Hủ nho lại đòi nho nhe ngóc đầu

1- Hình ảnh mẫu của hủ nho trong lịch sử là gì? Đó là “học nhi ưu tắc sĩ”, tức học giỏi để làm quan. Thèm làm quan đến độ, lê la vào cung điện, đứng cách vua chúa cả vài chục mét, xúm đông xúm đỏ xem hai con dế bé tẹo như hai đốt ngón tay, chọi nhau, rồi hò la tán thưởng nịnh bợ vua chúa. Thật là không có chút nào liêm sỉ!

2- Cụ thể trường hợp của Từ Hi Thái Hậu là mẫu hậu quốc gia, vậy mà thấy hai con nô tì chải đầu giống mình, liền lệnh lôi ra chém. Than ôi, mẫu hậu quốc gia mà còn so đọ ghen tức với cả đứa nô tì vì mái tóc. Con người hủ nho thấp hèn đến thế là cùng!

3- Tổng thống dân quốc Viên Thế Khải sau khi để cho các cận thần vào triều được đứng thẳng người không phải quì như chó nữa, rồi còn đưa tay bắt mọi người tưởng sẽ được hưởng ánh sáng canh tân của nền dân chủ, cộng hòa, nào ngờ, về già y đóng cửa, cùng vợ đem long bào ra mặc, để thỏa mặc cảm khát vọng muốn làm vua. Trời ơi đấy có phải cái căn gốc của hạng nho giáo không gượng làm người tiến bộ được?

4- Thấy quan quân đi qua, một vài kẻ từ trong núi chui ra nói vài lời có cánh. Quan quân đi tìm muốn thỉnh thị hẳn hoi, nhưng mấy người này liển lủi mất dạng. Người ta chỉ còn cách than: đó là mầy người ở ẩn! Than ôi, ăn nói bâng quơ thì còn được vài câu rơi vãi hay ho, mời nói hẳn hoi thì không nói được câu ra hồn! Vì sao? Vì sợ trách nhiệm! Chơi cờ với vua còn không dám thắng, nói gì đến việc đòi đưa ra ý kiến kinh bang tế thế?! Đã ẩn lên núi nhưng cái bả công danh vẫn cám dỗ quá nên đòi lân la nói mấy câu nửa dơi nửa chuột. Than ôi cái ham hố của đám hủ nho!

5- Nhà triết học Pháp Francois Julien, chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc phát hiện, học vấn Nho giáo thiên về “cái nhạt”, tức là nhạt nhẽo, làm sao nói mà không nói, nói ẩn để không bị lộ mình, mong cầu toàn cho bản thân. Than ôi, lúc nào cũng lo thủ thế giữ mình, thì làm gì có được cái gì hay ho?!

6- Học giả lớn Lâm Ngữ Đường, người Trung Quốc có nói, Trung Quốc không hề có triết học và khoa học, vì người Trung Quốc không biết tôn trọng cái phổ quát thì làm sao có khoa học và triết học được.

7- Triết gia Hegel nói: "Dân tộc Trung Quốc dù lớn, nhưng không có sử thi, nên không phải là dân tộc có tâm hồn lớn”. Vì câu nói này, trong nhiều năm gần đây, giới văn hóa của Trung quốc lọ mọ đi tìm khắp nơi, nhưng vẫn chưa tìm được sử thi nào để cứu vãn độ lớn cho dân tộc cả.

8- Mới đây, khi người ta bàn đến sự nổi lên của Trung Quốc, một số chuyên gia đã thẳng thắn nhận định: Trung Quốc không bao giờ lãnh đạo được thế giới, vì họ không hề có hệ thống tư tưởng (than ôi lúc nào cũng đòi sống nhạt lấy đâu ra tư tưởng?!)

