Việt Nam với sự bám trụ duy trì nhà nước xã hội chủ nghĩa rõ ràng đang là một nhà nước của giai cấp vô sản. Giai cấp vô sản nói chung là công-nông, đã có công làm nên cuộc cách mạng của quần chúng cướp được chính quyền bằng bạo lực cách mạng từ tay phong kiến và thực dân. Về mặt lý thuyết cũng như thực tế, nhà nước của giai cấp vô sản đã sụp đổ trên phạm vi toàn thế giới, mở đầu là các nước Đông Âu, sau đến Liên Xô tổng hành dinh của giai cấp vô sản.
Hiện nay, theo thống kê, chủ nghĩa xã hội chỉ còn leo lét ở dăm bảy nước, nói để dễ nhớ là Việt, Triều, Lào, Trung, Cu, chiếm khoảng 15% tổng thu nhập cũng như các chỉ số xã hội và khoa học của loài người. Nhưng 15% đó có thực sự là gin hay xịn xã hội chủ nghĩa thuần khiết không? Về mặt lý thuyết, người cộng sản dựa trên lực lượng quần chúng công-nông đông nhất để làm nên cách mạng, nhưng trên thực tế họ đều dồn sự chú tâm vào tầng lớp trí thức. Họ hoàn toàn hiểu chính biến của Tiệp Khắc bắt đầu từ tầng lớp trí thức với Hiến chương 77, và Mùa xuân Bắc Kinh 1989 đã không tắm máu của ai khác ngoài trí thức và sinh viên. Còn trên thực tế, miệng thì ra rả xã hội chủ nghĩa, nhưng các quan chức của Việt nam và Trung Quốc không gửi con đến nơi nào khác học hành ngoài lãnh thổ của Đế Quốc Mỹ. Chủ nghĩa xã hội suy yếu và đổ vỡ bởi chính sự xộc xệch về ý thức và hành động, nói một đằng làm một nẻo, trong khi chửi bới đế quốc thì chỉ gửi con đi tìm đế quốc, trong khi đề cao công – nông lại chẳng coi công nông là cóc khô gì. Việc làm như thế cũng là trí trá sai nguyên lý, thì làm sao quốc gia có thể phát triển? Theo lý thuyết chính thống xưa nay, như người Việt nói giản dị “một người lo bằng một kho người làm”, tầng lớp trí thức bao giờ cũng đóng vai đầu tầu dẫn dắt cũng như bản lề xã hội để xoay chuyển chế độ từ trang này qua trang khác. Nhưng người cộng sản vì muốn thành công nhanh chóng đã mua chuộc đám đông bằng cách đưa công nông lên đầu.
Nhìn vào tự nhiên và xã hội có hai xu hướng chính là Đồng hóa và Dị hóa. Tôi xin được diễn giải thế này cho dễ hiểu. Ngay từ sáng sớm người Nam bộ thường ăn sáng với một ly chè đá to như vại bia, vì sao, vì họ ở nơi ũng nước nên đã thích uống nhiều nước, giống như cây dừa hút nước để ra trái vậy. Tôi coi đó là đồng hóa. Một người ở châu Phi toàn đất cát khô cháy cũng thích uống một cốc nước to. Tôi coi đó là dị hóa. Ông bố tôi là bác sĩ nhưng rất nông dân, và những gì tôi tinh chế được là cách làm ngược lại những hình ảnh và thói quen quê kệch của ông. Vì thế trong bài văn hóa vô sản này, sau khi đề cao sức mạnh của văn hóa công nông đã có công cướp được chính quyền, tôi xin mời mọi người hãy bình tĩnh ngắm nhìn và phản tỉnh văn hóa vô sản của chúng ta. Khổng tử cũng từng dạy: “Tam nhân đồng hành, tất hữu ngã sư yên: trạch kỳ thiện giả nhi tòng chi, kì bất thiện giả nhi cải chi”, diễn nghĩa là: hai người đi cùng ta tất là thầy ta, chọn cái hay của người hay mà theo, cái dở của người dở mà tránh. Công, nông cũng như giai cấp vô sản tự nó không xấu, nó chỉ xấu khi thủ đắc những tật xấu, thấy hay mà không chịu theo, thấy dở mà không chịu tránh.
