“Tôi hay nghĩ tới khía cạnh văn hóa, dòng chảy văn hóa mà chúng tôi được thấm nhuần từ trong phôi thai, và muốn nhìn nó với con mắt thật sự khách quan tới mức có thể nhất. Liệu rằng, tất cả những giá trị truyền thống là hoàn toàn tốt đối với việc phát triển vốn con người hiện đại?”.
Gần đây tôi mới có điều kiện đọc cuốn “Thế giới Phẳng” (The world is Flat) của Thomas L. Friedman và đã bị cuốn vào sách từ những dòng chữ đầu tiên tới những trang viết cuối cùng. Cũng như tác giả, tôi cảm nhận được sự chuyển mình, phát triển và “phẳng ra” của thế giới ngay cả khi tôi đang ngủ - sự phẳng của thế giới là một tất yếu.
Cuốn sách khiến tôi nghĩ nhiều đến những yếu tố hàng ngày hàng giờ “gia công sự phẳng của thế giới” đang thực sự hiện hữu trên đất nước tôi, như máy tính, Internet, các phần mềm xử lý công việc bày bán nhan nhản khắp các cửa hàng software trên phố Tạ Quang Bửu, hàng ngày để phục vụ cho công việc và học tập tôi vẫn vào Wikipedia tìm tài liệu, v.v...
Nhưng, “Thế giới Phẳng” cũng làm tôi liên tưởng tới một nơi vô cùng thiêng liêng đối với tôi, đó là ngôi làng tôi được sinh ra và nuôi lớn. Làng tôi nghèo như bao làng thuần nông Việt khác, lại hơi “sâu và xa”, do vậy càng nghèo. Đem những gì còn lại trong ký ức để so sánh với hiện tại, tôi vẫn thấy nó bình yên như thế, không thay đổi nhiều và cũng không có gì khiến nó thay đổi được rõ rệt.
Làng tôi vẫn vậy, vẫn những thửa ruộng bậc thang nối tiếp canh tác một vụ, con đường từ nhà tôi lên nhà ngoại gần 2 cây số vẫn là rặng thông của nhiều năm về trước. Không có gì khác nhiều! Dù tôi đã 30 tuổi và có gần 10 năm xa quê...
“Thế giới Phẳng” làm tôi nhớ tới cảm giác lần đầu tiên, khi một đứa học trò nhà quê là tôi được chạm vào chiếc máy tính cũ kỹ của trường. Tôi còn nhớ tôi đã run lên như thế nào, phải chế ngự sự hồi hộp ra sao, và một cảm giác gần như là trọng đại lắm dấy lên trong tôi khi tôi được chạm vào nó. Tôi đã chạm thật nhẹ vào máy như thể nếu làm mạnh hơn nó sẽ đau hoặc sẽ hỏng.
Kể từ ngày đó đến nay đã chục năm, học trò quê tôi vẫn đang có cảm giác này khi đứng trước một yếu tố làm phẳng thế giới. Tôi chợt nghĩ, phải chăng cái nghèo đã làm cho đám học trò quê, được coi là trưởng thành như chúng tôi, tuy đã trở thành nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển của đất nước nhưng vẫn còn đang loay hoay để có được những phẩm chất cần thiết cho người lao động hiện đại của Thế giới Phẳng?
Tôi hay nghĩ tới khía cạnh văn hóa, dòng chảy văn hóa mà chúng tôi được thấm nhuần từ trong phôi thai, và muốn nhìn nó với con mắt thật sự khách quan tới mức có thể nhất. Liệu rằng, tất cả những giá trị truyền thống là hoàn toàn tốt đối với việc phát triển vốn con người hiện đại?
Jame S. Coleman cho rằng “vốn con người được tạo ra từ những thay đổi trong con người mang đến những khả năng và các kỹ năng khiến họ có thể hoạt động theo những cách mới”, không giống như vốn vật chất – là hữu hình – thì vốn con người ít hữu hình hơn.
Còn theo Gary Becker, vốn con người sẽ bao gồm các hoạt động tích lũy (kinh nghiệm sống, tri thức, kinh nghiệm làm việc, các giá trị vật chất), các thói quen (cả thói quen tốt và thói quen xấu), tất cả tạo nên lối sống điển hình.
Và như vậy, nói theo Gary Becker thì, liệu tất cả những giá trị truyền thống làng xã có tạo nên ở người lao động hiện đại những thói quen xấu hay không? Nói cách khác, những giá trị truyền thống được có cấu thành trong lối sống con người hiện đại hay không?
Con người Việt Nam trong lịch sử là những con người của làng xã, của lũy tre, ao làng. Cho đến nay, những hình ảnh này vẫn đi vào dòng chảy văn hóa như những đặc trưng nhất của văn hóa làng Việt Nam.
