Nếu cứ hành xử đối với thế giới đầy biến động xung quanh theo lối bầy đàn thì chúng ta khó lòng mà khấm khá lên được, cho từng cá nhân cũng như cho cả quốc gia.
Vào những năm 50 thế kỷ XX, W. Pauli, một nhà Vật lý lừng danh đã được nhận giải thưởng Nobel hơn 20 năm về trước, đưa ra một lý thuyết mới về vật chất và vũ trụ. Ông mong muốn với lý thuyết này, sẽ một lần nữa nhận giải Nobel. Nils Boor, Chủ tịch Hội đồng chấm giải đã nhận xét sau khi xem xem xét công trình: “Lý thuyết của ông rất điên rồ, thật là điên rồ, nhưng chưa đủ điên rồ để làm chúng ta thay đổi cách nhìn về thế giới này”.
Sáng tạo bao giờ cũng là sáng tạo cá nhân, còn những hoạt động cộng đồng chỉ là sự tổ chức ra các điều kiện cho cá nhân sáng tạo.
Người ta không ai giống ai, vì vậy khi người ta phát triển cũng không ai giống ai: có người giàu lên thì mua ôtô nhưng có người giàu lên lại chọn đi xích lô, có người giàu lên thì ăn nhiều thịt nhưng có người giàu lên thì lại thích ăn rau. Tuy vậy trong sự thăng trầm của mỗi quốc gia, tại mỗi thời điểm xác định, vẫn thường có một số cái gì đó là chung rất dễ nhận thấy. Vậy cái gì chung là nổi bật của người Việt trong lúc phát triển bột phát và vui vẻ ngày hôm nay?
Nhìn ra thiên hạ vào lúc cuối năm, thấy các anh các chị khá giả lên sau một năm lao lực ào ào kéo nhau đi mua ôtô, ôtô lên giá và không có đủ để giao ngay cho khách hàng. Các anh chị kéo nhau ào ào đi mua bất động sản, bất động sản lên giá và không có đề bán. Các anh chị lại kéo nhau ào ào đi mua chứng khoán, giá chứng khoán lên tới tận trời xanh để rồi tụt xuống tận đất đen… Và cứ thế…
Nhìn ra xung quanh lúc đầu năm thấy mỗi ngày thấy đường phố thêm bị kẹt xe, ghé xem ngõ phố đoạn đầu rộng thênh thang cuối ngõ thu lại nhỏ tun hủn. Mặc dù số lượng xe cá nhân của Hà Nội chắc còn kém xa thủ đô mấy nước lân bang và ngõ phố cũng chẳng đến nỗi hẹp gì. Duy có điều trên phố Hà Nội người lưu thông cứ quen lệ hễ người khác lấn lên là mình cũng cố tìm khe hở lấn lên, bất chấp việc khe hở đó là lối lưu thông của chiều ngược lại. Còn trong ngõ xóm hễ nhà hàng xóm lấn ra mười phần thì mình cũng lấn ra theo và còn lấn hơn một tý, bất kể quy định phố phường.
Vì cái lý do gì mà người Việt chung ta, trong số đó có nhiều người trình độ học thức cao, địa vị xã hội không thấp, lại nhiều khi hành xử ào ào theo kiểu phong trào như vậy, bất kể các suy tính thiệt hơn về kinh tế cũng như các quy định của nhiều loại luật lệ hiện hành. Vấn đề có lẽ sâu hơn ở chỗ: những hành vi hàng ngày và ngự trị trong hệ thống giá trị tiểu nông hãy còn tồn tại trong quá trình nước Việt ta chuyền đổi từ xã hội truyền thống sang hiện đại…
Hành vi con người, nói cho cùng chịu sự điều chỉnh của ý thức con người về cái mà người ta cho là đúng đắn, thích hợp và nên làm, cũng như những cái mà người ta cho là không đúng đắn, không thích hợp, không nên làm. Cái ý thức làm tiêu chuẩn chung của các hành vi chính là hệ giá trị, cái mà được tất cả mọi người nhất trí chấp nhận để xã hội có thể vận hành một cách đúng đắn.