Nước Việt Nam ta hiện nay đang đứng cuối cùng trên bảng giá trị của nhân loại, nghèo nàn nhất, dốt nát nhất, tham nhũng nhất. Đó là bởi cái gì? Cái chính là bởi văn hóa vô sản của chúng ta. Thử điểm xem, thu nhập thì thấp nhất thế giới, giáo dục thua các nước trong khu vực từ 50 đến 100 năm, có mỗi việc thi cuối khóa hay không mà bàn đi bàn lại vẫn hoãn chẳng khác gì chơi trận giả, việc dạy thêm học nếm lù lù chẳng thể che dấu vậy mà cứ ngang nhiên tồn đọng, ngành giáo còn vậy ngành nông thế nào? Sở hữu trí tuệ thì thua Hàn Quốc và Nhật Bản đến cả chục nghìn lần. Chính sách thì chồng chéo thay luôn xoành xoạch, như ngành ngân hàng chẳng hạn mỗi tuần có cả chục chỉ thị nghị quyết, thì ai thực hiện. Quyết sách là sản phẩm cao nhất của tinh thần còn lộn xộn đến vậy, hỏi những thứ thấp kém bên dưới thì sao? Một con kiến còn biết chăn nuôi sâu, để sâu lớn lên chúng mới tích trữ thành thực phẩm, thử hỏi con người nếu đem cá giống ra ăn thì mai sau ăn gì? Nhà nước thay đổi chính sách thuế khóa liên tục, doanh nghiệp hở chỗ nào đánh chỗ nấy, giờ doanh nghiệp đang chết lấy đâu thuế đóng cho nhà nước? Người ta an dân để cường quốc, đằng này thấy hở mét đường nào là đánh mét đấy, nào đánh vào xăng, vào trạm, vào thuế bảo trì… thử hỏi như ngành ô tô đánh cho tê liệt để dân không có xe đi, kèm theo không mở rộng công ăn dịch vụ việc làm, đó có phải tham vặt mấy cái bát lắp ráp nhóm lợi ích mà bỏ cả cái mâm lớn của dân tộc không? Rồi bao nhiêu công trình duy ý chí khác tốn kém như Vinashine, Dung Quất hoàn thành bằng quyết tâm chính trị, đó có phải thứ quyết tâm cơ bắp của giai cấp vô sản không? Tại sao công trình kinh tế không cho nó được hoàn thành bằng chỉ số kỹ thuật kinh tế?…
Những chuyên gia của giai cấp tư bản tuyên bố rằng: “xã hội của bọn nô lệ, cho dù có được trả tự do vẫn chỉ là xã hội vô trật tự, hỗn độn, đổ nát và diệt vong”. Và hãy nhìn kia nhà nước công nông của Đông Âu chẳng phải là một bằng chứng đã qua ư? Còn bằng chứng Việt, Triều, Lào, Trung, Cu chẳng phải đang đu dây qua những vấn nạn sờ sờ?
Người ta ví việc ưu tiên giai cấp công nông lên làm lãnh đạo là cách của một hình chóp ngược. Hình chóp lẽ tự nhiên càng lên cao càng bé, lên đến đỉnh là tột đỉnh của tinh hoa. Nhưng khi lãnh đạo tập trung số đông văn hóa vô sản trên thượng tầng là cách đáy lộn, trên đỉnh tầm thường nhiều hơn tinh hoa dưới đáy. Xã hội ta giai cấp công nhân cũng chưa hình thành, từ giữa thế kỷ trước chủ yếu là hơn 90% nông dân. Nông dân là gì? Trong các tác phẩm văn học của Trung Quốc người ta thường nói “đám quê mùa thô lỗ”. Bậc thầy Khổng Tử nói “Hương nguyện đức chi tặc giã”. Còn chủ nghĩa Mác nói chính thức: giai cấp nông dân không thể nào lãnh đạo cách mạng vì tư tưởng tiểu nông cục bộ, vô tổ chức, thiếu kỷ luật, ích kỷ cá nhân, thiếu tầm nhìn vì thiếu văn hóa. Chính người Việt nói nửa đùa nửa thật: nông dân với con trâu đi trước cái cày theo sau tầm nhìn không vượt qua đít trâu?
