Từ đầu đến cuối cuộc đời hoạt động của ông, không hiếm khi Freud đã lấy làm ngạc nhiên về những suy luận và kết luận riêng của mình; nhưng mặc dù lúc đầu có thể bối rối vì chúng, cuối cùng ông không bao giờ lùi bước, cũng không bỏ dở việc đẩy chúng càng xa càng tốt trên con đường đi tới kết cục logic của chúng. Freud đã bắt đầu bằng mong muốn trở thành một nhà tư tưởng, một người hướng dẫn dũng cảm của xã hội loài người. Theo một nghĩa thuần túy lý thuyết, ông đã thành công vượt quá những ước mơ điên rồ nhất của mình. Chương này sẽ bàn tới những ý kiến tuy tạo thành cái cớ cho các cuộc tranh cãi nhưng đã dựa vào sự quan tâm của chính tác giả đối với thân phận con người.
Những tác phẩm dùng làm cơ sở của chương này là Vật tổ và cấm kỵ, Tương lai của một ảo giác và Sự bất ổn của nền văn minh chúng ta. Về cuối đời, Freud còn viết một cuốn sách nữa thuộc dòng suy nghĩ này: Moise và tôn giáo độc thần. Tất cả những tác phẩm ấy sẽ góp phần vào sự nghiên cứu của chúng ta.
Ngay từ đầu, Freud tự hỏi những hiểu biết riêng của mình có thể đóng góp như thế nào vào việc tìm hiểu con người. Câu trả lời trực tiếp của ông hồi đó là những hiểu biết ấy đem lại cơ sở cho sự tìm hiểu các cá nhân thuộc bất cứ xã hội nào. Điều đó không có nghĩa là phân tâm học mang lại câu trả lời cuối cùng cho tất cả những gì có liên quan với sự tồn tại của con người. Trong Vật tổ và cấm kỵ, Freud dứt khoát phủ nhận tham vọng đó, nhấn mạnh vào việc nên coi yếu tố phân tâm học như một trong nhiều yếu tố khác nhau.
“Do phân tâm học đã phát hiện ra sự quyết định xa nhất và sâu nhất đối với những hành vi và những cấu tạo tâm thần, nên không sợ rằng nó muốn qui một hiện tượng phức tạp như tôn giáo về một nguồn duy nhất. Khi mà vì bổn phận hay vì tính tất yếu, nó buộc phải tỏ ra phiến diện và chỉ đưa ra một nguồn duy nhất của những thể chế ấy, thì nó cũng không có tham vọng khẳng định nguồn ấy la duy nhất hoặc chiếm vị trí đầu tiên trong tất cả các vị trí khác. Chỉ có một sự tổng hợp những kết quả do các ngành nghiên cứu khác nhau mang lại mới có thể vạch rõ tầm quan trọng tương đối của cái cơ chế mà chúng tôi sắp thử mô tả ở đây trong sự phát sinh ra các tôn giáo; nhưng một công việc như vậy vượt quá những phương tiện mà nhà phân tâm học có được cũng như mục đích anh ta theo đuổi”. (85)
Phụ đề của Vật tổ và cấm kỵ là Một số điểm giống nhau giữa đời sống tinh thần của người nguyên thủy và của người nhiễu tâm. Phụ đề này diễn đạt đúng luận điểm của cuốn sách.
Trên thực tế, cuốn sách này là một sưu tập gồm bốn tiểu luận. Tiểu luận thứ nhất, nhan đề Nỗi sợ loạn luân, điểm qua những sách báo nhân học về chủ đề loạn luân, một chủ đề quen thuộc của Freud. Ông nêu rõ rằng đó là một cấm kị mà ở các dân nguyên thủy có tác động mạnh hơn ở các cộng đồng văn minh hơn, và nó đã mở rộng ra thành một hệ thống ngoại hôn, vì thế mà đàn ông cũng như đàn bà của bộ lạc bắt buộc phải tìm người quan hệ tính dục với mình ở bên ngoài bộ lạc một cách tuyệt đối. Freud cho rằng ngoại hôn có liên quan chặt chẽ với thờ tô-tem (vật tổ); ở đâu gặp thấy các tô-tem, ở đó cũng thấy có một thứ luật chống lại những liên hệ tính dục giữa những người thuộc cùng một tô-tem, và do đó, cũng chống lại hôn nhân giữa những người đó.