9- Trong vấn đề giải quyết biển Đông mới đây, khi các nước đòi giải quyết đa phương, nhưng Trung Quốc chỉ muốn giải quyết song phương. Than ôi một nước lớn gấp hai chục lần các nước xung quanh như vậy, mà giải quyết đòi song phương, thì ra họ chưa bao giờ biết đến tinh thần phổ quát sẽ là tiền thân của công lý?! (Thật đúng như nhận xét của Lâm Ngữ Đường về dân tộc mình).

10- Người Nhật Bản khinh bỉ nho giáo đến mức họ còn đề ra chủ thuyết “Thoát Á luận”, nghĩa là muốn xã hội phát triển thì phải ly khai những thứ dây cà dây muống của đám hủ nho.

11- Cái đầu tầu nho học đã vậy, mấy chú học lỏm ti toe ở Việt Nam sẽ thế nào? Chúng ta thử đọc: “Trì trệ và bất lực"
(Lương Đức Thiệp, Việt Nam tiến hóa sử, năm 1944)

Bị ý thức hệ nho giáo bảo thủ lung lạc, bị nguỵ thuyết của bọn Tống nho đưa lạc nẻo, bị chế độ thi cử chi phối, đẳng cấp nho sĩ Việt Nam không còn một chút hoạt lực(1) nào, không còn được một tính cách cấp tiến nào nữa. Bởi vậy họ đã chống tiến hoá chống cải cách. Phụ hoạ với triều định, họ đã lấy cái học bã giả(2) của Tống nho dựng một bức trường thành ngăn các trào lưu triết học khác không cho tràn tới địa hạt tri thức do họ giữ đặc quyền.

…"Thiếu độc lập về tư tưởng, hoàn toàn phục tùng cổ nhân Trung Hoa về cả mặt tình cảm, quá câu nệ về hình thức thơ Tàu, đẳng cấp Nho sĩ Vệt Nam chỉ sản xuất ra được những lối thơ nghèo nàn. Nhiều tập thơ mài giũa công phu nhưng không chút sinh khí.

Qua ngay hình thức của thơ, ta cũng thấy rõ tinh thần bảo thủ của đẳng cấp Nho sĩ và sự bất lực của đẳng cấp này trong mọi công cuộc sáng tạo xã hội có tính chất cấp tiến.

(1) sức sống.
(2) thường nói bã chả, với nghĩa cái phần dư thừa sau khi lấy hết tính chất và nát ngấu nhão nhoẹt.

Than ôi, Nho giáo bị coi là thứ bã chả, quả là thứ nước đờm nước dãi và nước thải! Thế mà vẫn cứ ti toe khoe chữ!

12- Nhà phê bình Hoài Thanh nói: Nho học chỉ là cái máy để đúc ra hàng vạn bài thơ dở. (tất nhiên là không thể nào viết được tiểu luận, chỉ bình vớ vẩn nhăng cuội).

13- Thời thơ Mới, có nhiều nhà thơ giỏi cả chữ Tầu cả chữ Tây, liền lớn tiếng thách thức bọn hủ nho rằng có giỏi thì dời núi xuống đây đọ làm thơ, nhưng bọn này im phăng phắc, chắc lại đang mỉm cười trên núi rằng “người quân tử không cần đấu?”

14- Câu của Khổng Tử là “Hương nguyên đức chi tặc giã”. Học trò hỏi, ông không trả lời, vì cách đây gần 2500 năm, ở Trung Quốc có 99% là nông dân, chẳng lẽ lại nói toẹt vào mặt họ: nhà quê là hại đức. Giờ nếu dịch là “ngụy quân tử là hại đức”, chẳng lẽ Khổng Tử lại dốt như vậy? vì sao:

- Ngụy quân tử hiển nhiên là kẻ lộ mặt xấu, việc gì phải nói ngụy quân tử là hại đức nữa. Nói thế có khác gì bảo “đồ giả là xấu!” hoặc đơn giản hơn, ai lại nói, phân là thối bao giờ. Than ôi, người Việt nói “chữ thầy trả thầy”. Có nghĩa học thế là phí cơm toi. Học thì phải biết suy luận, tại sao cứ chờ thầy bảo rồi mới dám nghĩ nhất nhất như vậy?!