Nói về đặc điểm mô hình làng xã Việt, tôi lại nhớ đến nhận xét của một vị toàn quyền Đông Dương đầu thế kỷ trước, ông P. Pasquer: “Một tổ chức phức tạp như thế, dễ bảo như thế, một tổ chức mà trong đó không bao giờ thấy có một viên kỳ mục nào hành động đơn độc cả, một tổ chức đã tồn tại theo truyền thống từ rất xa xưa, tổ chức đó chúng ta không nên động chạm tới, kẻo làm dân chúng bất bình, xứ sở rối loạn” (*).
Và chúng ta thấy rõ ràng, cùng với lịch sử, những đợt xâm nhập văn hóa của giặc ngoại xâm với mục đích làm đảo lộn xã hội tiểu nông ấy không thu được nhiều kết quả. Lối sống của những người nông dân thuần chất - và nói chung, những ngôi làng Việt Nam - chưa bị tác động gì nhiều. Cũng bởi vậy mà làng Việt Nam đã cùng dân tộc trả qua bao biến cố, thăng trầm song nó vẫn tồn tại.
Hiện nay, dưới tác động của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa, làng nông thôn truyền thống và lối sống nhà nông ít nhiều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, những giá trị văn hóa mà nó hun đúc, nuôi dưỡng, gìn giữ thì không thể một sớm, một chiều thay đổi, vì nó đã ăn sâu trong tiềm thức của mỗi người con của làng, tạo nên những đặc trưng về lối sống.
Những đặc trưng này được tạo nên bởi bối cảnh nào?
1. Mô hình làng xã nông nghiệp khép kín
Lịch sử đã chứng minh, sở dĩ, chúng ta có thể thắng được nhiều kẻ địch mạnh gấp nhiều lần trong lịch sử giữ nước cũng chính là nhờ mô hình – thiết chế xã hội này. Mô hình làng xã khép kín chống lại sự xâm nhập của những ảnh hưởng văn hóa bên ngoài, chống lại âm mưu đồng hóa, đồng thời, hun đúc và bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống.
Tuy nhiên, mặt khác, không thể phủ nhận tính chất khép kín của làng đã kìm hãm sự phát triển thông qua cách mà bản thân hệ thống này kìm hãm sự giao lưu kinh tế, văn hóa; thông qua việc hình thành và phát triển lối sống tự cung, tự cấp lâu đời.
Về kinh tế, lối sống này khiến cho khả năng chuyển đổi sang cơ chế kinh tế thị trường gặp rất nhiều gian nan. Bất chấp sự náo nhiệt, sôi động của thị trường kinh tế bên ngoài, nhịp sống kinh tế - xã hội của những làng thuần nông vẫn thay đổi rất chậm chạp. Người lao động do đó cũng không năng động theo.
Có thể nói, chính vì cơ chế khép kín này mà dù là một nước có lịch sử lâu đời, hiện nay thuộc hàng những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, thì nền nông nghiệp Việt Nam vẫn lạc hậu. Các số liệu thống kê khiến chúng ta không khỏi giật mình.
2. Cung cách sản xuất
Chúng ta hay nhắc tới “lối sống tiểu nông”, đó chính là lối sống cần cù, nhẫn nại nhưng đi liền với những phẩm chất này lại là sự thiếu mạo hiểm, táo bạo để lập nghiệp.
Việt Nam có nhiều thuận lợi về tự nhiên, cả một thời kỳ chúng ta luôn nói “rừng vàng, biển bạc”, nhưng chúng ta lại chưa tận dụng được các thế mạnh này triệt để. Chúng ta có những mỏ dầu lớn, nhưng chúng ta không có một nhà máy lọc dầu tầm cỡ, dầu của chúng ta đến với thế giới là dầu thô, rất rẻ.
Chúng ta có những cánh đồng phù sa màu mỡ, nhưng sản phẩm cũng chưa đạt tới chất lượng quốc tế. Chúng ta có ba ngàn cây số bờ biển, nhưng không có những cảng biển quốc tế, những đội thương thuyền vượt đại dương.
Tâm lý tiểu nông cũng ăn sâu vào tư duy của người lao động, khiến họ không dám mạo hiểm, tâm lý an phận khiến họ không đủ quyết tâm, con người dễ thỏa hiệp, bằng lòng với chính mình.
Lối sống tiểu nông còn hạn chế tầm nhìn chiến lược trong phát triển. Một ví dụ: tuy là một trong 6 thành phần kinh tế cơ bản, nhưng kinh tế hộ gia đình ở mức thuần nhất có rất nhiều hạn chế. Sự liên kết sản xuất giữa các hộ là hầu như không có, “đèn nhà ai, nhà nấy rạng”, phát triển kinh tế hộ và bỏ qua những yếu tố khác như về môi trường rất phổ biến ở nông thôn Việt Nam.