Vô sản, nghĩa đen là không tài sản. Nhưng đó mới là tài sản vật chất. Còn nghĩa rộng, nó còn là vô học, vì học là tài sản tinh thần. Người Trung Quốc còn gọi quần chúng là “Vô lại” – tức đám vô danh không cần gặp lại. Người Việt có câu “Thế gian chuộng của chuộng công/nào ai có chuộng người không bao giờ”. Người không có của là người trên răng dưới dép chẳng có gì đáng trọng, như người Việt còn nói “đó là dạng ngồi bệt đất, làm gì có độ cao để bị hạ”. Về học hành người Việt bảo “không thầy đố mầy làm nên”, còn người Trung Quốc thì nói “lúc nhỏ không học, lúc lớn biết làm gì?” Như vậy đủ thấy, người ít học thì tầm nhìn cũng như tầm làm việc rất thấp. Đó là những đánh giá chính thức của quốc tế giành cho Việt Nam . Người ta nói rằng: chất lượng nhân dân của chúng ta rất thấp, hầu hết chỉ có lao động giản đơn, nhân công giá rẻ, và chỉ số nhân bản như an sinh xã hội hay nhân ái, từ thiện thấp bậc nhất thế giới… Đó chẳng phải là kết quả sinh ra từ văn hóa vô sản của chúng ta sao? Văn hóa vô sản nếu không cải thiện sẽ thành “vô sản về văn hóa” – cũng có nghĩa là vô văn hóa! Một nhà lãnh đạo Việt Nam đã từng nói: chúng ta chớ có là tỉ phú về thời gian, vô sản về sáng kiến. Chúng ta có vô sản về sáng kiến không khi thua các nước trong khu vực đến cả chục ngàn lần?
Giờ tôi xin được bàn về văn học, vì văn học là đội quân chủ lực của văn hóa dân tộc. Văn học của chúng ta phần lớn cũng chỉ mới là văn hóa quần chúng dựa trên lực lượng văn hóa vô sản, những nông dân, công nhân, người lính ngẫu hứng làm văn thơ cảm tính mà không hề có độ nhà nghề. Cách đây cả chục năm tôi đã mạnh dạn viết “con số câu văn hay của chúng ta còn ít hơn con số các nhà văn”. Giờ hãy thử đếm nghiêm chỉnh đi, một nghìn nhà văn mậu dịch tem phiếu của chúng ta chỉ cần mỗi người có một câu văn hay, chúng ta sẽ có một tập văn mẫu 1000 câu? Nhưng vô sản về văn học thì làm sao có được hữu sản đó đây? Tôi đã từng tham dự hội thảo của các nhà thơ, họ tùy tiện đứng lên ngồi xuống như một cái chợ, ở dưới nói chuyện ào ào chẳng tôn trọng gì người phát biểu cả, người phát biểu thì lạm dụng được đăng đàn dai như chão rách… tôi đã chính thức nói “các anh là nhà thơ, muốn người đọc tôn trọng thơ, mà chính các anh còn không tôn trọng thơ thì còn mong nỗi gì?”