Tô-tem là gì? Đó là một con vật, thường rất quen thuộc, với bộ lạc, nhưng bị cấm săn bắn vì nó được coi là chứa tinh chất của thần bộ lạc. Trong một năm, người ta chỉ được phép giết con vật này có một lần vào dịp cử hành nghi thức long trọng. Sau khi hy sinh con vật tô-tem theo nghi thức ấy, cả bộ lạc ăn thịt nó; thật ra toàn bộ nghi thức còn bao hàm cả việc tiếp nhận những phẩm chất được tô-tem tượng trưng. Những lúc khác trong năm, nó bị cấm săn, cấm giết, nhất là cấm ăn thịt. Tính hai mặt của thủ tục này, theo đó một điều bị cấm tuyệt đối nhưng lúc khác lại trở thành bắt buộc trong một hoàn cảnh đặc biệt, không những nằm trong sự bí ẩn mà còn nằm cả trong quyền năng của chính bản thân tô-tem. Những cột tô-tem ở các bộ lạc nguyên thủy chỉ là những hình nhân được chạm với con vật và những thuộc tính của nó, được dựng lên nhằm tưởng niệm ý nghĩa và tính chất thiêng liêng của đối tượng tô-tem.
Trong tiểu luận thứ hai của sưu tập, nhan đề Tô-tem và tính hai mặt của các tình cảm, Freud kêu gọi chú ý tới sự giống nhau rất rõ giữa những nghi thức tôn giáo của sự thờ cúng tô-tem và những hành động cũng như những niềm tin ám ảnh của người nhiễu tâm. Freud chỉ ra rằng sự giống nhau ấy rõ đến mức nền văn minh phương Tây nếu không thể bày đặt ra thuật ngữ “nhiễu tâm ám ảnh”, thì cũng có thể nhờ tới các bộ lạc nguyên thủy để tạo ra từ ngữ “bệnh cấm kỵ” (maladie du tabou). Thật ra đây là một hệ thống chuộc tội có tính nghi thức nhằm chống lại ý thức phạm tội đã xâm chiếm tâm hồn của một người nào đó, do anh ta tin rằng qui tắc của tô-tem đã bị vi phạm. Qui tắc đó, Freud đã nhắc lại cho người đọc, là một qui tắc tính dục, một thứ luật chống loạn luân. Các chứng nhiễu tâm ám ảnh là một sự phòng vệ chống lại những ham muốn loạn luân và những sự nổi loạn thời thơ ấu; các nghi thức tôn giáo vốn là một sự phòng vệ chống lại nỗi sợ ấy, bây giờ đã lan ra khắp cộng đồng như một ý thức phạm tội vì những ham muốn gây hấn và nổi loạn chống lại luân lý tính dục của nhóm.
Ở đây, Freud đã đưa ra những ví dụ nổi bật. Tính hai mặt, như chúng ta thấy, nó là một phần của thờ cúng tô-tem, chắc chắn có liên hệ sâu sắc với chứng nhiễu tâm ám ảnh. Đôi khi một hành vi bị cấm lại phải được thực hiện: điều đó làm chúng ta nhớ lại Một người bị tra tấn bằng chuột, khi anh ta hồ nghi không biết mình đã trả lại hay chưa trả lại khoản tiền mượn cho một người nào đó để mua kính, vì sợ người bố và người đàn bà mà anh ta yêu thương bị khổ hình vì chuột. Bệnh nhân này cuối cùng phải quyết định điều có lợi nhất phải làm. Anh ta chọn việc trả tiền, nhưng rốt cuộc anh ta lại không bao giờ trả cả. Ở đây, sự hoài nghi ám ảnh đã ngăn cản việc thực hiện nghi thức.
Sự phóng chiếu, một yếu tố khác của tư duy và ứng xử nhiễu tâm đã quen thuộc với nhà phân tâm học, cũng được thấy rõ trong thờ cúng tô-tem. Những thuộc tính của một vị thần, tức là cái siêu tôi – mà ở đây là cái siêu tôi tập thể của bộ lạc – được phóng chiếu vào con vật. Điều đó che chở cho nó trong 364 ngày một năm, nhưng lại kết tội nó ngày thứ 365. Không có những ví dụ nào khác tốt hơn về sự phóng chiếu và tính hai mặt ấy. Các bộ lạc thờ tô-tem cũng tạo ra những con vật hy sinh, tức là những con vật khác hay những tù binh chiến tranh bộ lạc, để phóng chiếu vào đó tất cả khả năng phạm tội, tất cả sự lo sợ của bộ lạc, cuối cùng con vật hay tù binh đó bị đuổi ra khỏi làng hay bị giết chết, khiến cho bộ lạc tránh được ý thức tập thể về sự trừng phạt sắp xảy tới.