Cái sở trường bé nhỏ của phương pháp hủ nho luôn luôn là tầm chương trích cú, không bao giờ hiểu cái lõi, chỉ đi tra cứu cái mẽ ngoài. Lúc nào cũng sợ hãi nói nước đôi, thì làm sao có thể nhận ra nội dung của sự việc?!

Tôi cũng là một người theo “Thoát Á luận”, trong mắt tôi, tôi không coi bọn hủ nho ra gì cả. Thời thơ Mới, đã có người thách thức đám hủ nho, giờ tôi cũng muốn thách thức đám này. Về toàn thể mặt trận vĩ mô đại cục, đám hủ nho đã phơi bụng trắng xóa rồi nay đòi cơ hội lê la vào lịch sử để kiếm chút hư danh ư?!

Ở Việt nam, theo các thống kê, thì chỉ có hơn mười người viết được tiểu luận về văn học và xã hội học, trong số này hình như đám hủ nho không đủ tài. Làm một cái máy bay khó muôn vạn lần, nhưng để phá hoại nó chỉ cần ném vào một nắm cát. Giờ mời những đại biểu cao nhất của hủ nho, thôi thì cả túc nho cũng được, muốn tranh luận với tôi tử tế, thì xin viết một tiểu luận khoảng 1500 đến 2000 chữ cho. Lúc đó tôi cũng sẽ tranh luận bằng tiểu luận. Còn day dứt với commnet ấy à, nó chưa phải loại hình nào cả!

Trước hết xin bàn về hai từ “vô lại” thôi. Và hãy phê bình thẳng vào bài hai trăm chữ  “về sự sợ hãi” của Ngô Bảo Châu, xem có đủ trí thức và can đảm không?! Hãy cấu tự và bàn hẳn hoi đi, xem sở tài được bao nhiêu?! Nhưng tôi cũng thú nhận, để chiến thắng hủ nho thật thiên khó vạn nan, vì Ngô Bảo Châu đoạt giải toán học hàng đầu thế giới, được cả Tổng thống Pháp đọc lời chúc mừng, mà có khối kẻ còn coi như không có, thì tôi chẳng là cái gì để được chấp nhận cả. Ông Bá Dương trong cuốn “Người Trung Quốc xấu xí” có nói: người Trung Quốc rất khó khăn, dường như chẳng bao giờ biết xin lỗi. Cái văn hóa hủ nho là thứ cấu kết lạc hậu nhất trong lịch sử, thật là khó mà nghe được lời chấp nhận thua cuộc hay xin lỗi của họ.

Dù vậy, tôi đã ném găng cho đám hủ nho và xin sẵn sàng vào cuộc!

*****

Thông điệp thời đại: Khải hoàn ca trên đầu mấy hủ nho

Chúng ta đã xem rất nhiều phim Trung Quốc, cũng như nhiều tác phẩm khác, cho thấy người ta lột tả chân dung của đám hủ nho kỹ đến mức nào. Rút cục hình ảnh đặc trưng của họ như sau: vua quan có thể xúm xít cả trăm người xem chọi dế. Điều đó chứng tỏ việc nước với họ chỉ là trò đùa. Đám quan lại Nho học đông nhung nhúc, nhưng khi quốc gia gặp đại sự, thì đều trốn tránh đưa ra ý kiến bắng cách “thần gan óc lầy đất không dám, xin bệ hạ sáng suốt chỉ bảo”, nhưng khi có viên quan nào đưa ra ý kiến thì đám quan lại này liền xúc xiểm, chôm chỉa.