Tôi xin kể một chuyện khác, một lần tôi nhập đoàn văn nghệ sĩ toàn quốc, đến thăm một hòn đảo ngoài khơi ở miền Trung. Tối đó người ta tổ chức giao lưu giữa các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ với các binh lính nghĩa vụ. Phải nói là cuộc giao lưu giữa cóc ghẻ và phượng hoàng, giữa thôn nữ và hoàng hậu, giữa người lính chưa học hết cấp ba với những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, đúng là cuộc giao lưu giữa đất với bầu trời. Người ta chọn những nhà văn lớn tuổi, rồi lớn danh tiếng lên đọc thơ. Dần dần phía trên bàn đại biểu thưa thớt, các nhà văn đọc thơ xong việc liền chuồn về xem ti vi có buổi đấu bóng chuyền nữ. Phía những người lính cũng thưa dần vì họ cũng muốn về xem ti vi. Khi tôi về, mấy nhà thơ nói cùng mấy nhà văn: thật đúng như Trần Đăng Khoa nói “khi ti vi ra đời, thì thơ không thể cuốn hút hơn về giải trí”.
Đấy quí vị hãy nhìn văn hóa vô sản cùng nhiều nhà văn, nhà thơ vô sản của chúng ta đi. Tự họ còn vô trách nhiệm với những bài thơ của họ được đọc như xí phần nhưng chỉ để vứt ra! Tại sao văn hóa của họ có thể ví thơ là công cụ chinh phục thầm lén của con tim với việc ào ạt của giải trí, họ không hiểu rằng người làm thể thao cũng có nỗi khổ của mình khi mới ba mươi tuổi đã bị gọi là lão tướng? Còn có cả rất nhiều nhà thơ muốn đọc thơ trước sân vận động nghe thật ấu trĩ! Và buồn nhất đó là kiến thức, nhân cách và trình độ sống của người ta đã không ưu vượt hẳn hơn những người lính nghĩa vụ, cả hai đều chuồn về xem ti vi, nhưng người đầu tiên là các nhà văn tem phiếu.
Văn hóa vô sản là của số đông, vì thế người ta rất thích quần tụ để gây sức mạnh, nhưng lại cũng muốn nổi lên để làm kẻ lĩnh xướng hay thủ lĩnh, vì thế người ta tổ chức ra các kỳ thi để đội vương miện cho nhau. Mới hôm qua, tạp chí thế giới bầu chọn 10 người thế lực nhất thế giới trong đó có Tổng thống Obama, Bill Gate. Và người ta đưa ra tiêu chí tại sao lại chọn như vậy. Ngược lại tất cả các cuộc thi văn thơ ở Việt Nam không hề đưa ra tiêu chí, chỉ áng chừng à uôm theo lối văn học bụng, một thứ văn học êm êm như thứ vải mịn màng, chứ không hiểu được vẻ đẹp của vải len nó cần phải xù xì… Ngay cả khi đã công bố giải thưởng người ta cũng không dám đưa ra tiêu chí. Kết quả, sau nhiều giải thưởng người ta vẫn chỉ nhìn thấy những con tép đội vành nguyệt quế không thể trở thành tôm. Một thứ tép như Hoàng Quang Thuận chỉ bơi trong ao bốn hòn gạch tứ tuyệt thì làm sao thành tôm hùm đại dương được?
Văn hóa vô sản là văn hóa của quần chúng, nó có thể có ích trong thời gian dân tộc ta diệt giặc đói và giặc dốt, còn ở giai đoạn chúng ta cần những thi hào, văn hào, hay đại văn hào xuất hiện, thì những cây bút vô sản, cùng nền văn học vô sản nên biết nhận chân tầm vóc và chỗ đứng của mình. Đừng có nhầm lẫn nổi tiếng là tất cả, viên bi có nổi tiếng cỡ nào cũng không thể hóa viên kim cương được! Văn hóa đúng nghĩa nhất là gì? Là biết ứng xử đúng nơi, đúng lúc, đúng người! Mong rằng nếu chúng ta là văn hóa vô sản chúng ta cũng hãy cố gắng có văn hóa, chứ không phải vô sản về văn hóa.
Nguyễn Hoàng Đức