Trong khi nhấn mạnh những chỗ giống nhau này, Freud cũng thấy được sự khác nhau căn bản giữ tô-tem và sự cấm kỵ, một bên, và các chứng nhiễu tâm, một bên khác. Freud nói rằng chứng nhiễu tâm vừa bị xã hội phản đối, vừa gắn liền với sự lo hãi tính dục của cá nhân. Còn sự cấm kỵ thì được xã hội tán thành, nhưng lại gắn liền với sự cấm đoán tính dục công khai.
Tiểu luận thứ ba mang nhan đề Thờ vật linh, ma thuật và sức mạnh toàn năng của các ý tưởng. Ở đây, Freud sử dụng một lý thuyết hồi đó được coi là đã trình bày sự tiến triển của những tưởng con người về vũ trụ. Trước hết là giai đoạn thờ vật linh, sau đó giai đoạn tôn giáo và cuối cùng, giai đoạn khoa học. Freud cắt nghĩa các giai đoạn này theo sức mạnh toàn năng (toute-puissance) của các ý tưởng. Sức mạnh này đã được gặp thấy trong những phân tích của ông về các bệnh nhân ám ảnh, đặc biệt là Người bị tra tấn bằng chuột. Sức mạnh toàn năng của các ý tưởng ấy nổi rõ trong những hoang tưởng thời thơ ấu: nếu anh nghĩ tới một điều gì, điều đó sẽ có nhiều cơ may tái hiện hơn là khi anh không nghĩ tới đó. Không nghĩ gì tới những điều nào đó, thì sẽ làm cho chúng ít tái hiện hơn.
Người ta biết rằng điều đó nằm trong triết học của các bộ lạc nguyên thủy. Những người nguyên thủy xưa nhất coi những ý nghĩ cũng ngang với những hành động hay những sự kiện. Về sau, họ chuyển quyền năng làm cho chính họ khiếp sợ ấy sang các vị thần của họ; nhưng điều đó lại cho phép họ giữ lại khái niệm sức mạnh toàn năng bằng sự cầu nguyện can thiệp. Cuối cùng, sức mạnh toàn năng phải nhường chỗ cho sự nghiên cứu khách quan, khoa học về các xác suất. Người ta bàn tới hiện thực; từ bỏ lòng tin vào ma thuật, vào quyền năng của các ý tưởng để ảnh hưởng tới thế giới hiện thực. Sức mạnh toàn năng chỉ còn sống trong các chuyện cổ tích thần tiên, ở thời thơ ấu, ở chứng nhiễu tâm và ở các giấc mơ. Trong con mắt của Freud, như vậy, tôn giáo chỉ là tàn dư của chứng nhiễu tâm bộ lạc (ne1vrose tribale) mà thôi.
Tiểu luận cuối cùng trong sưu tập mang nhan đề Sự trở lại ấu thơ của tục thờ tô-tem (Retour infantile du totémisme). Những trang viết này đã trình bày một lý thuyết từng làm dấy lên phần lớn những sự phê phán của các nhà nhân học đối với ý định của Freud cống hiến vào loại tri thức này, tuy rằng trên thực tế tiểu luận dựa vào những nguồn hoàn toàn đáng coi trọng vào hồi Freud sử dụng chúng.
Chính Darwin đã đưa ra giả thuyết rằng, con người nguyên thủy giống như những con khỉ cấp cao đã sống thành bầy, trong đó một con đực là bố của bộ lạc, với nhiều vợ và rất đông con. Những con đực trẻ bị đuổi khỏi đàn để khỏi xâm phạm những con cái trong bầy và những con cái trẻ thì không thể hy vọng có một con đực nào khác ngoài là thủ lĩnh của đàn. Một tình hình rõ ràng cũng khó chịu như vậy đối với những đàn bà trẻ tuổi cũng như đàn ông trẻ tuổi trong bộ lạc. Freud đoán rằng những đàn ông trẻ đã từng cùng nhau nổi dậy để giết chết bố và để chiếm những người vợ của bố. Nhưng làm như vậy, họ vẫn có thể bị một ý thức kinh khủng về phạm tội tập thể, cũng như một nhu cầu chuộc tội xâm chiếm họ. Chính vì thế, họ gán cho tô-tem những phẩm chất của người bố xưa – thủ lĩnh bầy đàn thị tộc, giữ gìn con vật ấy trong cả năm nhưng lại tưởng niệm hành vi giải phóng bằng việc ăn thịt và hy sinh con vật theo nghi thức vào ngày dành cho bữa tiệc bộ lạc.