Nay tôi xin bàn với mọi người dựa trên những sở cứ chắc chắn nhất, cái đòi phản biện, mà không phản biện được đúng vào điểm đó thì chỉ có cách bị khuất phục. Đây không phải là tư duy độc đoán mà là tư duy đặt cơ sở chắc chắn nhất cho các luận cứ mang tính khoa học:

1- Biện chứng pháp về lịch sử

- Nho học không biết đã gieo và gặt được những gì, nhưng thời nhà Thanh, nhân dân Trung Quốc dứt khoát tạo sức ép lên Quốc mẫu Từ Hi thái Hậu đòi phải canh tân. Và Từ Hi Thái Hậu đã phải cử hai đoàn quan lại đi Mỹ và Nhật để học về thể chế cộng hòa và quân chủ lập hiến.

- Lãnh tụ Tôn Trung Sơn nói một cách xác tín nhiều lần: Trung Quốc không có tinh thần Quốc tộc, chỉ có tinh thần gia tộc và tông tộc. Vì thế 400 triệu dân Trung Quốc chỉ là bãi cát rời rạc, ai đánh cũng ngã gục. Nho giáo tốt đẹp ư, tại sao trong hơn hai nghìn năm lại chỉ dạy con người co cụm ích kỷ không hề biết đến giá trị phổ quát lớn hơn là quốc gia dân tộc? Trình độ dân chúng ở mức gia pháp là gì? Là lớn tướng rồi còn đem roi trên vách xuống đánh con và vợ. Than ôi… Lãnh tụ Tôn Trung Sơn là nhà tư tưởng uyên bác hàng đầu Trung Quốc, được bác Hồ nhận làm thầy, và đây là một cứ liệu chắc chắn, tin rằng không một ai đủ xảo biện để tranh luận đòi xí xóa.

- Nhà văn Lỗ Tấn, cha đẻ của văn học hiện đại Trung Quốc nói, cái học của Khổng Tử là cái học ăn thịt người. Lỗ Tấn là một người xuất thân đại Nho giáo, tiếng Tầu, tiếng Đức, tiếng Nhật đủ cả, xin mời vị nào muốn bày tỏ cao thấp thử so găng xem?

- Cả Mao Trạch Đông, cả Hồ Chủ tịch khi đi tìm đường cứu nước đều hướng về phương Tây. Hồ Chủ tịch thì nhắm tới Pháp trên con tầu Latouche Treville. Còn Mao Trạch Đông thì nói một câu nhổ toẹt vào Nho giáo “cái học Khổng Tử là cái học ăn cứt!” Vì thế một số bạn cứ muốn chứng minh Bác Hồ muốn cứu nước theo Nho học là chẳng hiểu biết gì cả. Bác Hồ có thể sinh hoạt một chút theo Nho học, nhưng không bao giờ cứu nước theo Nho học.

2- Biện chứng pháp xã hội về mô hình nhà nước, quốc gia lập hiến

- Đạo Nho hay đạo Khổng dù có dạy bao nhiêu Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, mặc lòng, đó là những giá trị giành cho mỗi cá nhân riêng rẽ. Tất cả những thứ đó không thể tạo ra lý thuyết lập nên quốc gia lập hiến. Đây là điểm chính yếu đủ để làm sụp đổ toàn bộ Nho giáo trong thời đại mới. Có người nói, không nên lấy Nho giáo đã hơn hai nhìn năm để so với thời đại bây giờ. Nói thế là sai triệt để. Tại sao?

- Trước công nguyên khoảng 400 năm, triết gia Socrate và Platon đã thiết lập mô hình dân chủ và cộng hòa, cũng như nuôi dưỡng và phát triển tất cả sở trường của mọi người, được ghi lại trong cuốn “Cộng Hòa” (La Republique), được cả thế giới theo đuổi cho đến tận ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.

Xin nhắc lại, đây là một luận điểm không thể đảo ngược làm Nho giáo phơi ra: tài sản lập hiến của mình bằng không.

