chơi thoả thê trở thành 1 căn bệnh ngày càng trầm trọng.

Có thể nhiều người không đồng ý, nhưng người viết bài này vẫn đoan chắc rằng thói trưởng giả đang là 1 “căn bệnh” tàn phá xã hội không kém gì sự lãng phí.

Xây nhà, chủ của ngôi nhà xây sau bao giờ cũng muốn cao hơn nhà của người xây trước 1 chút (nền nhà, chiều cao của tầng, của toàn nhà).

Đến mức cái tầng 3, tầng 4 chẳng ai ở vẫn xây để “sự thèm thuồng ghen tức của mắt nhà hàng xóm trú ngụ mỗi ngày”.

Trong giới trí thức, được coi là tầng lớp “định hướng văn hoá” cũng chẳng khác gì:

Nhà ở cách xa trường vài trăm mét nhưng PGS, TS vẫn mua ô tô để… cất cho oai!

Ích lợi duy nhất của cái xe mỗi năm dùng vài lần là… về làng.

Trí thức ngồi với nhau, ít thấy bàn về kiến thức, chuyên môn mà phần lớn thời gian là kể, khoe rằng mới sắm cái này, mới tậu cái kia…

Tai hoạ rình rang nhất là sự lãng phí, xa hoa diễn ra khắp các lễ lạt, cưới xin, ma chay.

Những đám cưới hàng chục tỷ; những thiếp mời dự ăn giỗ, ăn cưới ghi rõ cả chức danh, ‘cái ghế” của người mời…

Thói tật ấy, suy cho đến cùng cũng vẫn chỉ là cái thiển cận, tầm thường, cạn văn hoá mà Molie, tác giả vở hài kịch bất hủ “Trưởng giả học làm sang” có sống dậy, cũng xin bái là…sư phụ

Những hệ luỵ

Sẽ có những lời giải thích rằng cái đẹp, cái sang là thuộc tính tự nhiên trong nhu cầu sống của con người, rằng ai chẳng thích ăn ngon, mặc đẹp…

Tuy nhiên, phản đề mặc nhiên là một khi mặt bằng kinh tế chung còn thấp mà người Việt chơi ngông, xài sang hơn cả các nước phát triển thì đó là điều khó chấp nhận nếu không muốn nói là sự xấu hổ về mặt nhân cách văn hoá.

Đó là người viết chưa muốn nhấn mạnh rằng những người thích phô trương tốn kém ấy, đa phần là những người có được nhiều tiền nhờ sự kiếm chác một cách khuất tất, mờ ám.

Tác hại của thói trưởng giả có nhiều lắm…

Trước hết là sự lãng phí vô tội vạ, và thất đức.

Vì đồng tiền chỉ phục vụ cho việc “đốt tiền” nhằm “tuyên vinh” thói hưởng lạc, sống gấp,  thoả mãn tính ích kỷ hợm hĩnh, vênh vang về sự “hơn đời”.

Mà cái sự “hơn đời ấy” biết đâu lại rất kém tư cách- bởi đồng tiền có thể còn là do…tham nhũng, ăn cắp, nhận hối lộ?

Cũng sẽ có phản đề, người có tiền ăn chơi, tiêu dùng cũng là một dạng kích cầu kinh tế.

Nhưng thật ra, chẳng có kích cầu nào theo cách thực phẩm thừa mứa ôi thiu, vàng mã đốt tứ tung mỗi năm cả hàng ngàn tỷ đồng trong khi nguyên liệu giấy khan hiếm.

Thứ 2, sự đua đòi từ thói trưởng giả sẽ là bệnh dịch dễ lây lan, đảo lộn các thang giá trị.

Khái niệm thành công, thành đạt ở đây không phải là giá trị đóng góp cho xã hội, mà là ở chỗ về hình thức có “sang trọng, có hơn người” hay không?

Đây là cách giáo dục tệ hại nhất mà nhiều người đang truyền cho con cháu.

Thứ 3, thói trưởng giả luôn có “bạn đồng hành” là sự giả dối.

Không đủ tiền mua cái áo đó vẫn phải mua cho bằng chị bằng em.

Kiến thức không xứng đáng với học vị nhưng phải kiếm bằng cấp bằng mọi giá để có danh, có lợi.

Sự giả dối vô giới hạn, kệch cỡm đến mức có đại gia sắp phá sản vẫn huyênh hoang với “hàng trăm xe hơi” cưới chưa sang, lẽ ra còn mượn cả máy bay của Hoàng Anh Gia Lai, nếu như  ông bạn “chưa hề quen biết” không đi công tác…

Thứ 4, sự đua đòi từ người lớn lan sang lớp trẻ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.

Trẻ tuổi em đã có thể giết người cướp của để “sài sang”.

Còn người lớn luôn coi trọng cái vỏ hình thức, quên mất tốt gỗ hơn tốt nước sơn.

Nghiên cứu khoa học thì quấy quá, chỉ chủ yếu để kiếm tiền chứ không vì mục tiêu tối thượng (ý nghĩa nhất) là ích nước, lợi dân…

Giải pháp ở đâu?

Có lẽ, đã đến lúc cần phải có một cuộc vận động sâu rộng trên cả nước để chống lại chứng bệnh nan y nguy hiểm là thói trưởng giả.

Những câu chuyện- bài học đạo đức để nói với mọi người, dạy cho lớp trẻ cần phải thực tiễn, ấn tượng và nhất là, tránh cái vết mòn giáo điều cũ rích như lâu nay.

Chẳng hạn, tại sao không thể dùng phương pháp đối chiếu học để thấy sự phô trương của cái sự chưa giàu lắm ở ta so với các tỷ phú của xứ người thật đáng xấu hổ.

Thời nào cũng vậy, làm quan là làm gương.

Đạo đức và nếp văn hoá xã hội sẽ không thể nào tốt đẹp nếu các bậc quan chi phụ mẫu là những mảnh gương vỡ và xấu về thói trưởng giả.

Đứng trên giảng đường đại học hàng chục năm, mỗi lần dạy 1 lớp sinh viên mới, tôi lại buồn vì sinh viên cứ chăm chăm nhìn vào quần áo của thầy, đồ cũ hay hàng hiệu, xe máy của Tàu hay của Nhật…

Không ít lần, sinh viên nói thẳng với tôi rằng cái điện thoại di động của thầy “tệ” hơn cả của sinh viên, thấy tội quá (!)?

Cách nghĩ và cách hiểu cuộc đời như thế thật là tai họa.

Phải chăng đó là đặc trưng của thói học đòi ở xã hội “thời thượng” ta đang sống?

Tôi đã từng thấy 1 học sinh nam lớp 10 chuyên toán, đi giày nữ đến lớp (nhà trường bắt tất cả phải đi giày vào ngày thứ hai), bị trêu chọc đến tội nghiệp như thế nào.

Đến ngay môi trường sư phạm cũng không có chỗ cho sự cảm thông cái nghèo.

Đủ hiểu, thói trưởng giả, học đòi “lên ngôi” như thế nào.

Cuộc “chiến đấu” để “đánh bại” thói trưởng giả chắc chắn sẽ vô cùng gay go vì gột rửa cho được thói tính có từ hàng ngàn năm phải mất rất nhiều năm.

Tuy nhiên, muộn vẫn phải làm, bởi nếu thờ ơ với nó có nghĩa là góp phần làm băng hoại văn hoá, xã hội.

Xét về mặt lịch sử, chưa bao giờ dân tộc phải đứng trước nhiều thử thách về tâm thức và tinh thần như bây giờ.

Kiếm một quan chức thời nay ăn mặc đúng mực theo nguyên tắc Noblis Oblig (hành xử, trang phục phù hợp với cương vị và thu nhập), ngồi trên một cái ô tô tương xứng với GDP hạng dưới của thế giới thật khó.

Có những quan chức ăn phở với giá mỗi tô gần 1 triệu đồng trong khi Tổng thống G. Mỹ mời cơm trưa Thủ tướng Anh với thực đơn mỗi khẩu phần là 2 lát bánh mỳ, một khoanh jambon, 1 ly coca và một quả cam…

Thói trưởng giả, liệu có phải là nét văn hóa đậm đà “bản sắc dân tộc” Việt ở thời đại mới không?

HÀ VĂN THỊNH
Previous Post
Next Post