Đơn cử: một gia đình tăng gia lợn thì mấy gia đình xung quang phải chịu đựng mùi hôi thối, hay những thửa ruộng xung quanh chịu thất bát quanh năm vì lúa lốp. Đã có những cảnh báo dành cho môi trường nông thôn, đặc biệt là ở những làng nghề truyền thống, đang ở tình trạng báo động về ô nhiễm không khí, nguồn nước và đất.
3. Kỹ thuật sản xuất
Kỹ thuật sản xuất là cái đã có từ ngàn đời của xã hội Việt Nam cổ truyền, được lưu giữ, sử dụng trong sản xuất suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm nay, sự thay đổi có thể nói là không nhiều, vẫn không thoát khỏi mô hình bao đời nay “con trâu đi trước – cái cày theo sau”.
Hình ảnh người nông dân lái máy cày – công nhân nông nghiệp – có từ những năm miền Bắc xây dựng XHCN (1960), cho tới nay vẫn không thể trở thành hình ảnh chủ đạo được do điền thửa manh mún mà người dân không chịu dồn điền, đổi thửa, sẵn sàng chấp nhận sử dụng kỹ thuật thô sơ, thậm chí là phải “kéo cày thay trâu” vì thửa ruộng quá nhỏ, không thể dùng trâu được.
Lối sống tiểu nông - làng thuần nông đã sản sinh một nền kinh tế khép kín đến độ hoàn hảo. Các ngành nghề thủ công rất tinh xảo song phải đợi cả một thời gian dài mới có thể thoát ra khỏi thị trường chợ phiên để gia nhập nền kinh tế thị trường. Nhưng ở đó, phẩm chất “khôn lỏi” của người lao động lại có dịp thể hiện trên những sản phẩm rất bắt mắt mà chất lượng thì không kiểm soát được, bởi cách nghĩ chạy theo số lượng và lợi nhuận.
Những xu hướng ngược lại thật sự khó khăn và chật vật để tồn tại. Có thể nói về kỹ thuật, có thể nói về cái tâm với nghề, nhưng không thể không nói đến tầm tư duy chiến lược khi làm kinh tế, một yếu tố rất thiếu ở nhiều người lao động nông thôn.
4. Cung cách làm ăn
Người lao động từ nông thôn vẫn chịu ảnh hưởng của thói quen ứng xử của xã hội tiểu nông, với tư duy “năng nhặt chặt bị” và khuyến khích “khéo tay hay làm”, “trăm hay không bằng tay quen”. Cho dù đây là những đức tính tốt mà các bà mẹ Việt Nam vẫn giáo dục con theo hướng đó, nhưng xét ở một góc độ khác, chính những đức tính này sẽ kiềm giữ con người trong những khuôn khổ, thói quen nhất định, khó bỏ qua chúng để tiếp nhận những giá trị mới, để làm cái mới.
Với năng suất lao động thấp, nền kinh tế lạc hậu thì không thể hứa hẹn gì nhiều về giá trị thặng dư cũng như tài sản tích lũy. Vì thực tế, người ta không thể cải tiến kỹ thuật bằng cách “năng nhặt chặt bị”. Cung cách này cũng còn có thể dẫn tới tâm lý “bớt bát mát mặt” - chi tiêu dè xẻn đi một chút thay vì tìm cách kiếm tiền chính đáng, người ta dễ bằng lòng và tự thích nghi với thực tại.
“Khéo tay hay làm” sẽ dẫn tới chủ nghĩa kinh nghiệm, đề cao “trăm hay không bằng tay quen” cũng đồng nghĩa với việc tán dương, khuyến khích chủ nghĩa kinh nghiệm mà bỏ qua sự tìm tòi, sáng tạo và tinh thần học hỏi, cầu tiến, đầu tư phát triển năng lực thông qua đầu tư cho giáo dục. Cung cách làm ăn ấy cũng tất yếu dẫn tới sự bảo thủ, trì trệ trong công việc, giải quyết công việc theo lối mòn quen thuộc.
Tư duy “sống lâu lên lão làng” càng trở thành rào cản ghê gớm vì nó thui chột mọi khát vọng của lớp trẻ. Hiện nay, tư tưởng này đã mờ nhạt hơn trước, nhưng một thực tế khác - “con ông cháu cha” - cũng là một nguy cơ đe dọa những bạn trẻ khao khát cơ hội được cống hiến. Nguy cơ chảy máu chất xám, lãng phí chất xám đã hiện ra trước mắt…
Trên đây chỉ là những suy nghĩ và cảm nhận cá nhân lan man sau khi đọc “Thế giới Phẳng” - đồng thời cũng là thành quả của quá trình hun đúc giá trị và tiếp thu văn hóa của cá nhân, những giá trị xưa cũ và thiêng liêng, cũng như những giá trị hiện đại và thực tế. Một cách rụt rè, mong muốn được chia sẻ cùng các bạn.
(*) Đào Duy Anh: “Việt Nam Văn hóa Sử cương” (NXB TP Hồ Chí Minh, 1992, tr. 81).