3- Biện chứng pháp về phương pháp luận

- Lối học của Nho giáo chủ yếu là trí nhớ, tầm chương trích cú mọt sách. Không có tính độc lập tư duy và sáng tạo. Các nhà nho thì chủ yếu thủ thế ăn nói nước đôi trung dung, và đã tạo ra một đội ngũ đông đảo tư duy nô tài. Cụ thể, ngài Mahbubani, đại sứ Singapore ở Liên Hiệp Quốc đã viết cuốn sách “Người châu Á có thể tư duy không ” (Can Asians think?) Ông cho rằng: người châu Á không có phẩm chất của tư duy độc lập và sáng tạo. Vì sao? Hẳn đó là đặc sản của tư duy nô tài nước đôi đã ăn sâu trong lịch sử!

- Triết gia John Stuart Mill còn nói: Trung Quốc không có lịch sử, vì đó chỉ là thời gian thói quen của quốc gia kế tục gia đình trị khổng lồ. Như vậy làm gì có cái gọi là vấn đề lịch sử cơ chứ (Xin xem cuốn “On liberty”)

- Triết gia John Dewey khi đến thăm Trung Quốc đã nói: Trung Quốc không có óc độc lập và sáng tạo.

Như vậy chẳng là óc nô tài sao? Hàng ngàn năm ăn nói thủ thế nước đôi không tạo ra nô tài mới lạ?

4- Biện chứng pháp về văn học

Tại Việt Nam, thời thơ Mới kéo dài hơn mười năm từ 1932 đến 1945, mà gấp ngàn lần hơn một ngàn năm Nho giáo làm thơ ở Việt Nam cộng lại, như vậy đẳng cấp cách nhau cả triệu lần “Thanh thế thơ Đường ở nước ta xưa nay bao giờ cũng lớn. Nhưng vì cái học khoa cử, những bài thơ kiệt tác ngâm đi giảng lại lại hoài đã gần như vô nghĩa. Nó chỉ còn là cái máy để đúc ra hàng vạn thí sinh cùng hàng vạn bài thơ dở” ( Thi nhân Việt nam NXBVH 1995, tr 33). Cách nhau đến cả triệu lần thiết nghĩ chẳng có gì nên bàn nữa cả?!

5- Biện chứng pháp ngôn ngữ

Có bạn đọc đã viết comment chữ quốc ngữ Việt Nam đang dùng để giao tiếp và tư duy là của ai, Nho giáo hay Tây học? Tôi xin được mượn lời của bạn, nó quả là một bằng chứng mà không cần thêm gì nữa cả!

Năm biện chứng pháp đó có lẽ là đã khá đủ. Qua cuộc tranh luận vừa rồi, ngoài những ý kiến xác đáng xây dựng, tôi xin thành thật cám ơn. Nhưng trái lại chúng ta cũng phải nhìn ra một xu hướng rất xấu, đó là kiểu lây nhiễm a dua hội đồng đám đông. Triết học cho rằng: đám đông không có cá tính! Không phải chịu trách nhiệm cụ thể về đạo đức! Đám đông không thể sáng tạo! Trái lại chỉ có cá nhân mới chịu trách nhiệm toàn diện về bản thân mình! Và cá nhân mới sáng tạo.

Có người thấy tôi nói “chi hồ giả giã”, anh ta liền bảo: ông nội và bố của ông Đức có học chi hồ giả giã không? Nghĩa là anh ta đem cả ông và bố tôi vào cuộc. Anh ta sao không hiểu một điều đơn giản rằng “con hơn cha là nhà có phúc” tôi hoàn toàn có thể giỏi hơn cha ông mình cả trăm lần, thì càng vinh dự chứ sao? Còn có những người bảo, mình là rốn của vũ trụ, không cần tôn sùng ai, hoặc ai chẳng là thầy ai, vì người dạy cái này, người học cái kia, nói thế là muốn chơi hòa cả làng với cả vĩ nhân… Ôi, nếu ích kỷ và cục bộ đến vậy, thì bàn đến việc nước của chung làm gì? Những ý kiến như vậy hoàn toàn chứng tỏ dân trí của chúng ta còn quá thấp!

Xin cám ơn mọi người!
Tác giả: Nguyễn Hoàng Đức

Nguồn: chungta.com
Previous Post
Next Post