Trong hệ gia trị tiểu nông đã từng tồn tại, có một giá trị được mặc định: làm như những gì đa số người xung quanh làm là điều tốt…? Cái giá trị đó được dựa trên lối sống cổ xưa theo bầy đàn khi sự sống sót của mỗi cá nhân phụ thuộc vào sự hòa nhập của cá nhân trong cộng đồng và mỗi người hành xử theo cái mà truyền thống quy định hoặc người đứng đầu đã định. Khi làm như thế, người ta cảm thấy an toàn và thoải mái, nhưng cả xã hội không mấy đổi thay vì thiếu những xung lượng làm ra cái mới, cái có giá trị gia tăng. Dễ có đến hàng nghìn năm con người đã sống như thế.
Còn trong xã hội hiện đại, mỗi cá nhân được xác định là một thực thể duy nhất, một lần xuất hiện, không lặp lại. Và hành xử của mỗi cá nhân đó phải được triển khai dựa trên suy xét của lý trí cá nhân với một tiêu chuẩn căn bản: cá nhân phải chịu trách nhiệm cá nhân về hành vi của mình. Thế cho nên từ giá trị đó mà có các chuẩn mực cho con người hiện đại: sự tự chủ của con người, mỗi con người đến tuổi trưởng thành phải tự chịu trách nhiệm về mình, phải tự lo liệu lấy cuộc đời mình, từ chuyện cơm áo nuôi thân đến con đường đời mình sẽ đi, sự nghiệp mình sẽ làm, ý kiến, quan điểm mình chủ trương theo đuổi. Cái tự mình chi phối chặt chẽ hành vi của con người hiện đại.
Và xã hội càng chuyển sang hiện đại bao nhiêu thì ý thức của cá nhân càng cao bấy nhiêu. Chúng ta đi lại theo luật giao thông chứ không phải đi theo người bên cạnh. Chúng ta chọn lựa mua quần áo vì nó phù hợp với cơ thể mình, vì nó phù hợp với cái mà cá nhân chúng ta thấy đẹp chứ không phải mua vì tất cả mọi người đang mặc nó. Chúng ta mua cổ phiếu vì những tính toán lợi ích cá nhân, chứ không phải vì những người khác mua nó. Và như thế thì cộng đồng đa dạng và đẹp hơn, điều có lợi cho mỗi chúng ta và cả cộng đồng. Cái lợi ích chung được dựng lên từ sự suy xét có lý trí của các cá nhân chứ không chỉ vì cộng đồng làm như thế, nên mỗi người cũng làm theo như thế.
Hơn thế, cái cá nhân đến cơ sở cho sự sáng tạo vì bản chất của sự sáng tạo phải bắt đầu từ suy nghĩ, đề xuất của một ai đó, riêng lẻ hay trong sự tương tác với những người khác. Kết quả của sự sáng tạo phải là nghĩ ra những cái mà xung quanh chưa ai từng nghĩ tới, làm ra những thứ mà chưa từng ai đã làm. Sáng tạo bao giờ cũng là sáng tạo cá nhân, còn những hoạt động cộng đồng chỉ là sự tổ chức ra các điều kiện cho cá nhân sáng tạo. Và điều này mới tạo ra sự gia tăng về giá trị lớn nhất cho xã hội, mới là cơ sở đầu tiên và cuối cùng cho sự giàu có của các quốc gia tiên tiến. Vì từ cổ chí kim, người ta vẫn chỉ trả nhiều tiền cho cái gì mói, cái gì hiếm, cái gì độc đáo.
Vậy cho nên mới thấy rằng, nếu cứ hành xử đối với thế giới đầy biến động xung quanh theo lối “bầy đàn”, thì chúng ta khó lòng mà khấm khá lên được, cho từng cá nhân cũng như cho cả quốc gia. Và lối hành xử này nếu vẫn cứ là một giá trị chuẩn mực điều chỉnh hành động mỗi người thì quả thực khó mà có các cá nhân sáng tạo – điều cần thiết để tham gia vào cuộc cạnh tranh toàn cầu ngày hôm nay.
Chia tay với cách hành xử theo kiểu số đông để đến với cách hành xử dựa trên sự suy xét cá nhân, chính là cái mà sống mới đòi hỏi. Có điều, nói thì dễ nhưng nhìn lại bản thân mới thấy mình cũng đang loay hoay theo phong trào, hệt như những người khác, với mấy đồng tiền còm trên thị trường cổ phiếu, cũng chen chúc ngược đường vì một khe hở nhỏ nhoi và cãi nhau với hàng xóm chỉ vì một chỗ lấn ra nho nhỏ chừng cái vảy ốc nào đó. Hóa ra mình cũng vẫn là… tiểu nông thôi!