Ở đây, chức năng của tô-tem là nhằm nhắc nhở cho toàn thị tộc rằng uy quyền duy nhất của người bố đã bị xóa bỏ ở trình độ người, nhưng nó phải được giữ gìn ở trình độ tôn giáo. Giống như vậy, để tránh những cuộc chiến tranh và ganh đua bên trong bộ lạc nhằm chiếm đàn bà, sự loạn luân – tức là hôn nhân trong các gia đình thuộc bộ lạc – phải bị cấm, và sự ngoại hôn phải được phục hồi ở một mức độ nhất định. Đàn ông không còn bị đuổi khỏi bộ lạc nữa; đàn bà không còn là sở hữu riêng một người đàn ông nào; thay vào đó, đàn ông phải làm việc chung với nhau, gắn với nhau bởi ý thức chung về khả năng phạm tội và trách nhiệm nhưng những người đàn bà trong gia đình chỉ được chấp nhận hôn nhân với những người đàn ông thuộc các gia đình khác với gia đình mình. Việc cấm đấu tranh huynh đệ tương tàn và loạn luân, như vậy, đã được tô-tem và cấm kỵ bảo đảm; nhưng từ nay những tô-tem và cấm kỵ bị dồn nén vào cái vô thức cá nhân của các thành viên bộ lạc, do các tăng lữ in sâu vào óc họ. Với tư cách những người bảo vệ các bí mật của họ, các tăng lữ thật ra đã nhắc nhở họ về khả năng phạm tội tập thể và về sự phán xét của một cái siêu tôi phổ biến, được phóng chiếu vào mỗi thành viên và bắt nguồn từ tội giết người tổ tông (meurtre originel). Rốt cuộc, đó là cách quan niệm của Freud về cơ sở chung của các tôn giáo.
Tóm tắt những điều đó, một lần nữa, Freud tuyên bố rằng trên thực tế mặc cảm Edipe là phổ biến. Bất cứ ở đâu, con người đều phải bị ngăn cấm ham muốn mẹ mình và giết cha mình.
“Do đó, tôi có thể chấm dứt và tóm tắt việc tìm hiểu nhanh chóng này bằng cách nói rằng trong mặc cảm Edipe, người ta thấy những khởi đầu đồng thời của tôn giáo, đạo đức, xã hội và nghệ thuật, và như vậy là hoàn toàn phù hợp với những dữ kiện của phân tâm học, khi nó coi mặc cảm này là cốt lõi của tất cả các chứng nhiễu tâm, trong chừng mực chúng tôi đã thành công trong việc hiểu sâu bản chất của chúng cho đến nay. Có đáng ngạc nhiên không khi mà ngay cả những vấn đề có liên quan với đời sống tâm thần ấy có thể được giải quyết bằng cách xuất phát từ một điểm cụ thể duy nhất: thái độ đối với người bố?”. (86)
Freud có coi đó là một sự phân tích lịch sử không? Câu trả lời là vừa có, vừa không. Freud nói tới khả năng, tới xác suất, tới tính khó tin và đồng thời, tới tính chắc chắn khi cho rằng đó là một phần của di sản tinh thần ban đầu của loài người. Theo một nghĩa nào đó, ở đây Freud muốn đưa ra bằng chứng của tính hai mặt, cũng như muốn biện luận cho tự do thi ca. Dù có xảy ra thật như thế hay không, điều đó không quan trọng, vì nó phù hợp với những huyền thoại và những giấc mơ của toàn thể loài người. Nếu nó phù hợp với những huyền thoại và những giấc mơ của toàn thể loài người thì nó phải xảy ra. Freud, người sáng tạo ra những huyền thoại, thật khá xa với Freud, nhà khoa học.
Được công bố năm 1914, (tức là lúc bắt đầu chiến tranh thế giới thứ nhất – ND), Vật tổ và cấm kỵ không đến được với phần lớn thế giới phương Tây đang lao vào cuộc đấu tranh chống nước Đức và nước Áo. Nhưng ngay khi cuốn sách đã đến được tay công chúng, thì người đọc cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi biết nó là một trong những tác phẩm ít phổ biến nhất của Freud, dù đó có lẽ là một trong những tiểu luận độc đáo nhất và phong phú nhất của ông.
Từ năm 1927, Freud sẵn sàng tiếp tục luận văn này, vì đối với ông nó có tầm quan trọng cá nhân đặc biệt. Hồi đó ông đã viết một chuyên đề nhỏ có tên gọi Tương lai của một ảo giác, và ba năm sau đó nó được tiếp nối bằng một cuốn sách dài hơn, Sự bất ổn của văn minh chúng ta. Có thể gắn hai tác phẩm này lại với nhau và tìm hiểu thông điệp căn bản của chúng.
