Hỏi: Kính bạch Hòa Thượng! Nếu như có một người già ốm bệnh hoạn sống dở chết dở, muốn tự mình hoặc nhờ người giúp đỡ chấm dứt cuộc sống của mình để không khổ mình và phiền khổ mọi người, Vậy người này có phạm tội tự sát không? Có phải là trốn nghiệp không? Và nếu có người giúp đỡ có bị tội không?
Đáp: Người tự tử là người có tội giết người mặc dù mình tự sát vẫn có tội như giết người khác, tội giết mình còn nặng hơn tội giết người khác, cũng như tội làm khổ mình còn nặng tội hơn tội làm khổ người. Vì chính mình, mình còn làm khổ cho mình thì có ai mà mình từ bỏ. Tội tự giết mình còn mang thêm một cái tội nữa là tội trốn tù. Người giúp cho người tự tử là người có tội tòng phạm giết người.
Người già ốm bệnh hoạn sống dở chết dở, nên tự mình hoặc nhờ người khác để chấm dứt cuộc đời. Đối với luật nhân quả thì người đó tránh né trốn tội và như vậy tội còn nặng hơn.
Luật nhân quả rất công bằng khi một người làm ác thì phải trả quả khổ. Già, ốm, bệnh hoạn sống dở chết dở là đang trả những quả mà trước kia mình đã gieo nhân ác. Sao bây giờ vội tự sát để tránh quả khổ này ư? Nếu tránh được quả khổ thì làm sao còn có luật công lý và công bằng được? Đừng nghĩ rằng chết là hết khổ, chết là một sự tiếp nối trong đau khổ hơn. Nếu tự sát chết cho hết khổ, điều này không bao giờ có được. Luật nhân quả không phải lấy cái chết là hết tội được, đối với luật pháp thế gian chết là hết tội, nhưng với luật pháp của nhân quả thì chết sẽ tiếp tục trả quả khổ kế tiếp và tội còn nặng hơn. Tại sao vậy?
Tại vì khi tự sát, mình mắc tội giết người và còn thêm một cái tội nữa là tội trốn tù. Cho nên kẻ tự sát là kẻ trốn nghiệp, những người tự sát như vậy là những người hèn nhát trước cái khổ mà trốn tránh, không dám nhìn thẳng cái khổ, không dám lấy cái khổ làm niềm vui cho mình, không dám lấy cái khổ để trả nghiệp, không biết chuyển khổ làm vui, chuyển họa làm phước, xưa đức Phật dạy:
“Đứng lại thì chìm xuống
Tiến tới thì trôi dạt
Chỉ có vượt qua”.
Kẻ gặp khổ mà đứng lại là kẻ hèn nhát chỉ biết kêu khóc, rên la, than thân, trách phận, oán trời trách người, làm như vậy có lợi ích gì? Hoặc vào chùa cúng bái, tế lễ, cầu xin thì cũng chẳng bao giờ giải quyết được gì? Hoặc trốn bỏ đi tu vào chùa thì những người này có tìm sự giải thoát chỗ nào được, đó là hạng người tránh né.
Kẻ gặp khổ cầm dao tự sát, hay uống thuốc độc hoặc thắt cổ, nhảy sông trầm mình tự tử, đó là những người trôi dạt, những người hèn nhát, những người này bị nhân quả xỏ mũi, những người này nô lệ cho nhân quả, những người này vô đạo đức thiếu ý chí làm người.
Người ta cứ nghĩ rằng khi chết là hết khổ, sự thật không phải thế, khổ là do nhân quả, ăn ở chẳng lành khiến cho bao nhiêu người khác khổ, vì thế mà phải thọ quả khổ để đền trả những điều mình đã làm ác và như vậy không phải là đạo lý. Tại sao làm cho kẻ khác khổ bây giờ lại trốn tránh? Một đời dám ăn thịt chúng sanh, biết bao nhiêu xương máu và sự đau khổ của loài vật khác đã đem vào cuộc sống của mình mà bây giờ không dám nhìn thẳng sự khổ ấy? Không dám vui nhận sự khổ ấy? Cớ sao lại phải tự tử. Tự tử đâu có nghĩa là thoát khổ mà còn phải thọ khổ gấp trăm ngàn lần. Tại sao vậy ?
Vì tự tử tội ác chồng lên tội ác, các phật tử đừng nghĩ rằng mình tự giết mình là vô tội. Đối với luật nhân quả không có thời gian và không gian, nó chỉ biết có thiện và ác mà thôi, vì không có không gian nên nó trừng phạt quý vị chịu khổ đau trong nhiều thân và nhiều kiếp; vì không có thời gian nên sự thưởng phạt của nó liên tục không gián đoạn, nên quý vị bỏ thân này thì lại tiếp tục thân kia để chịu khổ đau và cái khổ đau này lại chồng lên cái khổ đau khác nữa.
Người tự tử đối với luật nhân quả được xem là tội giết người, phải xử phạt tội như xử phạt kẻ cố sát, còn thêm một tội nữa là tội trốn pháp luật (luật định của nhân quả).
Người giúp đỡ cho người tự tử cũng là có tội tòng phạm giết người. Một lời nói khiến cho người ta chết là tội giết người. Rầy mắng con cái khiến con cái tự tử là tội giết người. Vợ chồng rầy rà cãi vã khiến chồng hoặc vợ tự tử đều là tội giết người.
Tóm lại, người tử tự là người trốn luật nhân quả, là con người không thể nào trốn luật nhân quả được, dù trốn bất cứ nơi đâu cũng không thể thoát khỏi, trốn luật nhân quả càng trốn luật nhân quả là bị luật nhân quả chi phối nặng thêm tức là thọ khổ nhiều hơn nữa, chỉ có điều duy nhất là tâm bất động trước luật nhân quả là đã chuyển được nhân quả.
Hỡi các phật tử! Tất cả những sự đau khổ tận cùng của sinh mạng con người, nếu ai không dao động tâm, thì thân tâm người ấy sẽ mát lạnh, chính người ấy đã chuyển được nhân quả của người ấy, người ấy thoát khổ.
Bởi vậy người tự tử là người ngu si tự mình làm khổ thêm cho mình, tạo thêm tội ác cho mình, Đức Phật dạy: “thọ là vô thường” có gì mà chúng ta phải sợ, vì thọ có khi có, có khi không, có gì mà chúng ta lo sợ, mà tự tử phải không quý vị.
Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây