Các chuyên gia phương Tây đã đề ra một nguyên tắc mà cho đến nay nó hiển nhiên đúng và không thấy ai cãi lại được, đó là: Chỉ là hiểu biết khi nói ra được bằng mồm (tất nhiên điều này hàm chứa cả ngôn ngữ viết). Một người đi đăng ký cấp bằng sáng chế phát minh, người đó dứt khoát phải trình ra văn bản đã được viết để trình bày nội dung của nó, cũng là cách nó được nói chính thức bằng văn bản. Không ai cấp bằng phát minh cho những thành tựu còn nằm trong bụng. Tương tự không ai công nhận ý kiến của một người là hiểu biết hay độc đáo nếu người đó chưa nói ra.
Ngay việc hiểu biết theo lối chứng ngộ của Thiền, các chuyên gia bảo, đó là cách hiểu bằng trực giác thăng hoa, mà chưa phải hiểu bằng nhận thức. Khi thầy tác động một lực vào người tu sinh, tu sinh giật mình cảm được cái gì bí ẩn cao siêu, thì đó chỉ là trạng thái thăng hoa chứ không phải là hiểu biết. Bởi vì đã là hiểu biết, thì anh phải hiểu biết cái gì. Và cái hiểu đó phải được trình ra bằng lời. Trái lại, không thể có kiến thức còn nằm trong bụng, hoặc nói vớ vẩn rằng “tôi không thèm đọ nhau với anh”. Nhiều người Việt Nam học thói xấu của nhiều người Tàu, khi vừa tranh luận, trí tuệ rất nhỏ bé nhưng liền nói “con cá làm sao hiểu được đường bay của con chim”. Ở đây, ai là chim và ai là cá? Người Việt có câu “Khôn ngoan đối đáp người ngoài”, hoặc “khôn ngoan đến cửa quan mới biết”. Chứng tỏ: người ta chỉ có thể khôn ngoan thực sự khi ứng đối với bên ngoài nơi công đường, cũng là công lý, mới có thể tin. Trái lại khôn ngoan bẻm mép trong xó bếp thì để làm gì? Càng không phải khôn ngoan cái thứ vừa mở miệng đã dè bỉu công bằng và công lý. Bởi vì nếu không có công lý thì ai là trọng tài để cho anh là khôn ngoan tài giỏi? Khi đó không chỉ chứng tỏ trí tuệ thấp mà còn phơi ra tính trí trá lưu manh. Vậy thì chúng ta thử xem trí tuệ hủ nho đã thành đạt được những gì trong lịch sừ?
Vua chúa Trung Hoa suốt ngày nấp trong cung, muốn tránh nắng tránh mưa còn thích trò chơi chọi dế. Vua chúi đầu cùng vài cận thần xem hai con dế đấu nhau trên cái sân rộng bằng khăn mùi xoa, hai bên reo hò tung hô, còn cả trăm quần thần đứng xa tung hô con dế của vua tài ba dũng cảm quá! Điều đó không chỉ nói lên sự yếu hèn mà còn vô liêm sỉ tuyệt đối. Tại sao? Vì đám quần thần từ xa đâu có nhìn thấy gì mà reo hò tung hô? Đó chỉ là cách nịnh bợ tuyệt đối! Còn người chọi dế, nếu thấy con dế của mình sắp thắng con dế của nhà vua, thì phải tìm cách đánh nó làm sao để nói, “con dế của bệ hạ tài quá, con của thần thua rồi!” nếu không vậy, thì con dế chết, ông chủ của nó cũng chết theo. Đây có thể nói, là sự yếu hèn hết cỡ của vua chúa Trung Hoa, trong khi người phương Tây chơi những trò đua ngựa, thì vua chúa phương Đông lại chơi trò chọi dế như trẻ con. Điều này không chỉ võ đoán, mà chính lãnh tụ Tôn Trung Sơn đã mô tả cảnh tự hào mình lười biếng của người Tàu. Người ta để móng tay dài để khoe mình là người nhàn hạ. Trong cung làm gì có mưa nắng mà vua chúa vẫn rước ô che. Nước Tàu nhiều núi non nhất thế giới mà vua chúa vẫn phải chơi giả sơn mang ngọn núi bé như đồ chơi vào cung chỉ vì sợ ra ngoài có mưa nắng. Vì yếu ớt thế nên người ta rất lạc hậu. chỉ có vài chục cây súng trường xông vào cũng chiếm được Thiên An Môn, khi lâm nguy vua Phổ Nghi vẫn bốc cỏ trên bàn thờ để xem bói dịch. Sau sự kiện cuộc cách mạng đấm bốc dùng tay chân võ Tàu bị súng máy của phương Tây hạ như ngả rạ, Tôn Trung Sơn nói: kể từ đó người Hoa thần phục Tây Âu như thần thánh, từ cái bật lửa của Tây cũng là phép lạ, đến khẩu súng máy thì Tây Du ký cũng chưa nghĩ ra, lại còn ô tô, tầu thủy, máy bay đúng là những thứ của thần thánh… Đấy là kể sơ sơ. Giờ chúng ta thử điểm vài luận cứ chính xác:
1- Không có người phương Đông quyền quí nào lại để cho con cái chịu ân sủng của giáo dục phương Đông. Khi có điều kiện họ đều gửi con sang Âu Mỹ học. Các lãnh tụ Phương Đông thành công thường học ở Âu Mỹ. Pi-e đại đế của Nga từ xưa đã xác định nước Nga muốn tiến bộ thì dứt khoát phải theo phương Tây. Mới đây nhà tỉ phú Nga bị giam cầm cũng khẳng định “nước Nga dứt khoát phải theo phương Tây”.
2- Chỉ có 1/1000 người Trung Quốc đi du học phương Tây nhưng lại trở thành lãnh đạo tất cả các học viện ở trong nước.
3- Không người phương Tây nào thèm khát giải thưởng Á, Phi. Nhưng hầu hết người Á Phi đều ham muốn các giải thưởng của phương Tây.
Lãnh tụ Tôn Trung Sơn nói về cái lạc hậu của người Hoa như sau: không biết quốc tộc, chỉ biết đến gia tộc, già rồi vẫn nọc con ra lấy “gia pháp” là roi vụt như đánh trẻ con. Không biết đến các khái niệm “tự do, dân chủ, cá nhân”. Đời sống lấy cơm áo làm đầu. Đàn ông chịu bị thiến để ăn cơm vua. Đàn bà chịu bó chân để đùi nở mong làm thê thiếp nhà giầu.
Vì không biết đến phẩm chất cá nhân, người Tàu có khí độ rất hèn kém nô tài. Chơi cờ với vua làm sao tính toán để hòa, bởi thắng cũng chết, thua cũng chết nếu lộ rõ là nhường vua. Chỉ có giả đánh hòa toát mồ hôi thì may mới sống. Giang Thanh khi chơi bài với thư ký còn bảo “bài của đồng chí đẹp sao không đổi cho tôi?” Còn Mao Trạch Đông vì mặc cảm thất thế với Nga, nên khi mời Stalin sang, còn cố tình từ bể bơi lên muộn để tiếp Stalin bằng pi-ja-ma. Thật hết sức thiếu văn hóa. Trong bộ phim “Vòng cung Cuốc-xơ” người Nga nhắc đi nhắc lại câu “khôn vặt như người Trung Quốc”. Cái cách học chỉ tầm chương trích cú của Tàu, người phương Tây rất ít dùng, vì họ cho đấy là lối bám sát tiểu tiết mà bỏ qua ý lớn.
Chê bai cái xấu của người Tàu, không có nghĩa Việt Nam đã đẹp. Thậm chí cái xấu của họ là đại biểu cho cái xấu của Việt Nam , bởi lẽ Việt Nam chịu ảnh hưởng của Tàu rất nặng. Đặc biệt lớp hủ nho của Việt Nam còn cố cựu hơn cả Tàu, và Việt Nam thiếu những nhân vật giường cột mạnh mẽ làm hạt nhân cho đổi mới Tây học như Tôn Trung Sơn, Lỗ Tấn hay Gandhi, Tagore… Nhiều người Tây sang ta, nói rằng: Chùa Một Cột ở Hà Nội là chùa mô hình à, nghĩa là từ chùa đó để nhân ra cái to hơn? Còn vài người Nhật thì bảo: Ở Nhật Bản gia đình nào cũng có thể làm một cái như chùa Một Cột. Tại sao? Vì nó chỉ rộng hơn manh chiếu một tí, có gì phải cố gắng đặc biệt để làm ra nó?!
Người phương Tây dứt khoát rằng: không có cái gì vừa đi lại vừa đứng. Tư duy nước đôi là tư duy à uôm của nô tài theo kiểu đánh cờ với vua chỉ lo hòa. Tư duy này khiến trong tât cả các hội nghị quốc tế, ý kiến của châu Á không có gì đột phá hay sắc xảo, mà chỉ là ý kiến “toàn diện”. Nhà triết học Pháp Francois Jullien, một chuyên gia số một về châu Á, trong tác phẩm “Triết lý phương Đông và triết học phương Tây” đã phân tích: người Trung Quốc còn áp dụng lối sống nhạt nhẽo trong cuộc đời, đó là khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống. Và với phương châm đó, họ sống lúc nào cũng giấu mình nhạt nhẽo không để lộ ra cái gì xuất sắc cả để được cầu toàn. Ngay trong cả nghệ thuật người ta cũng áp dụng thứ nghệ thuật nhạt nhẽo để làm người khác không chú ý.
Và với tâm lý đó, người ta hầu như không thể sáng tác những tác phẩm lớn, mà chỉ làm mấy câu thơ tức cảnh sinh tình như đùa nghịch khoe chữ, cũng là khoe mình có học. Cả vạn bài thơ Đường là thời kỳ xuất sắc nhất của thơ Trung Hoa, cũng chỉ được các học giả của họ gọi là “những mảnh vụn lấp lánh”.
Mới đây chúng tôi dăm người ngồi tranh luận. Một bạn nói: Người Việt mình chủ yếu là âm khí, sống âm u, đi đâu cũng chỉ thấy hát xướng mua vui, rồi làm mấy vần thơ lèo tèo… Nước ta sao chưa trở thành cường quốc văn hóa? Bởi vì chúng ta có quá ít người làm những việc lớn. Tại sao không viết tác phẩm lớn, công trình lớn, vở kịch lớn, cuốn sách lớn đi, lại chỉ có vài mẩu thơ nhăm nhăm đem ra đọc. Thơ thì từ chối những giá trị công lý của loài người, chỉ đem cái cảm xúc nhỏ bé của cá nhân ra xướng họa, liệu có lớn được không? Sau đó thì lại ước mơ giải Nobel, bằng cách đi tìm những giải thưởng giành cho thơ và truyện ngắn… Chúng ta nên biết “Cái ngoại lệ lại khẳng định cái luật lệ”. Thế giới mỗi năm có một giải Nobel văn học, không có nghĩa mỗi năm có một Homer. Sau cả ngàn năm giải Nobel bé vẫn cứ là Nobel bé, mấy bài thơ không thể cựa mình thành tác phẩm lớn được. Về đề tài này, tôi sẽ viết hẳn một bài về giải thưởng Nobel, với chủ ý: giải Nobel không thoát nổi ý nghĩa mặt trận nhân sinh của con người. Và người Việt thì còn lâu mới được nằm trong bảng ưu tiên nhân sinh đó. Người Trung Quốc muốn gặt hai giải Nobel thì người ta cũng phải ào ạt chuyển từ thơ sang viết văn xuôi để đem những mảnh vụn lấp lánh đổi lấy những lâu đài đồ sộ. Còn lại mấy anh ti toe làm thơ cảm xúc Việt chớ nên ảo tưởng những mảnh vụn làm trong buổi tối của mình là những lâu đài. Cảm xúc luôn thay đổi chóng qua, nó chỉ là phù du, vì thế nó không bao giờ đóng vai ông chủ chinh phục của sáng tạo. Nó luôn luôn chỉ là đầy tớ mà thôi. Muốn có tác phẩm lớn người ta phải biết kiến trúc và lập trình bằng lý trí.