Về thực chất, Freud từ bỏ ý tưởng về Thượng đế như một ảo giác, cái ảo giác mà loài người tạo ra để yên tâm với sự bất lực của mình một khi không được bố mẹ che chở nữa. Tội tổ tông và ý thức phạm tội, như Freud nói, thật ra là gắn liền với sự xấu hổ nguyên thủy di truyền, có từ tội giết người tổ tông đã được mô tả trong Vật tổ và cấm kỵ khi những đứa con trai của bộ lạc nổi lên chống người bố – thủ lĩnh, giết ông để chiếm những người vợ của ông. Freud không còn muốn thảo luận xem điều đó có thật như thế không, có thể chấp nhận được không. Ông đã khẳng định theo giả thuyết đó rằng một mặt trên thực tế tôn giáo chỉ là một ảo giác mà người ta phải từ bỏ, mặt khác, ông lại đồng thời kết luận với một sự chân thành và nuối tiếc rằng loài người chưa sẵn sàng để đương đầu với những hậu quả của sự giải thoát mê tín, thậm chí có thể là như Freud bình luận một cách buồn bã, sự sùng kính Thượng đế cũng như lòng tin vào một hệ thống giá trị tuyệt đối phụ thuộc vào Thượng đế cũng là một hư cấu cần thiết nhằm giữ gìn một cái gì tương tự như qui tắc và trật tự cho đến khi loài người lớn lên đủ khôn, để rũ bỏ tất cả những ảo giác mà tới lúc đó vẫn bám chặt vào nó.
Trong Sự bất ổn của nền văn minh chúng ta, Freud lại xem xét sự cần thiết của những ảo giác ấy theo những xung lực bản năng của con người và những hậu quả của chúng. Ông khẳng định rằng, than ôi, đau khổ là có tính phổ biến. Chúng ta đau khổ hoặc vì những nguy hiểm mà chúng ta phải tránh trong môi trường chung quanh của chúng ta, hoặc cuối cùng, chúng ta đau khổ vì những liên hệ của mình với đồng loại. Như chúng tôi đã nhận xét trên đây, đồng loại của chúng ta rốt cuộc là mối nguy hiểm lớn nhất.
Để cho nền văn minh có thể tồn tại, Freud nói, chúng ta phải từ bỏ phần lớn những xung lực bản năng hướng tới tự do tính dục và tự do cá nhân của mình. Những đòi hỏi của cá nhân và những đòi hỏi của cộng đồng bao giờ cũng xung đột nhau. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, và đây là điều đáng ngạc nhiên, Freud không coi những thiếu thốn tính dục là gay gắt nhất. Phần lớn những đàn ông và đàn bà, theo ông, có thể tìm được một đối tác tính dục, một thỏa mãn tính dục, và bằng cách đó mà có được sự cân bằng cá nhân của mình, nếu trong lĩnh vực tình cảm họ đã khá trưởng thành và ổn định, không cần xã hội xen vào quá nhiều. Cái mà họ không thể chịu đựng được, đó chính là những đồng loại của mình.
Lý do của hiện tượng này là, trên thực tế, người ta có tính gây hấn, muốn thống trị và ít từ thiện. Freud xem xét những hình phạt tôn giáo nhằm kiểm soát tình hình rõ ràng có tính bùng nổ ấy. Thay cho mệnh lệnh của Ki-tô giáo: “Mi hãy yêu thương đồng loại như chính bản thân mi”, mà ông thẳng thắn cho rằng không thể thực hiện được, và được tiếp nối bằng mệnh lệnh nghiêm ngặt hơn: “Hãy yêu những kẻ thù của mi”, Freud đề xướng rằng mỗi cá nhân nên có một ý thức lớn hơn về những xung đột bị dồn nén của mình và về nhu cầu gây hấn ở trong bản thân mình, với ý định theo đuổi một chính sách lợi ích sáng suốt đối với chính mình. Điều đó có thể cho phép nó sống yên ổn với người khác, một khi nó hiểu được rằng nhu cần bản năng nhằm thống trị hay tiến công nó như vậy, khiến cho xã hội biến thành một khối hỗn loạn dể xảy ra mọi kiểu trả thù máu cá nhân hay chiến tranh bộ lạc. Những kẻ chạy nhanh sẽ thắng cuộc chạy thi; những kẻ mạnh sẽ chiếm hết chiến lợi phẩm; giết người, bạo lực, hiếp dâm và loạn luân sẽ lại xuất hiện nếu các cấm kỵ bị vất bỏ trong khi trí tuệ chưa đủ để thay vào đó.
Làm sao có thể hy vọng rằng nền văn minh sẽ duy trì được một sự cân bằng mà về căn bản là bấp bênh như vậy được? Chỉ bằng một cách duy nhất là mọi người phải từ bỏ sự thỏa mãn bản năng, một sự từ bỏ mà mọi cộng đồng phải trả giá để sống còn. Từ bỏ tính gây hấn là sự từ bỏ gay go nhất trong mọi sự từ bỏ. Freud hy vọng rằng văn hóa sẽ có thể làm dịu bớt mức độ nghiệt ngã của sự từ bỏ này, với một đau khổ không thể tránh khỏi, không thể tách khỏi những hậu quả của quá trình này, cũng không vượt quá nỗi đau khổ mà người ta có thể thấy trong đời sống hằng ngày. Khả năng phạm tội, nhất là khả năng phạm tội tập thể, là một phương tiện để củng cố sự từ bỏ ấy. Cách dễ nhất để làm cho nó có hiệu quả là chuyển tính gây hấn của cái tôi cho cái siêu tôi, rồi phóng chiếu cái siêu tôi không chỉ vào mỗi cá nhân mà và cả cộng đồng, vào những giá trị của cộng đồng và những niềm tin tập thể. Một hệ thống đạo đức mới phải thật sự thay thế cho hệ thống đạo đức cũ; người ta không hiểu tại sao phân tâm học lại có thể tránh được thứ vinh dự đáng ghét là trở thành một tôn giáo mới.
Từ đây đến đó, Freud tuyên bố, cái siêu tôi cá nhân có lẽ sẽ mang một mức độ khắc nghiệt tỉ lệ ngược với mức độ khắc nghiệt của ứng xử ở người có cái siêu tôi cá nhân ấy. Người ta càng trở nên gây hấn trong những hành động bên ngoài, thì cái siêu tôi của họ càng tỏ ra bao dung; ngược lại, cái siêu tôi của họ càng trở nên nghiệt ngã và thích trừng phạt thì ứng xử bên ngoài của họ càng khiêm nhường.
Từ đầu đến cuối tiểu luận ấy, Freud viết như thể ông chưa đạt tới những kết luận vững chắc, dù đã nói rõ những ý nghĩ của mình. Cách nhìn của ông thật u buồn; điều chủ yếu làm nhẹ bớt tính chất ấy đi là sự pha trộn lòng thông cảm và tính kiên trì mà ông sẵn sàng mở rộng cho cả xã hội, và người ta cũng có thể đoán được rằng điều đó bắt nguồn từ thái độ mà Freud đã học được để đối xử với những bệnh nhân của mình. Thật ra, nếu kết luận cuối cùng của ông là cái giá của văn hóa và văn minh đã nhằm thỏa mãn cá nhân, thì chính Freud đã mang lại một niềm hy vọng tinh vi là chứng nhiễu tâm của văn hóa có thể bắt nguồn từ bản chất trừng phạt của một cái siêu tôi tập thể, mà một ngày nào đó có thể hiểu được khi phân tâm tập thể.
Cống hiến cuối cùng của Freud vào loại lý thuyết tư biện này là Moise và tôn giáo độc thần. Đó cũng là cuốn sách cuối cùng ông phải hoàn thành; tác phẩm này được viết đi viết lại nhiều lần dưới nhiều hình thức. Như ngày nay ta thấy, cuốn sách có hai sự khởi đầu khác nhau, cả hai đều được soạn thảo ở Áo vào lúc trước khi nước này bị bọn quốc xã thôn tính. Phần cuối cùng mới phác thảo chưa hề được dành để công bố; cuối cùng, nó được kết hợp với hai phần đầu và chỉ được công bố sau khi Freud đến được nước Anh và được an toàn, ngay trước khi tuyên bố Chiến tranh thế giới thứ hai. Phần thứ hai của cuốn sách có một sự ám chỉ cảm động tới việc tiếp đón ân cần mà tác giả nhận được ở:
“Nước Anh xinh đẹp, tự do và hào hiệp… Chính ở đó tôi đang sống, đang được đối xử như một người khách quí, đang hít thở không khí cách xa những kẻ áp bức, đang tự do đọc và viết, tôi gần như có thể nói rằng mình được nghĩ như mình muốn hay phải nghĩ. Cuối cùng tôi dám công bố phần cuối cùng của tiểu luận này”. (87)
Phần thứ nhất của tiểu luận ấy, được viết hai lần, đã khẳng định luận điểm cho rằng Moise không phải là một người Do Thái mà là một người Ai Cập, rằng sự thờ cúng độc thần chặt chẽ – đặc trưng của đạo Do Thái – là bắt nguồn từ những thuyết giảng của vua Ai Cập Akhennaton, một kẻ tà đạo trong truyền thống tôn giáo Ai Cập vì ông đã tỏ ra rất khoan dung và đầy yêu thương. Freud cho rằng trên thực tế người Do Thái đã giết chết Moise, noi theo khuôn mẫu giết người bố – thủ lĩnh bộ lạc, và sau đó họ đã dao động giữa sự tuân phục và sự thù ghét đối với hình ảnh được tưởng niệm từ gương mặt ban đầu ấy. Freud vẫn tiếp tục gợi ý rằng lý do khiến người Do Thái chấp nhận một tôn giáo vay mượn từ vị thủ lĩnh ấy cũng chính là lý do đã thúc đẩy những đứa con trai trong bầy đàn nguyên thủy ở cuốn Vật tổ và cấm kỵ. Freud kết luận tiểu luận của mình bằng phần được viết ở nước Anh, trong đó có một số suy nghĩ về chủ nghĩa bài Do Thái khiến cho giọng của ông trở nên xót xa.
“Không một phần nào trong lịch sử tôn giáo lại rõ ràng đối với chúng ta như việc thiết lập sự thờ cúng độc thần ở người Do Thái và sự tiếp tục điều đó trong Ki tô giáo, nếu đó không phải là sự tiến hóa thật dễ hiểu và có thể giải thích tất cả, từ con vật tô-tem đến thần thánh con người bao giờ cũng được kèm theo bạn đồng hành của mình (con vật). (Mỗi người trong bốn người giảng Phúc âm Ki-tô giáo vẫn còn có một con vật ưa thích nhất). Nếu chúng ta muốn tạm thời chấp nhận rằng chính là do sức mạnh thế giới của đế chế các pharaons (vua Ai Cập cổ), mà có sự xuất hiện ý tưởng độc thần, thì chúng ta sẽ thấy rằng ý tưởng ấy, bị nhổ ra khỏi đất của nó và được đem trồng vào một dân khác, sau một thời kỳ ngầm ẩn lâu dài đã được dân này chấp nhận, giữ gìn như thứ tài sản quý giá nhất, trong khi nó lại còn cho phép họ sống bằng cách mang lại cho họ niềm kiêu hãnh tự tin mình là một dân được ân sủng. Đó là tôn giáo của người bố nguyên thủy để cho niềm hy vọng về một phần thưởng, một sự nổi bật và cuối cùng, một sự thống trị thế giới, có thể bám vào”. (88)
Tuy nhiên, người Do Thái mang trong bản thân mình khả năng phạm tội giết Moise và, theo Freud, họ đã trở thành một yếu tố cần thiết trong hồi ức lịch sử bị dồn nén của loài người, một mối liên hệ quan trọng giữa hành vi đã bị lãng quên từ những thời nguyên thủy đến sự xuất hiện lại sau này của nó dưới hình thức những tôn giáo độc thần. Freud cho rằng sự phạm tội gắn với việc giết Moise cũng có thể là cái kích thích được ông gọi là hoang tưởng ham muốn Chúa cứu thế, và đến lượt mình, Chúa cứu thế đã đem lại cho dân mình sự cứu rỗi và quyền tối thượng đã hứa hẹn đối với toàn thế giới.
“Dân Do Thái khốn khổ kia, với sự nhẫn nại quen thuộc của nó, đã khăng khăng phủ nhận việc giết cha mình và đã bị trừng phạt tàn tệ trong nhiều thế kỷ liền. Người ta không ngớt ném vào đầu họ lời trách móc này: “Các người đã giết chết Thượng đế của chúng ta!”. Xét toàn bộ, lời buộc tội ấy có cơ sở vững chắc khi người ta lý giải nó trong mối quan hệ với lịch sử các tôn giáo; và đây là ý nghĩa chính xác của điều đó: “Các người không chịu thú nhận rằng các người đã giết Thượng đế (nguyên mẫu của Thượng đế, người cha nguyên thủy và những hiện thân của ngài về sau này).” Nhưng lẽ ra phải nói thêm rằng: “Đúng là chúng ta cũng làm một việc như thế, nhưng chúng ta đã thú nhận điều đó và vì thế đã được chuộc tội.” Những lời buộc tội mà chủ nghĩa bài Do Thái không ngớt đưa ra để chống lại con cháu của người Do Thái không phải tất cả đều có cơ sở cả. Một hiện tượng mạnh mẽ, dai dẳng như sự thù ghét rộng rãi đối với người Do Thái tất nhiên có nhiều nguyên nhân. Người ta đoán rằng có rất nhiều lý do này tự chúng thật dễ hiểu vì được rút ra từ hiện thực, trong khi những lý do khác, sâu xa hơn, thì được rút ra từ những nguồn gốc bí ẩn và phải được coi là những nguyên nhân riêng biệt của chủ nghĩa bài Do Thái”. (89)
Freud cho rằng những lý do ấy bao gồm cả sự khác nhau giữa người Do Thái và những người chủ của họ, vì người Do Thái thì đại diện cho những tàn dư của một cư dân Địa Trung Hải có một nền văn hóa di truyền, được giữ gìn cẩn thận. Hơn nữa, người Do Thái thường thách thức sự áp bức; ngay cả những sự hành hạ tàn bạo nhất cũng không tiêu diệt được họ. Trái lại, họ vẫn giữ vững những vị trí của mình trong đời sống hằng ngày; ở đâu họ được chấp nhận, ở đó họ đều mang lại những cống hiến quí giá cho nền văn minh chung quanh.
Freud coi những nguồn gốc xa nhất của chủ nghĩa bài Do Thái là từ sự chấp nhận vô thức của những dân khác cho rằng người Do Thái trên thực tế, theo một nghĩa nào đó, là một dân được ưu ái, những đứa con của Chúa Cha, và vì thế, họ bị chê trách vì những gì họ bị từ chối về mặt ý thức: ở đây, sự tranh chấp giữa những anh em và chị em đã xuất hiện trong những liên hệ chủng tộc. Qua toàn bộ lịch sử của chủng tộc Do Thái, người ta có thể tìm thấy một thái độ xa cách nào đó. Thế nhưng có một thời người Do Thái bị coi như một dân đặc biệt dễ mắc bệnh phong (hủi); người ta công nhiên nghi ngại họ, vì họ có thể mang bệnh phong tới cho các cộng đồng có họ sống trong đó. Thật ra, người Do Thái không hề đặc biệt dễ mắc bệnh này; theo Freud, có lẽ đây là một sự di chuyển, thậm chí một sự lật ngược theo kiểu vô thức thì đúng hơn. Người Do Thái, khi sống riêng ra, thường ngầm cho rằng các dân khác là những người mắc bệnh phong; và điều đó khiến người ta bực mình. Sự oán thù bị di chuyển, bị phóng chiếu vào người Do Thái, cùng với nguyên nhân công khai của nó.
Cuối cùng, có hai điều khiến người ta thù địch và sợ hãi người Do Thái. Thứ nhất là người Do Thái bị cắt bao qui đầu; điều này làm cho người khác nhớ lại sự thiến hoạn đáng lo ngại và một số sự kiện trong quá khứ xa xưa của họ mà họ muốn quên đi. Thứ hai là nhiều tín đồ Ki-tô giáo chống Do Thái chỉ là theo Ki-tô giáo ở bề mặt: lớp hào nhoáng bề ngoài ấy trùm lên tôn giáo xưa hơn, nguyên thủy hơn của họ; họ vẫn chưa chế ngự được sự thù ghét thứ tôn giáo mới mẻ và bị áp đặt này, một sự thù ghét mà họ phóng chiếu vào cái nguồn đã đưa Ki-tô giáo đến với họ. Việc các sách Phúc âm kể lại một câu chuyện được người Do Thái lý giải và được coi là của người Do Thái có lẽ đã làm thuận lợi cho sự phóng chiếu này. Freud kết luận: “Sự thù ghét của họ đối với người Do Thái xét cho cùng chỉ là một sự thù ghét Ki-tô giáo. Vì thế, chúng ta không có gì phải ngạc nhiên khi thấy rằng trong cuộc cách mạng quốc-xã Đức, mối liên hệ họ hàng chặt chẽ giữa hai thứ tôn giáo độc thần ấy được biểu hiện cũng rõ ràng như trong sự đối xử thù địch mà cả hai đều cùng chịu với nhau”. (90)
Trích: Freud đã thực sự nói gì
Nguồn: tamlytrilieu.wordpress.com
Tài liệu tham khảo:
85. Totem et Tabou, 1914, Petite bibliothèque Payot, p.117.
86. Totem et Tabou, 1914, Petite bibliothèque Payot, p.179 – 180.
87. Moise et le monothéisme, 1939, Gallimard, p.87
88. Moise et le monothéisme, 1939, Gallimard, p. 127-128
89. Moise et le monothéisme, 1939, Gallimard, p. 134-135
90. Moise et le monothéisme, 1939, Gallimard, p.137.